Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Friday, August 3, 2007

VN-Index xuống dưới 900 điểm: Lùi để tiến?

Ngày 03/08/2007, 12:35
VN-Index xuống dưới 900 điểm: Lùi để tiến?

Thêm một bước quay lui khá dài, chỉ số thị trường niêm yết cổ phiếu tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay chính thức rơi xuống dưới ngưỡng 900 điểm.

Nếu như cách đây độ một tháng, 1000 điểm vẫn được hy vọng là ngưỡng chặn duới cho VN-Index, thì trong vòng khoảng 10 ngày trở lại đây, ngưỡng tâm lý đó đã được hạ xuống và đặt vai trò vào con số 900 điểm. Nhưng sau phiên hôm nay, VN-Index chỉ còn 892,88 điểm.

Cả ba đợt khớp lệnh sáng nay, thị trường chịu thế thúc thủ trước sức mạnh của cơn lũ giảm giá cổ phiếu. Đợt mở cửa, VN-Index đã phải lùi bước -15,92 điểm, đợt hai – 16,38 điểm và sức dồn ép tiếp tục tăng lên khiến chỉ số này hết đợt cuối cùng phải chịu mất -18,3 điểm, tương đương 2%, so với phiên giao dịch ngày hôm qua.

Bảng điện tử trong ngày ngập tràn màu đỏ. Đến hết phiên, khối lượng cổ phiếu khớp lệnh thành công đạt 5,8 đơn vị với giá trị tương ứng là 625,572 tỷ, tăng hơn 130 tỷ đồng so với phiên hôm qua.

Dư mua hầu như trống trơn đối với các mã giảm sàn hôm nay, bao gồm CYC, FPT, GTA, HBC, LBM, LGC, RAL, RIC, SGH, TCT, VSH. Tuy không kịch sàn, nhưng 12.000 đồng mất đi trong ngày hôm nay cũng đủ để BMC đứng đầu danh sách giảm giá nhiều nhất. BMC của một thời lững lẫy chưa xa bây giờ chính thức xuống dưới mức giá 300.000 đồng với thị giá hiện tại 298.000 đồng/cp.

Hôm nay là phiên thứ hai TCT và FPT có sự gắn bó thân thiết với nhau ở cùng thị giá và mức giảm giá. Theo sau BMC, hai cổ phiếu này cùng tính một phép trừ hào phóng kịch sàn 11.000 đồng, làm “đôi bạn cùng … lùi” ở 217.000 đồng/cp. Trên đà hạ cánh sau khi bay liệng vút tầng không, cả BMC, TCT và FPT dường như đều thấy mặt đất đã rất gần.

Cổ phiếu Hoàng Gia (RIC) có một phiên giảm sàn. Trong “canh bạc” chứng khoán, RIC không thể nắm quyền chủ động và phải chấp nhận vào phiên thứ ba giảm giá. Mức giảm 8.000 đồng hôm nay đưa RIC về 158.000 đồng thị giá. Cái nô nức như đi trảy hội chứng khoán của các cổ phiếu niêm yết mới trước kia giờ là điều xa xỉ.

Cả ba cổ phiếu mới lên sàn từ cuối tháng 7 vừa qua đều chung cảnh ngậm ngùi. Theo thứ tự: GTA lên sàn ngày 23/7 với giá tham chiếu 55.000 đồng/cp, TRC lên sàn ngày 24/7 với giá tham chiếu 150.000 đồng/cp và RIC lên sàn ngày 31/7 với tham chiếu 183.000 đồng/cp. Giống như RIC ở sự giảm giá, GTA đến hôm nay còn 46.100 đồng/cp còn TRC còn 106.000 đồng/cp đều trong cùng phiên giảm giá thứ hai liên tiếp.

Điểm xuyết màu xanh hôm nay có thể đếm được 16 cổ phiếu và 1 chứng chỉ quỹ BF1, nếu tính thêm cả ALT hôm nay giao dịch không hưởng quyền có giá tăng so với tham chiếu điều chỉnh nhưng bảng điện vẫn đánh dấu màu đỏ thì là 17 cổ phiếu. Trong số này, tất nhiên, vắng bóng những trụ cột của thị trường. Đáng lưu ý có DRC đã tăng được 3 phiên, hôm nay tăng 3.000 đồng lên 127.000 đồng/cp. Còn lại, trừ cổ phiếu to nhưng không lớn TAC, các cổ phiếu tăng giá khác đều có thị giá dưới 100.000 đồng/cp. AGF đã gia nhập nhóm này từ nhiều phiên, hôm nay tăng nhẹ 1.500 đồng lên 95.000 đồng/cp. Xét về số tuyệt đối, TAC tăng giá nhiều nhất rồi đến DRC, GMC, AGF và BT6. Tất cả các chứng khoán tăng giá không có mã nào tăng kịch trần.

Top 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch hôm nay do các cổ phiếu vừa lớn vừa giảm giá chia nhau vị trí. Theo thứ tự, 5 vị trí đầu tiên lần lượt thuộc về FPT, STB, SJS, PPC và REE…

Thị trường chứng khoán gần như vừa phải đón nhận nhiều cơn sốc liên tiếp. Tâm lý thị trường tỏ ra khá bất an, mặc dù theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích và nhà quản lý, triển vọng lâu dài vẫn là rộng mở. Phòng tuyến 900 điểm đã bị chọc thủng, dự đoán của HSBC lúc trước đã thành sự thực trước hạn. Nhưng một báo cáo mới về Việt Nam do chính tổ chức này thực hiện cũng vừa mới được công bố ngày 1/8. Trong những dòng đầu tiên về TTCK Việt Nam, nhà đầu tư nội địa có thể sẽ không thất vọng khi HSBC nói rằng, khi chỉ số thị trường rơi xuống đến gần ngưỡng 900, chúng ta nên nắm giữ cổ phiếu cho dài hạn.

Dù có giảm giá liên tiếp, nhưng âm ỉ trong lòng thị trường, ngọn lửa vẫn đang chờ bùng phát. Và HSBC lại đúng?

Anh Ngọc

Cổ phiếu ngân hàng: Sức hút vẫn yếu

Cổ phiếu ngân hàng: Sức hút vẫn yếu
Lao Động số 178 Ngày 03/08/2007 Cập nhật: 8:29 AM, 03/08/2007
Cổ phiếu ngân hàng vẫn được ít NĐT giao dịch.
(LĐ) - Mặc dù mức giá của nhiều cổ phiếu ngân hàng đã rơi xuống mức đáy và gần chạm ngưỡng trước khi thăng hoa. Thế nhưng, trên thị trường hiện nay cổ phiếu ngân hàng vẫn được ít NĐT giao dịch.

Mức giảm đã sâu

Đơn cử như CP của NH Southern Bank tuy có nhiều thông tin tác động tốt như: Nhiều tập đoàn từ Hồng Kông, Singapore, Mỹ đến làm việc và mong muốn sẽ bắt tay hợp tác liên kết; bán cổ phần cho đối tác chiến lược là NH UOB của Singapore; tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay...

Hiện CP Southern Bank giao dịch trên thị trường OTC chỉ còn trên dưới 37.000 đồng (mệnh giá 10.000 đồng), giảm hơn 40.000 đồng/CP song lượng NĐT mua vào ít hơn so với người bán. Một số NĐT do mua vào tại thời điểm cao giá và đã nhiều lần chịu cắt giảm lỗ để đẩy hàng, nhưng vẫn không bán được.

Eximbank, OCB, DongA Bank, VABank... cũng là những nhà băng gặt hái được nhiều kết quả tốt trong hoạt động 6 tháng đầu năm 2007. Thế nhưng, giá CP của các nhà băng này đã sụt giảm khá mạnh trong thời gian qua và hiện vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi.

Giá CP Eximbank sau khi tăng nhẹ trở lại vào giữa tháng 7.2007 đạt mức 7,8 triệu đồng/CP. Tuy nhiên, sau đó lại sụt giảm và hiện chạm ngưỡng 7 triệu đồng CP. CP OCB cũng rơi từ 12,5 triệu đồng xuống còn 4,1 - 4,3 triệu đồng/CP tại thời điểm hiện nay. DongA Bank chỉ đạt xấp xỉ 7 triệu đồng/CP, giảm một phần hai so với thời gian đầu năm.

Trên thị trường chính thức, CP ACB đạt trên 118.000 đồng/CP; STB tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày 1.8 lại đứng ở mức 57.000 đồng/CP. Mức giảm giá CP của các NH trên một phần do tác động bởi yếu tố kỹ thuật (phát hành thêm CP thưởng, quyền mua CP ưu đãi, chia tách....). Tuy nhiên, theo lý giải của một số chuyên gia tài chính - CK so với các lĩnh vực ngành nghề khác, CPNH đã giảm ở mức khá sâu.

"Ăn" về dài hạn

Ông Johan Nyvene, TGĐ CTCK HSC cho rằng, chỉ trong khoảng thời gian ngắn (chưa đầy 4 tháng qua) nhưng giá CPNH mất hơn 60 - 70% là điều đáng để NĐT quan tâm. Mặc dù thế, theo ông Johan Nyvene đây sẽ là thời cơ tốt cho các NĐT dài hạn mua vào.

So với các nước trên thế giới, thị trường tài chính - NH VN vẫn còn non trẻ. Với hơn 5% người dân có tài khoản tại NH là tiềm năng để các NH khai thác trong tương lai. Tuy nhiên, để tránh rủi ro NĐT nên chọn những NH có quy mô và chiến lược hoạt động tốt. Có nghĩa, NĐT nên chọn những nhà băng có khả năng mua lại các NH khác khi làn sóng sáp nhập và mua lại bắt đầu xảy ra trên thị trường tài chính VN.

Theo đánh giá của một CTCK, ngành NH VN đã phát triển nhanh chóng với tốc độ trung bình khoảng 20% mỗi năm kể từ năm 2002. Chính điều này đã mang lại niềm tin cho nền kinh tế đang phát triển.

Tổng dư nợ cho vay vẫn ở mức thấp, khoảng 66% của GDP và chỉ mới khoảng 5-6 triệu dân có tài khoản NH (xấp xỉ 6-7% dân số). Vì vậy, ngành NH sẽ còn tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong giai đoạn 2007-2010.

Trên thị trường tài chính hiện nay vẫn chịu sự chi phối của 4 NH quốc doanh (Vietcombank, Incombank, Agribank và BIDV), chiếm trên 70% thị phần huy động vốn và dư nợ. Tuy nhiên, vị thế có thể sẽ thay đổi trong tương lai nếu như các NH cổ phần liên kết lại và NH nước ngoài thành công trong nỗ lực gia tăng sự hiện diện của mình tại VN.

Ông Đặng Quang Gia, giảng viên TTCK Đại học NH TPHCM cũng cho hay, nếu đầu tư dài hạn và có tầm nhìn thì thời điểm hiện nay được xem là cơ hội để NĐT bỏ vốn mua CPNH.

Theo dự báo của ông Gia, nhiều khả năng giá CPNH sẽ ấm dần lên trong những tháng cuối năm. Vì lúc này, các NH đã có kết quả hoạt động trong năm và NĐT có được các nhìn tổng quát để đánh giá về tiềm năng của lĩnh vực tài chính.

Trong những tháng đầu năm, lợi nhuận thu về của các NH tăng đáng kể và kết quả này hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ từ nay đến cuối năm 2007. Đây chính là yếu tố tác động tích cực đến giá CPNH.

NH có tiềm năng lớn

Theo nghiên cứu mới đây của Deutche Bank, ngành NH VN có sức hút lớn đối với các NH nước ngoài vì đây là lĩnh vực có tiềm năng phát triển lớn khi chỉ có 5-7% dân số có tài khoản và sử dụng dịch vụ và chỉ khoảng 4 triệu người sử dụng thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, Deutche Bank cho rằng việc cung cấp không đủ vốn là vấn đề cần giải quyết và nguồn vốn quan trọng cần phải huy động niêm yết trái phiếu và phát hành ra công chúng. Theo ước tính, hiện chỉ có vài NH đáp ứng được 8% ngưỡng chuẩn Basel I.
H.N

Năm yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam suy giảm

Năm yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam suy giảm
Cập nhật: 1:41 PM, 03/08/2007
Niềm tin bị sứt mẻ của các nhà đầu tư tư nhân là một trong những yếu tố khiến chứng khoán Việt Nam đi xuống.
Tập đoàn Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) vừa công bố báo cáo tiếp theo trong loạt báo cáo về tình hình phát triển kinh tế và thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam.

Theo các chuyên gia của HSBC, có 5 yếu tố khiến thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục đi xuống trong những tháng qua, với chỉ số VN-Index đã giảm 8% trong tháng 7 và giảm 20% so với mức đỉnh điểm vào tháng 3.

Yếu tố thứ nhất là giá cổ phiếu cao. Bất chấp những đợt điều chỉnh, chỉ số PE của các loại cổ phiếu trên sàn Tp.HCM hiện vẫn là 31 lần (so với mức đỉnh điểm là 37 lần), tương đương với PE của cả 12 tháng trong năm là 21 lần (với giả thiết, mức tăng EPS cho năm nay là 25% và năm tới là 15%.)

Như vậy, giá cổ phiếu ở Việt Nam là quá đắt so với một thị trường mới nổi như Việt Nam, mặc dù thị trường này có triển vọng tăng trưởng rất tốt.

Dựa trên chỉ số PE dự báo vào thời điểm cuối năm là 18 lần, các chuyên gia HSBC vẫn giữ nguyên dự báo VN-Index ở mức 900 điểm vào thời điểm cuối năm 2007 này.

Yếu tố thứ hai là khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ. Với chỉ số CPI trong tháng 7 tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng trưởng GDP 8,1% trong quý 1, các chuyên gia của HSBC dự báo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để kiểm soát lạm phát. Khả năng này khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng.

Cuối tháng 6, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố phải giảm tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán từ mức 7% hiện tại xuống dưới mức 3% trong thời gian từ nay đến cuối năm, trong nỗ lực giảm tình trạng dư thừa thanh khoản. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư nhỏ lẻ phải bán đi một số cổ phiếu mà họ đã mua để trả nợ.

Yếu tố thứ ba là những trì hoãn trong kế hoạch cổ phần hóa. BIDV, một trong những ngân hàng thương mại Nhà nước lớn nhất có kế hoạch cổ phần hóa đã xin hoãn tiến hành IPO. Thủ tướng đã yêu cầu xem xét lại kế hoạch IPO trong thời gian còn lại của năm để tránh tình trạng dư thừa nguồn cung cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng bất lợi đối với thị trường. Việc cổ phần hóa bốn ngân hàng thương mại Nhà nước có thể sẽ bị hoãn cho tới khi đối tác chiến lược của các ngân hàng này được lựa chọn.

Theo quan điểm của các chuyên gia HSBC, việc IPO sẽ tự tạo ra cầu cho các cổ phiếu được phát hành lần đầu ra công chúng vì sẽ thu hút được các nhà đầu tư mới vào thị trường, đồng thời giúp phục hồi niềm tin trên thị trường. Việc trì hoãn IPO có thể sẽ tạo ra mối lo rằng Chính phủ Việt Nam giảm bớt quyết tâm đối với tiến trình cải cách.

Tuy nhiên, theo HSBC, có khả năng sẽ không có những đợt IPO lớn trong thời gian từ nay đến cuối năm, thậm chí là cả trong năm tới.

Yếu tố thứ tư là kết quả không như mong đợi của những đợt IPO vừa qua. Giá cổ phiếu của Bảo Việt sau khi IPO giảm mạnh. Sau tuần đầu tiên IPO, giá cổ phiếu của Gỗ Thuận An và Cao su Tây Ninh lần lượt giảm 17% và 13%. Những ví dụ này làm nhiều nhà đầu tư lo rằng các đợt IPO tiếp theo cũng sẽ không thành công như thế.

Yếu tố thứ năm là niềm tin bị sứt mẻ của các nhà đầu tư tư nhân. Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán Việt Nam hồi đầu năm khiến nhiều người dân Việt Nam tin rằng đầu tư chứng khoán là cách kiếm tiền chắc chắn. Tuy nhiên, tình hình đáng thất vọng trong 4 tháng qua cho thấy nhiều người trong số họ đã lầm và có thể sự thất vọng này sẽ còn kéo dài. Cần phải có thêm thời gian để các nhà đầu tư lấy lại niềm tin.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện vẫn tiếp tục mua vào nhưng chỉ với khối lượng nhỏ. Lượng mua ròng trong tháng 7 (tính đến 26/7) chỉ là 54 triệu USD, so mức đỉnh điểm 345 triệu USD trong tháng 1. Do đó, khối lượng giao dịch hàng ngày đã giảm mạnh, chỉ còn 33 triệu USD/ngày trong tháng 7, chưa đầy một nửa so với mức đỉnh điểm kể từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia HSBC, tình hình cơ bản vẫn là tốt. Các chỉ số kết quả kinh doanh trong nửa đầu năm nay của các công ty đã công bố đều đạt dự kiến. Như Vinamilk, thu nhập ròng tăng 36% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế vẫn tăng trưởng vững, dù có một chút lo ngại về vấn đề lạm phát.

Quan điểm của HSBC về thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn không thay đổi và họ muốn tiếp tục tích lũy cổ phiếu của các công ty Việt Nam cho dài hạn.

Theo VnEconomy

Ngày 3.8: VN Index xuống dưới mức 900 điểm

Ngày 3.8: VN Index xuống dưới mức 900 điểm
Lao Động Điện tử Cập nhật: 2:40 PM, 03/08/2007

(LĐĐT) - Kết thúc phiên giao dịch ngày 3.8, VN Index vẫn tiếp tục xu hướng quen thuộc khi giảm mạnh 18.3 điểm (tương đương giảm 2.01%) xuống 892.88 điểm. Đây là mức thấp điểm nhất kể từ giữa tháng 1.2007.

Trên sàn giao dịch TPHCM, có 11 mã giảm giá, 83 mã đứng giá và 18 mã tăng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 4,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị giao dịch 447 tỉ đồng.

Nhóm giảm mạnh nhất thị trường hôm nay giảm khá nhiều. Dẫn đầu là ALT giảm 12.000 đồng/cp xuống 81.000 đồng/cp, BMC giảm 12.000 đồng/cp xuống 298.000 đồng/cp, FPT giảm 11.000 đồng/cp xuống 217.000 đồng/cp, TCT cùng giảm 11.000 đồng/cp xuống 217.000 đồng/cp, RIC giảm 8.000 đồng/cp xuống 158.000 đồng/cp.

Các mã tăng giá tăng không đáng kể. TAC tăng cao nhất 4.000 đồng/cp lên 114.000 đồng/cp, DRC tăng 3.000 đồng/cp lên 127.000 đồng/cp, GMC tăng 2.000 đồng/cp lên 49.000 đồng/cp, AGF và SAV cùng tăng 1.500 đồng/cp lên lần lượt 95.000 đồng/cp và 56.500 đông/cp.

Trên sàn Hà Nội, chỉ số HaSTC giảm 2.57 điểm xuống 255.95 điểm. Tổng khối lượng giao dịch: 825 nghìn, tổng giá trị giao dịch: 81 tỉ đồng.

VA tổng hợp

Kiểm toán chứng khoán sắp được ''hạ rào''

Ngày 03/08/2007, 15:26
Kiểm toán chứng khoán sắp được ''hạ rào''

Bộ tài chính dự kiến sẽ nới điều kiện cho công ty kiểm toán trên TTCK để đảm bảo nhu cầu của thị trường.
(ĐTCK-online)Quyết định 76/2003 của Bộ Tài chính có hai quy định được coi là rắn với các công ty được chấp thuận kiểm toán trong lĩnh vực chứng khoán, đó là có số lượng kiểm toán viên (KTV) hành nghề từ 10 người trở lên và đã thành lập hoạt động kiểm toán tại Việt Nam tối thiểu 5 năm.

Năm 2007, cả nước có 11 công ty kiểm toán được chấp thuận, trong khi TTCK hiện có gần 200 doanh nghiệp (DN) niêm yết, khoảng 60 CTCK và hàng trăm công ty đại chúng khác là một con số quá nhỏ, ảnh hưởng đến việc kiểm toán của các DN. Bộ Tài chính và UBCKNN đã phải xem xét, chấp thuận thêm một số công ty kiểm toán dù chưa đủ điều kiện.

Trường hợp của UHY là một ví dụ. Công ty này được thành lập vào ngày 29/8/2006 trên cơ sở tách ra và chiếm một phần lớn về thành viên Ban quản lý đồng thời cũng là KTV hành nghề (9/13 người), tổng số nhân viên (40/52 người) và khách hàng chủ yếu (70/120) từ Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính quốc tế IFC. Lý do cấp phép chấp thuận công ty này được UBCKNN giải thích rằng, Công ty được thành lập tháng 8/2006 nhưng là một bộ phận tách ra từ Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn tài chính quốc tế IFC - được thành lập từ năm 2001. Hơn nữa, trong số 12 KTV được UBCKNN chấp thuận có 11 KTV chuyển từ IFC sang và 1 KTV chuyển từ VACO sang. UHY cũng đã được công nhận là thành viên của Hãng kiểm toán UHY quốc tế. Do đó, dù Công ty UHY chưa đủ điều kiện về thời gian hoạt động, nhưng nếu tính tiền thân Công ty là Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn tài chính Quốc tế IFC thì có thể coi Công ty đã có thời gian hoạt động từ năm 2001. Trong quá trình xem xét, UBCKNN cũng nhận được ý kiến của Vụ Chế độ Kế toán và kiểm toán (Bộ Tài chính) về việc xem xét điều kiện thời gian hoạt động kiểm toán của UHY là “có thể được coi như thành lập từ năm 2001 để quyết định việc lựa chọn danh sách công ty kiểm toán được chấp thuận”.

Quyết định của UBCKNN cấp phép cho UHY đã gây ra phản ứng từ nhiều công ty “trẻ” khác. Theo họ, lý do cấp phép của UBCKNN là thiếu cơ sở pháp lý và không công bằng cho các DN kiểm toán vì Vụ Chế độ Kế toán và kiểm toán không có thẩm quyền và chức năng xác nhận về số năm thành lập hoặc tách ra của UHY. Nếu xác nhận như vậy thì hiện có đến gần 100 công ty chưa đủ điều kiện 5 năm thành lập được tách ra (từ các KTV) của các công ty kiểm toán lớn khác. Hơn nữa, cơ sở để xác định số năm thành lập phải theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp. “Đằng sau trường hợp của UHY có khuất tất gì chăng? Vấn đề này cần được công khai, minh bạch để các công ty kiểm toán rõ”, một KTV bức xúc.

Nhân lực khủng hoảng

Một vấn đề khó khăn khác đang nảy sinh khiến các công ty kiểm toán hết sức lo lắng, đó là nhân lực “dứt áo ra đi”. Hồi tháng 3, Công ty TNHH Dịch vụ kiểm toán và Tư vấn kế toán BHP đã bị mất quyền được kiểm toán do không đủ số lượng KTV theo yêu cầu.

Theo ông Đào Xuân Dũng, Giám đốc UHY, chưa bao giờ nhân lực ngành kiểm toán lại bị khủng hoảng như hiện nay. Chứng khoán bùng nổ khiến cho KTV cứ lần lượt ra đi. Ông Dũng cho biết, UHY có 10 KTV đảm nhận chức vụ quản lý đã bị các CTCK “săn” mất 2. Năm 2006, Ernst&Young cũng bị “câu” mất 10 KTV.

Lời chào mời từ các CTCK, quỹ đầu tư thường là lương gấp đôi (ít nhất là gấp rưỡi mức hiện tại), có quyền mua cổ phiếu ưu đãi, cùng nhiều quyền lợi khác. Một KTV 4 năm kinh nghiệm có thể đảm nhận vị trí trưởng phòng phân tích tài chính, với mức lương không dưới 15 triệu đồng/tháng cộng quyền mua cổ phiếu ưu đãi. Để giữ người, các công ty kiểm toán cũng tìm đủ mọi cách như nâng lương, đảm bảo điều kiện làm việc tốt, tăng chế độ phúc lợi… nhưng khủng hoảng nhân lực có bằng cấp, chứng chỉ vẫn xảy ra. Nguy cơ công ty kiểm toán không đáp ứng được yêu cầu về nhân lực của UBCKNN và bị rút giấy phép có thể nhìn thấy rõ.

Nới rào

Số lượng các công ty trong diện phải sử dụng dịch vụ của các DN kiểm toán được UBCKNN cấp phép ngày càng tăng, trong khi hầu hết công ty kiểm toán mới được thành lập trong 1-2 năm trở lại đây khiến thị trường ngày càng chênh lệch cung cầu, nhiều công ty kiểm toán mất khách hàng quen do chưa được cấp phép trong khi các công ty trong “nhóm 11” lại quá tải khách hàng. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang dự thảo sửa đổi Quyết định 76 theo hướng nới điều kiện cho các công ty kiểm toán, theo đó sẽ xem xét cấp phép cho DN kiểm toán có thời gian hoạt động (tính đến thời điểm nộp hồ sơ) 3 năm và có 5 KTV hành nghề từ 2 năm trở lên; với những công ty có 10 KTV hành nghề trở lên chỉ cần thời gian thành lập 6 tháng.


Thủy Nguyễn

Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM

Ngày 03/08/2007, 14:01
Ưu, nhược điểm của 6 công ty có vốn hóa lớn nhất sàn TP. HCM

(ĐTCK-online)Sáu công ty có mức vốn hoá lớn nhất sàn TP. HCM tính đến cuối tháng 7/2007 gồm Vinamilk, Sacombank, FPT, PVDrilling, Nhiệt điện Phả Lại và Sudico. ĐTCK-online xin giới thiệu bài viết của ông Lê Văn Thanh Long, Trưởng phòng Phân tích Vietstock, về ưu, nhược điểm và kỳ vọng về giá của các công ty này, như một tài liệu tham khảo cho bạn đọc.


1. CTCP Sữa Việt Nam (Mã CK: VNM)


Ưu điểm:

- Công ty sữa hàng đầu Việt Nam, chiếm thị phần chi phối trong phân khúc sữa đóng hộp trung và thấp cấp, sữa tươi;

- Hệ thống phân phối mạnh, rộng khắp toàn quốc. Thương hiệu đã được khẳng định và được đánh giá là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam;

- Hoạt động kinh doanh vững vàng, ổn định và đang có kế hoạch phát triển ra thị trường quốc tế;

- Kết quả kinh doanh hiệu quả, tăng trưởng ở mức cao và đều đặn qua từng năm;

- Vốn hóa thị trường lớn nhất, luôn được sự quan tâm của các định chế đầu tư cũng như nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước;

- Thị giá khá ổn định, ít biến động so với các các cổ phiếu mạnh khác;

- Cơ cấu Công ty ổn định, ít thay đổi.

Nhược điểm:

- Công ty vừa trải qua một số khó khăn về chất lượng sản phẩm;

- Chỉ số P/E còn cao, hiệu quả kinh doanh trong thời gian qua chưa đủ để kéo P/E xuống mức hấp dẫn để thu hút thêm các nhà đầu tư mới;

- Ngành nghề chính đang ở giai đoạn trưởng thành, khó kỳ vọng đột biến.

Kỳ vọng về giá:

- Trong tình hình TTCK được dự báo là chưa có sự hồi phục mạnh, thị giá của VNM nhìn chung sẽ được giữ ở quanh mức 180.000 đồng/cổ phiếu.

2. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Mã CK: STB)


Ưu điểm:

- Là một trong hai ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, có hệ thống chi nhánh rộng nhất trong các ngân hàng thương mại cổ phần;

- Chiến lược phát triển tham vọng và rõ ràng, cơ sở khách hàng lớn và nguồn nhân lực khá;

- Kết quả kinh doanh tốt, tăng trưởng nhanh trong thời gian qua. Hệ thống công ty con hoạt động hiệu quả, lợi nhuận cao;

- Chỉ số P/E thuộc loại thấp so với các cổ phiếu mạnh khác;

- Cổ phiếu có thanh khoản cao và hệ thống cổ đông đại chúng nhất trên sàn.

Nhược điểm:

- Tầng lớp quản trị cao cấp và trung cấp, bao gồm cả HĐQT và Ban Tổng giám đốc, thay đổi liên tục, tạo ra ảnh hưởng và tâm lý không tốt cho nhà đầu tư;

- Bị ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát ngành ngân hàng - tài chính, từ việc tăng cung mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần cũng như các cuộc IPO lớn của các ngân hàng quốc doanh sắp tới;

- Sự cạnh tranh từ phía các ngân hàng trong và ngoài nước, đặc biệt là khi Việt Nam thực hiện cam kết gia nhập WTO trong lĩnh vực ngân hàng;

- Nhiều cổ đông lớn, cổ đông nội bộ, liên tục bán ra cổ phiếu STB trong thời gian qua cho thấy sự xáo trộn lớn của STB.

Kỳ vọng về giá:

- Thị giá STB vẫn trong quá trình điều chỉnh giảm dưới tác động cung cầu chung của thị trường và của bản thân STB;

- Xét về dài hạn thì với thị giá hiện nay, STB là một cổ phiếu đáng để đầu tư.

3. CTCP Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT (Mã CK: FPT)


Ưu điểm:

- Là công ty hàng đầu về công nghệ tin học, phát triển phần mềm và phân phối điện thoại di động ở Việt Nam;

- Hệ thống nhân lực tốt, lãnh đạo đoàn kết và xây dựng văn hóa công ty vững chắc;

- Thương hiệu tốt, quan hệ mạnh. Hiện Công ty đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực kinh doanh tiềm năng như tài chính, ngân hàng, bất động sản;

- Kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh.

Nhược điểm:

- Mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác với ngành nghề kinh doanh chính, khiến cho ngành kinh doanh chính không còn là điểm tựa vững chắc;

- Việc mở rộng ra quá nhiều dự án, đặc biệt là các dự án trong ngành tài chính, ngân hàng được dự báo là mang tính rủi ro cao và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược chung của Công ty sau này. Đồng thời, điều này cũng sẽ làm tổn thương đến ngành nghề chính là cung cấp giải pháp về công nghệ tin học;

- Một khi mảng phân phối điện thoại di động giảm sút hiệu quả thì hiệu quả kinh doanh của Công ty cũng sẽ suy giảm nhiều, đặc biệt là khi các dự án mới khó có thể sớm tạo ra lợi nhuận cao;

- Việc cổ đông chiến lược nước ngoài cũng như nhiều cổ đông nội bộ bán ra sau một thời gian dài nắm giữ, khiến cho giới đầu tư trở nên hoài nghi với mức giá hiện tại của FPT.

Kỳ vọng về giá:

- Thị giá FPT đang trong quá trình điều chỉnh giảm dưới tác động cung cầu, xuất phát chủ yếu từ việc tái định giá lại FPT thông qua chiến lược hoạt động của Công ty.

4. Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (Mã CK: PVD)


Ưu điểm:

- Là một trong những thương hiệu mạnh của một trong những ngành kinh tế chủ lực - ngành dầu khí Việt Nam, được Tổng công ty Dầu khí Việt Nam hỗ trợ nhiều về hoạt động;

- Kết quả kinh doanh cao và đang được cải thiện đáng kể khi hoàn thành việc đóng giàn khoan và kỳ vọng công ty con PVD Invest sẽ thu được lợi nhuận lớn sau khi đi vào hoạt động;

- Nhân lực quản lý mạnh, có quan hệ chính trị và kinh doanh tốt;

- Cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thường xuyên có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhược điểm:

- Chỉ số P/E thuộc loại cao nhất trong các blue-chip khiến cho nhà đầu tư trong nước e ngại. Việc gia tăng lợi nhuận vẫn chưa đủ để hạ chỉ số P/E xuống mức hấp dẫn;

- Ngành dầu khí đang cổ phần hóa nhiều công ty khác, lượng cung hàng hóa trong ngành khá lớn khiến sự quan tâm đối với PVD sẽ bị chia sẻ.

Kỳ vọng về giá:

- Về ngắn hạn, giá PVD dao động quanh mức 170.000 đồng/cổ phiếu;

- Về dài hạn, một khi khẳng định được hiệu quả của các dự án đầu tư mới, PVD có thể có đột biến tốt về giá và được kỳ vọng là một blue-chip thay thế các blue-chip đang dẫn đầu trên sàn.

5. CTCP Nhiệt điện Phả Lại (Mã CK: PPC)


Ưu điểm:

- Là một trong những nhà máy sản xuất điện năng lớn nhất Việt Nam, thuộc quyền quản lý của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và vì vậy được EVN bao cấp đầu ra;

- Nguyên liệu sử dụng đầu vào ổn định, dồi dào, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thị trường;

- Hiệu quả kinh doanh khá ổn định sau cổ phần hóa, lợi nhuận trên vốn đạt cao do nhà máy luôn chạy hết công suất;

- Thị giá thấp, chỉ số P/E thấp so với các blue-chip khác.

Nhược điểm:

- Hệ thống máy móc lạc hậu, thua kém so với hàng loạt nhà máy mới đầu tư sau này, tiềm năng mở rộng thấp;

- Nhân lực quản lý không được đánh giá cao, đặc biệt là quản lý về tài chính nên sử dụng vốn nhàn rỗi không hiệu quả;

- Các dự án đầu tư chỉ ở mức trung bình, khó có khả năng giúp PPC phát triển mạnh sau này;

- Một khi EVN đẩy mạnh cổ phần hóa, PPC sẽ phải đối mặt với lượng cung tăng, có thể làm loãng giá cổ phiếu.

Kỳ vọng về giá:

- Mức giá hiện nay có thể xem là mức giá cân bằng của PPC, nhà đầu tư ít mạo hiểm, ngại rủi ro có thể đầu tư.

6. CTCP Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Mã CK: SJS)


Ưu điểm:

- Là một thương hiệu mạnh trong ngành bất động sản, được Tổng công ty Sông Đà hỗ trợ trong việc xây dựng và triển khai các dự án;

- Kết quả kinh doanh ấn tượng với tốc độ tăng trưởng cao. Các dự án đã và đang triển khai hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn;

- Nhân lực mạnh, có quan hệ chính trị và kinh doanh tốt;

- SJS là một hiện tượng trên thị trường khi liên tục tăng giá trong một khoảng thời gian dài và được xem là một biểu tượng năng động của TTCK Việt Nam;

- Cổ phiếu có tính thanh khoản cao, thường xuyên có sự hỗ trợ của nhà đầu tư nước ngoài.

Nhược điểm:

- Chỉ số P/E khá cao và ngành bất động sản càng lúc càng cạnh tranh nên không phải lúc nào SJS cũng được yêu chuộng;

- Hiện đang có nhiều công ty chuyên về bất động sản đã hoặc chuẩn bị niêm yết. Mặc dù có thế mạnh riêng, nhưng sự quan tâm cũng như sức cầu từ phía nhà đầu tư đến SJS có thể sẽ bị chia sẻ;

- Gần đây, việc Tổng công ty Sông Đà quyết định bán ra một số lượng lớn cổ phiếu SJS khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng và hoài nghi.

Kỳ vọng về giá:

- Về ngắn hạn, SJS cần có thời gian tích lũy để xác lập ngưỡng giá mới trong quá trình tăng trưởng của mình, dự kiến sẽ cân bằng quanh mức 300.000 đồng/cổ phiếu;

- Về dài hạn, một khi các dự án đầu tư mới tạo ra được luồng tiền mạnh, SJS sẽ cùng với PVD tiếp tục đột phá để trở thành blue-chip mạnh, có thể thế chỗ các blue-chip đang dẫn đầu.


VNM

STB

FPT

PVD

PPC

SJS

Tổng KLCP

175.297.500

442.957.099

91.215.345

108.800.000

326.235.000

40.000.000

Giá CP ngày 27/7 (đồng)

172.000

58.500

250.000

161.000

55.500

258.000

Vốn hóa (tỷ đồng)

30.151

25.913

22.804

17.517

18.106

10.320

EPS (đồng)

5.110

1.450

6.590

2.170

3.430

4.030

P/E

33,66

40,34

37,94

74,19

16,18

64,02

P/B

7,74

1,90

9,07

13,42

4,33

9,19

Điều gì khiến giá cổ phiếu FPT giảm mạnh?

Ngày 03/08/2007, 15:08
Điều gì khiến giá cổ phiếu FPT giảm mạnh?

(ĐTCK-online)Kể từ ngày chia tách cổ phiếu (21/5/2007) theo tỷ lệ 2:1 (2 cổ phiếu cũ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới) đến nay, giá cổ phiếu FPT liên tục suy giảm, với mức giảm lên đến trên 100.000 đồng/CP (từ 378.000 đồng/CP xuống còn 245.000 đồng/CP vào 31/7/2007). Là 1 trong 3 cổ phiếu có mức vốn hoá thị trường lớn nhất tại sàn TP. HCM (cùng với VNM và STB), việc FPT giảm mạnh đã kéo theo VN-Index giảm mạnh.

Bối cảnh

Sau đợt chia tách cổ phiếu ngày 21/5, giá cổ phiếu FPT có dấu hiệu giảm, nhưng mức 300.000 đồng/cổ phiếu vẫn được nhiều NĐT xem là mức hỗ trợ và thực tế, giá FPT vẫn dao động trên ngưỡng này. Ngày 13/7 là ngày kém may mắn với FPT khi mức hỗ trợ bị xuyên thủng và rơi vào tình trạng giảm giá sâu và liên tục.

Ngày 13/7 cũng là ngày mà NĐT nước ngoài bắt đầu tăng mạnh lượng bán ra .

Nguyên nhân

Thứ nhất, FPT bị “loãng” thương hiệu. Cổ phiếu FPT giảm giá là do ảnh hưởng từ việc Công ty mở rộng lĩnh vực kinh doanh. Cụ thể, FPT đã bước chân vào lĩnh vực tài chính (với 3 định chế: FPT Securities, FPT Bank và FPT Capital), bất động sản (FPT Land) và bán lẻ (FPT Retails).

Thực ra, FPT chưa từng được coi là tập đoàn công nghệ thông tin, vì từ trước đến nay lợi nhuận của Tập đoàn FPT do 2 đơn vị kinh doanh điện thoại di động là FDC và FMB đóng góp phần lớn. Trong khi đó, các lĩnh vực FPT mở rộng kinh doanh đều có khả năng thành công cao và đã được sự đồng ý của ĐHCĐ từ đầu năm, chứ không phải cho tới tận bây giờ.

Khi bước chân vào lĩnh vực xuất khẩu phần mềm, FPT đã từng gặp thất bại, nhưng đến thời điểm này Công ty Phần mềm FPT (FPT Software) trở thành “cánh chim đầu đàn” trong lĩnh vực xuất khẩu, gia công phần mềm với doanh số năm 2006 đạt 16,5 triệu USD là minh chứng cũng như phần thưởng cho việc FPT dũng cảm khai phá lĩnh vực kinh doanh mới.

Riêng lĩnh vực tích hợp hệ thống và giải pháp phần mềm, FPT đã thể hiện rõ tham vọng khẳng định đẳng cấp và vươn ra tầm châu lục khi hợp nhất 3 đơn vị kinh doanh gồm: Công ty Hệ thống thông tin, Công ty Giải pháp phần mềm và Trung tâm dịch vụ ERP, thành một công ty hợp nhất lấy tên Công ty Hệ thống thông tin (FIS). Sự kiện này được tiến hành đồng thời với quá trình đăng ký niêm yết cuối năm 2006, hoàn tất vào Quý I/2007, khẳng định FPT đặt tham vọng thâu tóm thị trường nội địa, đồng thời chuẩn bị nội lực để vươn ra thị trường thế giới.

Như vậy, có thể thấy FPT vẫn chú trọng đến “gốc” công nghệ thông tin và cho đến thời điểm này, xét về xuất khẩu phần mềm hay tích hợp hệ thống, FPT vẫn là công ty số 1 và khó có đối thủ trong nước nào có thể theo kịp. Do đó, việc FPT mở rộng lĩnh vực kinh doanh khó thể là “động cơ” khiến cổ phiếu FPT giảm giá.

Thứ hai, ảnh hưởng của thị trường. Việc cổ phiếu FPT giảm giá là do sự sụt giảm chung của toàn thị trường. Báo cáo bi quan của các tổ chức nước ngoài như Merrill Lynch, HSBC gần đây cũng như Chỉ thị 03/2007/CT-NHNN đã tạo tâm lý xấu cho NĐT. Khi thị trường giảm giá, FPT cũng giảm giá theo với mức giảm tương đối mạnh khi xét theo giá trị tuyệt đối, bởi FPT có thị giá khá cao.

Thứ ba, động thái bán ra của cổ đông lớn. Ngày 6/7, hơn 1 triệu cổ phiếu FPT được Tập đoàn TPG Venture bán ra theo phương thức thỏa thuận ngay sau khi thời hạn cam kết nắm giữ 6 tháng kết thúc khiến tâm lý NĐT dao động và băn khoăn: “Tiêu chí lựa chọn đối tác chiến lược của FPT là gì?”. Tâm lý NĐT cũng bị ảnh hưởng khi với tỷ lệ sở hữu dưới 5%, cả 2 đối tác chiến lược (TPG và Intel Capital) mà FPT lựa chọn đều có thể bán cổ phiếu FPT vào bất cứ thời điểm nào mà không cần đăng ký. Trong khi đó, một số thành viên HĐQT FPT lại đăng ký bán một phần cổ phiếu FPT đang nắm giữ. Việc nhiều cổ đông lớn của FPT bán cổ phiếu trong khi thị trường đang có xu hướng giảm đã khiến giá cổ phiếu FPT tụt dốc.

Nhận định

Việc cổ phiếu FPT giảm giá khiến VN-Index bị mất điểm là có thực, nhưng đây là diễn biến bất khả kháng. Một dấu hiệu tích cực là giá FPT giảm nhưng khối lượng giao dịch đã tăng khá mạnh so với thời điểm trước đó, chứng tỏ nhiều NĐT đặt niềm tin vào sự tăng trưởng của FPT. NĐT nước ngoài cũng tích cực mua vào sau khi giá FPT đã giảm mạnh.

Ngoài ra, FPT đã công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2007. Theo đó, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của FPT đạt 506 tỷ đồng, tương đương với 64% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Điều này cho thấy, FPT vẫn giữ được mức tăng trưởng hấp dẫn. Do đặc thù kinh doanh nên cuối năm nay con số doanh thu và lợi nhuận của Công ty Hệ thống thông tin sẽ rất ấn tượng, thêm vào đó, CTCK FPT sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8/2007, kỳ vọng hai đơn vị này sẽ đóng góp nhất định vào sự tăng trưởng của FPT.

Gần như đã trở thành quy luật, thị trường tăng trưởng nóng sẽ sụt giảm và ngược lại, khi thị trường giảm quá sâu cũng là lúc đà tăng trưởng bắt đầu.

Tô Vân Kiều

Thursday, August 2, 2007

Đầu năm 2008 sẽ quản lý giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết

Ngày 02/08/2007, 15:02
Đầu năm 2008 sẽ quản lý giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết

Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Đề án tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết sắp hoàn thành. Đề án sẽ sớm đi vào thực hiện để đưa các giao dịch cổ phiếu DN chưa niêm yết vào quản lý.

Qua nhiều lần chỉnh sửa, lấy ý kiến và gần như đã hoàn thành, Đề án sẽ được UBCK đưa ra lấy ý kiến các tổ chức và nhà đầu tư chứng khoán lần cuối cùng trong đầu tháng 8 này trước khi tổ chức thực hiện. Nếu không có gì thay đổi, giao dịch thử nghiệm sẽ bắt đầu trong tháng 10 và triển khai rộng rãi vào đầu năm 2008.

UBCK cũng cho biết, chứng khoán giao dịch trong hệ thống này là các cổ phiếu của những công ty đại chúng đã thực hiện đăng ký theo quy định hiện hành, được cấp mã chứng khoán. Nhà đầu tư khi thực hiện giao dịch sẽ thông qua các CTCK trên tài khoản giao dịch mở tại các CTCK.

Với phương thức giao dịch mới này, nhà đầu tư chắc chắn sẽ được công bố thông tin tốt hơn, thanh toán thuận tiện và giảm thiểu rủi ro. Bởi vì chứng khoán của công ty đại chúng chưa niêm yết được đưa vào hệ thống tổng hợp giao dịch OTC của TTGDCK Hà Nội là công ty đại chúng đã thực hiện đăng ký chứng khoán tại Trung tâm Lưu ký và được một CTCK làm thủ tục đăng ký thông tin giao dịch.

Hiện nay, hệ thống phục vụ giao dịch này đã bắt đầu được triển khai tại TTGDCK Hà Nội. Quan điểm của UBCK là triển khai hệ thống giao dịch này một cách đơn giản mà chủ yếu là giao dịch từ xa để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

UBCK cho biết, hiện đã có trên 600 hồ sơ gửi về đăng ký tại công ty đại chúng. Tuy nhiên, con số hoàn tất thủ tục vẫn còn rất ít. Vướng mắc chính là do các văn bản hướng dẫn mới được ban hành từ tháng 4 – 5/2007 nên đa số DN chưa kịp kiểm toán. Tình hình này, buộc UBCK phải có những điều chỉnh là cho phép các DN được đăng ký trước, thực hiện các công bố thông tin công khai tới các nhà đầu tư theo quy định, còn kết quả kiểm toán sẽ được bổ sung sau.

Theo quy định của UBCK, ngày 30/6/2007 là thời hạn cuối cùng dành cho các công ty cổ phần đã trở thành công ty đại chúng phải đăng ký với Ủy ban. Tất cả những công ty niêm yết, các công ty đã từng phát hành đại chúng, các công ty cổ phần có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên và có từ 100 người là cổ đông sẽ được xếp vào diện công ty đại chúng và buộc phải đăng ký với UBCK để thực hiện định kỳ các nghĩa vụ về công bố thông tin cho cổ đông, công chúng và làm các thủ tục đăng ký,

Từ cuối tháng 2/2007, Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty đại chúng phải đăng ký theo thời hạn quy định. Sau thời hạn trên, nếu DN không đăng ký sẽ bị phạt.

Theo VNN

Chứng khoán lại giật lùi

Ngày 02/08/2007, 14:22
Chứng khoán lại giật lùi

(ĐTCK-online) Vừa mới có một phiên hồi phục ngoạn mục mang nhiều dấu ấn tâm lý trong ngày hôm qua, sàn chứng khoán Hồ Chí Minh hôm nay lại khiến nhà đầu tư rơi vào phấp phỏng. Ngưỡng 900 điểm vẫn đứng đằng sau, nhưng thị trường không tiếp tục phát huy được sức đẩy mới vừa nhen nhóm.

Hôm nay, 2/8, chỉ số VN-Index đo lường cho thị trường niêm yết của 112 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ lại có một phiên giảm điểm.

Sau khi tăng nhẹ vào đợt khớp lệnh đầu tiên, VN-Index bắt đầu sụt giảm kể từ đợt khớp lệnh liên tục ở giữa phiên và chung cuộc đến hết đợt khớp lệnh thứ ba, chỉ số này tiếp tục giảm thêm để đóng cửa cuối ngày ở 911,18 điểm, đồng nghĩa với việc mất đi 11,96 điểm, tương đương 1,29% so với phiên giao dịch ngày 1/8.

Khối lượng giao dịch khớp lệnh hôm nay tăng nhẹ, đạt gần 5,329 triệu đơn vị so với gần 5,250 triệu đơn vị ngày hôm qua. Tuy nhiên, giá trị giao dịch khớp lệnh lại giảm nhẹ với gần 495,6 tỷ đồng so với 506,6 tỷ đồng phiên hôm qua.

Có tới 67 cổ phiếu giảm giá, trong khi chỉ có 28 cổ phiếu tăng giá và 16 mã đứng giá. Hai chứng chỉ quỹ có PRUBF1 giảm 300 đồng/ccq xuống còn chẵn 11.000 đồng/ccq và VF1 đứng giá ở 27.500 đồng/ccq.

Cùng với những FPT, HRC, VNM, RIC, AGF, DHG, VSH…, nhiều cổ phiếu tăng giá làm nền cho sự đi lên của VN-Index hôm qua thì đến hôm nay đã đi theo hướng ngược lại, chẳng hạn như REE, SAM, SJS, PPC…

FPT có thêm phiên giảm giá thứ ba liên tiếp và đứng đầu về mức độ giảm giá trong ngày với thị giá giảm hết biên độ 5%, tương đương -12.000 đồng/cp, xuống còn 228.000 đồng/cp. TCT có cùng tỷ lệ giảm kịch sàn nhưng ít hơn 1.000 đồng về số tuyệt đối, thị giá hiện tại cũng bằng FPT ở 228.000 đồng/cp. Theo sau đó là SJS (giảm 7.000 đồng/cp), SGH (giảm 6.000 đồng/cp) và HRC (giảm 5.000 đồng/cp).

Trong top 5 cổ phiếu có khối lượng khớp lênh thành công cao nhất thị trường, FPT cũng là cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh lớn, đứng thứ hai với hơn 33,6 vạn cổ phiếu. Trong top này ngoài FPT còn có thêm hai cổ phiếu cũng giảm giá khác là PPC và REE. Còn lại là hai cổ phiếu đứng giá gồm STB và TTP, trong đó STB có khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường với 67 vạn cổ phiếu. Không nằm trong rổ cổ phiếu để tính VN-Index, nhưng VF1 nếu tính khối lượng thì cũng chỉ đứng sau STB với hơn 47 vạn chứng chỉ quỹ khớp lệnh thành công.

Anh em nhà Kinh Đô hôm nay đều thuộc nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh. Nếu như hôm qua NKD tăng giá còn KDC giảm giá, thì hôm nay NKD tiếp tục có phiên tăng giá thứ 3 còn KDC vươn lên thành cổ phiếu có giá tăng cao nhất thị trường. Cụ thể, KDC tăng thêm 11.000 đồng, đạt 236.000 đồng/cp, NKD, đúng thứ ba với 6.000 đồng tăng thêm, đạt 205.000 đồng/cp. Xếp thứ hai là SFI, tăng 9.000 đồng, đạt 190.000 đồng/cp. DRC và HBC cùng tăng thêm 5.000 đồng, thị giá tương ứng sau phiên giao dịch hôm nay là 124.000 đồng/cp và 114.000 đồng/cp.

A.N

Kinh tế

Blog Archive

Topics