Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Tuesday, November 13, 2007

Tóm tắt thông tin CTCP Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh

Tóm tắt thông tin CTCP Vật tư Tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh
20:55:24 09/11/2007 (GMT+7) Tải file đi kèm

TÓM TẮT THÔNG TIN

CÔNG TY CỔ PHẦN VẬT TƯ TỔNG HỢP VÀ PHÂN BÓN HÓA SINH

1. Giới thiệu Công ty

§ Tên Công ty : CÔNG TY CỔ PHẦN VẬT TƯ TỔNG HỢP VÀ PHÂN BÓN HÓA SINH

§ Tên viết tắt : MF JSC

§ Trụ sở chính : Ấp 5, Xã Phạm Văn Cội, Huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh

§ Điện thoại : (8) 799.0170

§ Fax : (8) 794.9051

Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh (Hóa Sinh) tiền thân là Phân xưởng sản xuất phân bón của Công ty Thanh Bình trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc Phòng, Bộ quốc phòng và được cổ phần hóa theo Quyết định số 1918/QĐ-QP ngày 09/09/2003 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh chính thức đi vào hoạt động kinh doanh theo mô hình Công ty Cổ phần từ ngày 01/09/2005 với vốn điều lệ ban đầu là 18,5 tỷ đồng.

Từ một đơn vị sản xuất phân bón nhỏ với sản lượng hàng năm vài nghìn tấn, Hóa Sinh đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến công nghệ, thiết bị, phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường, sắp xếp lại tổ chức và đào tạo nguồn nhân lực để sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng ngày càng cao hơn. Sản phẩm chủ yếu của Hóa Sinh là phân bón NPK với thương hiệu “Con Trâu” của Hóa Sinh cũng đã trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường, đạt được nhiều danh hiệu và giải thưởng chất lượng như: Giải thưởng chất lượng Việt Nam, Giải thưởng Bông lúa vàng, Giải thưởng đơn vị có sản phẩm được người tiêu dùng ưu thích, Topten Phân bón, Giải Cúp vàng vàng vì sự nghiệp xanh Việt Nam, Cúp vàng nông nghiệp Việt Nam và hàng chục danh hiệu, giải thưởng, huy chương vàng các loại khác.

Hiện tại, vốn điều lệ của Hóa Sinh là 100 tỷ đồng. Hóa Sinh đã được Sở Giao dịch chứng khoán tiếp nhận hồ sơ niêm yết và dự kiến sẽ niêm yết trong tháng 12/2007.

Cơ cấu cổ đông hiện tại của Hóa Sinh như sau:

Cổ đông

Số cổ phần sở hữu (đồng)

Giá trị theo mệnh giá

(đồng)

Tỷ lệ
sở hữu (%)

Vốn nhà nước

943.500

9.435.000.000

9,435%

Cổ đông khác

9.056.500

90.565.000.000

90,565%

Tổng cộng

10.000.000

100.000.000.000

100%

2. Ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của Hóa Sinh bao gồm: sản xuất, mua bán phân bón, Mua bán nguyên liệu sản xuất phân bón, máy móc, thiết bị, phụ tùng ngành nông nghiệp, đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu dân cư. Kinh doanh nhà ở, cho thuê kho bãi, nhà xưởng, nhà ở, văn phòng, sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói thuốc bảo vệ thực vật, mua bán thuốc bảo vệ thực vật…

3. Sản phẩm và thị trường tiêu thụ

Hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh hiện tập trung chủ yếu vảo mảng sản xuất và kinh doanh phân bón tổng hợp NPK. Hóa Sinh hiện là một trong những nhà cung cấp phân bón tổng hợp NPK chính trên thị trường Việt Nam, với thương hiệu phân bón “Con trâu”. Sản phẩm phân bón NPK của Công ty rất đa dạng với trên một trăm mặt hàng phân bón chuyên dùng, phân bón thông dụng, phân bón hữu cơ được phân chia theo tỉ lệ, màu sắc thành phần phân nguyên liệu và hình thức sản phẩm. Trong đó, mặt hàng chủ lực của Hóa Sinh là phân NPK 20:20:15 và phân NPK 16:16:8. Sản phẩm phân bón NPK của Hóa Sinh được nghiên cứu và sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, loại cây trồng và thị hiếu của người nông dân theo từng thị trường với tiêu chí chất lượng được đưa lên hàng đầu.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm của Hóa Sinh bao gồm cả trong nước và xuất khẩu. Về thị trường trong nước, sản phẩm được tiêu thụ khắp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung, các tỉnh Tây Nguyên. Về xuất khẩu, Hóa Sinh đã xuất một số lượng hàng sang các nước Cambodia, Úc, Trung Quốc. Trong đó, thị trường xuất khẩu chính là Cambodia.

4. Hoạt động phân phối và bán hàng

Hóa Sinh đã xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm thông qua các kênh phân phối:

§ Bán trực tiếp cho người tiêu dùng: người tiêu dùng chủ yếu là các trang trại, các nông trường, các công ty sản xuất nông nghiệp và cây công nghiệp ký hợp đồng trực tiếp với Hóa Sinh để mua phân bón về sử dụng.

§ Nhà bán lẻ: các cửa hàng bán lẻ, mua hàng trực tiếp từ Hóa Sinh hoặc từ các đại lý

§ Các đại lý: Hóa Sinh đã tổ chức được mạng lưới tiêu thụ sản phẩm thông qua hệ thống đại lý lớn và rộng khắp tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ. Đây là kênh phân phối chính của Hóa Sinh.

§ Nhà bán buôn: là những đối tác có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm có giá trị lớn với Hóa Sinh và có mạng lưới đại lý tiêu thụ sản phẩm.

Các công ty trung gian, trạm giao dịch và cửa hàng giới thiệu sản phẩm đối với sản phẩm xuất khẩu.

5. Vị thế trong ngành

Trong lĩnh vực sản xuất phân bón NPK, Hóa Sinh là một trong những công ty hàng đầu tại thị trường Việt Nam. Các đối thủ lớn của Hóa Sinh là: Công ty Phân bón Bình Điền 2, Công ty Phân bón Việt – Nhật.

Thị phần của các công ty sản xuất phân bón NPK như sau:

Nguồn: Thông tin thị trường của Hóa Sinh

So sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, Hóa Sinh có những lợi thế cạnh tranh như sau:

§ Phân bổ Nhà máy sản xuất hợp lý ở hai khu vực: Củ Chi và Phú Yên. Sản phẩm của nhà máy ở Củ Chi phục vụ cho thị trường Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ, sản phẩm của nhà máy Phú Yên phục vụ cho thị trường Tây Nguyên và Trung Bộ. Việc phân bổ sản xuất như trên đã giúp Hóa Sinh cắt giảm được chi phí vận chuyển, chi phí phân phối và mở rộng thị trường.

§ Sản phẩm đa dạng và đạt chất lượng cao: với hơn 100 chủng loại sản phẩm phân bón NPK, sản phẩm của Hóa Sinh đáp ứng rộng rãi nhu cầu và thị hiếu của người sử dụng. Sản phẩm của Hóa Sinh được nghiên cứu và sản xuất với tiêu chí phù hợp với tình hình và đặc điểm sản xuất nông nghiệp của từng thị trường, từng vùng, từng miền, đảm bảo chất lượng sản xuất cho người sử dụng. Chính điều này đã giúp người nông dân lựa chọn loại phân bón phù hợp với chi phí hợp lý.

§ Mạng lưới tiêu thụ sản phẩm chặt chẽ và rộng lớn thông qua hệ thống phân phối và đại lý lớn tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Trung Bộ. Điểm khác biệt của Hóa Sinh với các doanh nghiệp sản xuất phân bón khác là hệ thống các đại lý được Hóa Sinh chọn lựa và phân vùng rõ ràng, chính sách giá cả thống nhất, không xảy ra sự cạnh tranh lẫn nhau giữa các đại lý. Ngoài việc được hưởng các chế độ ưu đãi từ chính sách bán hàng linh hoạt, hợp lý, các đại lý còn là những đối tác chiến lược của Hóa Sinh trong việc củng cố và mở rộng hoạt động kinh doanh của Hóa Sinh.

§ Sản xuất tập trung vào chất lượng sản phẩm và đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh đúng theo tiêu chuẩn hệ thống quản trị chất lượng ISO 9001: 2000.

§ Nguồn nhân công sản xuất ổn định tại địa phương với chi phí thấp.

§ Dự trữ công suất hoạt động còn khá lớn, khoảng 40%, tạo khả năng đáp ứng cao nhu cầu thị trường.

§ Công nghệ sản xuất hiện đại với dây chuyền sản xuất tự động do Công ty tự nghiên cứu và lắp đặt giúp tiết kiệm chi phí, kiểm soát được nguyên vật liệu và thành phẩm, tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm.

§ Năng lực cạnh tranh cao so với các doanh nghiệp cùng ngành.

§ Chiến lược và mục tiêu phát triển rõ ràng, hợp lý.

6. Trình độ công nghệ

Hiện tại, Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và Phân bón Hóa Sinh đang áp dụng công nghệ sản xuất sử dụng phương pháp trộn hỗn hợp và hạt hỗn hợp với công nghệ tạo hạt bằng hơi nước. Đây là công nghệ tiên tiến nhất cho sản xuất phân bón hiện nay. Công nghệ sản xuất của Hóa Sinh được điều khiển và kiểm tra chặt chẽ hoàn toàn tự động bằng hệ thống vi tính, giúp nguyên vật liệu không bị hao hụt, sản phẩm tạo ra có độ cứng cao, chắc, bóng, thẩm mỹ, chất lượng ổn định.

Hệ thống dây chuyền sản xuất của Hóa Sinh mới được đầu tư vào năm 2002 tại nhà máy Củ Chi và tháng 10/2006 tại nhà máy Phú Yên. Điểm đặc biệt của Hóa Sinh là dây chuyền sản xuất phân bón được đội ngũ kỹ thuật của Hóa Sinh tự nghiên cứu, chế tạo, lắp ráp chủ yếu nhưng không thua kém gì so với dây chuyền nhập 100% từ nước ngoài. Hóa Sinh hiện có 5 dây chuyền sản xuất phân bón NPK hỗn hợp hiệu “Con Trâu” dạng tạo hạt hỗn hợp, 4 dây chuyền sản xuất phân bón hỗn hợp trộn đạt công suất 480.000 tấn/năm, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của khách hàng.

Hiện tại, Hóa Sinh đang đầu tư vào hệ thống sấy sản phẩm để tiết kiệm nhiên liệu cho sản xuất. Sau khi đưa hệ thống sấy này đi vào hoạt động, Hóa Sinh có thể tiết kiệm được 10-15% nhiên liệu so với trước đây.

7. Nhãn hiệu hàng hoá

Hóa Sinh đã đăng ký độc quyền các nhãn hiệu hàng hóa “Con Trâu” cho toàn bộ các sản phẩm của mình.

8. Tóm tắt kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh

Tóm tắt một số chỉ tiêu về hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong năm 2005, năm 2006 và 9 tháng năm 2007.

Đvt: triệu đồng

CHỈ TIÊU

2005

2006

30/09/2007

Vốn điều lệ bình quân

18.500

18.500

42.648

Doanh thu thuần

251.721

389.476

484.548

Lợi nhuận sau thuế

2.040

2.545

14.092

Tỷ suất LNST/ vốn điều lệ bình quân (EPS)

11,03%

13,76%

33,04%

(Nguồn: Báo cáo Kiểm toán 2005 và 2006, Báo cáo tài chính 9 tháng 2007)

9. Kế hoạch kinh doanh:

Kế hoạch lợi nhuận của Hóa Sinh được thể hiện tóm tắt trong bảng sau:

Đvt: triệu đồng

CHỈ TIÊU

2005

2006

30/09/2007

Vốn điều lệ bình quân

18.500

18.500

42.648

Doanh thu thuần

251.721

389.476

484.548

Lợi nhuận sau thuế

2.040

2.545

14.092

Tỷ suất LNST/ vốn điều lệ bình quân (EPS)

11,03%

13,76%

33,04%

(Ghi chú: Kế hoạch này được lập vào thời điểm tháng 09/2007. Tuy nhiên, theo thông tin thực tế về hoạt động sản xuất kinh doanh tại thời điểm tháng 11/2007 thì kết quả toàn năm 2007 có thể cao hơn kế hoạch nêu trên).

10. Cơ hội phát triển

Kế hoạch sắp tới của Hóa Sinh như sau:

§ Hoàn tất việc niêm yết cổ phiếu của Hóa Sinh trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh vào Tháng 12/2007 với giá khởi điểm dự kiến là 52.000 đ/cp.

§ Đẩy mạnh đầu tư vào các dự án liên quan, cụ thể:

o Xây dựng nhà máy thuốc trừ sâu ở Phú Yên.

o Đầu tư và Khai thác Khu công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, Phú Yên với diện tích 270 hecta, vốn đầu tư 150 tỷ đồng. Dự kiến sẽ khởi công vào Quý I/2008.

DAS

http://www.das.vn/Newsdetails.aspx?bmV3c19jb2Rl=MjAzNA==

Monday, November 12, 2007

Sức ép nào đối với nguồn vốn cho thị trường?

Ngày 13-11-2007, 11:11
Sức ép nào đối với nguồn vốn cho thị trường?

Sự suy giảm về giá trị giao dịch trong thời gian vừa qua chủ yếu do tâm lý ngại mua vào chứng khoán của nhà đầu tư.
(ĐTCK-online) Tình trạng “rút củi đáy nồi” đối với giá trị giao dịch đã thành hiện thực khi giá trị giao dịch trên thị trường suy giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Kết quả này được giới phân tích cho là có cơ sở để cảnh báo nguy cơ thiếu vốn và khả năng điều chỉnh giảm mạnh đối với thị trường niêm yết.

Theo báo cáo phân tích của một số CTCK, giá trị giao dịch trung bình tại thị trường niêm yết trong 2 tuần qua đã giảm khoảng 20% so với tháng trước đó. Đáng nói là xu hướng này diễn ra ngày càng mạnh. Ở phiên giao dịch ngày 8/11, tổng giá trị giao dịch của cả 2 sàn TP. HCM và Hà Nội chỉ còn hơn 1.200 tỷ đồng - một con số thấp kỷ lục trong vòng 1 tháng qua. Trong đó, sự suy giảm về giá trị giao dịch ở sàn TP. HCM đã gây sự chú ý đặc biệt vì chịu tác động lớn từ 2 cổ phiếu đại gia là SSI và DPM, với tổng giá trị giao dịch khoảng 300 tỷ đồng.

Theo giám đốc một CTCK tại TP. HCM, sự suy giảm về giá trị giao dịch trong thời gian vừa qua chủ yếu do tâm lý ngại mua vào chứng khoán của nhà đầu tư, trong đó hạn chế về nguồn vốn là yếu tố tác động chính. Cũng theo vị giám đốc này, nguồn vốn trên thị trường niêm yết đang bị rút bớt cho các đợt IPO của DN lớn. Đơn cử, càng đến gần ngày 8/11 - thời điểm cuối cùng nộp tiền mua cổ phần của PVFC, thị trường càng có sự điều chỉnh giảm.

Thực tế, để có số tiền này, không ít nhà đầu tư đã phải bán ra chứng khoán. Vì thế, họ đành chấp nhận chịu lỗ trên sàn niêm yết để chuyển sang thị trường OTC. Có thể nói, nguồn tiền đầu tư cho các cuộc đấu giá đã ở thế bị động. Theo ghi nhận của ĐTCK, sau khi bị hút vốn từ việc đấu giá PVFC, nhiều nhà đầu tư đã rút ra kinh nghiệm và chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn phục vụ cho các đợt IPO tiếp theo, trong đó đáng chú ý là của Vietcombank.

Sức hút từ các kênh kinh doanh khác như bất động sản và vàng đang trở thành “rào cản” trong việc giữ được lượng vốn ổn định cho TTCK. Hiện giá vàng tăng đột biến và giá nhiều loại cổ phiếu giảm mạnh đã khiến nhà đầu tư rút tiền từ TTCK để mua vàng. Hơn nữa, việc vàng tăng giá vào đợt cuối năm và Tết Nguyên đán cũng là yếu tố khiến thị trường này hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã tìm đến thị trường vàng để “lướt sóng”. Họ cho rằng, thị trường này mang tính đảm bảo về vốn hơn TTCK. Tương tự, sự an toàn về vốn và cơ hội thu lời lớn ở thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Nhằm giảm thiểu rủi ro từ các đợt “sốt” bất động sản ở TP. HCM, nhiều người đã chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Một yếu tố khá quan trọng nữa khiến nguồn vốn cho TTCK gặp “rào cản” là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiêm khắc và sát sao hơn đối với hoạt động của các ngân hàng cổ phần trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán. Mức độ ảnh hưởng từ động thái này đối với TTCK tuy không còn nghiêm trọng nhưng thái độ cương quyết của NHNN cũng dập tắt niềm hy vọng của nhiều nhà đầu tư khi mong muốn Chỉ thị 03 được bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Ngoài ra, theo giới phân tích, hiện nguồn tiền cung cho thị trường nói chung và tâm lý đầu tư nói riêng đang chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng đầu tư của khối nhà đầu tư nước ngoài - đối tượng đầu tư có tiềm lực về tài chính. Điển hình, ở phiên giao dịch giữa tuần trước, khối nhà đầu tư nước ngoài tại sàn TP. HCM đã giảm tới 30% lượng mua vào, nhưng lại bán ra khá nhiều chứng khoán.

Giải thích điều này, giới phân tích cho rằng, do chính khối nhà đầu tư ngoại cũng có tâm lý bất ổn trong việc đầu tư ra nước ngoài. Trong hai tuần gần đây, TTCK nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm, tạo phản ứng dây chuyền tới TTCK Việt Nam.

Tuấn Dũng

Bán khống hay ứng trước chứng khoán T+3?

Ngày 13-11-2007, 10:21
Bán khống hay ứng trước chứng khoán T+3?

(ĐTCK-online) Bán khống là một khái niệm tài chính còn tương đối mới mẻ đối với TTCK 7 năm non trẻ của Việt Nam. Tuy nhiên, trên thế giới, nghiệp vụ bán khống đã được một số TTCK trên thế giới thực hiện từ rất lâu và hiện trở nên phổ biến ở TTCK các nước phát triển.

Cơ hội kiếm lời

Bán khống trong giao dịch chứng khoán là bán một loại chứng khoán mà người bán không sở hữu tại thời điểm bán, cụ thể hơn là bán chứng khoán vay mượn. Khi nhà đầu tư dự đoán rằng, trong tương lai giá cổ phiếu sẽ hạ, họ sẽ thực hiện bán khống, tức là đi vay cổ phiếu của CTCK để bán; sau khi giá hạ, họ sẽ mua cổ phiếu đó trên thị trường để trả lại và hưởng khoản chênh lệch giá. Nhưng nếu giá trên thị trường không hạ như dự đoán mà lại tăng lên, nhà đầu tư vẫn phải mua cổ phiếu đó để trả và chấp nhận một khoản lỗ.

Để đảm bảo an toàn, CTCK triển khai nghiệp vụ này thường yêu cầu người vay chứng khoán ký quỹ một khoản tiền nhất định, tuy nhỏ hơn giá trị chứng khoán đi vay nhưng đủ để bù đắp khoản lỗ nếu có. Trong quá trình chưa trả được nợ, nếu giá thị trường tăng lên thì người bán khống (người vay) phải bổ sung thêm tiền ký quỹ. Ngược lại, nếu giá giảm thì người vay có thể rút bớt ra để sử dụng.

Bán khống chứng khoán khi thị trường điều chỉnh giảm cũng là một hình thức khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường, bởi họ vẫn có thể kiếm được lời, trong khi mua bán theo cách bình thường, họ chỉ kiếm được lời khi thị trường tăng giá.

Năm 2009 Việt Nam sẽ có bán khống

Khoản 9, Điều 71 Luật Chứng khoán quy định về nghĩa vụ của CTCK như sau: “Thực hiện việc bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán theo quy định của Bộ Tài chính”. Như vậy, Luật thì không cấm nhưng phải chờ hướng dẫn của Bộ Tài chính. Theo Quyết định số 701/QĐ-UBCK ngày 20/11/2006 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Kế hoạch phát triển CTCK giai đoạn 2006 - 2010, thì đến năm 2009 nghiệp vụ bán khống sẽ có quy chế hướng dẫn thực hiện.

Theo quy định hiện hành, khách hàng phải ký quỹ đủ 100% tiền thì mới được mua chứng khoán, có nghĩa là không được “mua khống”. Tuy nhiên, vẫn có nhiều hoạt động lách được quy định này, chẳng hạn với hoạt động repo hoặc cầm cố chứng khoán thì khách hàng có thể nhận thêm vốn để tiếp tục mua cổ phiếu.

Nhà đầu tư cần vốn nhưng không muốn bán đứt số chứng khoán mình hiện có, có thể bán cho CTCK với mức giá cụ thể, đồng thời cam kết mua lại sau một thời gian với một mức giá xác định. Đây chính là nghiệp vụ repo (mua bán cổ phiếu có kỳ hạn).

Còn cho vay cầm cố chứng khoán là việc thế chấp, thường là cổ phiếu (cả niêm yết và OTC), để vay tiền của CTCK hoặc ngân hàng trong một thời gian nhất định, mức vay thường được tính bằng 20 - 50% thị giá, tùy theo quy định của bên nhận cầm cố. Trong thời hạn vay mà thị giá cổ phiếu giảm xuống dưới một mức quy định thì người vay phải nộp thêm tiền để đảm bảo an toàn cho bên nhận cầm cố, nếu không bên nhận cầm cố có quyền thanh lý cổ phiếu.

Cả cầm cố và repo đều là những nghiệp vụ lách luật hợp pháp nhằm giúp nhà đầu tư được “mua khống”.

Hoạt động cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán cũng đã xuất hiện với tên gọi: “ứng trước tiền bán chứng khoán”. Hiện nay, để thực hiện nghiệp vụ này, các CTCK phải hợp tác với ngân hàng, đứng ra làm trung gian nhằm giúp khách hàng có thể nhận được tiền bán chứng khoán trước ngày T+3. Chỉ cần có thông báo kết quả lệnh bán đã được khớp là khách hàng hoàn toàn có thể làm hợp đồng xin ứng trước tiền chứng khoán đã bán với mức phí quy định. Một số công ty thực hiện ứng trước tiền cho khách hàng ngay sau khi có kết quả khớp lệnh và khách hàng có thể dùng để mua chứng khoán ngay trong phiên giao dịch.

Có thể ứng trước chứng khoán?

Theo quy định, sau khi mua chứng khoán, đến ngày T+3 chứng khoán mới được ghi nhận vào tài khoản, nhưng do chứng khoán được chuyển vào chiều ngày T+3 nên khách hàng chỉ có thể bán chứng khoán vào sáng ngày T+4. Vậy, với một nghiệp vụ tương tự như “ứng trước tiền bán chứng khoán” thì có thể có nghiệp vụ “ứng trước chứng khoán” với những khách hàng đã có thông báo kết quả khớp lệnh mua thành công chứng khoán nhằm giúp nhà đầu tư có thể cắt lỗ trong trường hợp giá có xu hướng giảm? Nghiệp vụ này có thể được thực hiện giữa CTCK và khách hàng của mình hoặc các khách hàng của công ty với nhau hay giữa các CTCK với nhau.

Nếu nghiệp vụ áp dụng giữa CTCK với khách hàng thì yêu cầu để thực hiện là tài khoản tự doanh của CTCK phải có chứng khoán để có thể ứng trước cho khách hàng và khách hàng ký với công ty cam kết vay và chuyển giao chứng khoán mình đã mua lại cho công ty. Tất nhiên, khách hàng sẽ chịu một mức phí nhất định gọi là phí “ứng trước chứng khoán”. Nếu nghiệp vụ áp dụng giữa khách hàng với nhau thì CTCK đứng ra làm trung gian và hưởng phí môi giới, phí quản lý hoạt động vay mượn và thanh toán giữa các khách hàng.

Nguyễn Thu Phương,CTCK Quốc Gia

TTCK Mỹ đang xuống dốc?

Ngày 13-11-2007, 09:33
TTCK Mỹ đang xuống dốc?

(ĐTCK-online) Bầu không khí ảm đạm trên TTCK Mỹ và nhiều nước trên thế giới có thể vẫn chưa chấm dứt sau khi những dự báo bị quan cho thấy, chỉ số Dow Jones Industrial Average (DJIA), chỉ số chứng khoán quan trọng nhất của TTCK Mỹ, sẽ tiếp tục lao xuống ngưỡng 12.000 điểm, thậm chí 10.000 điểm.

Chỉ số DJIA, chỉ số chứng khoán trung bình 30 công ty công nghiệp hàng đầu của Mỹ, hôm 8/11 vừa qua đóng cửa ở mức 13.226,29 điểm, giảm 33,73 điểm sau khi chứng kiến mức giảm kỷ lục hơn 360 điểm của ngày hôm trước. Đây được coi là mức thấp kỷ lục so với mức 14.164,53 điểm mà DJIA đạt được hôm 9/10 vừa qua và mức 13.930,01 điểm hôm 31/10, ngày mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ hai.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ khác như NASDAQ, S&P500 cũng giảm mạnh và đứng ở mức thấp 2.696 điểm và 1.474,77 điểm. Cùng lúc các chỉ số chứng khoán ở châu Á và châu Âu đều đi xuống sau khi có nhiều thông tin không mấy lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống còn 1.018,29 điểm.

Theo bình luận của các chuyên gia phân tích quốc tế, sự sụt giảm kéo dài này của TTCK Mỹ bắt nguồn từ những thông tin không có gì sáng sủa của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp trong lĩnh vực nhà đất ở Mỹ, nhất là sau khi hàng loạt tổ chức đầu tư tài chính lừng danh công bố những khoản lỗ khổng lồ từ đầu tư chứng khoán liên quan tới lĩnh vực này.

Tiếp bước hai tổ chức tài chính hàng đầu là Merrill Lynch và Citigroup, tuần qua Morgan Stanley cũng công bố tình trạng thua lỗ của mình, với khoản thiệt hại lên tới 3,7 tỷ USD trong quý III và dự tính lỗ thêm 2,5 tỷ USD trong quý IV năm nay. Tính chung, khoản thiệt hại của các quỹ đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, một con số đã khiến giám đốc điều hành của Citigroup và Merrill Lynch phải ra đi.

Trước việc thua lỗ nặng nề như vậy, các nhà phân tích cho rằng, nhiều tổ chức đầu tư sẽ buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình bằng việc bán ra mạnh hơn để tìm cách cứu vớt các khoản thua lỗ. Như vậy, sẽ tiếp tục kéo theo sự suy giảm của các TTCK trên thế giới.

Trong khi đó, thông tin về việc FED có thể sẽ không tiếp tục cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm như mong đợi của các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới do lo ngại lạm phát, theo các nhà phân tích, cũng khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào sự tăng trưởng của TTCK Mỹ trong bối cảnh đồng USD đang bị mất giá kỷ lục trong hàng thập kỷ qua.

Các nhà phân tích chứng khoán cho rằng, nếu chỉ số DJIA rớt xuống dưới ngưỡng 13.000 điểm thì TTCK Mỹ sẽ thực sự đi vào suy thoái mạnh. Và khi đó, chỉ số DJIA sẽ lao xuống ngưỡng 10.018 điểm và chỉ số S&P500 xuống còn 912 điểm, dựa trên những dự đoán về lợi nhuận và cổ tức trong hiện tại và tương lai của các công ty trên TTCK Mỹ.

Hiện tại, hệ số P/E của các cổ phiếu trong chỉ số DJIA khoảng 16 lần, trong khi của S&P500 là 18 lần và dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận tương ứng là 2,2% và 1,8% trong năm 2007. “13.000 điểm là ngưỡng mà các ngân hàng trung ương trên buộc phải hành động, nếu không các TTCK sẽ phải trả giá”, Brian Bloom, chuyên gia tại Công ty Tư vấn đầu tư Venture Capital Industry cảnh báo.

Ngoài ra, giá dầu đang tăng chóng mặt và hiện đứng ở mức rất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ vốn không mấy lạc quan cũng như nền kinh tế thế giới nói chung. Hơn nữa, 48% dân số Mỹ đang tỏ ra rất lo lắng cho khoản đầu tư tài chính của mình vào TTCK do lo ngại lạm phát đang tăng cao cũng ít nhiều tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Mỹ.

Nhà phân tích tài chính nổi tiếng Marc Faber, người dự báo chính xác sự sụp đổ của TTCK Mỹ năm 1987, vài tháng trước đã cảnh báo rằng, TTCK Mỹ mới đang ở giai đoạn đầu của sự suy thoái (bear market). Ông dự báo, chỉ số DJIA sẽ giảm xuống dưới mức 12.000 điểm, so với mức hơn 14.000 điểm trong tháng 7 vừa qua. Ngoài ra, ông cũng khuyên các nhà đầu tư nên mua vàng, dầu mỏ và bán USD ngay lập tức.

Faber cho rằng, làn sóng nhà đầu tư ào ạt mua vào cổ phiếu tại thời điểm TTCK Mỹ sụt giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 6 vừa qua đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh và việc giảm giá là điều không thể tránh khỏi. “Các TTCK mới nổi thực sự là những “nạn nhân” dễ bị tổn thương nhất từ những cú sốc từ TTCK Mỹ”, ông Faber nói.

Nguyên Hưng(Theo báo chí nước ngoài)

Chứng khoán châu Á chao đảo - VNI down to 973.4

Ngày 12-11-2007, 15:56
Chứng khoán châu Á chao đảo

Các bảng điện tử của thị trường chứng khoán châu Á đầy những mũi tên chỉ xuống.
Ngày 12/11, thị trường chứng khoán châu Á chao đảo với sự lao dốc của các chỉ số chủ chốt.

Nhật Bản: đồng yên lên giá mạnh

Tại Nhật Bản, đồng yên tăng giá mạnh như một đòn giáng vào các nhà xuất khẩu của nước này, khiến cổ phiếu của các công ty xuất khẩu lớn đồng loạt mất điểm, đẩy thị trường chứng khoán Nhật Bản giảm xuống quá mức thấp nhất trong 52 tuần qua.

Chỉ số Nikkei 225 của phiên giao dịch buổi sáng giảm 2,4% xuống còn 15.208,78 điểm. Trước đó, chỉ số này có lúc chạm đáy 15.139,26 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái. Chỉ số Topix cũng giảm 2,4%, xuống còn 1.457,90 điểm, sau khi lao xuống 1450,29 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2006.

Vào lúc 2h37 chiều tại Tokyo, chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương giảm 3,2%, xuống còn 157,58 điểm, mức giảm mạnh nhất kể từ ngày 17/8 và là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 26/9.

Với “dư chấn” từ phiên tuột dốc của thị trường Mỹ cuối tuần trước và lo ngại từ ảnh hưởng của cơn bão tín dụng, cổ phiếu của Tập đoàn tài chính lớn nhất Nhật Bản - Mitsubishi UFJ mất giá 3,6%, xuống còn 887 yên/cổ phiếu. Cổ phiếu của tập đoàn tài chính lớn thứ hai nước này là Mizuho cũng sụt giá 4,7%, xuống còn 512.000 yên/cổ phiếu.

Nhưng mất giá mạnh mẽ nhất phải kể đến cổ phiếu của các hãng xuất khẩu Nhật Bản. Cổ phiếu của Hãng game Nintendo giảm 6,2%, xuống còn 57.400 yên/cổ phiếu, mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 21/9. Cổ phiếu của Honda, hãng sản xuất ôtô lớn thứ 2 của Nhật Bản, giảm 4,1%. Cổ phiếu của hãng sản xuất máy ảnh kỹ thuật số Canon cũng mất giá 3,2%.

Đồng USD đã mất giá kỷ lục so với đồng yên, ở mức 1 USD ăn 109,86 yên, so với mức 1 USD ăn 112,05 yên vào cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 5/2006, đồng USD xuống dưới ngưỡng tâm lý 1 USD ăn 110 yên. Ngoài ra, đồng yên cũng tăng giá mạnh so với các đồng tiền chủ chốt khác như bảng Anh, euro và đôla Australia. Điều này gây bất lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, đặc biệt tại thị trường Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của các công ty Nhật Bản. Thị trường ôtô Bắc Mỹ chiếm quá nửa doanh số của Hãng Honda trong năm tài chính kết thúc tháng 3 vừa qua.

Trung Quốc: dầu giảm giá, quyết định tăng dự trữ bắt buộc

Tại Hồng Kông, thị trường cũng tuột dốc với sự đi đầu của cổ phiếu các công ty đến từ Trung Quốc đại lục. Chỉ số Hang Seng giảm 3,3%, xuống còn 27.832,96 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp đại lục giảm tới 5%, xuống còn 16.815,96 điểm.

Cổ phiếu của PetroChina giảm 6,2%, xuống còn 14,15 đôla Hồng Kông/cổ phiếu do giới đầu tư liên tục bán ra để thu lời. Lý do khiến giới đầu tư không còn muốn giữ cổ phiếu của tập đoàn này lâu hơn là do giá dầu thô trên thị trường thế giới đã bớt nóng. Hiện giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 12 tại New York đã giảm 1,4% xuống còn 94,95 USD/thùng.

Cổ phiếu của các công ty đại lục khác cũng giảm mạnh, trong đó cổ phiếu của China Mobile mất giá 5,6%.

Cổ phiếu của HSBC tại Hồng Kông cũng sụt mất 3,1%, xuống còn 136,60 đôla Hồng Kông/cổ phiếu sau khi tờ Independent của Anh công bố thông tin cho biết, ngân hàng này sẽ báo lỗ trong tuần này do chịu tác động từ cuộc khủng hoảng tín dụng ở Mỹ.

Tại Thượng Hải, chỉ số SCI giảm tới 3,4%, xuống 4.867,00 điểm và có khả năng đóng cửa ở mức dưới 5.000 điểm lần đầu tiên kể từ ngày 21/5, sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc thêm 0,5%. Đây là lần thứ 9 trong năm nay, Trung Quốc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc nhằm kiềm chế tốc độ tăng trưởng kinh tế đang rất nóng của nước này.

Quyết định này của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc có tác động mạnh mẽ đến giá các loại cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), ngân hàng lớn nhất thế giới tính theo giá trị thị trường, đã giảm 1,9%, xuống còn 8,19 nhân dân tệ/cổ phiếu; cổ phiếu của Bank of China, ngân hàng cho vay lớn thứ 2 của Trung Quốc, cũng mất giá 2%, còn 7,05 nhân dân tệ/cổ phiếu. Tại Hồng Kông, cổ phiếu của ICBC thậm chí còn giảm tới 5,8%, còn cổ phiếu của Bank of China mất giá 3,5%.

Các thị trường khác cũng có một ngày giao dịch đáng buồn như thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Chỉ số S&P/APX 200 của thị trường chứng khoán Australia giảm 0,7%, xuống còn 6.497,70 điểm. Chỉ số NZX của New Zealand cũng giảm 0,9%, xuống còn 4.097,97 điểm. Chỉ số Kospi của thị trường Hàn Quốc mất 2,9%, xuống 1.932,62 điểm.

Chỉ số STI của Singapore giảm 2,6%, xuống 3.506,92 điểm. Cổ phiếu của DBS, ngân hàng lớn nhất của Singapore mất giá tới 3,4%, xuống còn 19,80 đôla Singapore/cổ phiếu. Chỉ số Weighted của Đài Loan giảm 2,7%, xuống còn 8.730,96 điểm.

Theo VNE (Bloomberg)

Kinh tế

Blog Archive

Topics