Nhận định về giá cổ phiếu ngân hàng, ông Don Lam, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư VinaCapital cho biết, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt quá xa so với giá trị thực. Ngoài nguyên nhân ảnh hưởng bởi xu thế chung của thị trường, sự sụt giảm của cổ phiếu ngành này trong 3 tháng qua một phần do giá đã tăng cao. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng, giá cổ phiếu ngân hàng đã xuống thấp nên vẫn dành một phần vốn để chờ cơ hội đầu tư. Theo dự báo của ông Don Lam, trong những tháng còn lại của năm 2007, giá cổ phiếu ngân hàng chưa hẳn sẽ tăng trở lại nhưng cũng không thể sụt giảm thêm so với mức giao dịch hiện nay. Giá cổ phiếu ngân hàng sẽ diễn biến theo hình răng cưa và tăng nhẹ. Đồng quan điểm trên, ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital cho hay, giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm nhiều nên khó có thể xuống thấp hơn. Hiện cổ phiếu ngân hàng đã kém hấp dẫn nhà đầu tư hơn so với hồi đầu năm 2007.
Theo ông Dominic, đầu tư vào chứng khoán, bên cạnh những thắng lợi, nhà đầu tư phải biết chấp nhận rủi ro. Để thành công, nhà đầu tư cần có cái nhìn trung và dài hạn, còn nếu đầu tư ngắn hạn phải chấp nhận rủi ro. Nhà đầu tư cần biết đánh giá về tiềm năng và cách quản trị của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và trong tương lai trước khi rót vốn, đồng thời chú trọng đến những lĩnh vực có tiềm năng phát triển. “So với các ngành nghề khác, ngân hàng vẫn là lĩnh vực hứa hẹn nhiều tiềm năng. Cụ thể, tính đến nay, tổng tín dụng trên mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là trên 55%, trong khi ở Mỹ đạt trên 400%; số tài khoản của người dân Việt Nam sử dụng tại ngân hàng chỉ chiếm 8% trên tổng dân số, còn nhiều nước trên thế giới, tỷ lệ này đạt trên 100%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng của Việt Nam vẫn còn rất lớn”, ông Dominic nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Dominic thừa nhận, do diễn biến và tình hình cung cầu trên thị trường đang làm giảm sức hút của cổ phiếu ngân hàng. Ngoài lượng cung lớn đổ vào thị trường trong thời gian tới với các đợt IPO của doanh nghiệp nhà nước lớn, kế hoạch phát hành cổ phiếu tăng vốn của nhiều ngân hàng cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rớt giá. Thêm vào đó, các ngân hàng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ nhiều phía. Cụ thể, lãi suất ngân hàng thời gian qua đã tăng quá cao, trong khi tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng gấp đôi, kéo theo chi phí đầu vào bị đẩy lên; tỷ lệ lạm phát đang gia tăng cũng gây sức ép cho ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng sinh lời trong kinh doanh. Từ những thực tế này đã làm cổ phiếu ngân hàng đang mất dần sức hút đối với nhà đầu tư.
Ông Johan Nyvene, Giám đốc CTCK TP.HCM (HSC) khẳng định, ngân hàng vẫn là lĩnh vực an toàn và tiềm năng để nhà đầu tư bỏ vốn. Tuy nhiên, ông Johan thừa nhận, không phải cổ phiếu của tất cả ngân hàng sẽ tăng trưởng trở lại trong tương lai, điều này còn phụ thuộc vào quy mô cũng như chiến lược phát triển của từng nhà băng. Nếu ngân hàng có quy mô và mức tăng trưởng tốt, khả năng đứng vững và cạnh tranh cao trong bối cảnh thị trường tài chính Việt Nam được dự báo sắp có “làn sóng” sáp nhập và mua lại thì chắc chắn sẽ khiến cổ phiếu tăng giá. Ngược lại, giá cổ phiếu của những ngân hàng yếu kém sẽ khó giữ vững được mức ổn định. Do vậy, theo ông Johan, để thành công khi bỏ vốn vào lĩnh vực ngân hàng, nhà đầu tư nên có sự lựa chọn rõ ràng, đồng thời tránh đầu tư vào những nhà băng có nguy cơ bị sáp nhập.
Trước tình hình TTCK diễn biến khó lường như hiện nay, khả năng thực hiện kế hoạch IPO của Vietcombank sẽ không diễn ra đúng như thời hạn dự kiến. Một số chuyên gia chứng khoán cho rằng, nhiều khả năng cổ phiếu ngân hàng sẽ lập lại mặt bằng giá mới sau khi Vietcombank thực hiện IPO. Trường hợp cổ phiếu Vietcombank được định giá cao, cổ phiếu ngân hàng sẽ có cơ hội tăng giá trở lại nhưng ngược lại, khó ngăn được tình hình sụt giảm. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, nguồn vốn của nhà đầu tư trong và ngoài nước dành để tham gia vào IPO của Vietcombank và một số ngân hàng thương mại nhà nước trong thời gian tới là rất lớn, trong đó có sự góp mặt của các ngân hàng cổ phần.