Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, June 9, 2008

Năm cách chống đầu cơ ngoại tệ

Về trang chủ VnEconomy BÁO ĐIỆN TỬ - THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM


Gửi tiết kiệm ngoại tệ buộc phải rút bằng VND?
CẬP NHẬT: 09/06/2008 09:32:45 (GMT+7)

n Hoàng Đạt

“Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt”.

Thị trường xuất hiện tin đồn người dân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ nhưng phải rút tiền và nhận lãi bằng VND.

Ngân hàng Nhà nước vừa có phản hồi, bởi tin đồn trên khiến một số người dân lo lắng.

Ông Nguyễn Ngọc Lân, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước), khẳng định: “Theo quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối, cá nhân được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ và được rút ra bằng loại ngoại tệ đó”.

Trường hợp người gửi tiền có nhu cầu chuyển đổi ra đồng Việt Nam (VND) thì có thể bán cho các ngân hàng thương mại.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 24 Pháp lệnh Ngoại hối quy định về sử dụng ngoại tệ tiền mặt của các cá nhân đã quy định rõ: “Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc và nhận tiền lãi bằng ngoại tệ tiền mặt”.

Như vậy tin đồn về các ngân hàng thương mại không cho cá nhân gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ được rút ra bằng ngoại tệ là không chính xác.

“Người có tiền gửi tiết kiệm cần bình tĩnh, nếu có thắc mắc cần trực tiếp hỏi ngân hàng thương mại nơi mình gửi tiền, không nên nghe tin đồn thất thiệt trên thị trường”, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo.


MB được phép thực hiện bao thanh toán trong nước
n N.Anh

Theo quyết định số 1289/QĐ-NHNN ngày 4/6/2008 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành cho phép Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội được thực hiện hoạt động bao thanh toán trong nước.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội có mức vốn điều lệ là 2.000 tỷ đồng, từ khi đi vào hoạt động tới nay Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội phát triển ổn định, mức tăng trưởng khá, kinh doanh có lãi, ... Do đó, có đủ điều kiện để thực hiện hoạt động bao thanh toán.

Theo đó, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân Đội có trách nhiệm tổ chức quản lý rủi ro và chịu trách nhiệm về sự an toàn của ngân hàng khi thực hiện hoạt động bao thanh toán, bên cạnh đó tạo điều kiện cho ngân hàng đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ và tạo nhiều tiện ích cho khách hàng.


Về trang chủ VnEconomy BÁO ĐIỆN TỬ - THỜI BÁO KINH TẾ VIỆT NAM


Năm cách chống đầu cơ ngoại tệ
CẬP NHẬT: 09/06/2008 09:11:15 (GMT+7)

n Nguyễn Thanh Bình

Các đại lý thu mua ngoại tệ chỉ được bán ngoại tệ cho ngân hàng - Ảnh: Trần An.

Nền kinh tế nước ta hiện đang đối mặt với lạm phát và nhập siêu tăng cao, lợi dụng tình trạng đó, nhiều người đã tung tin đồn về sự bất ổn của tỷ giá, thậm chí khủng hoảng cán cân thanh toán để lũng loạn thị trường ngoại hối tự do làm thị trường này biến động bất thường.

>>Sẽ mạnh tay với đầu cơ ngoại tệ / “Chúng tôi đủ khả năng giữ ổn định VND”

Tỷ giá Đô la ở các cửa hàng vàng biến động mạnh, lên xuống không bình thường và có chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra cao khoảng gần 5%. Tỷ giá trên thị trường phi chính thức liên tục biến động theo xu hướng tăng, tỷ giá đôla Mỹ bán ra tại Hà Nội tăng từ mức 17.350 VND/USD ngày 1/6/07 lên mức 18.100 VND/USD ngày 4/6/07, đã có thời điểm lên đến mức 18.500 VND/USD trong ngày 5/6/07, đến chiều 6/6/07 lại giảm xuống 18.100 VND/USD.

Tỷ giá biến động gây tâm lý bất ổn, kích thích đầu cơ và gia tăng mức độ Đô la hóa, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh doanh xuất, nhập khẩu. Do vậy, cần phải có biện pháp để hạn chế hiện tượng này.

Tại sao đầu cơ ngoại tệ gia tăng?

Để cất trữ tài sản nhưng vẫn đảm bảo khả năng thanh khoản cao, người dân sẽ lựa chọn tiền nước nào có lợi nhất (nội tệ hoặc ngoại tệ). Khi đó mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm bằng nội tệ, ngoại tệ và tỷ giá dự báo đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn loại tiền để cất trữ tài sản và đầu cơ.

Nắm giữ, đầu cơ ngoại tệ chỉ có tác dụng khi lợi ích thu được từ lựa chọn đồng ngoại tệ cao hơn lợi ích thu được từ việc nắm giữ nội tệ trong khoảng thời gian đầu cơ. Điều này được thể hiện qua công thức: % tăng của tỷ giá + lãi suất tiền gửi ngoại tệ > lãi suất tiền gửi nội tệ.

Từ công thức trên cho thấy, lãi suất tiền gửi VND là 15,5%/năm, lãi suất tiền gửi đôla Mỹ tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lên đến 7,2% nếu tỷ giá biến động trên mức 8,3%/năm thì người đầu cơ đôla Mỹ sẽ có lợi hơn nắm giữ VND và ngược lại. Với mức thâm hụt thương mại và lạm phát tăng cao năm 2007 và đầu năm 2008, nhiều người đang nhận định mức tỷ giá sẽ tăng cao trong năm 2008.

Chức năng cất trữ tài sản bằng tiền đồng càng thiếu hấp dẫn khi tỷ lệ lạm phát dự báo năm 2008 khá cao, lãi suất thực sẽ âm mặc dù lãi suất danh nghĩa VND đang ở mức cao. Mức lãi suất tiền gửi bằng Đô la Mỹ đang cao kỷ lục kể từ năm 1992, tại một số ngân hàng thương mại Việt Nam là 7,2% thậm chí cao hơn 37% so với lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ là 5,25% năm.

Mặc dù mức lãi suất Đô la cao được hình thành do quan hệ cung-cầu tín dụng nhưng mức lãi suất này đang tiếp sức cho hoạt động đầu cơ, gửi tiền bằng ngoại tệ làm gia tăng mức độ đôla hóa nền kinh tế.

Lời giải cho bài toán đầu cơ ngoại tệ

Khi xuất hiện các dự báo có sự biến động lớn trong tỷ giá, hoạt động đầu cơ ngoại tệ sẽ gia tăng mạnh, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng tiền gửi tại hệ thống ngân hàng sẽ tăng cao đột biến.

Bài học khủng hoảng của Thái Lan năm 1997 cho thấy, sự tháo lui của dòng vốn đầu tư gián tiếp và đầu cơ ngoại tệ đã nhanh chóng làm cạn kiệt dự trữ ngoại hối quốc gia, gây khủng hoảng tiền tệ. Để hạn chế đầu cơ ngoại hối không thể chỉ sử dụng các biện pháp hành chính, mà chủ yếu phải sử dụng các chính sách lãi suất, tỷ giá.

Thứ nhất, quy định lãi suất trần huy động với đồng Đô la không quá (thậm chí thấp hơn) mức lãi suất trên thị trường quốc tế. Lãi suất ngoại tệ thấp sẽ gia tăng khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ làm giảm sự hấp dẫn khi đầu cơ, nắm giữ ngoại tệ.

Thứ hai, giảm bớt chênh lệch giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá phi chính thức. Sự chênh lệch giữa hai thị trường này có lúc lên tới 2.250 đồng/USD khi tỷ giá ngân hàng ngoại thương là 16.250 đồng/USD và tỷ giá thị trường là 18.500 đồng/USD (ngày 5/6/07).

Chênh lệch lớn giữa hai thị trường sẽ tạo lợi nhuận lớn cho người nhập khẩu hàng hoá khi doanh thu thường được thực hiện bằng tỷ giá thị trường tự do và thanh toán hàng nhập khẩu bằng tỷ giá chính thức. Mức lợi nhuận nhập khẩu lớn do chênh lệch tỷ giá sẽ nảy sinh tiêu cực để "vận động" mở tín dụng nhập khẩu.

Chênh lệch tỷ giá của hai thị trường cũng tạo kẽ hở tiêu cực với nghiệp vụ chuyển đổi ngoại tệ từ doanh thu xuất khẩu, các ngân hàng thương mại đua tranh tìm mọi cách "vận động" nguồn ngoại tệ này về do lợi ích quá lớn. Quá trình này làm gia tăng tiêu cực trong hoạt động xuất nhập khẩu, kích thích nhập khẩu làm dự trữ ngoại hối nhanh chóng bị suy giảm.

Thứ ba, kiềm chế lạm phát và tăng lãi suất danh nghĩa dần hướng tới mức lãi thực dương. Lãi suất thực âm chỉ có thể thực hiện trong thời gian ngắn, nếu tiếp tục kéo dài, người dân sẽ chuyển toàn bộ tài sản từ tiền đồng sang các dạng tài sản khác như: ngoại tệ, vàng hoặc tài sản vật chất khác có lợi ích hơn..., càng làm gia tăng mức đầu cơ và nhập siêu.

Thứ tư, thực hiện các biện pháp giảm thâm hụt thương mại đặc biệt hạn chế nhập khẩu phục vụ tiêu dùng. Thâm hụt thương mại ảnh hưởng đến cân đối cung cầu ngoại tệ. Nếu tỷ lệ nhập siêu vẫn tiếp tục gia tăng như hiện nay, việc mất cân đối ngoại tệ trong dài hạn là không thể tránh khỏi. Do vậy, các biện pháp giảm nhập siêu, đặc biệt nhập siêu cho tiêu dùng phải sớm được thực hiện.

Thứ năm, nới lỏng tỷ giá chính thức. Việc neo giữ tỷ giá có thể có lợi ích khi dòng vốn ngoại tăng mạnh trong năm 2007. Khi tình trạng nhập siêu, lạm phát tiếp tục leo thang neo giữ tỷ giá sẽ gây nhiều hậu quả lâu dài như”: gia tăng phân bổ nguồn lực vào ngành nhập khẩu và ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành xuất khẩu; làm tăng khoảng cách giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa, tích lũy nguy cơ khủng hoảng; gia tăng khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá thị trường tự do...

Do vậy nới lỏng tỷ giá chính thức là cần thiết. Tuy nhiên, điều chỉnh tỷ giá phải xem xét mức độ ảnh hưởng đến lạm phát (không tránh khỏi), theo dõi biến động xuất nhập khẩu và đảm bảo sự hấp dẫn của tiền đồng theo công thức: lãi suất tiền đồng > lãi suất Đô la + % thay đổi tỷ giá.

Việc áp dụng các chính sách tỷ giá, lãi suất phù hợp theo hướng nới lỏng tỷ giá và hạn chế lãi suất tiền gửi ngoại tệ có thể là những chính sách cần thiết để hạn chế đầu cơ và tạo sự ổn định vĩ mô khi nền kinh tế có mức lạm phát và thâm hụt cao.

Kinh tế

Blog Archive

Topics