Từ trước tới nay, tất cả tài khoản giao dịch của nhà đầu tư đều mở tại các công ty chứng khoán. Những công ty này sẽ đứng ra nhận, trả tiền cho khách và chuyển tiền từ tài khoản này đến tài khoản khác trong quá trình giao dịch.
Theo các chuyên gia, các công ty chứng khoán đã nắm giữ một số lượng tiền tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong khi họ không có chức năng và không đủ nghiệp vụ để giữ và kiểm soát tiền. Bản thân các công ty chứng khoán dù rất tiếc món hời bấy lâu cũng phải thừa nhận tình trạng này.
Chính vì vậy, theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (VP Bank), quyết định chuyển tiền của nhà đầu tư sang ngân hàng là phù hợp, bởi đây vốn là chuyên môn của các nhà băng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để làm được điều này, thì việc quan trọng nhất là phải có sự liên thông giữa hệ thống phần mềm của ngân hàng với phần mềm quản lý giao dịch của các công ty chứng khoán.
Thời gian không còn dài, trong khi các công ty chứng khoán lại có nhiều sự lựa chọn, do vậy nếu không nhanh chân, các ngân hàng có thể bỏ lỡ cơ hội thu hút thêm tài khoản tiền gửi của nhà đầu tư. Do vậy, các nhà băng đang ra sức đẩy nhanh quá trình hoàn thiện hệ thống công nghệ để có thể tích hợp được với phần mềm của các công ty chứng khoán.
Ông Sơn cho biết, ngay sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra thông báo về quy chế trên, ông đã trực tiếp chỉ đạo bộ phận công nghệ nhanh chóng bắt tay vào viết lại phần mềm và đưa ra các chuẩn để có thể đấu nối được với hệ thống của các công ty chứng khoán.
VP Bank dự kiến sẽ hợp tác với ít nhất 3-4 công ty chứng khoán và hiện cũng đã làm việc với một số công ty. Điểm thuận lợi của nhà băng này là họ có hẳn công ty chứng khoán của riêng mình nên có thể dễ dàng thử nghiệm quy trình mà không ngại phiền phức.
"Chậm nhất là cuối tháng 11 chúng tôi sẽ hoàn thiện xong quy trình thử nghiệm và có thể đi chào hàng tới các công ty chứng khoán", ông Sơn khẳng định.
Ngân hàng Quốc tế (VIBank) cũng cho biết, đã triển khai thành công hệ thống Core banking (ngân hàng lõi) theo công nghệ của Oracle, cho phép nhà băng này dễ dàng tích hợp với hệ thống của các công ty chứng khoán. VIBank cũng đã làm việc với gần 10 công ty chứng khoán và dự kiến kết hợp với 6 công ty để tham gia quản lý tiền cho nhà đầu tư.
Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, BIDV cũng không bỏ lỡ cơ hội có thêm khách hàng nên cũng xúc tiến giới thiệu dịch vụ này với các công ty chứng khoán. Chẳng hạn, Vietcombank đã làm việc với khoảng 20 công ty. Đại gia ngân hàng này cho biết, sẽ thiết lập một đường truyền online với công ty chứng khoán để trao đổi dữ liệu thông qua tài khoản tiền gửi của từng nhà đầu tư mở tại ngân hàng. Mọi giao dịch mua, bán, chi trả cổ tức... được thực hiện hoàn toàn tự động trên tài khoản của từng nhà đầu tư với công ty chứng khoán.
Nhanh chân nhất có lẽ là Ngân hàng Á Châu (ACB). Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc sản phẩm liên kết của ACB cho biết, quá trình chuẩn bị về công nghệ của ngân hàng đã hoàn thành cách đây một tuần. Nhà băng này cũng đã ký chính thức với 5 công ty chứng khoán để tham gia vào việc quản lý tiền của nhà đầu tư. Các công việc còn lại là kéo đường truyền, cài đặt hệ thống và đào tạo cán bộ...
Hiện ACB vẫn tiếp tục tiếp cận với các công ty chứng khoán khác với mục tiêu "bắt tay" được càng nhiều công ty chứng khoán càng tốt. Theo ông Toàn, trên thị trường có trên 50 công ty chứng khoán đi vào hoạt động chính thức. Khoảng một nửa trong số này là có ngân hàng đứng đằng sau, số còn lại ACB đều chủ động tiếp cận để giới thiệu dịch vụ.
Trong khi các nhà băng rốt ráo chuẩn bị và mời chào thì các công ty chứng khoán thả sức thăm dò với hàng chục ngân hàng rồi mới quyết định lựa chọn đối tác. Ông Phạm Quang Huy, Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt cho biết, Công ty cũng đã tiếp cận với nhiều ngân hàng và đang trong quá trình chọn lựa. Công ty Chứng khoán Tân Việt dù đã thỏa thuận hợp tác với Vietcombank vẫn muốn tiếp cận với dịch vụ của ACB để tìm hiểu thêm, nếu thuận tiện có thể hợp tác...
Anh Hưng, nhà đầu tư tại sàn VCBS cho rằng, nếu mở tài khoản ở ngân hàng thì nhà đầu tư sẽ được hưởng tất cả tiện ích liên quan đến tài khoản thanh toán như ATM, hạn mức vay, tín chấp, thu chi, sử dụng chuyển khoản... Ngoài ra, việc có một chủ thể hoàn toàn khách quan đứng ra quản lý tiền như ngân hàng thì sẽ tránh được các rủi ro không đáng có cho nhà đầu tư.
Tuy nhiên, điều khiến anh Hưng cũng như nhiều nhà đầu tư khác băn khoăn là trong trường hợp nếu hệ thống giữa ngân hàng và công ty chứng khoán không thông suốt, khách hàng nộp tiền vào rất lâu sau tài khoản mới báo có tiền, lúc đó nhà đầu tư sẽ lỡ mất cơ hội giao dịch...
Trước vấn đề này, các ngân hàng cho biết, họ sẽ đưa ra nhiều giải pháp cũng như các lựa chọn để hạn chế tối đa những rủi ro như trên. Chẳng hạn tại ACB, ông Toàn cho biết, để đảm bảo đường truyền thông suốt, nhà băng này sẽ cung cấp nhiều lựa chọn như: sử dụng đường truyền Megawa, ADSL hoặc cung cấp tài khoản của nhà đầu tư và số dư đầu ngày qua e-mail cho các công ty chứng khoán để họ tích hợp vào hệ thống. Ngoài ra, trong một số trường hợp, ACB còn đặt quầy thu tiền của nhà đầu tư ngay tại công ty chứng khoán để đảm bảo việc kết nối dễ dàng nhất...