Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Friday, July 13, 2007

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại ?

Ngày 13/07/2007, 09:35
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại ?
Sau khi rớt khá sâu và nhanh so với các cổ phiếu khác trên thị trường OTC thời gian vừa qua, mấy ngày gần đây giá cổ phiếu các ngân hàng tăng mạnh trở lại.

Trên bảng giao dịch mua bán cổ phiếu (CP) thị trường OTC tại trang web của các công ty chứng khoán đã xuất hiện lệnh mua vào với khối lượng lớn (theo giá thỏa thuận) CP các ngân hàng, đặc biệt ở những ngân hàng rớt giá khá sâu (đến 50%) như: Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Nam Á...

Vì sao CP các ngân hàng lại rớt nhanh rồi tăng mạnh trở lại trong mấy ngày gần đây đang là vấn đề nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm.

CP ngân hàng rơi nhanh vì tính thanh khoản tốt

Ở thời điểm thị trường chính thức trong xu thế giảm giá, việc rớt giá CP trên thị trường OTC và thị trường phát hành CP lần đầu (IPO) là chuyện bình thường. Nhưng trong thời gian qua, CP ngân hàng lại nằm trong danh sách những CP rớt nhanh nhất trên thị trường OTC (từ 40%– 50%) so với giá đỉnh của nó. Lý giải về việc rớt giá này, các chuyên gia đầu tư cho rằng, Chỉ thị 03 về hạn mức cho vay trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán là 3% trên tổng dư nợ đã làm cho nhiều NĐT không thể huy động vốn từ các ngân hàng để mua vào các CP mới - CP ưu đãi dành cho các cổ đông hiện hữu (trong lộ trình tăng vốn của các ngân hàng, đến năm 2010 vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là 3.000 tỉ đồng). Để có thể có được nguồn vốn mới, họ phải bán đi một lượng CP trên thị trường chính thức hoặc thị trường OTC. Khi thị trường trong xu thế giảm, giá CP thị trường OTC gần như bị đóng băng, CP duy nhất có thể còn mua bán được chính là CP của các ngân hàng. Chính tính thanh khoản tốt của nó mà làm cho CP ngân hàng rớt nhanh và sâu hơn các CP khác.

Theo ông Hồ Công Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, do triết lý đầu tư chung của các NĐT hiện nay vẫn là mua bán ngắn hạn, chuyển động theo phản ứng dây chuyền. Khi thấy CP rớt giá thì đua nhau bán ra, khi thấy các tổ chức mua vào lại đua nhau mua vào. Tình trạng đó dẫn đến việc giá CP trên cả thị trường chính thức và thị trường OTC luôn không ổn định, giá thường lên quá cao hoặc rớt quá nhanh và sâu.

Hai tác động để CP ngân hàng tăng giá trở lại

Trong mấy ngày gần đây, trên thị trường chính thức cũng chưa có biểu hiện về một sự phục hồi và tăng giá trở lại, nhưng giá CP ngân hàng đã tăng trở lại rất nhanh, khoảng từ 10% – 15% so với mức giá rớt trước đây. Cũng theo các chuyên gia đầu tư, việc tăng giá trở lại lần này do hai tác động động chính. Thứ nhất, do rớt quá nhanh, nên giá CP ngân hàng trở nên rẻ hơn so với giá CP của các công ty trong lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, cá nhân thấy rẻ bắt đầu mua vào, có thể để trung bình giá hoặc thấy giá ở mức có thể đầu tư được. Thứ hai, do một số tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức nước ngoài đã mua CP ở mức giá cao hơn so với mức giá đang giao dịch trên thị trường hiện nay. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nâng tỉ lệ sở hữu của một tổ chức đầu tư nước ngoài trong ngân hàng TMCP từ 10% lên 15% và có thể lên 20% nếu được sự cho phép. Điều đó đã làm tăng lượng đầu tư của các NĐT nước ngoài đối với các ngân hàng TMCP hiện nay. Sự kiện mới nhất gần đây là Ngân hàng HSBC đã mua tiếp 5% lượng cổ phần tại Techcombank, nâng lượng sở hữu lên 15% tại ngân hàng này.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2007, các ngân hàng TMCP có tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 50%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả thị trường gần 33%. Hai ngân hàng nhất, nhì trong hệ thống ngân hàng TMCP là ACB, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 880 tỉ đồng (cả năm 2006 là 700 tỉ đồng) và Sacombank lợi nhuận trước thuế là 610 tỉ đồng (năm 2006 là 543,2 tỉ đồng). Điều quan trọng hiện nay là nếu trên thị trường chính thức, chỉ số VN-Index vẫn trong xu thế giảm thì sự phục hồi trở lại của giá CP ngân hàng vẫn còn là khó khăn.

Theo NLĐ

Siêu lợi nhuận liệu có lặp lại

Ngày 13/07/2007, 11:35
Siêu lợi nhuận liệu có lặp lại?
(ĐTCK-online)LTS: Siêu lợi nhuận là cụm từ mô tả sự thắng lớn của nhiều nhà đầu tư giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 do giá hầu hết các loại cổ phiếu trên thị trường niêm yết và chưa niêm yết tăng liên tục. Vậy khả năng tạo lợi nhuận đột biến của TTCK có thể lặp lại không? ĐTCK-online xin giới thiệu quan điểm của một nhà phân tích TTCK, ông Phạm Kinh Luân, về vấn đề này.

Các đợt phát hành thêm cổ phiếu (để trả cổ tức, để chuyển hóa các nguồn vốn chủ sở hữu khác thành vốn cổ phần, để thu hút thêm vốn từ bên ngoài) của các công ty niêm yết, cũng như chưa niêm yết diễn ra dồn dập trong 6 tháng đầu năm và sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn còn lại của năm 2007 đã, đang và sẽ làm gia tăng số lượng của các loại cổ phiếu quen thuộc và làm cho những cổ phiếu này trở nên sẵn có hơn đối với công chúng đầu tư.

Tiến trình cổ phần hóa và phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của các DNNN (Theo UBCKNN, khoảng 60 DNNN bao gồm cả các ngân hàng thương mại lớn, các công ty tài chính và bảo hiểm, với tổng vốn xấp xỉ 50.000 tỷ đồng sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 đến tháng 3/2008) đã, đang và sẽ cung cấp cho công chúng đầu tư nhiều loại cổ phiếu mới với khối lượng lớn. Trước nguồn cung dồi dào (nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và chất lượng), thị giá của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh và quyết định bởi cảm nhận về chất lượng cổ phiếu, cũng như nhu cầu có khả năng thanh toán của công chúng đầu tư. Dưới đây là một số yếu tố có thể sẽ có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu niêm yết trong giai đoạn 6 tháng cuối năm:

Chỉ thị 03 của NHNN về việc khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng ở mức 3% tổng dư nợ đang và sẽ có ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu có khả năng thanh toán của công chúng đầu tư, đặc biệt là của các "đại gia cổ phiếu". Nguồn tài trợ bị hạn chế khiến cho người đầu tư phải cân nhắc, thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư.

Theo số liệu thống kê, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2007, việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 12% và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt khoảng 20%kế hoạch. Những nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 6 tháng cuối năm chắc sẽ có tác động lớn đến nguồn vốn khả dụng của ngân hàng và đến xu hướng tăng lãi suất ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên việc tăng lãi suất cho vay sẽ ít có ảnh hưởng đến khả năng lợi nhuận của các công ty niêm yết, do các đợt phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trong thời gian qua đã giúp các công ty niêm yết giảm đáng kể việc sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng 5,2% và còn xu hướng tiếp tục tăng (dự kiến sẽ tăng khoảng 7,5% trong năm 2007). Bên cạnh tác động làm tăng doanh thu, yếu tố lạm phát cũng sẽ làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

Thước đo giá trị đối với công ty nói chung và đối với cổ đông nói riêng có những điểm không đồng nhất với nhau. Sau khi xem xét giá trị công ty thông qua nhiều chỉ tiêu khác nhau như: tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, dòng tiền mặt…, điều cuối cùng được cổ đông quan tâm để trả giá hợp lý cho cổ phiếu của công ty là "miếng bánh đó sẽ được chia làm bao nhiêu phần". Nhìn chung các công ty niêm yết có thể đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 15% - 20% trong năm 2007, nhưng việc phát hành thêm cổ phiếu đã khiến cho bình quân số lượng cổ phiếu lưu hành trong năm 2007 của các công ty này tăng khoảng 30% (tùy thuộc vào độ trễ giữa thời điểm chốt danh sách cổ đông để phát hành và thời điểm đưa số cổ phiếu phát hành thêm lên niêm yết và giao dịch) so với năm 2006.

Khả năng tạo ra siêu lợi nhuận của TTCK cuối năm 2006 và đầu năm 2007 đã khiến cho TTCK trở thành tiêu điểm thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, là nơi nơi hội tụ và lôi cuốn các dòng vốn đầu tư gián tiếp (từ trong dân, từ các doanh nghiệp, từ các ngân hàng thương mại, từ nước ngoài) và là lĩnh vực cần có sự quan tâm và quản lý đặc biệt của các cơ quan quản lý Nhà nước. Để duy trì sự phát triển bền vững của TTCK, Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai áp dụng hàng loạt các công cụ điều tiết (trực tiếp, cũng như gián tiếp) quan hệ cung cầu trên thị trường. Do vậy, khả năng TTCK bùng phát để tạo ra siêu lợi nhuận như giai đoạn cuối năm 2006 và đầu năm 2007 chắc chắn sẽ không xảy ra.

Có xuất hiện “vùng võng” VN Index?

Ngày 13/07/2007, 14:23
Có xuất hiện “vùng võng” VN Index?
(ĐTCK-online)Kết quả giao dịch cổ phiếu thành công với giá rẻ của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian gần đây đang khiến giới phân tích đưa ra nhận định: biểu đồ Vn Index sẽ xuất hiện một “vùng võng”. Tuy nhiên, sự xác định này mới chỉ hoàn toàn dựa trên cơ sở phân tích kỹ thuật.

Giám đốc một công ty chứng khoán ở TP HCM cho biết, thông thường nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu phiếu vào nhiều hơn bán ra gấp nhiều lần trong thời gian dài được coi là yếu tố kích cầu, giá cổ phiếu sẽ tăng và kéo theo chỉ số VN Index tăng theo. Thực tế, thị trường đang diễn biến ngược. Chỉ số VN Index dù vẫn dao động nhưng lại theo xu hướng đi xuống, trong khi khối lượng cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua được ngày càng nhiều. Do đó, việc xác định xu hướng tiếp tục điều chỉnh xuống của thị trường trong tương lai là hoàn toàn có cơ sở bởi không ai có thể biết sức mua của nhà đầu tư nước ngoài tới đâu. Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài dừng mua, thị trường giảm là tất yếu bởi nguồn vốn trong nước đang khá hạn hẹp. Còn nếu nhà đầu tư nước ngoài bán ra thì thị trường còn điều chỉnh sâu hơn.

Rất nhiều phiên giao dịch được coi là mang đậm dấu ấn của nhà đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn phiên 9/7, nhà đầu tư nước ngoài có lượng mua vào gấp 2,8 lần bán ra. Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 61 mã cổ phiếu với tổng cộng 1.400.820 đơn vị, trị giá 212,4 tỷ đồng, tăng 28,4% về khối lượng và 36,9% về giá trị so với phiên giao dịch cuối tuần trước. Họ bán ra 48 mã cổ phiếu và 2 chứng chỉ quỹ, với tổng cộng 506.900 đơn vị, trị giá 73,3 tỷ đồng, tăng 101,1% về khối lượng và 66,8% về giá trị so với phiên giao dịch trước. Trên sàn chứng khoán Hà Nội, các nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh lượng mua vào, trị giá 27,7 tỷ đồng, trong khi bán ra chỉ trị giá 1,35 tỷ đồng.

Đáng nói là cách thu gom cổ phiếu của nhà đầu nước ngoài không có gì mới nhưng lại tạo hiệu quả rất cao. Theo giới quan sát, nhà đầu tư nước ngoài chỉ đưa ra lệnh mua trong vòng 1- 3 ngày đối với từng loại cổ phiếu. Với thời gian mua giới hạn theo T+3 này, nhà đầu tư trong nước khó lòng lợi dụng mua theo để “lướt sóng” khi giá cổ phiếu tăng. Hoặc nhà đầu tư nước ngoài chỉ đặt lệnh mua một khối lượng lớn cổ phiếu với giá thấp để gây áp lực cho các nhà đầu tư nhỏ. Cách chơi “một mình một chiến trường” này đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước đã dở khóc, dở cười khi mua cổ phiếu ở giá cao nhưng không bán kịp, vốn đầu tư bị ứ đọng.

Phân tích động thái tiếp theo của nhà đầu tư nước ngoài, ông Đào Trong Tiến, trưởng phòng tư vẫn của Haseco cho biết, kinh nghiệm chờ đợi để mua cổ phiếu với giá thấp nhất của các nhà đầu tư nước ngoài đã thể hiện rõ trong suốt hai tuần qua. Đó là việc tận dụng cơ hội bất lợi đối với các nhà đầu tư nhỏ. Cụ thể, khi Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước đang khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu để lấy tiền trả nợ. Bên cạnh đó, Ngân hàng HSBC (Hồng Kông – Thượng Hải) cũng đưa ra cảnh báo VN-Index có thể sẽ xuống 900 điểm vào cuối năm. Hai phiên giao dịch đầu tuần trước đã khẳng định sự hoang mang của hàng trăm nhà đầu tư nhỏ lẻ khi vội vã bán tháo cổ phiếu, làm VN-Index giảm 47,38 điểm, tạo nên cơ hội “vàng” cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu với giá rẻ. Mỗi đợt mua được khối lượng lớn với giá rẻ, nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội để xác định mặt bằng giá cho từng loại cổ phiếu ở ngưỡng VN Index 1.000 điểm. Lúc đó, nhà đầu tư nước ngoài dễ dàng thực hiện chiến dịch “dìm” giá để mua. Cũng theo ông Tiến, hiện thị trường đang bị chi phối vào nguồn vốn của nhà đầu tư nước ngoài thì những động thái của họ có thể khiến VN Index có thể “nhìn” lại mức 900 điểm.

Nguy cơ cổ phiếu sẽ bị “dìm” giá được giới phân tích nhìn nhận từ động thái của nhà đầu tư nước ngoài cũng khá cao bởi họ đang chuẩn bị một lưọng tiền lớn để đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Lãnh đạo CTCK Bảo Việt (BVSC), CTCK Đông Á, CTCK Sacombank tin rằng, lượng tiền mặt của các tổ chức nước ngoài sẵn sàng giải ngân vào TTCK VN là khoảng trên 3 tỷ USD, tức khoảng 50.000 tỷ đồng. Các CTCK lớn cũng cho rằng, các tổ chức nước ngoài đang tích cực chuẩn bị cho việc giải ngân, vì mặt hàng giá đã được điều chỉnh xuống trong mấy tháng qua và giá đa số chứng khoán niêm yết đã ở mức khá hợp lý để mua. Riêng CTCK BVSC cho biết, 2 quỹ đầu tư nước ngoài với tổng giá trị đầu tư khoảng 500 triệu USD vừa mở tài khoản tại công ty; nhiều tổ chức đầu tư mở tài khoản tai BVSC đã hoàn tất giai đoạn chuẩn bị và bắt đầu đứng trước áp lực giải ngân.

Hiện biện pháp đối phó với những động thái của nhà đầu tư nước ngoài dường như không có, nhất là khi nguồn vốn cung cấp cho thị trường đang bị bó hẹp và sự hạn chế này còn kéo dài. Tuy nhiên, theo các chuyên giá chứng khoán, sự điều chỉnh còn giúp thị trường mang tính chuyên nghiệp hơn bởi phản ánh đứng quy luật cung cầu của cổ phiếu. Vấn đề là nhà đầu tư cần xây dựng được niềm tin khi tham gia thị đầu tư chứng khoán, trong đó nền tảng cơ bản là nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển tốt. Nếu chỉ dựa theo phân tích cơ bản thì Vn Index sẽ đi lên vững vàng. Do đó, nếu Vn Index có điều chỉnh thì chỉ là tạo thêm một “vùng võng” trên đồ thị Vn Index.

Tuấn Dũng

Thursday, July 12, 2007

NĐT nước ngoài: Bài toán giải ngân?

Ngày 11/07/2007, 10:41
NĐT nước ngoài: Bài toán giải ngân?
Giao dịch của NĐTNN trong thời điểm thị trường nguy ngập gần đây đã khiến nhà đầu tư trong nước (NĐTTN) bất ngờ. Trái ngược với những dự đoán giá cổ phiếu (CP) sẽ "ngủ đông" thời điểm giữa năm, sức mua vào mạnh mẽ chứng tỏ nhu cầu giải ngân của các nguồn tiền ngoại không hề nhỏ và mức giá hiện tại là chấp nhận được?

Ngược dòng

Trong thời điểm NĐTTN hốt hoảng trước nhận định VN-Index khả năng chỉ đạt 900 điểm vào cuối năm 2007 thì nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lại tích cực mua vào. Thống kê giao dịch của khối nước ngoài giai đoạn từ 24.4 đến nay cho thấy những thông số đáng chú ý.

Tháng 5.2007 là thời điểm thị trường phục hồi sau đợt điều chỉnh khá sâu (đáy 905 điểm). Độ dốc lên của VN-Index rất lớn đi kèm với sự tăng mua của NĐTNN. Lượng giao dịch ròng của khối này trong tháng đạt trung bình 752.000 CK/phiên, tương đương 105,51 tỉ đồng.

Thời điểm từ 1-25.6 lặp lại chu kỳ thị trường điều chỉnh, giao dịch chỉ đạt 378.000 CK/phiên, tương đương 55,31 tỉ đồng. Trong 10 phiên giao dịch gần đây (26.6-9.7), lượng mua ròng đã vọt lên mức 790.000 CK/phiên, tương đương 119,06 tỉ đồng. Thậm chí có phiên, khối này chiếm tới trên 45% giao dịch thị trường.

Trong khi đó, những thống kê khác lại cho thấy một sự "sợ hãi" từ NĐTTN. Giao dịch CP chỉ trên dưới 4 triệu đơn vị. Nhiều CP đã giảm xuống dưới mức đáy trong đợt điều chỉnh cuối tháng 4 vừa qua. Diễn biến ngược dòng này đã làm NĐTTN khá "bối rối".

Nóng ruột?

Bản báo cáo mới đây của HSBC, ngoài nhận định gây tranh cãi về chỉ số 900 điểm của VN-Index, cũng công bố số liệu đáng quan tâm về số lượng quỹ đầu tư được thành lập mới tăng lên nhanh chóng.

Theo thống kê của HSBC, chỉ tính từ tháng 4.2007 đến nay đã có thêm 13 quỹ đầu tư mới đi vào hoạt động, nâng tổng số quỹ thành lập từ đầu năm đến nay lên mức 22. Tổng số quỹ hiện diện và hoạt động tại VN như vậy vào khoảng 55 quỹ với tổng tài sản tương đương 6 tỉ USD.

"Với mức sở hữu tối đa hiện tại đối với các DN niêm yết của NĐTNN tại hai sàn CK khoảng 4,8 tỉ USD, điều này có nghĩa là hàng đống tài sản vẫn đang ở dạng tiền mặt" - báo cáo viết.

Một thông tin đáng chú ý khác đến từ NHNN: 6 tháng đầu năm, nguồn cung ngoại tệ dồi dào nên tỉ giá mua vào USD/VND của các NHTM luôn ở mức kịch sàn cho phép. Các NHTM không có nhu cầu xin mua ngoại tệ từ NHNN. Đó là chưa kể đến lượng ngoại tệ chuyển về VN 6 tháng đầu năm tăng khoảng 12% so với cùng kỳ.

Với cung ngoại tệ dư thừa, NHNN đã phải liên tục mua vào. Tính đến hết tháng 5.2007, lượng ngoại tệ mua vào thêm đã đạt 7 tỉ USD và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng thời gian tới. Nguyên nhân của nguồn cung ngoại tệ tăng cao được xác định là từ các luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối và đặc biệt là từ vốn gián tiếp.

Theo tổng ước tính của một số CTCK, lượng ngoại tệ sẵn sàng giải ngân của các tổ chức đầu tư nước ngoài trên TTCK lên tới xấp xỉ 3 tỉ USD. Một số thông tin khác cũng làm "nóng" thị trường như một số quỹ đầu tư quy mô nhiều trăm triệu USD đã mở tài khoản sẵn sàng giao dịch. Các cuộc "làm việc" của CTCK với đại diện các quỹ đầu tư được tiết lộ thường xuyên.

Theo bà Phương Hoàng Lan Hương - GĐ Trung tâm lưu ký CK, riêng trong tháng 6.2007, trung tâm đã cấp mã số giao dịch cho 26 tổ chức và 789 cá nhân đầu tư nước ngoài. Như vậy tính chung đến cuối tháng 6, đã có 5.705 NĐTNN, trong đó có 335 tổ chức và 5.370 cá nhân có mã số giao dịch.

Theo nhận xét của HSBC, hầu hết các quỹ đầu tư lớn mới được thành lập "đang ngồi trên đống tiền và chờ để giải ngân vào các đợt phát hành CP lần đầu (IPO) của các DNNN lớn sắp tới".

"Họ sẽ không quá vội vã đổ tiền vào nếu nhận thấy thị trường còn quá đắt đỏ" - báo cáo nhận định. Tuy nhiên, một thông tin có thể sẽ gây nhiều xáo trộn trong kế hoạch giải ngân của các tổ chức này là lộ trình IPO được cân nhắc lại với mục tiêu hiệu quả. Chính phủ đã có chỉ đạo điều chỉnh lộ trình IPO các DN có quy mô lớn sao cho phù hợp tình hình thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Đổi mới doanh nghiệp (VPCP) - trong cuộc trao đổi với báo chí gần đây cũng cho rằng, kế hoạch CPH năm 2007 là 26 TCty, nếu "cố" thì cũng hoàn thành nhưng CPH ở giai đoạn này, vấn đề chất lượng được đặt lên hàng đầu chứ không phải số lượng. Vấn đề giải ngân nguồn vốn đã huy động rõ ràng đang là bài toán của không ít tổ chức đầu tư.

Theo LĐ

Wednesday, July 11, 2007

Hai cổ đông nội bộ vi phạm vi qui định giao dịch

Ngày 11/07/2007, 13:49
Hai cổ đông nội bộ vi phạm vi qui định giao dịch
(ĐTCK-online) TTGDCK TP. HCM đã phát hiện và nhắc nhở đối với ông Nguyễn Thanh Hùng, thành viên Ban đại diện của Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam do ông này đã thực hiện giao dịch chứng chỉ Quỹ VFMVF1 mà không công bố thông tin(CBTT), vi phạm qui định giao dịch nội bộ.

Trước đó, ông Lê Trọng Kỷ, Kiểm soát viên của Công ty Cổ phần Bao bì Bỉm Sơn (mã CK: BPC) cũng bị TTGDCK TP. HCM yêu cầu giải trình việc ông này đã giao dịch cổ phiếu BPC mà không CBTT vi phạm qui định giao dịch nội bộ.

Các ông này đã giải trình và cam kết không tái phạm gửi TTGDCK TP. HCM.

Việc các ông này giao dịch cổ phiếu mà không CBTT đã vi phạm vào điều 7 và Điều 12 của Quy chế công bố thông tin của TTGDCK TP. HCM. Theo Khoản 7.2, Điều 7 thuộc Mục II và Điều 12 thuộc Mục III của Quy chế công bố thông tin của TTGDCK TP. HCM ban hành theo Quyết định 59/QĐ -TTGDCKHCM ngày 8/6/2007 của Giám đốc TTGDCK TP.HCM thì thành viên Hội đồng quản trị, Ban (Tổng) Giám đốc, Ban kiểm soát (nếu có) của công ty niêm yết (sáng lập viên, Ban đại diện Công ty Quản lý Quỹ) khi có ý định giao dịch cổ phiếu hoặc chứng chỉ quỹ (đối với ban đại diện Công ty Quản lý quỹ) của mình phải báo cáo cho TTGDCK TP.HCM ít nhất 01 ngày làm việc trước ngày thực hiện giao dịch. Đồng thời, trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất giao dịch người thực hiện giao dịch phải báo cáo cho TTGDCK TP.HCM về kết quả giao dịch, tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu sau khi giao dịch và mức độ thay đổi tỷ lệ nắm giữ.

Trong trường hợp không thực hiện giao dịch, phải báo cáo lý do với TTGDCK TP.HCM trong vòng 3 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn dự kiến thực hiện giao dịch để công bố thông tin.

Hoàng Anh

Giá bất động sản TP.HCM vào đợt điều chỉnh mới

Ngày 11/07/2007, 15:46
Giá bất động sản TP.HCM vào đợt điều chỉnh mới
(ĐTCK-online)Trong những ngày gần đây, “căn bệnh trầm kha” kẹt xe vào giờ cao điểm khu vực trung tâm TP.HCM bắt đầu được ổn định, với “đơn thuốc” hình thành các tuyến đường lưu thông một chiều do Sở Giao thông - Công chính TP.HCM triển khai. Tuy nhiên, giải pháp này lại trở thành “liều thuốc đắng” với giới kinh doanh bất động sản (BĐS), do trị giá các khu đất này có nguy cơ bị điều chỉnh theo hướng giảm, có thể lên tới 30%.

Khu trung tâm sẽ có giá mới?

Theo “đơn thuốc” nêu trên, một loạt tuyến đường đi qua các “khu đất vàng” của TP.HCM như Võ Văn Tần (đoạn từ Phạm Ngọc Thạch đến Cách Mạng Tháng Tám), Trần Cao Vân (từ Phùng Khắc Khoan đến Phạm Ngọc Thạch), Nguyễn Thị Minh Khai (từ Huyền Trân Công Chúa đến Phùng Khắc Khoan)... đã được phân luồng một chiều. Ông Võ Đình Quốc, Phó tổng giám đốc Công ty Địa ốc ACB cho biết, thực tế, chưa thể tính toán cụ thể việc giá trị BĐS tăng hay giảm khi tiến hành phân luồng giao thông. Tuy nhiên, rõ ràng giá trị BĐS luôn gắn chặt với giá trị gia tăng cơ sở hạ tầng giao thông. Nếu chỉ là BĐS để ở thì yếu tố mật độ giao thông cao là điều bất lợi, nhưng với mặt bằng kinh doanh, việc có nhiều mật độ giao thông hai chiều là một lợi thế. Do vậy, khi trở thành đường một chiều, đường Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Lê Quý Đôn, Trần Quốc Thảo... (nơi đang tập trung khá nhiều cao ốc văn phòng và các cửa hàng kinh doanh thể thao, ẩm thực...) bị giảm sút một phần giá trị là điều tất yếu. Điều này dẫn đến giá trị buôn bán kinh doanh, cho thuê sẽ giảm, vì khách hàng sẽ ngại đến giao dịch mua bán, nhất là các cửa hàng ở chiều nghịch.

Giá giảm một phần còn do thị trường BĐS ở TP.HCM bắt đầu trở lại chu kỳ “trầm lắng”, một số nhà đầu tư đang vướng vào cơn giảm giá chứng khoán khiến một lượng lớn vốn bị “ngâm”, không giải ngân được và nguồn cung ở các cung đường một chiều cũng lâm vào tình trạng bão hòa. Tuy nhiên, theo một chuyên gia của Sở Tài nguyên - Môi trường, trên thực tế, giá trị tuyệt đối của BĐS khu vực này sẽ không thay đổi nhiều, vì bảng giá đất được UBND TP.HCM công bố áp dụng hiện thấp hơn 50 - 60% so với giá trị thực tế giao dịch trên thị trường.

Đất khu Nam: chỗ tăng, chỗ giảm

Trong khi đó, ở khu Nam - một trong những địa bàn giao dịch BĐS trọng điểm của Thành phố, đang có sự chênh lệch mặt bằng giá khá lớn.

Sau thời gian lên giá “ăn theo” giá của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, với đỉnh tương ứng đến 200% so với cách đây 2 năm, giá một số BĐS khu Nam đang có chiều hướng giảm từ 1 đến 3 triệu đồng/m2. Theo ghi nhận từ Trung tâm Địa ốc Nova, nhiều dự án tuy có vị trí tốt, nhưng mức giá vẫn giảm khoảng 1 triệu đồng/m2, như Dự án Phú Mỹ; giảm 2 - 3 triệu đồng/m2 như Dự án Him Lam - Kênh Tẻ... Lý giải việc giá giảm này, ông Trần Đăng Khoa, Phó trưởng phòng makerting Công ty Địa ốc Sacomreal cho rằng, chủ yếu do tác động của các nhà đầu tư theo phong trào. Khi thấy thị trường đột nhiên sôi động, họ “nhảy” vào, khi thị trường chững lại, họ vội bán để thu hồi vốn và không đủ vốn để đầu tư tiếp.

Ngược lại, khu vực trung tâm tài chính của Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng (PMH) sẽ vẫn tiếp tục giữ vững giá trị, nếu không muốn nói là còn tiếp tục tăng (dù hiện đã tăng hơn 300% so với ban đầu). Lý giải cho nhận định trên, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Giám đốc kế hoạch PMH cho biết, mới đây PMH vừa chính thức công bố thiết kế quy hoạch hoàn chỉnh khu trung tâm tài chính, “trái tim của khu đô thị mới PMH”, gồm 3 phân khu chức năng là khu Hồ Bán Nguyệt; khu Kênh Đào và khu thương mại tài chính. Trước mắt, tại đây, đã có hơn 20 ngân hàng, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đăng ký xây dựng dự án. “Đây chính là bước khởi động cần thiết cho việc hoàn chỉnh khu A của Khu đô thị mới PMH”, ông Thịnh cho biết.

Theo khảo sát từ Trung tâm Địa ốc Hưng Thịnh, ngay sau khi PMH công bố thiết kế quy hoạch chi tiết nêu trên, giá trị BĐS tại một số khu vực liền kề như khu Cảnh đồi, Dự án Garden Court; Panorama... đã bắt đầu tăng khoảng 10 - 20%, trong đó Dự án Garden Court 1 vừa công bố, giá trúng thầu một căn hộ gần 200 m2 đã lên đến 4 tỷ đồng.

Rõ ràng, giá trị BĐS luôn gắn liền với quy hoạch hạ tầng giao thông. Tuy nhiên, về cơ bản, giá BĐS tại TP.HCM sẽ không giảm nhiều trong tương lai, vì nguồn cung - cầu trên thị trường vẫn tiếp tục chênh lệch.

Bảo Giang

Ngân hàng nhỏ: Làm gì để tránh sáp nhập và mua lại?

Ngày 11/07/2007, 10:00
Ngân hàng nhỏ: Làm gì để tránh sáp nhập và mua lại?
Có thể nói, các ngân hàng cổ phần trong nước đã dự báo được sẽ có một làn sóng sáp nhập và mua lại trong thời gian tới, khi có sự xuất hiện ngày càng nhiều của những nhà băng ngoại.

Theo các chuyên gia ngành tài chính, dự kiến đến năm 2010, trên thị trường tài chính VN sẽ khó tránh khỏi việc sáp nhập và mua lại giữa các NH lớn và nhỏ.

Cạnh tranh toàn diện

Với các NH quy mô vốn nhỏ cần phải làm gì để tránh sự thâu tóm bởi làn sóng trên là câu hỏi đang được nhiều nhà băng quan tâm.

Một chuyên gia ngành tài chính cho rằng, sự cạnh tranh hiện tại của các NH trong nước là tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực, mạng lưới hoạt động. Do vậy, nếu NH nào chưa đủ những yếu tố này thì các NH trong nước rất khó cạnh tranh với các NH nước ngoài như: HSBC, Standard Chartered, ANZ... những đơn vị đang tập trung đẩy mạnh dịch vụ tài chính bán lẻ tại thị trường VN.

Hiện tại, các NH lớn nước ngoài như: HSBC, Standard Chartered không ngừng tìm kiếm thêm đối tác trong nước để liên kết, đầu tư mua thêm cổ phần của NH trong nước để thông qua đó đẩy mạnh dịch vụ của mình trên thị trường tài chính nội, cho dù họ đã mua lại cổ phần của một số NH trước đó.

Cụ thể, mới đây HSBC đã chính thức công bố việc tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần nắm giữ tại NH TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) từ 10% lên 15% và dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 20% trong thời gian tới khi được NHNN cho phép.

Hiện đối với lĩnh vực tài chính, VN vẫn chưa mở cửa hoàn toàn cho các NĐT ngoại. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa lĩnh vực NH sẽ mãi giữ được thế độc quyền trong kinh doanh.

Vì theo lộ trình cam kết với WTO, kể từ ngày 1.4, các NH con 100% vốn ngoại sẽ được phép thành lập và hoạt động tại thị trường tài chính VN. Và đến năm 2010, các NH nước ngoài hoạt động tại VN sẽ được đối xử bình đẳng như các NH trong nước.

Do vậy, theo dự báo của các chuyên gia trong ngành, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt để nâng cao năng lực cạnh tranh, các NH nhỏ sẽ khó tồn tại khi có sự lấn sân ngày càng sâu của NH ngoại.

"Hàng nội" bắt tay

Theo ông Hoàng Văn Toàn - TGĐ NH TMCP Nam Á (NamA Bank), để phát triển bền vững trên thị trường tài chính trong thời gian tới thì những đơn vị quy mô nhỏ cần phải liên kết để tạo sức mạnh cho mình. Chính vì thế, NamA Bank cũng đang trong quá trình tìm kiếm đối tác chiến lược để bắt tay hợp tác. Mới đây, NamA Bank đã ký kết bản thoả thuận hợp tác đồng hành với NH BIDV.

Ông Toàn cho rằng, bên cạnh những hỗ trợ trên mục tiêu của NamA Bank khi hợp tác với BIDV là trao đổi kinh nghiệm, tư vấn cho NamA Bank trong việc xây dựng các sản phẩm huy động vốn, sản phẩm kinh doanh tài trợ thương mại, kinh doanh ngoại tệ, các sản phẩm phái sinh, thanh toán...

"Xu hướng thị trường ngày càng thay đổi nên NamA Bank cũng như bao NH khác không thể đứng một mình một chợ như trước mà cần phải có sự liên kết hợp tác để tạo sức mạnh cho cả hai bên" - ông Toàn nhấn mạnh.

Ông Lưu Đức Khánh - TGĐ NH An Bình (ABBank) thừa nhận, nếu chỉ có một mình, khó xây được nền tảng vững chắc. Chính vì thế, ABBank đã và đang từng bước nâng cao năng lực tài chính, hợp tác với nhiều đối tác chiến lược. Hiện ngoài cổ đông chính là Tập đoàn EVN, ABBank còn hợp tác với Cty cổ phần Bách Việt và đang trong quá trình tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược khác.

Theo ông Khánh, ở các nước trên thế giới, một khi thị trường tài chính phát triển thì việc sáp nhập và mua lại là một hiện tượng bình thường. Thế nhưng do ở VN vẫn còn quá mới mẻ nên có thể các NH chưa quen với hiện tượng này. Ngoài việc liên kết để hỗ trợ lẫn nhau để tránh sự thâu tóm các NH phải nâng cao năng lực tài chính bằng việc điều chỉnh vốn điều lệ - ông Khánh khẳng định.

Theo LĐ

Monday, July 9, 2007

Tay không" buôn địa ốc

Ngày 09/07/2007, 16:33
"Tay không" buôn địa ốc!
Vốn liếng chỉ có 50-100 triệu đồng bạn sẽ làm gì? Mở doanh nghiệp, nhà hàng, shop, quán xá... đều phải chi li đong đếm mới vừa đủ vừa lo. Thời buổi này chỉ còn cách đi buôn chứng khoán và làm nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vậy mà có người vẫn “liều mình như chẳng có” cầm số vốn nhỏ nhoi kia nhảy thẳng vào thị trường địa ốc, nơi vốn chỉ dành cho những đại gia bạc tỷ...

Từ Phú Mỹ Hưng...

Thật ra thì trò “tay không bắt giặc” này cũng đã được những nhà đầu cơ “nhỏ lẻ” áp dụng từ nhiều năm trước nhưng mới rộ lên từ năm 2001, khi mà thị trường căn hộ nóng lạnh liên tục. Có lẽ tại TP.HCM, Phú Mỹ Hưng là nơi “mở đầu” cho phong trào này khi cơn sốt đất năm 2002 dừng lại và nhu cầu căn hộ cao cấp (CHCC) tăng dần đến nay. Khu CHCC Hưng Vượng 1,2,3 ra đời 5-7 năm trước vào thời điểm mà Phú Mỹ Hưng chưa có giá như bây giờ nên khách hàng còn được chiều chuộng và thanh toán cũng dễ dãi hơn bây giờ.

Với giá trung bình 18.000-25.000 USD cho mỗi căn hộ và khách hàng chỉ cần trả trước dưới 10% là đã có thể sang nhượng được nên Hưng Vượng 2,3 rất được những nhà đầu cơ “nhỏ, lẻ” ưa chuộng. Họ cũng là thành phần chính giúp các khu CHCC của Phú Mỹ Hưng hút hàng cũng như lôi kéo nhiều “đồng nghiệp” khác.

Cứ mỗi đợt ra dự án CHCC mới, Phú Mỹ Hưng chỉ cần bán cho những nhà đầu tư “quen biết” trong vòng vài ngày là hết sạch. Sau đó họ ký gửi khắp nơi và đăng báo ngay nên nhiều căn chỉ vừa đặt cọc 2,3 ngày đã sang tên kiếm lời 1.000-3.000 USD. Do cầu luôn lớn hơn cung và mang thương hiệu Phú Mỹ Hưng nên chỉ cần mua được là 90% có lời, 10% rủi ro còn lại do không chọn được vị trí tốt, thị trường chựng lại.

Với số vốn bỏ ra cao nhất là 2.500 USD (1/10 trị giá căn hộ), thì mức lời như trên quả là quá lý tưởng và 50-100 triệu đồng (khoảng 3.200-6.800 USD) đã là quá đủ để buôn bán địa ốc kiểu này. Chỉ sau vài tháng, 1 vốn đã thành 4 lời nếu nhanh nhạy và biết san sẻ “lộc” cho những người cần thiết. Nhiều khách hàng của Phú Mỹ Hưng mua để ở đã từng tròn mắt khi thấy những cô gái trẻ mua 5-10 căn một lúc, tưởng là con cái đại gia mới vào nghề nhưng nhiều em thú thật “4, 5 đứa chỉ có vài trăm triệu làm vốn, mua xong không đẩy được ngay xem như toi”.

Chị Đinh Thị Thu Vân (Phường 22, Quận Bình Thạnh) thừa nhận: “Thời ấy 10 đứa thì 6 đứa tay không bắt giặc kiểu này, nhưng do gặp thời nên đứa nào cũng thắng lớn, có đứa chỉ 3,4 dự án đã kiếm cả 10-20 ngàn USD”. Dần dần dự án CHCC ra nhiều, thị trường căn hộ đóng băng và Phú Mỹ Hưng cũng không muốn quá nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc kiểu này” nên đã đề ra những biện pháp hạn chế, hơn nữa CHCC Phú Mỹ Hưng gần đây toàn từ 3 tỷ đồng trở lên, lại không cho chuyển nhượng ngay nên các nhà đầu cơ kiểu này bỏ sang dự án khác.

... Đến cơn sốt địa ốc đầu năm 2007

Trong cơn sốt địa ốc đầu năm 2007, những nhà đầu cơ dạng này lại xuất hiện. Dự án Phú Mỹ Thuận của Công ty Vạn Phát Hưng cho đặt chỗ trước 2 - 3 tháng khi công bố với số tiền giữ chỗ là 10 triệu đồng, nếu không mua sẽ hoàn lại đủ. Kẽ hở này đã giúp không ít người chỉ cần bỏ ra 50 - 70 triệu đồng là đặt được 5,7 căn, sau đó nhượng lại suất đặt chỗ đã có vài chục triệu đồng. “Liều” hơn chút nữa thì đóng 10% mua luôn những căn đẹp, sau đó sang nhượng ngay kiếm 50-70 triệu đồng trong cơn sốt không khó. Đây cũng là thời điểm hàng loạt dự án khác như Hoàng Anh 3, Mansion, Hoàng Kim và trước đó là Phú Mỹ, Him Lam... cũng cho đặt chỗ hay chỉ cần dưới 100 triệu đồng là có thể mua đi bán lại ngon lành.

Nhưng “ngoạn mục” hơn cả là chuyện xảy ra ở khu CHCC V-Star (Quận 7, TP.HCM). Chủ đầu tư dự án này chỉ yêu cầu khách hàng chọn căn hộ mình ưa thích, sau đó đặt 4 triệu đồng để giữ chỗ trong vòng 5-7 ngày, nếu không mua vẫn được trả lại 4 triệu! Nhiều khách hàng đã đặt 5-10 căn, cá biệt có người đặt 17 căn trong thời điểm mà cơn sốt CHCC lên đỉnh điểm, hàng ngàn người chen lấn mua bên Phú Mỹ Hưng không được đã chạy sang. Do đã bị đặt chỗ xí phần nên “khan hiếm” đã xảy ra và nhiều suất đặt chỗ đã được bán lại với giá 50-60 triệu đồng! Buôn bán kiểu này một vốn đã thành 12 lời mà chẳng cần vốn lớn cũng không rủi ro gì lớn.

Bà Trần Thị Thu Hải (Phường 7, Quận 3, TP.HCM) nói thẳng: “Chỉ có lời không có lỗ, cũng chẳng mất nhiều công sức, chịu chút rủi ro gì thì có dại mới không nhảy vào”. Đặt 4 căn, nhượng lại 3 suất có vị trí đẹp, bà Hải đã lời gần 100 triệu đồng trong dự án này với số vốn bỏ ra 30 triệu đồng, kể cả tiền “trà nước” cho người mách thông tin và môi giới bán hộ bà.

Chủ tịch HĐQT Công ty Vạn Phát Hưng Võ Văn Tuấn cho biết, công ty này cho giữ chỗ là do yêu cầu của khách hàng, chứ không nghĩ đến chuyện tạo “kẽ hở” cho nhà đầu tư. Còn tổng giám đốc một công ty địa ốc lại giải thích: “Đây cũng là một hình thức thăm dò, tạo sức hút và quảng cáo cho dự án của công ty chúng tôi”. Nhưng chủ dự án nào cũng hiểu, nhà đầu tư buôn đi, bán lại mới chính là khách hàng “ruột” của họ, không chỉ mua nhiều, nhanh, gọn mà còn giúp dự án sôi động nên họ cũng để “mỗi người kiếm một chút”. Giờ đây “người đông của khó”, nhiều chủ đầu tư dự án đã không còn cho giữ chỗ để sàng lọc khách hàng, tuy nhiên vẫn có những công ty như Đất Xanh sắp công bố dự án Fortuna vào nửa cuối tháng 7/2007 vẫn cho đặt 10 triệu đồng giữ chỗ, không mua trả lại đủ tiền nên nhiều nhà đầu tư “tay không bắt giặc” lại chuẩn bị vào cuộc...

Theo VNN

Kinh tế

Blog Archive

Topics