Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Thursday, July 19, 2007

news 19/07

Ngày 19/07/2007, 17:26
Thêm 2 công ty chứng khoán được thành lập
(ĐTCK-online) Ngày 18/7, UBCKNN đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp giấy phép kinh doanh chứng khoán cho Công ty cổ phần Chứng khoán VNS. Theo đó, VNS thực hiện các nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, lưu ký, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán. VNS có vốn điều lệ 161 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 1 Toà nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.

Trước đó, UBCKNN đã cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho Công ty cổ phần Chứng khoán FPT. Công ty có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trụ sở tại tầng 2, Toà nhà 71 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội. FPT thực hiện các nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, lưu ký, tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư và bảo lãnh phát hành chứng khoán.

Giới thiệu phần mềm của Công ty DSTi (Mỹ) dành cho các CTCK Việt Nam
(ĐTCK-online) Ngày 18/7, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSTC) đã tổ chức Hội thảo giới thiệu phần mềm Front và Back office và giao dịch qua internet của Công ty phần mềm DSTi (Mỹ) dành cho các công ty chứng khoán ở Việt Nam.
Phần mềm này bao gồm: giải pháp giao dịch chứng khoán (GDCK), GCK phái sinh, giao dịch qua internet, giải pháp back office cho GDCK và chứng khoán phái sinh. Giải pháp hoàn chỉnh này có khả năng kết nối trực tiếp vào hệ thống tại Sở GDCK và vì vậy giúp các doanh nghiệp có thể đạt chuẩn STP (khả năng giao dịch xuyên suốt) trong hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Theo ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc HoSTC, hội thảo này là cơ hội tốt để các thành viên thị trường có dịp trao đổi và tìm hiểu hoạt động của hệ thống giao dịch qua internet, sự liên kết giữa hệ thống front và back office, do công ty DSTi sản xuất để áp dụng cho các công ty chứng khoán ở Việt Nam trong tương lai.
Bà Rhonda L.Lepsch, Giám đốc điều hành DSTi châu Á cho biết, DSTi hiện có hơn 700 khách hàng trên 55 quốc gia, năm tài chính 2006, DSTi đạt doanh số hơn 200 triệu USD. DSTi vào thị trường Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2000 khi cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho HoSTC.
Công ty hiện có 5 khách hành tại Việt Nam và đang tích cực chuẩn bị thành lập Văn phòng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào cuối năm 2007.

Chứng khoán Tân Việt mở sàn giao dịch tại TP. HCM

(ĐTCK-online) Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt có trụ sở chính tại Hà Nội sẽ chính thức khai trương sàn giao dịch, chi nhánh TP. HCM vào ngày 25/7 tới.

Tân Việt có vốn điều lệ là 128 tỷ đồng, dự kiến tới cuối năm 2007 sẽ tăng vốn lên 300 tỷ đồng. Hiện nay, số lượng nhân viên của Tân Việt là 110 người cho cả hai văn phòng tại Hà nội và TP. HCM.

Ngoài lĩnh vực tự doanh chứng khoán, Tân Việt còn cung cấp cho các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước những cơ hội đầu tư hiệu quả, với chi phí thời gian và công sức thấp nhất qua các dịch vụ mang tính chuyên nghiệp cao như: môi giới chứng khoán; tư vấn đầu tư chứng khoán; lưu ký chứng khoán.

Tân Việt cho biết, nhằm tạo điều kiện cho việc giao dịch của các nhà đầu tư, Công ty sẽ phát triển hệ thống đại lý nhận lệnh trên khắp 20 tỉnh, thành phía Nam, tại các chi nhánh của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) - cổ đông chiến lược của Tân Việt.

TP.HCM: giá đền bù cao nhất từ trước đến nay

Thứ Năm, 19/07/2007, 06:02 (GMT+7)

TP.HCM: giá đền bù cao nhất từ trước đến nay

TT (TP.HCM) - UBND TP.HCM vừa thông qua đơn giá bồi thường thuộc dự án xây dựng Trường THPT Năng khiếu thể dục thể thao tại số 2 Đinh Tiên Hoàng, Q.1. Theo đó, mức giá đền bù mặt tiền đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ Lê Duẩn đến Điện Biên Phủ) là 50,5 triệu đồng/m2; lối đi nội bộ khuôn viên sân vận động Hoa Lư là 35,36 triệu đồng/m2.

Trước đó, UBND TP cũng chấp thuận giá đền bù đối với dự án xây dựng chung cư 134A Lý Chính Thắng, P.7, Q.3. Cụ thể mặt tiền đường Lý Chính Thắng 52 triệu đồng/m2, không mặt tiền đường 36 triệu đồng/m2. Giá đền bù cho các trường hợp trên là đất hợp pháp và gấp 3,6-5 lần so với bảng giá đất qui định do UBND TP ban hành.

Theo một cán bộ Sở Tài chính, đây là hai dự án của Nhà nước có giá đền bù cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy mức giá đền bù tại các dự án đang theo xu hướng sát với giá thị trường (trong điều kiện bình thường) như qui định.

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=211222&ChannelID=204

Wednesday, July 18, 2007

‘‘CP đối ngoại’’: chuyện không của riêng ai

Ngày 17/07/2007, 18:42
‘‘CP đối ngoại’’: chuyện không của riêng ai

(ĐTCK-online)Cuối tuần trước, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã gửi bản công bố thông tin đến ĐTCK giải thích về những thông tin cho rằng, Vinamilk đã lấy cổ phần của người lao động để “đối ngoại”.

Trong bản công bố thông tin, Vinamilk ghi rõ: “Xét thấy trong quá trình hình thành và phát triển của Công ty, ngoài việc đóng góp của các CBCNV hưu trí từ năm 1975 đến năm 2003, Công ty còn được sự hỗ trợ rất lớn từ CBCNV các cơ quan chức năng và các đối tác kinh doanh có liên quan. Với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, Đại hội (Đại hội đại biểu công nhân viên chức bất thường tổ chức ngày 7/10/2003) đã nhất trí cao (95,75%) trích 10% trên tổng số cổ phiếu của CBCNV được quyền mua bằng mệnh giá (tức 1,112% của vốn điều lệ) để bán cho các đối tượng nêu trên. Ngoài cán bộ hưu trí, cán bộ của các đơn vị là đối tác, các đối tác bên ngoài được mua 49.250 cổ phiếu ưu đãi này. Đây chính là các cổ phiếu được coi là cổ phiếu đối ngoại dành cho đối tượng là CBCNV các cơ quan chức năng”.

Chuyện cổ phiếu đối ngoại không chỉ có ở Vinamilk mà ở nhiều doanh nghiệp cổ phần hoá khác cũng đã xảy ra. Theo lời cựu giám đốc một công ty cổ phần về giao nhận và cảng biển, dự án không phải tự nhiên mà có. Ông này trong thời gian làm giám đốc đã phải nhường suất mua cổ phiếu ưu đãi của mình cho những đối tượng khác. Sau khi thôi giữ chức giám đốc, tại ĐHCĐ của công ty, ông đã kêu gọi các cổ đông thông cảm với Ban giám đốc mới và cho họ một cơ chế để có thể đối ngoại.

Trong nội bộ các doanh nghiệp, cổ phiếu đối ngoại là chuyện ai cũng hiểu và cũng dễ thông cảm. Nhưng bán cổ phiếu ưu đãi cho đối tượng là cán bộ cơ quan quản lý nhà nước rất khó xác định là hành động cảm ơn hay hối lộ, vì thế đây lại là điểm nhạy cảm gây ra kiện cáo khi doanh nghiệp mất đoàn kết nội bộ. Lưu ý là danh sách người được mua cổ phiếu đối ngoại ở các doanh nghiệp thường được giữ bí mật. Mà chuyện gì phải bí mật thường ẩn chứa nhiều câu hỏi không dễ trả lời mà chúng ta vẫn gọi là vấn đề nhạy cảm hay tế nhị.

Thành Nam

Điều gì đang xảy ra đối với cổ phiếu FPT?

Điều gì đang xảy ra đối với cổ phiếu FPT?

Phiên giao dịch ngày 13.7 được coi là cột mốc đáng nhớ của cổ phiếu (CP) FPT: Các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) bán ra ào ạt theo phương thức khớp lệnh với tổng khối lượng lên tới trên 1 triệu CP. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch của FPT, các NĐTNN lại có động thái bán CP FPT với khối lượng cực lớn. Tổng giá trị giao dịch của FPT đạt 313 tỉ đồng, chiếm gần 50% giá trị khớp lệnh toàn thị trường.

Trong phiên giao dịch ngày 14.7, giá CP của FPT tiếp tục giảm, các NĐTNN bán CP FPT với khối lượng còn lớn hơn. Kết thúc phiên giao dịch ngày 14.7, FPT khớp lệnh ở mức 290.000 đồng/CP với giá trị giao dịch (cả khớp lệnh lẫn thỏa thuận) lên tới gần 330 tỉ đồng. Nhận xét về động thái này của các NĐTNN, phó giám đốc khối giao dịch của một công ty chứng khoán (CTCK) lớn tại TP.HCM nói: "Có thể đây là ảnh hưởng mà bản báo cáo của Merrill Lynch đưa lại. Các NĐTNN có thể bán CP FPT để sau đó mua lại với giá thấp hơn hoặc để tìm một cơ hội khác".

Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ của Việt Nam thì nhận xét: "Có thể NĐTNN bán CP của FPT khi công ty này mở rộng vào nhiều lĩnh vực hoạt động, rời xa lĩnh vực thế mạnh của họ là viễn thông và công nghệ thông tin". Ông này nói: "Về mặt nguyên tắc, khi một công ty chuyển hướng trong lĩnh vực hoạt động thì các NĐT sẽ bán CP của công ty đó vì công ty chưa khẳng định được vị trí của họ trong lĩnh vực mới. REE trước đây là một ví dụ. Phải mất một thời gian sau khi REE công bố tham gia vào lĩnh vực bất động sản, các NĐT mới chấp nhận và đánh giá lại CP của REE, giá thị trường của CP này mới phục hồi. Trong thời gian REE chuyển đổi lĩnh vực hoạt động, giá CP của REE không mấy khả quan".

Giám đốc một CTCK tại Hà Nội - người đã có nhiều năm nghiên cứu về chứng khoán tại Mỹ nhận xét: "Tỷ lệ NĐTNN được phép mua ở FPT còn rất nhiều nhưng họ lại bán thay vì mua vào. Đây là điểm khá đặc biệt vì các NĐTNN thường mua thêm vào đối với các blue-chip khác như VNM, STB, GMD, REE... Theo kinh nghiệm tại các tập đoàn lớn trên thế giới, các tập đoàn này chỉ thành công khi họ tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Nói đến Toyota là xe hơi, Microsoft là phần mềm, Intel là bộ vi xử lý... Giờ đây, khi nói đến FPT người ta có thể bị lẫn bởi thương hiệu FPT không còn tập trung vào viễn thông và CNTT nữa mà là đủ thứ: đào tạo, chứng khoán, bất động sản... Đây có thể là lý do khiến cho các NĐTNN lo lắng".

Có một điểm trùng hợp ngẫu nhiên là vào đúng ngày FPT chính thức nhận giấy phép thành lập CTCK FPT cũng là ngày các NĐTNN bán một khối lượng rất lớn CP FPT. Tuy nhiên, trái với việc bán mạnh CP FPT của các NĐTNN, các NĐT trong nước lại khá hồ hởi "nhập" FPT trong phiên 13.7.

Trao đổi với phóng viên, một thành viên cấp cao trong ban điều hành của FPT đồng thời là Ủy viên Hội đồng quản trị FPT có vẻ không mấy vui vẻ. Ông này nói: "Chúng tôi vẫn làm ra tiền ngon lành và đầy đủ cho cổ đông. Còn chuyện giá CP trên TTCK là do các NĐT mua đi, bán lại, chúng tôi chịu, không thể can thiệp vào việc đó". Trả lời câu hỏi về thông tin FPT lãi khoảng 30 triệu USD trong 6 tháng đầu năm, vị lãnh đạo này của FPT không phủ nhận nhưng cho biết: "Mọi chỉ tiêu về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của FPT đều vượt xa so với dự kiến. Tuy nhiên, tôi không thể công bố được con số chính thức bởi điều đó là vi phạm quy định về công bố thông tin. Các thông tin chính thức sẽ được công bố vào cuối tuần này hoặc trong tuần tới". Một nguồn tin riêng cho biết, NĐTNN bán ra FPT với khối lượng lớn là một cổ đông chiến lược của FPT.

Lãnh đạo cấp cao của một quỹ đầu tư cho biết, quỹ của ông này đang có ý định giảm tỷ lệ sở hữu CP của FPT bởi công ty này mở rộng hoạt động rời xa lĩnh vực kinh doanh chính. Tuy nhiên, sau khi nghe thông tin hành lang về việc các hoạt động chính của FPT lãi lớn trong 6 tháng đầu năm, vị tổng giám đốc này nhận xét: "Nếu các thông tin về lãi 30 triệu USD là đúng cũng có nghĩa là các hoạt động kinh doanh chủ chốt của FPT vẫn tốt thì chúng tôi sẽ chưa bán CP FPT".

Tổng giám đốc một CTCK tại Hà Nội nhận xét: "Thị trường bây giờ đang có những cơ hội hấp dẫn cho các NĐT có tiềm lực, đặc biệt là các NĐTNN. Chính vì thế, không chỉ CP FPT đem lại cơ hội cho họ kiếm lợi nhuận lớn trong giai đoạn hiện nay mà cả những CP khác nữa".

Nhận diện 8 kỹ xảo giao dịch trên TTCK

Diễn đàn chứng khoán
Nhận diện 8 kỹ xảo giao dịch trên TTCK

"Kỹ xảo giao dịch trên TTCK" là cụm từ dùng để chỉ hành vi của nhà đầu tư (NĐT) dày kinh nghiệm sử dụng cách giao dịch khớp lệnh hiện hành (trên Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM) để đạt mục tiêu bán cổ phiếu (CP) với giá cao hoặc mua CP với giá thấp. Với NĐT "non nghề", việc nhận diện ra các kỹ xảo giao dịch là rất cần thiết để tránh bị "sập bẫy". Với cơ quan quản lý, nhiều kỹ xảo giao dịch dưới đây có thể coi như những minh chứng sống động cho hành vi làm giá đã và đang diễn ra trên TTCK.
Chúng tôi xin đăng tải 8 kỹ xảo giao dịch do một NĐT nhiều năm lăn lộn trên TTCK Việt Nam đúc kết nên, với hy vọng giúp các NĐT nhỏ có thể tự lý giải khi gặp những biến chuyển bất thường trên TTCK và biết cách bảo vệ mình trước cách "ra đòn" của các "đại gia" (NĐT có tiềm lực tài chính mạnh).

1. Bán CP giá sàn tạo tâm lý hoảng loạn: Đây là cách mà NĐT lớn thường sử dụng khi họ muốn mua CP ở giá rẻ hơn so với giá thị trường. NĐT này sẽ chủ động bán CP giá sàn ào ạt ở tài khoản A để tạo tâm lý hoảng loạn nơi các NĐT nhỏ. Trước hiện tượng tranh bán, NĐT nhỏ thường suy luận rằng, chắc công ty phát hành có tin xấu nên người ta mới bán tháo CP và nhao nhao bán ra theo giá sàn. Khi đó, NĐT lớn sẽ dùng tài khoản B hay C (trong hệ thống tài khoản của mình) ung dung mua lại số CP do chính mình vừa đặt bán và thu mua thêm CP của các NĐT khác bán ra ở giá rẻ. Khi NĐT lớn thấy lượng CP cần mua đã mua đủ, họ sẽ dừng "diễn kịch".

2. Mua CP giá trần tạo tâm lý hưng phấn: Khi muốn bán được CP ở giá cao, "đại gia" lại thường sử dụng chiêu bài dùng tài khoản A đặt mua ào ạt CP ở giá trần, nhằm tạo tâm lý hưng phấn cho các NĐT khác. Khi thấy một lượng lớn CP được đặt mua giá trần, nhiều người cho rằng, chắc là công ty phát hành có tin tốt, nên người ta mới dám mua cao như thế và cũng đặt mua ào ào theo giá trần. Khi đó, "đại gia" sẽ dùng tài khoản B bán dần CP ra ở giá thấp, với số lượng bán lớn hơn số lượng đặt mua ở tài khoản A. Ví dụ, mua 30.000 CP ở tài khoản A, bán 50.000 CP ở tài khoản B, nhờ đó NĐT sẽ bán được 20.000 CP ở giá tốt. Vài hôm sau, NĐT này "ngừng diễn", giá CP sẽ đứng hoặc đi xuống, ai mua theo bị thiệt thòi.
Thực tế, có những phiên giao dịch xuất hiện 2 hiện tượng trên, nhưng lại không phải là kỹ xảo của NĐT lớn tạo ra mà do tác động của thông tin thật. Để phân biệt được khi nào TTCK chịu tác động của kỹ xảo giao dịch, khi nào chịu tác động của thông tin thật, đòi hỏi NĐT phải có kinh nghiệm và bản lĩnh. Quan sát trên sàn giao dịch cho thấy, nhiều NĐT thiếu kinh nghiệm chơi chứng khoán ngắn hạn đã bị “thua liểng xiểng” chỉ vì không nhận biết được các kỹ xảo giao dịch.
Hai kỹ xảo nói trên có thể giúp NĐT lớn trục lợi, nhưng cũng có thể bị hoá giải nếu một "đại gia" khác "biết bài" và đối lại cách mua, bán của NĐT lớn. Cụ thể, kỹ xảo bán giá sàn có thể hoá giải bằng cách đặt mua ngay giá trần sẽ khiến NĐT lớn bán CP giá sàn bị mua mất ngay số CP không muốn bán. Kỹ xảo mua giá trần cũng sẽ bị hoá giải nếu có "đại gia" khác bán ngay CP giá sàn, trường hợp này NĐT lớn đặt mua giá trần sẽ phải mua ngay số CP không mong muốn.

3. Bán chặn giá trên: Kỹ xảo này cũng nhằm mục đích mua rẻ, nhưng nhẹ tay hơn kỹ xảo 1. "Đại gia" muốn mua CP giá rẻ, nhưng hoàn cảnh thị trường không cho phép thực hiện kỹ xảo 1, sẽ bán ra số lượng CP rất lớn ở tài khoản A ngay từ đầu giờ ở giá tham chiếu chẳng hạn. Trong khi ở tài khoản B, "đại gia" này chỉ đặt mua CP với lượng vừa phải và đặt giá dưới tham chiếu. Thế là ai muốn bán phải tranh bán dưới giá tham chiếu và số CP bán dưới giá tham chiếu này sẽ dễ dàng "sa bẫy" của "đại gia".

4. Mua chặn giá dưới: Kỹ xảo này nhằm bán được giá cao, song nhẹ tay hơn kỹ xảo 2. Ngay từ đầu giờ giao dịch, NĐT lớn đặt mua số lượng lớn CP ở giá tham chiếu tại tài khoản A và đặt bán số lượng nhỏ ở giá cao hơn giá tham chiếu tại tài khoản B. Thấy lượng cung ít quá so với lượng cầu, những NĐT nhỏ lao vào đặt mua giá cao để mua bằng được sẽ bị "mắc bẫy" vì ở một tài khoản khác, NĐT lớn đã trực sẵn lệnh bán lượng lớn CP với giá cao.
Các kỹ xảo 1, 2, 3, 4 nói trên làm môi trường giao dịch CP mất đi sự lành mạnh và NĐT nhỏ là người chịu thiệt thòi nhất.

5. "Rải đinh" che giá mua thật: NĐT lớn hay nhỏ đều có thể dùng kỹ xảo này để mua được giá tốt nếu không muốn mua trần. Đặt 3 lệnh ở 3 mức giá cao nhất, mỗi lệnh chỉ mua 1 lô, ví dụ 1 lô mua tại giá 35.000 đồng, 1 lô mua giá 34.900 đồng và 1 lô mua giá 34.800 đồng. Khi đó toàn bộ các lệnh mua khác bị che khuất, vì bảng điện tử chỉ cho phép hiện 3 mức giá mua cao nhất. Phía sau những thông số giả trên bảng điện là cuộc đấu trí thú vị giữa các NĐT. Có khi phần thắng lại thuộc về người không chủ động "rải đinh". NĐT nước ngoài kinh doanh trên TTCK Việt Nam cũng học được cách "rải đinh", song họ có tiềm lực tài chính mạnh, nên thường "rải đinh" to như mua 100 lô tại giá 27.000 đồng; 100 lô tại 26.900 đồng và 100 lô tại 26.800 đồng.

6. "Rải đinh" che giá bán thật: Ngược lại với "rải đinh" mua, cách "rải đinh" bán được thực hiện như sau: NĐT đặt bán ở 3 mức giá sàn thấp nhất, ví dụ bán 1 lô giá 32.200 đồng, 1 lô giá 32.300 đồng, 1 lô 32.400 đồng, khiến các lệnh bán khác bị che lấp hoàn toàn. NĐT lớn hay nhỏ đều có thể dùng kỹ xảo này để bán được giá tốt, nếu không muốn bán giá sàn.
Khi gặp kỹ xảo "rải đinh", NĐT nên để ý giá khớp dự kiến. Nếu muốn mua, nên đặt trên giá khớp dự kiến 300 đồng đến 500 đồng là có thể mua được. Nếu muốn bán, nên đặt giá bán dưới giá khớp dự kiến 300 đồng đến 500 đồng là có thể bán được. Tuy nhiên, khi có NĐT nào đó hứng lên đặt mua CP ngay giá trần hoặc bán CP ngay giá sàn thì kỹ xảo 5 và 6 hoàn toàn mất tác dụng.

7. "Rải đinh" để khớp mua giá thấp: Khi TTCK không "nóng" thì kỹ xảo này rất có tác dụng. Kỹ xảo này có đặc điểm là không đặt mua tất cả lượng CP muốn mua ở một mức giá, mà rải ra vài mức giá. Đây là sự lợi dụng nguyên tắc so sánh các sổ lệnh để khớp lệnh ở mức giá gần nhất. Ví dụ, bên bán có 5.000 CP bán ở giá sàn 24.900 đồng; nếu bên mua đặt 2.000 CP giá trần 27.500 đồng thì thị trường sẽ khớp giá tham chiếu 26.200 đồng. Song nếu bên mua lại đặt mua 1.500 CP giá trần 27.500 đồng; 200 CP ở giá 27.400 đồng; 200 CP ở giá 27.300 đồng và 100 CP ở giá sàn 24.900 đồng thì người mua sẽ được mua giá sàn.

8. "Rải đinh" để khớp bán giá cao: Có trường hợp CP khớp giá 33.600 đồng, nhưng vẫn còn dư mua tại giá 44.100 đồng. Trong trường hợp này, nếu người bán tinh ý thực hiện "rải đinh" ở giá bán 44.100 đồng thì CP đó sẽ chuyển sang khớp tại giá 44.100 đồng. Người bán sẽ bán được CP với giá cao hơn 500 đồng so với cách không dùng kỹ xảo. Do đó, khi muốn bán CP, nên quan sát đặt nhiều mức giá để khớp được giá tốt nhất.
Kỹ xảo 7 và 8 đòi hỏi NĐT phải nhanh mắt và có trí nhớ tốt để "rải đinh" chuẩn xác. Các kỹ xảo 5, 6, 7, 8 nhằm giúp NĐT mua, bán CP theo giá tốt nhất và không gây hại cho môi trường đầu tư.

Thống Nhất

Monday, July 16, 2007

portfolio

16/7 Price # Share Von $
VF1 30100 -500 2000 $3,693.25 -1.66%
PRUBF1 11,700 -100 10000 $7,177.91 -0.85%
FPT
290000 -9000 1000 $17,791.41 -3.10%
REE
146000 -4000 1000 $8,957.06 -2.74%
ITA 126000 -2000 1000 $7,730.06 -1.59%
VNM
179000 -1000 1000 $10,981.60 -0.56%
$56,331.29

Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm

Hệ thống NHTMCP Hà Nội: Nhiều khó khăn 6 tháng cuối năm
Lao Động số 162 Ngày 16/07/2007 Cập nhật: 8:56 AM, 16/07/2007


(LĐ) - Theo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2007, hệ thống 8 NHTMCP trên địa bàn Hà Nội đều có mức lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với những quy định mới trong việc nâng mức dự trữ bắt buộc và giới hạn dư nợ cho vay CK, các NH dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới.

Những con số khả quan
Hai năm gần đây, các chỉ tiêu hoạt động của NHCP HN luôn ở mức cao. Nếu như tốc độ tăng trưởng vốn huy động và dư nợ cho vay của khối các chi nhánh NHTM nhà nước đến cuối tháng 6.2007 so với cuối năm 2006 chỉ đạt tương ứng là 15,5% và 6,5%, thì các NHCP đạt mức tăng xấp xỉ 30% trở lên, trong đó một số NH có mức tăng lớn như Techcombank: 50%&38%, NHTMCP Quân đội (MB): 34,4%&29,7%, VPbank: 25%&57%...

Đạt được mức tăng này do NHCP có một số yếu tố: Mạng lưới mở rộng, năng lực tài chính tăng, chiến lược khách hàng phù hợp với xu thế thị trường (đặc biệt các NHCP có sẵn các mối quan hệ với DN nhỏ và vừa, DN tư nhân), chủ động đa dạng hoá các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường.

Một trong những hoạt động nổi bật của khối NHCP HN 6 tháng đầu năm 2007 là làn sóng khai trương chi nhánh và các điểm giao dịch mới. Thống kê cho thấy, 8 NHCP HN đã mở mới tổng cộng 40 chi nhánh và 64 phòng giao dịch, trong đó chỉ có 2 chi nhánh và 25 phòng giao dịch tại địa bàn HN. Kịch bản mở rộng mạng lưới của các NHCP HN là hướng tới các TP trực thuộc T.Ư và các vùng kinh tế trọng điểm. Việc mở rộng mạng lưới đã giúp các NHCP HN thu hút được nhiều vốn, mở rộng tín dụng, khẳng định thương hiệu...

Tuy nhiên, theo NHNN-Chi nhánh Hà Nội, các NHCP cần lường trước rủi ro khi mở rộng mạng lưới quá nhanh, quá nhiều trong khi nguồn nhân lực - đặc biệt là một số chức danh quản lý - còn ít kinh nghiệm. Bị sức ép về thu nhập nên đã có tình trạng một số chi nhánh, PGD nới lỏng điều kiện cho vay. Một số NH có dấu hiệu tăng trưởng tín dụng "nóng" tiềm ẩn rủi ro. Chi phí cho mạng lưới lớn cũng ảnh hưởng đến kết quả và hiệu quả kinh doanh.

Đối diện nhiều khó khăn
6 tháng đầu năm, kinh doanh của 8 NHTMCP Hà Nội đều có lãi. Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng lợi nhuận trước thuế của 8 NH đạt khoảng 1.431,8 tỉ đồng. Nhiều NH đã đạt lợi nhuận trước thuế vượt trên 60% kế hoạch năm, như MB bằng 75,5% kế hoạch năm, Techcombank bằng 60%...

Mặc dù nhiều NH khẳng định, chỉ tiêu lớn về cân đối và lợi nhuận đạt trong 6 tháng đầu năm sẽ tạo điều kiện tốt cho NH tiếp tục phát triển trong thời gian tới, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy lợi nhuận những tháng cuối năm 2007 của các NH sẽ không đạt cao. Hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp là quy định tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc và thực hiện lộ trình giảm mức cho vay kinh doanh CK về dưới 3%/tổng dư nợ. Trước khi có Chỉ thị 03 của Thống đốc NHNN, một số NHCP HN có mức dư nợ cho vay kinh doanh CK khá cao - từ 10% đến trên 20%/tổng dư nợ.

Với lộ trình 6 tháng cuối năm, sức ép lên các NHCP không phải nhỏ. Bị khống chế cho vay CK trong điều kiện khó mở rộng tín dụng, một vài NHCP đang khó khăn trong việc sử dụng vốn. Thậm chí, có NH hiện thừa mức dự trữ bắt buộc (không được hưởng lãi) trên 100 tỉ đồng. Để sử dụng vốn hiệu quả, các NHCP cũng đang tích cực phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho TTCK, đồng thời nghiên cứu kỹ về thị trường cho vay tiêu dùng và bất động sản.

Một sức ép nữa là nhu cầu tăng vốn điều lệ theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ về danh mục vốn pháp định của TCTD. Năm 2007, tất cả NHCP Hà Nội đều có kế hoạch tăng VĐL với quy mô 15.000 tỉ đồng CP và 3.000 tỉ đồng trái phiếu. Nếu đạt kế hoạch, đến cuối năm 2007, các NHCP Hà Nội sẽ có tổng VĐL gấp 2,1 lần cuối 2006.

Tuy nhiên, hiện nhiều NHCP rất lo lắng vì do thủ tục chào bán thêm CK kéo dài và phức tạp. Đến giữa tháng 7.2007, mới chỉ có một nửa số NHCP thực hiện tăng vốn, với giá trị chào bán 2.760 tỉ đồng CP và 1.000 tỉ đồng trái phiếu. Đây là mức thực hiện tương đối thấp và nhiều NH có khả năng không đạt kế hoạch.

Trịnh Ngọc Lan

16/7: VN-Index lại xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm

Ngày 16/07/2007, 15:44
16/7: VN-Index lại xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm

Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch đầu tuần giảm mạnh khi các phương tiện thông tin đưa ra bản báo cáo của Tập đoàn đầu tư tài chính Mỹ Merrill Lynch với những nhận định “thiếu lạc quan” về thị trường Việt Nam.

Theo bản báo cáo này, Merrill Lynch đưa ra khuyến nghị sẽ hạ mức phân bổ các khoản đầu tư của mình vào Việt Nam xuống bằng 0.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 16/7, VN-Index giảm 19,9 điểm (tương đương giảm 1,96%) xuống mức 995,83 điểm.

Thị trường ghi nhận 14 mã cổ phiếu tăng giá, 82 mã cổ phiếu giảm giá và 11 mã khác đứng giá. 2 chứng chỉ quỹ cũng giảm giá.

Tổng khối lượng giao dịch cổ phiếu đạt gần 4 triệu cổ phiếu, giảm hơn 5% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt gần 440 tỷ đồng, giảm 24,5% so với phiên trước.

STB (Ngân hàng Sacombank) là cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất thị trường với hơn 520.000 CP, tiếp đến là FPT (CTCP Phát triển đầu tư công nghệ FPT) với hơn 370.000 CP và REE (CTCP Cơ điện lạnh) với hơn 210.000 CP.

Cả 3 cổ phiếu nặng ký này đều giảm giá, trong đó STB giảm 1.500 đồng (tương đương giảm 2,4%) xuống 61.500 đồng/CP, FPT giảm 9.000 đồng (tương đương giảm 3%) xuống 290.000 đồng/CP và REE giảm 4.000 đồng (tương đương giảm 2,7%) xuống 146.000 đồng/CP.

Một loạt cổ phiếu blue-chips khác cũng rớt giá, như PPC (Nhiệt điện Phả Lại) giảm 1.500 đồng (tương đương giảm 2,5%) xuống 59.500 đồng/CP; VNM (Vinamilk) giảm 1.000 đồng (tương đương giảm 0,7%) xuống 179.000 đồng/CP; PVD (Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí - PV Drilling) giảm 5.000 đồng (tương đương giảm 2,9%) xuống 165.000 đồng/CP; VSH (CTCP Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) giảm 500 đồng (tương đương giảm 0,8%) xuống 61.000 đồng/CP; KDC (Bánh kẹo Kinh Đô) giảm 6.000 đồng (tương đương giảm 2,5%) xuống 238.000 đồng/CP; ITA (CTCP Khu công nghiệp Tân tạo) giảm 2.000 đồng (tương đương giảm 1,6%) xuống 126.000 đồng/CP...

Giảm giá mạnh nhất thị trường hôm nay là 5 cổ phiếu rơi xuống mức giá sàn, gồm DMC (CTCP Xuất nhập khẩu y tế Domesco), LAF (CTCP Chế biến hàng xuất khẩu Long An - Lafooco), IMP (Dược phẩm Imexpharm), BT6 (CTCP Bê tông 620 Châu Thới) và BPC (Bao bì Bỉm Sơn).

Tuy chỉ có 14 cổ phiếu tăng giá nhưng có đến hơn một nửa tăng kịch trần, gồm HTV, CII, VIS, GMC, BBC, UNI, TAC và LGC. Đây là các công ty có kết quả kinh doanh tốt hoặc được cho là có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm như: GMC của May Sài Gòn đạt 9 tỷ đồng lợi nhuận trong 6 tháng, vượt 10% kế hoạch năm và tăng 38,5% so cùng kỳ năm trước; TAC của CTCP Dầu thực vật Tường An đạt 42,25 tỷ đồng lợi nhuận trong 5 tháng đầu năm, hoàn thành 85,15% kế hoạch năm 2007.

Cổ phiếu có khối lượng giao dịch ít nhất hôm nay là CLC (CTCP Cát Lợi - chuyên sản xuất vỏ bao và giấy gói thuốc lá) với vỏn vẹn 200 CP khớp lệnh. CLC giảm 1,5% xuống 47.300 đồng/CP.

Trong số 2 chứng chỉ quỹ, BF1 giảm 0,9% xuống mức 11.700 đồng với hơn 76.000 chứng chỉ khớp lệnh, còn VF1 giảm 1,6% xuống mức 30.100 đồng với gần 110.000 chứng chỉ.

Theo VNN

Merrill Lynch trên con đường ngược chiều

Ngày 16/07/2007, 14:52
Merrill Lynch trên con đường ngược chiều

(ĐTCK-online)Cú sốc sau báo cáo của HSBC chưa kịp lắng xuống thì một lần nữa cộng đồng nhà đầu tư Việt Nam lại “lên ruột” khi Tập đoàn Merrill Lynch (ML) có báo cáo về chiến lược đầu tư tại châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 5/7 vừa qua.

Báo cáo in hình một con bò to đầu bên góc phải, logo nổi tiếng của ML, lại được mở đầu với chủ đề giật gân: “Khủng hoảng tài chính của châu Á có khả năng lặp lại sau 10 năm?” Riêng phần thông tin về Việt Nam chưa đến 1.000 chữ, ML dường như quên hết những lời đường mật họ đã rót vào tai nhà đầu tư qua hai báo cáo vào tháng 2/2006 và tháng 10/2006.

Khi đến phất cờ… khua trống

Tháng 2/2006, với một báo cáo dày đến 52 trang, ML đã “nổ đại bác” cho một cuộc đổ bộ đồng loạt của các tổ chức đầu tư lớn nhất thế giới vào TTCK Việt Nam. Khi đó, ML rót vào tai các khách hàng của mình rằng, “của cải đang được tạo ra tại Việt Nam với một tốc độ chóng mặt”; rằng “triển vọng phát triển của TTCK Việt Nam là rất khả quan trong thập niên tới, vì nền kinh tế đang đi lên nhanh chóng của Việt Nam sẽ thúc đẩy chi tiêu mạnh hơn”; rằng “hãy mua cổ phiếu ở Việt Nam, gác gối ngủ yên 10 năm rồi quay lại tính chuyện phải tiêu tiền thế nào”…

Cả thế giới tin ML nói được là làm được. Tạp chí tài chính danh tiếng thế giới Forbes - số ra ngày 24/08/2006 khẳng định chắc nịch: Việt Nam - điểm đến mới của Merrill Lynch vì ML đã dành được quyền trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu của Việt Nam chỉ 6 tháng sau khi ông Spencer White, phụ trách chiến lược khu vực của ML, gọi các cổ phiếu Việt Nam là “khoản tiền sau 10 năm sinh lãi”.

Tháng 10/2006, ML tiếp tục bồi một “liều tăng lực” cho các khách hàng qua một báo cáo 12 trang về Việt Nam với thừa hào phóng trong những lời nhận xét. ML nói rằng: “Hiện thực vượt quá cả sự lạc quan của chúng tôi”; rằng “Việt Nam vẫn đứng đầu ưu tiên MUA của chúng tôi tại châu Á”; rằng “mới 8 tháng nhưng những thay đổi thật đáng kinh ngạc” và kết luận “2007 - một đỉnh cao ở phía trước”.

Khi đi lặng lẽ …

Đến hôm nay, chưa đầy 1 năm kể từ ngày đặt chân vào TTCK Việt Nam, ML lại có lời giải thích không đến 1.000 chữ rằng, giá chứng khoán Việt Nam đã cao (P/E = 32 lần) và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận/vốn (EPS) của DN chỉ khoảng 10% là không còn đủ hấp dẫn nên họ nói sẽ rút hết tiền ra khỏi Việt Nam và chuyển vào Trung Quốc.

Bình luận về báo cáo lần này của Merrill Lynch, lãnh đạo CTCK Bảo Việt (nơi ML và nhiều khách hàng của ML mở tài khoản) cho rằng, có lẽ nhóm chuyên viên viết báo cáo lần này gồm 3 người phủ nhận quan điểm của nhóm chuyên viên viết hai báo cáo trước đây (3 người này cộng với Spencer White). Chẳng lẽ quan điểm của một tổ chức có uy tín toàn cầu như ML lại dễ dàng thay đổi chỉ vì ý kiến của một cá nhân trong tổ chức đó?

Lãnh đạo Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital có một kinh nghiệm giải thích về những báo cáo “đọc thấy lạ” của IMF, HSBC và ML thời gian gần đây. Theo đó, một mặt là các tổ chức này đầu tư không đủ thời gian và công sức trong việc thu thập thông tin nên góc nhìn không đầy đủ, thậm chí sai từ khâu cộng trừ nhân chia số liệu (chuyên viên của IMF sai từ phép cộng và phép chia còn HSBC sai số từ đơn vị hàng chục sang hàng trăm). Ngoài ra, động cơ của các tổ chức khi đưa ra báo cáo cũng là một điều thú vị để quan sát vì có tổ chức cần tiếng thơm, có tổ chức cần tỏ ra uyên bác, còn có tổ chức không quên kèm quà khuyến mãi cho mình trong những lời tư vấn cho khách hàng.

ML trên con đường ngược chiều

Báo cáo của ML lần này được đưa ra đúng vào thời điểm ĐTCK-online ghi nhận con số 50.000 tỷ đồng đang sẵn sàng giải ngân vào TTCK Việt Nam. Thời điểm nền kinh tế Việt Nam nhận được sự quan tâm hơn bao giờ hết của thế giới; các nhà đầu tư Mỹ và Ấn Độ vừa cam kết đầu tư trực tiếp khoảng 15 tỷ USD vào Việt Nam. Phía Trung tâm Lưu ký chứng khoán cũng vừa có báo cáo cho biết lượng tài khoản nhà đầu tư được mở trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua nhiều gấp 2 lần so với 7 năm qua cộng lại. Nghĩa là cả thế giới đang hướng đến Việt Nam còn riêng ML, một mình một ngựa, quay đầu lại với chính con đường họ đã vẽ ra cho những người khác.

Theo một số nguồn tin thân cận với ĐTCK-online, tuy ML đã tuyên bố rút tiền ra khỏi Việt Nam nhưng lại có sự quan tâm đầu tư đặc biệt vào các quỹ đầu tư vào Việt Nam do VinaCapital và Dragon Capital quản lý. HSBC một mặt cho rằng VN-Index sẽ không ngóc đầu khỏi 900 điểm vào cuối năm nay, nhưng lại không bỏ qua các cơ hội đầu tư vào ngành ngân hàng và khách hàng do HSBC tư vấn thì vẫn không ngừng đầu tư vào các cổ phiếu trên sàn.

Theo ông Dominic Scriven, Giám đốc Dragon Capital, chẳng phải tổ chức nước ngoài nào cũng có quan điểm đầu tư lâu dài ở Việt Nam và Việt Nam nên biết quý trọng những tổ chức đầu tư có niềm tin và cam kết đầu tư trung và dài hạn ở Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Phanxipang, Mekong Capital…

Phúc Lân

Sunday, July 15, 2007

Ai quản thị trường OTC?

Ai quản thị trường OTC?
Lao Động số 116 Ngày 23/05/2007 Cập nhật: Thứ Tư, 23/05/2007 - 8:53 AM

(LĐ) - Thị trường chứng khoán không chính thức (OTC) đang tiềm ẩn những đợt sóng ngầm của rủi ro. Câu hỏi lớn được đặt ra là thị trường OTC do ai quản lý và cần phải quản lý như thế nào?

Theo các chuyên gia: Qua vụ làm CP giả tại Hải Phòng; những tai tiếng từ chuyện mua bán "CP biên lai" (CP phát hành trong nội bộ mà chưa được phép chuyển nhượng); mua "quyền mua CP" và mới đây nhất là việc nhốn nháo trong vụ mua bán cổ phần ở một Cty "sắp được thành lập" Lilama Land... đã dấy lên sự bất an trong dư luận và các NĐT.

Phát hành riêng lẻ sẽ phải báo cáo


Công chúng vẫn cho rằng OTC là thị trường có quá nhiều rủi ro, thậm chí có thể xảy ra những lừa đảo, trục lợi. Vì thế, dù muốn hay không thì việc lành mạnh và minh bạch hóa thị trường này là điều cần thiết.

Chính vì thế các chuyên gia khẳng định nếu không có biện pháp kịp thời quản lý thị trường này thì sẽ có ảnh hưởng, tác động không tốt đến thị trường chính thức. Các chuyên gia cũng nhận định muốn quản lý thì mấu chốt là minh bạch về thông tin.

Giải đáp bức xúc này, lãnh đạo UBCKNN cho biết: Hiện cơ quan này đang xây dựng dự thảo một số văn bản đệ trình lên Bộ Tài chính, Chính phủ xem xét ban hành. Hệ thống văn bản này chính là hành lang pháp lý nhằm thực hiện chức năng giám sát, quản lý và quan trọng nhất là để làm lành mạnh hoá - minh bạch hoá thị trường OTC.

Về lâu dài, UB sẽ hướng tới và ban hành một nghị định của Chính phủ về phát hành riêng lẻ và quản lý thị trường OTC.

Quan chức này cũng cho hay: Trước mắt dự kiến Chính phủ sẽ có quyết định và chỉ thị, nhằm quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu tiên nhằm "đưa hàng" vào thị trường OTC qua việc phát hành CP riêng lẻ.

Theo đó, Cty phát hành CP loại này phải chịu sự giám sát của cơ quan chức năng; trong đó có việc công bố thông tin ở một mức độ nhất định. Trách nhiệm này trước hết sẽ giao cho cơ quan chủ quản của DN phát hành.

Ví dụ: Các Cty CK, Cty bảo hiểm khi phát hành CP riêng lẻ (chưa quy định điều chỉnh theo Luật CK) thì phải đăng ký, báo cáo với UBCKNN, Bộ Tài chính; Các NH phát hành riêng lẻ thì phải báo cáo, đăng ký, xin phép NH Nhà nước...

Còn các Cty khác không thuộc sự quản lý theo ngành dọc thì phải báo cáo, đăng ký với sở kế hoạch - đầu tư và UBND tỉnh, thành phố trực tiếp cấp phép thành lập và quản lý. Tất nhiên, thủ tục đăng ký hay báo cáo sẽ được thực hiện đơn giản.

Phân cấp để quản lý

Cũng theo lãnh đạo UBCKNN thì việc quản lý thị trường OTC như thế nào để hạn chế rủi ro, phát triển thị trường mới là vấn đề cốt yếu. Các chuyên gia cũng nhận định: Thị trường OTC hiện nay là sự phát triển khách quan và tất yếu; đáp ứng nhu cầu không nhỏ cho nhu cầu, cho DN và giải quyết các vấn đề mà thị trường chính thức chưa thể giải quyết được.

Từ nhận định này, các chuyên gia cho rằng cần có một tổ chức, cơ quan quản lý xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chung trên toàn quốc. Cơ sở dữ liệu này bao gồm thông tin của các Cty chưa niêm yết CP; đối tượng chưa phải là Cty đại chúng...

Từ đó sẽ có cơ chế công khai hoá thông tin, cũng như sẽ bắt buộc các đối tượng này thực hiện các nghĩa vụ theo Luật CK hiện hành.

Qua đó ngoài việc kiểm soát và hạn chế rủi ro, cơ quan này cũng có được cơ chế để phối hợp với các cơ quan nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi lừa đảo, gian lận... trên thị trường cả chính thức và không chính thức.

Một điểm quan trọng nữa là vấn đề quản lý trong giao dịch mua bán trên thị trường OTC. Từ trước tới nay, giao dịch này thường là thoả thuận giữa người bán và người mua; nhưng tới đây, các DN phát hành CP sẽ thực hiện đăng ký hồ sơ Cty đại chúng với UBCKNN và phải lưu ký CP tại trung tâm lưu ký.

Việc mua - bán ở thị trường OTC vẫn hoạt động bình thường, song điểm mới để quản lý là NĐT phải mở tài khoản tại các Cty CK; các Cty CK sẽ làm đầu mối chuyển kết quả giao dịch về TTGDCKHN, trung tâm lưu ký để cơ quan này thực hiện bù trừ và làm thủ tục chuyển tên, hợp thức hoá việc mua bán...

Được biết, hiện Bộ Tài chính, UBCKNN đã trao đổi với các tỉnh, thành và nhận được sự đồng thuận. Với sự phân cấp này, lãnh đạo UBCKNN kỳ vọng thị trường OTC sẽ hoạt động minh bạch, đáp ứng tốt hơn đa dạng nhu cầu của thị trường hiện tại.

Nhà đầu tư tiếp tục bị thử thách

Ngày 14/07/2007, 11:29
Nhà đầu tư tiếp tục bị thử thách

Nhâm nhi trái cây, đọc báo và chờ đợi thị trường khởi sắc, đó là lựa chọn hiện nay của một số NĐT tại TP.HCM
Câu cửa miệng của những nhà đầu tư chứng khoán "bán tháng 3 mua tháng 7" dường như không còn đúng nữa khi đã hết nửa tháng 7 nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư (NĐT) đang tiếp tục bị thị trường thử thách.

Khối lượng giao dịch giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13.7, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 1,95 điểm, còn 1015,73 điểm. So với phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 (ngày 29.6), VN-Index đã giảm 8,95 điểm. Trong nửa đầu tháng 7 này, VN-Index có lúc rớt sâu xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm khiến nhiều NĐT lo lắng. Không chỉ những cổ phiếu (CP) "nóng" suốt một thời gian dài trước đó như BMC, TCT, SGH... mà cả những CP "blue-chips" như FPT, REE, SJS, STB... cũng giảm giá từ 3-6%.

Trở lại phiên giao dịch ngày 13.7, DHG đứng đầu nhóm CP giảm giá khi giảm 17.000 đồng/CP, FPT giảm 7.000 đồng/CP, kế đến là VNM, HAX và LGC cùng giảm 2.000 đồng/CP. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên thị trường ngày càng giảm mới là vấn đề khiến nhiều NĐT đứng ngồi không yên, lo lắng cho tính thanh khoản của các loại chứng khoán trên thị trường ngày càng giảm.

Nếu ở phiên giao dịch cuối tháng 6, khối lượng giao dịch thành công đạt gần 8 triệu chứng khoán với tổng giá trị đạt 824,7 tỉ đồng thì bước sang tháng 7, khối lượng giao dịch chỉ xoay quanh mức từ 4- 5 triệu chứng khoán. Thậm chí vào ngày giao dịch 2.7, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ còn 3,7 triệu chứng khoán, tổng giá trị đạt 380 tỉ đồng, một con số cực thấp.

Khá nhiều NĐT đã ngưng giao dịch và chỉ quan sát. Anh Trung - một NĐT tại sàn BVSC - cho biết từ tháng 5 đến nay, anh đã không mua bán gì nữa. "Mặc dù vẫn còn một số CP trong tài khoản nhưng cứ để đó xem như đầu tư lâu dài vì giờ bán ra cũng không có lời, mà mua vào nữa thì lại ngại thị trường vẫn còn tiếp tục đi xuống", anh Trung nói. Một NĐT khác tên Hoàng thì có cái nhìn lạc quan hơn: "TTCK Việt Nam vẫn đang bị chi phối bởi các NĐT lớn. Cứ nhìn những cuộc cứu giá CP trên sàn lẫn ngoài thị trường OTC thì có thể dự đoán rằng các NĐT lớn đó sẽ không để cho thị trường xuống quá sâu".

Tương tự, ông Bùi Văn Tuynh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt - cho rằng các NĐT nước ngoài vẫn đang rất quan tâm đến TTCK Việt Nam. "Các quỹ đầu tư cũ thì huy động thêm vốn, quỹ đầu tư mới được thành lập hoặc bắt đầu nhảy vào thị trường. Vì vậy thị trường sẽ không xuống quá sâu trong thời gian tới như thời điểm xấu nhất trước đây", ông Tuynh nói. Tuy vậy với nhiều NĐT cá nhân trong nước, nhất là những người mới tham gia thị trường vào đầu năm nay vốn hầu hết đã "bị thương" trong đợt điều chỉnh mạnh từ tháng 4 thì "chim trúng tên sợ cành cây cong" đang là tâm lý của họ.

Chưa có cú hích mới

Theo nhiều chuyên gia, tác động của Chỉ thị 03 về việc hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng thương mại đang ngày một rõ nét hơn đối với TTCK. "Van" vốn từ ngân hàng bị khóa (có ngân hàng tại TP.HCM đang có dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán lên đến 15%, phải cắt xuống còn 3% vào cuối tháng 12 năm nay), lượng tiền đổ vào TTCK sụt giảm mạnh là chuyện dễ hiểu. Đó là chưa kể quy định tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng từ 5% lên 10% đối với các ngân hàng cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu thông bên ngoài. Theo ông Bùi Văn Tuynh, có lẽ NĐT trong nước vẫn đang dè chừng và trông đợi vào báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.2007 của các công ty niêm yết. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào lượng vốn đầu tư, chiến lược của các NĐT... nên khó có thể dự báo xu hướng thị trường sắp tới.

Theo ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) - thị trường hiện vẫn trong tình trạng bình thường vì đi theo hình răng cưa. Có những NĐT ngừng giao dịch nhưng lại được thay thế bởi các NĐT mới. "Tại SSI trong tháng 6 vẫn có khoảng 1.000 tài khoản mới được mở mặc dù không nhiều bằng những tháng đầu năm. Thị trường không có sự đột biến như kỳ vọng của một số NĐT nào đó thì chuyện rút ra của họ là tất yếu", ông Nam nói.

Theo TN

Chân gỗ” làm rối thị trường IPO

Ngày 16/07/2007, 09:56
“Chân gỗ” làm rối thị trường IPO

Ngày 18/7 là hạn chót nhận phiếu cam kết mua tiếp 15,66 triệu cổ phiếu (chiếm gần 26,4% vốn điều lệ) của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt). Đây là số cổ phiếu bị từ chối mua do một số nhà đầu tư trả hớ giá nên bỏ chạy trong đợt đấu giá phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) vào cuối tháng 5/2007.

Đấu giá bằng... “chân gỗ”

Trong cuộc đấu giá cổ phiếu Bảo Việt, các nhà đầu tư đã nộp 20.158 phiếu đặt mua hơn 388 triệu cổ phiếu, cao gần 6,5 lần số chào bán (60 triệu cổ phiếu). Kết quả giá trúng cao nhất là 250.000 đồng/cổ phiếu, giá thấp nhất là 67.800 đồng/cổ phiếu và giá bình quân là 73.910 đồng/cổ phiếu. Số liệu tổng hợp kết quả đặt mua cho thấy toàn bộ cổ phiếu IPO đã được đăng ký mua hết. Thế nhưng, đến khi nộp tiền vì thấy thị trường bất lợi nhiều nhà đầu tư tự bỏ mất tiền cọc để “tháo thân”, làm cho 15,66 triệu cổ phiếu bị từ chối mua nên phải chào bán lần thứ hai.

Sở dĩ có tình trạng “bỏ của chạy lấy người” là do có nhiều nhà đầu tư nhỏ vì thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, đã trả giá hớ và không đủ tiền mua. Nhiều người chỉ tham gia đấu giá bằng cách đặt cái “chân gỗ” (tức chỉ có 10% tiền đặt cọc trên mức giá khởi điểm), nên sau khi trúng thầu vì không đủ tiền thanh toán và thấy bán sang tay không lời nên đã “cao chạy xa bay”.

Đặt cọc... quá thấp

Số bỏ cọc tại Bảo Việt chỉ chiếm gần 26,4% nên không phải tổ chức đấu giá lại, mà lần này chỉ để nhà đầu tư đăng ký mua tiếp, với mức giá khởi điểm bằng mức giá trúng trung bình của đợt đấu giá vừa qua. Kết quả trúng lấy từ mức giá cao xuống thấp, cho đến khi hết số lượng chào bán. Còn khi bỏ cọc với số lượng từ 30% tổng số cổ phiếu phát hành trở lên thì phải tổ chức đấu giá lại.

Quy định hiện hành mới ràng buộc người (và tổ chức) tham gia đấu giá chỉ đặt cọc với số tiền 10%/giá khởi điểm. Mức giá khởi điểm thường rất thấp nên số tiền đặt cọc chỉ chiếm một phần nhỏ so với giá trị trúng thầu. Khi giá trúng cao gấp hai lần giá khởi điểm thì tiền cọc chỉ chiếm 5% giá trị phải thanh toán. Nếu giá trúng cao gấp 4 lần mức khởi điểm thì tiền cọc chỉ còn chiếm 2,5% số tiền thanh toán.

Thị trường cổ phiếu phi tập trung (OTC) thường có biên độ biến động giá rất lớn. Vì vậy, khi thấy bất lợi, giá bán sang tay thấp, dẫn đến bị lỗ thì nhà đầu tư “chân gỗ” sẵn sàng bỏ mất tiền cọc, còn hơn ôm để chịu lỗ lâu dài. Do đầu tư theo kiểu “chụp giật” như vậy nên số nhà đầu tư “chân gỗ” sẵn sàng mua phá giá hoặc bán phá giá, làm cho thị trường thêm rối.

Cần nâng tỉ lệ đặt cọc

Trong thời gian sắp tới sẽ có nhiều cuộc IPO lớn, vì vậy cần phải có quy định chặt chẽ để các cuộc đấu giá thành công trọn vẹn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Á Châu, khi giá trị đặt cọc quá thấp nhiều người không đủ điều kiện cũng tham gia đấu, góp phần kích giá lên cao phi lý. Để ngăn chặn tình trạng này, cần quy định nâng tỉ lệ đặt cọc lên khoảng 30%/mức giá khởi điểm. Khi đặt cọc số tiền cao nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ trước khi bỏ phiếu đấu. Mặt khác, thời gian thanh toán tiền mua cổ phiếu cần rút ngắn lại chỉ còn một tuần (hiện tại hơn 2 tuần) kể từ ngày kiểm xong phiếu đấu giá hoặc ngày đấu giá. Thời hạn thanh toán ngắn thì nhịp độ biến động giá cổ phiếu trên thị trường thấp, giảm thiểu sự “tháo chạy” của các “chân gỗ”, vì vậy chất lượng đấu giá cổ phiếu IPO sẽ tốt hơn.

Theo NLĐ

Sàn Hà Nội: Giao dịch cổ phiếu xuống thấp kỷ lục

Ngày 14/07/2007, 11:22
Sàn Hà Nội: Giao dịch cổ phiếu xuống thấp kỷ lục

Với việc các nhà đầu tư nước ngoài giảm mạnh mua vào, khối lượng giao dịch trên sàn chứng khoán Hà Nội đã xuống mức thấp kỷ lục.

Dường như thị trường gặp phải “vận đen” trong phiên giao dịch thứ 6 ngày 13/7 khi khối lượng và giá trị giao dịch rơi xuống mức thấp nhất trong năm nay cho dù thị trường đã tăng điểm trở lại.

Trong phiên giao dịch này, chỉ có 686.000cp được chuyển nhượng với tổng giá trị giao dịch đạt 71,8 tỷ đồng. Đây là mức khối lượng và giá trị giao dịch thấp nhất kể từ đầu năm đến nay.

Trước đó, mức khối lượng giao dịch thấp nhất được ghi nhận vào ngày 5/4 với 708.800cp, còn mức giá trị giao dịch thấp nhất rơi vào ngày 3/5 với mức 74 tỷ đồng.

Nguyên nhân của mức giao dịch thấp hôm nay đầu tiên phải kể đến 12 cổ phiếu không có giao dịch nào gồm CIC, CID, CMC, CTB, GHA, HLY, HTP, NPS, PTS, SD3, SJE và YSC.

Bên cạnh đó, có đến 66 loại cổ phiếu chỉ có mức giao dịch từ 100cp đến mức 10.000cp, còn lại chỉ có 9 cổ phiếu có khối lượng giao dịch trên 10.000cp.

SSI là cổ phiếu có khối lượng lớn nhất trên thị trường với 197.700cp khớp lệnh, tiếp theo là ACB 127.500cp.

Mức giao dịch thấp một phần khác còn do các nhà đầu tư nước ngoài mua bán ít. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài mua vào 9 mã cổ phiếu, với tổng cộng chỉ vỏn vẹn 40.600 đơn vị, trị giá 5,7 tỷ đồng. Mức giao dịch này thấp hơn rất nhiều so với trung bình 243.140 đơn vị và 26,6 tỷ đồng/phiên trong tuần trước.

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/7, chỉ số HASTC-Index tăng nhẹ 3,7 điểm lên mức 277,37 điểm. Thị trường chứng kiến 28 mã cổ phiếu tăng giá, 44 mã giảm giá và 15 mã đứng giá.

HSC tiếp tục cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường khi tăng 14.800đ lên mức kịch trần là 163.300đ.

Ngược lại, DAE là cổ phiếu giảm giá mạnh nhất hôm nay với mức giảm 10% xuống mức kịch sàn là 41.400đ.

Các cổ phiếu lớn thiên về xu hướng giảm giá hơn là tăng giá, đáng kể là đại gia BMI giảm mạnh 5,9% xuống mức 84.400đ.

Theo VNN

Kinh tế

Blog Archive

Topics