Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Wednesday, October 17, 2007

“Lập thêm công ty tài chính là cần thiết”

Ngày 16-10-2007, 10:32
“Lập thêm công ty tài chính là cần thiết”

Đang có nhiều tổ chức muốn thành lập công ty tài chính
Những ngày vừa qua, thị trường tài chính tiền tệ liên tục được chứng kiến sự ra mắt khá rầm rộ của hai công ty tài chính 100% vốn nước ngoài đầu tiên (Công ty Tài chính Prudential của Tập đoàn Prudential và Công ty Tài chính SG của Tập đoàn Société Générale).

Cùng với 9 công ty tài chính đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, gần 20 bộ hồ sơ hiện đang chờ cấp phép tại Ngân hàng Nhà nước.

“Lượng hồ sơ xin cấp phép lập công ty tài chính sẽ còn nhiều hơn nữa trong tương lai”, ông Trần Xuân Châu, Phó vụ trưởng Vụ Các ngân hàng và tổ chức tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định trong cuộc trao đổi với chúng tôi.

Thưa ông, ngoài 9 công ty tài chính đã được cấp phép, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được bao nhiêu hồ sơ xin phép thành lập công ty tài chính?

Công ty tài chính là loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép cho 9 công ty tài chính bao gồm: 7 công ty tài chính trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty lớn của Việt Nam và 2 công ty tài chính 100% vốn nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Đồng thời, chúng tôi cũng đã tiếp nhận khoảng 10 đơn và hồ sơ đề nghị thành lập công ty tài chính cổ phần và 6 đơn của các tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đề nghị thành lập công ty tài chính (hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng).

Số lượng các công ty tài chính như hiện nay và số hồ sơ đang chờ cấp phép khiến nhiều người liên tưởng tới một làn sóng mới đang dâng cao trong lĩnh vực này. Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông cảm nhận điều này như thế nào?

Với số lượng hồ sơ đăng ký hiện nay, chúng tôi cho rằng không phải đã nhiều và trong tương lai chắc chắn sẽ còn nhiều hơn nữa nếu loại hình này phát triển tốt và môi trường kinh tế Việt Nam thuận lợi.

Việc nhiều nhà đầu tư tại thời điểm này cùng nộp đơn đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép chứng tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và lĩnh vực ngân hàng nói riêng.

Theo chúng tôi, việc thành lập thêm các công ty tài chính sẽ góp phần tạo thêm 1 kênh dẫn vốn cho nền kinh tế, đáp ứng được nhu cầu vay vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phục vụ kịp thời nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng của cá nhân – một lĩnh vực mà các tổ chức tín dụng vừa qua chưa đáp ứng được.

Tuy nhiên, với chức năng quản lý Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét chặt chẽ thận trọng và hạn chế khi cấp giấy phép để đảm bảo các công ty tài chính ra đời hoạt động được an toàn, hiệu quả và bền vững.

Theo ông, tại sao việc thành lập công ty tài chính lại tăng nhanh như vậy trong lúc này?

Theo tôi, có một số nguyên nhân khiến nhiều tổ chức muốn thành lập công ty tài chính như hiện nay.

Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và ổn định. Việc hội nhập với nền kinh tế thế giới và khu vực của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tìm kiếm các lĩnh vực đầu tư hiệu quả, trong đó có mô hình hoạt động của công ty tài chính.

Thứ hai, các văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam đã được ban hành tương đối đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính phát triển, hoạt động an toàn có hiệu quả.

Thứ ba, nhiều tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã không ngừng phát triển, do vậy cần có riêng tổ chức tài chính để phục vụ nhu cầu và đáp ứng nhu cầu hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tạo công cụ tài chính lớn để đầu tư ra ngoài tổng công ty, tập đoàn. Công ty tài chính sẽ là cầu nối cho các hoạt động này.

Thứ tư, các công ty tài chính thời gian qua họat động có hiệu quả, tỷ lệ sinh lời cao so với các ngành sản xuất kinh doanh khác trong khi hệ số rủi ro thấp. Điều này đã thúc đẩy các tập đoàn, tổng công ty đề nghị thành lập công ty tài chính dưới hình thức cổ phần như hiện nay.

Thứ năm, lĩnh vực đầu tư vào các ngành nghề mới, dịch vụ mới của các ngân hàng thương mại cổ phần hiện còn hạn chế trong khi nhu cầu vay vốn để đáp ứng yêu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân còn bỏ ngỏ.

Theo thống kê, tỷ lệ người dân tiếp cận với các dịch vụ tài chính ngân hàng tại Việt Nam chiếm một tỷ lệ thấp (khoảng dưới 10%). Do vậy nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài muốn sử dụng ngay chính nguồn vốn của họ để đầu tư cho vay trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng.

Thưa ông, liệu có hay không chuyện thành lập công ty tài chính là con đường vòng để tiếp cận thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam của các tổ chức tài chính nước ngoài khi mà điều kiện thành lập ngân hàng hiện nay không dễ?

Công ty tài chính là một tổ chức tín dụng hoạt động trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Việc nhiều nơi đang đề nghị thành lập công ty tài chính chứng tỏ nhu cầu vốn cho nền kinh tế còn rất lớn.

Tuy nhiên, về phía Ngân hàng Nhà nước cũng rất thận trọng khi xem xét việc cho phép thành lập mới công ty tài chính trong nước cũng như nước ngoài.

Ngoài ra, các tổ chức tài chính nước ngoài khi làm hồ sơ xin phép thành lập công ty tài chính tại Việt Nam phải nêu rõ mục tiêu và chiến lược rất rõ ràng là: chủ yếu tập trung vào các hoạt động mà hiện nay tại Việt Nam còn bỏ ngỏ hoặc các ngân hàng thương mại ít quan tâm như: cho vay tiêu dùng đối với cá nhân, cho vay mua trả góp, phát hành thẻ...

Đó là nhu cầu thực tế và theo tôi không phải là con đường vòng để tiếp cận thị trường tài chinh tiền tệ tại Việt Nam.

Theo VNE

ACBF mổ xẻ thị trường chứng khoán Việt Nam

Ngày 17-10-2007, 10:15
ACBF mổ xẻ thị trường chứng khoán Việt Nam

Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN (ACBF) đã lựa chọn chủ đề nhạy cảm “Thị trường tài chính, chứng khoán ASEAN 10 năm sau khủng hoảng” để đưa vào thảo luận. Đây là một dấu ấn rất có ý nghĩa của ACBF Hà Nội trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất sôi động.

ACBF mổ xẻ thị trường chứng khoán Việt Nam

Diễn đàn doanh nghiệp Thủ đô các nước ASEAN (ACBF) đã lựa chọn chủ đề nhạy cảm “Thị trường tài chính, chứng khoán ASEAN 10 năm sau khủng hoảng” để đưa vào thảo luận. Đây là một dấu ấn rất có ý nghĩa của ACBF Hà Nội trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất sôi động.

Nội dung thảo luận cho thấy cách hành xử của Uỷ ban chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và Ngân hàng Nhà nước về thị trường chứng khoán hoàn toàn khác nhau.

Ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN - cho biết, mặc dù nhận thức rằng thị trường chứng khoán chúng ta có tiềm năng phát triển rất hứa hẹn nhưng từ góc độ quản lý, Uỷ ban này cũng đã có đệ trình Chính phủ những chính sách ngăn ngừa khủng hoảng.

Theo ông Bằng, để không xảy ra điều không ai mong muốn này, vấn đề quan trọng nhất là cần tăng cường công khai minh bạch và Việt Nam đã và đang cố gắng làm tốt điều này.

“Chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp lý khá đồng bộ, chúng ta cũng đã tiếp cận với những tiêu chuẩn, quy tắc quản trị công ty tốt nhất, thể hiện trong Luật Doanh nghiệp và Luật Chứng khoán.” - ông Bằng nói.

Cũng theo ông Bằng, việc kiểm soát hoạt động huy động vốn đang là vấn đề đặt ra đối với UBCKNN. Nếu Uỷ ban quá thiên về kiểm soát việc phát hành của doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư thì lại dẫn tới tình trạng trì trệ cản trở nhu cầu thu hút vốn của rất nhiều doanh nghiệp.

“Chúng tôi bị một sức ép rất lớn, nếu chúng tôi xử lý nhanh hồ sơ phát hành để doanh nghiệp huy động vốn đúng thời điểm thì lại mắc với những quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư.” - Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Công bố của UBCKNN cho thấy, riêng trong 8 tháng đầu năm 2007, tổng số các vụ xử lý vi phạm của Uỷ ban lớn hơn gấp hai lần so với cả 2 năm trước cộng lại.

Trong việc tăng cường thanh tra giám sát, UBCKNN đang đề xuất sửa Pháp lệnh xử phạt hành chính vì những quy định mức phạt trong pháp lệnh này rất thấp và thiếu tính răn đe. Một chương trình phối hợp quốc tế trong việc nâng cấp hệ thống công nghệ phục vụ việc thanh tra giám sát cũng đang được triển khai.

Tuy nhiên, trong khi UBCKNN “tránh gây sốc” thì bằng Chỉ thị 03 về hạn chế cho vay kinh doanh chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước lại hành xử ngược lại. Tại Diễn đàn ACBF, Chỉ thị này tiếp tục bị nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chứng khoán chỉ trích.

Trả lời phỏng vấn Dân trí, ông Lê Xuân Nghĩa, vụ trưởng Vụ Chiến lược (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo khảo sát tại 15 ngân hàng nước ngoài của Vụ Chiến lược thì tỷ lệ cho vay kinh doanh chứng khoán nói chung du di từ khoảng 10 - 25% tổng tài sản.


Theo Dân trí

Monday, October 15, 2007

“Ngoại” thống lĩnh thị trường “nội”

Cập nhật ngày 16/10/2007 (GMT+7)
“Ngoại” thống lĩnh thị trường “nội”
Xem anh phong to
Chỉ tính riêng nguồn tiền đầu tư cho nhân sự, công nghệ thông tin…, nhiều công ty địa ốc trong nước đã mạnh dạn mở hầu bao.

Ngày 12 – 10, các báo đã phản ánh tình hình hoạt động bát nháo về môi giới địa ốc của các “văn phòng không phép”. Đi sâu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy hoạt động của những doanh nghiệp “chính quy” cũng không mấy sáng sủa. Dù có rất nhiều doanh nghiệp địa ốc trong nước đăng ký hoạt động lĩnh vực quản lý, tư vấn, môi giới bất động sản nhưng hiện nay thị trường này lại do một vài công ty nước ngoài nắm giữ.

Miếng bánh ngon lại dâng cho người khác

Theo kết quả điều tra của Công ty Nghiên cứu và tư vấn bất động sản Vietrees, hiện có rất ít doanh nghiệp địa ốc Việt Nam có kế hoạch tiếp thị sản phẩm một cách bài bản. Chính vì vậy mà ở những dự án lớn, việc quản lý, tiếp thị đều do một vài công ty nước ngoài đảm nhận. Trong đó, Tập đoàn Savills đang là đại diện cho rất nhiều dự án bất động sản tại Việt Nam như Pacific Place, Press Club, Opera View, Sailing Tower… Không những vậy, Savills còn quản lý gần 30 văn phòng, tòa nhà cho thuê trên toàn quốc.

Ngoài Savills, Công ty tư vấn CB Richard Elliss (CBRE) cũng là một thế lực. Nhiều cao ốc cho thuê tại các thành phố lớn, nhất là TP.HCM từ lâu đã thuộc quyền quản lý, tiếp thị của công ty này. Ở tầm thấp hơn đối với những dự án căn hộ chung cư…, việc tiếp thị bán hàng cũng do các đơn vị nước ngoài phân phối. Vì đâu mà thị phần này lại do những công ty ngoại thao túng như vậy?

Ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phóng Kinh doanh Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Tân Hoàng Thắng, cho biết sở dĩ đối tác nước ngoài đảm nhận hầu hết việc tư vấn, quản lý bất động sản là do họ có kinh nghiệm tiếp thị, quản lý dự án. Khi một chủ đầu tư triển khai dự án, nếu là công ty trong nước làm thì thường đem dự án đi tiếp thị đại trà. Còn cách làm của đối tác nước ngoài là chỉ nhắm vào một phân khúc cụ thể. Trước đó, để làm tốt việc này, doanh nghiệp ngoại đã cho quân đi nghiên cứu thị trường rất chu đáo.

Còn ông Phòng Hoàng Chánh – Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà đất Cotec thì cho rằng nhiều đơn vị trong nước lại xem nhẹ. Ngay lời văn của những tờ bướm quảng cáo, các công ty trong nước làm gần như na ná, thậm chí là copy mỗi đoạn một ít, gắn vào. Do vậy mà có nhiều mẫu quảng cáo nhà đất giống nhau đến nhàm chán. Trong khi doanh ngiệp nước ngoài xem lĩnh vực môi giới, tư vấn, quản lý… bất động sản là thị trường kiếm tiền béo bở thì các doanh nghiệp trong nước lại lơ là. Thậm chí mới đây có doanh nghiệp triển khai một dự án chung cư cao cấp ở vị trí đắc địa giữa lòng thành phố thay vì trực tiếp bán hàng lại mời đối tác ngoại bán giùm. Đến khi báo chí đặt câu hỏi tại sao thì vị giám đốc công ty trên bật mí: Để đối tác ngoại quản lý thì dự án có vẻ …. Quốc tế hơn.

Đầu tư cho nhân lực: Tốn tiền tỷ!

Ông Lâm Văn Chúc, Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phúc Đức, phân tích: nguyên nhân của tình trạng trên là do các công ty bất động sản trong nước hạn chế về vốn và con người. Do vậy mà thời gian qua, khi đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng thương mại…, đại đa số công ty bất động sản trong nước không thể tự quản lý.

Gần đây có một số công ty bất động sản nhận ra tiềm năng của thị trường này và mạnh dạn nhảy vào khai thác như Sacomreal, Phát Hưng, Phúc Đức…Vì muốn phát triển lâu dài nên một số công ty địa ốc đã bỏ tiền tỷ đầu tư cho nguồn nhân lực.

Theo ông Phòng Hoàng Chánh, Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư phát triển nhà đất Cotec, việc mở chi nhánh giao dịch nhà đất bây giờ không như trước kia là để phục vụ nhu cầu khách hàng khi đất sốt mà nay là cả một chiến lược. Đó là trực tiếp bán sản phẩm cho chính mình, đồng thời tranh thị phần về quản lý, tiếp thị bất động sản với đối tác ngoại. Ngay như sàn giao dịch nhà đất của đơn vị Cotec Land (tại đường Ba Tháng Hai, quận 10) sau gần hai năm im hơi lặng tiếng, đầu tháng 10 vừa qua cũng đã hoạt động trở lại và ngay lập tức tham gia giới thiệu dự án Golden House tại quận 6, ông Chánh nói.

Để cạnh tranh, Công ty Đầu tư bất động sản Vina Land đã tuyển dụng nhân sự quản lý, môi giới bất động sản khá chặt chẽ. Nhân viên vàolàm việc phải hội đủ các tiêu chí về kinh nghiệm, đạo đức kinh doanh, khả năng giao tiếp…

Còn lại Công ty Địa ốc An Gia, ngoài việc mở các lớp đào tạo kiến thức về quản lý, môi giới bất động sản cho nhân viên, công ty còn thuê hẳn chuyên viên pháp lý cập nhật văn bản pháp luật…

VF1 có thất hứa?

Ngày 15-10-2007, 18:35
VF1 có thất hứa?

Quỹ đóng với hai lần tăng vốn dường như là một điều không tưởng, câu chuyện có lẽ chỉ có ở TTCK Việt Nam. Lần thứ nhất, VF1 tăng vốn từ mức 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Lần thứ hai, VF1 tiếp tục tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng.

Tại sao NĐT lại mua chứng chỉ quỹ (CCQ) trong khi có thể sử dụng số tiền mua CCQ đó để tự mình đầu tư? Nhiều lý do được nhắc đến nhưng phổ biến nhất vẫn là tính an toàn khi mua CCQ. Tuy nhiên, vẫn còn có một lý do quan trọng hơn để NĐT chấp nhận việc mua CCQ, hay nói cách khác, là để cho người khác dùng tiền của mình đem đi đầu tư, đó là niềm tin vào công ty quản lý quỹ.

Quỹ đóng với hai lần tăng vốn dường như là một điều không tưởng, câu chuyện có lẽ chỉ có ở TTCK Việt Nam. Lần thứ nhất, VF1 tăng vốn từ mức 300 tỷ đồng lên 500 tỷ đồng. Lần thứ hai, VF1 tiếp tục tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Cả hai lần tăng vốn, VF1 đều vấp phải sự phản ứng dữ dội của các NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ khi mà quyền lợi của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong đợt phát hành lần đầu, giá của VF1 giảm xuống dưới giá phát hành. Điều này khiến cho Ban điều hành quỹ thay đổi phương thức phát hành bằng việc chỉ bán cho cổ đông hiện hữu, không bán cho cổ đông chiến lược nữa, đồng thời giảm giá phát hành xuống 18.167 đồng/CCQ.

Trong đợt phát hành lần thứ hai, với việc đưa ra mức giá phát hành quá cao 33.200 đồng/CCQ đã khiến cho các cổ đông nhỏ không hào hứng với việc mua vào CCQ này nữa.

Liên tiếp trong các phiên giao dịch sau đó, giá của VF1 giảm dần đều từ mức 52.500 đồng/CCQ còn 40.700 đồng/CCQ trước ngày chốt quyền và sau đó, tiếp tục giảm mạnh và đã xuống thấp hơn cả mức giá phát hành khi có tin Ban điều hành quỹ lại thay đổi mức giá phát hành trong khi đã được BVSC và HSC bảo lãnh. Sau đó, Ban điều hành quỹ đã quyết định vẫn giữ nguyên phương án phát hành như cũ.

Để tạo tâm lý tốt cho NĐT thực hiện quyền mua CCQ, cả Ban điều hành quỹ đều công bố sẽ mua vào một lượng lớn CCQ. Tổng khối lượng đăng ký mua vào là 150.000 CCQ.

Và thực tế, đợt phát hành của VF1 đã diễn ra thành công khi chủ yếu chỉ có các cổ đông lớn mua vào, trong khi các cổ đông nhỏ đã từ bỏ quyền mua của mình. Hai đơn vị bảo lãnh là BVSC và HSC đã phải thực hiện nốt nhiệm vụ bảo lãnh của mình.

Tuy nhiên, tới ngày 11/10/2007, tức là sau thời gian công bố mua vào 5 tháng, Ban điều hành quỹ vẫn không thực hiện việc mua vào bất kỳ một CCQ nào. Hơn nữa, lý do được đưa ra tại thời điểm này là để tránh ảnh hưởng đến Công ty khi thị trường đang ở thời điểm nhạy cảm.

Qua 5 tháng thăng trầm của thị trường, từ lúc đi xuống, đến khi giao dịch tích luỹ và phục hồi, chẳng lẽ Ban điều hành quỹ không chọn được thời điểm thị trường không nhạy cảm để mua vào sao? Phải chăng việc công bố mua vào chỉ là một "chiêu" tâm lý nhằm trấn an các NĐT nhỏ?

TTCK - thị trường của niềm tin. NĐT mua CP kỳ vọng vào sự tăng trưởng của công ty trong tương lai, mua CCQ cũng kỳ vọng vào sự gia tăng về NAV. Nhưng cả CP và CCQ đều có một điểm chung nữa đó là niềm tin của các cổ đông vào HĐQT, ban giám đốc của công ty cũng như những người điều hành quỹ. Khi niềm tin này mất đi thì khả năng có thể tìm được niềm tin của các cổ đông sẽ khó trở lại.

Xem xét tình hình thực tế của VF1 hiện nay, có thể nhận thấy, VF1 có nhiều thuận lợi khi có một nguồn vốn lớn chưa được giải ngân thu được từ đợt tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, có NAV đang cao hơn thị giá khoảng 16% (NAV ngày 5/10/2007 là 39.533 đồng/CCQ và giá đóng cửa cuối tuần là 33.400 đồng/CCQ).

Dự báo, với việc các CP tiếp tục tăng nhẹ trong tuần qua, đặc biệt là các CP NH thì NAV của VF1 cũng sẽ tăng nhẹ trong kỳ báo cáo tuần này. Đây sẽ là một cơ hội cho các NĐT vào CCQ này.

Mặc dù với VF1, cổ đông nhỏ nắm giữ tỷ lệ không lớn nhưng các giao dịch hàng ngày chủ yếu là giao dịch từ phía các cổ đông nhỏ. Nhưng với việc Ban điều hành quỹ tiếp tục không quan tâm đến lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là những cổ đông nhỏ thì bài toán niềm tin cần đặt ra.

Với VF1, phí quản lý quỹ là 2%/năm chưa bao gồm mức thưởng thì các cổ đông sẽ được gì khi mà quyền lợi không được đảm bảo?

Theo LĐ

penny stock - Cổ phiếu giá thấp chưa hẳn rẻ

Thứ Hai, 15/10/2007, 14:20

Cổ phiếu giá thấp chưa hẳn rẻ

Không chỉ có những cổ phiếu blue-chips mới thu hút nhà đầu tư mà các cổ phiếu có giá thấp (Penny - stocks) cũng tăng giá vùn vụt khi thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục xu hướng tăng lên.

Nhiều nhà đầu tư đang phấn khích với các loại CP giá thấp - Ảnh: Thanh Niên
Giá tăng vùn vụt

Cổ phiếu Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) bắt đầu tăng liên tiếp trong hai tuần qua với nhiều phiên tăng trần (đạt 5%/phiên). Nếu như đầu tháng 9, cổ phiếu này chỉ có mức giá 20.300 đồng/cổ phiếu thì đến ngày 5/10 đã đạt 25.100 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng khá cao, hơn 232.000 cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu Công ty gạch men Chang Yil (CYC) cũng tăng từ 14.900 đồng lên 20.600 đồng/cổ phiếu cùng thời gian trên. Các cổ phiếu có giá dưới 50.000 đồng/cổ phiếu cũng tăng tốc khá ngoạn mục như VTA, VTB, VTC, TYA...

Việc tăng giá của các cổ phiếu Penny - stocks đang diễn ra tương tự như thời điểm đầu năm 2007. Sự hưng phấn của các nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường, đã tạo ra lực đẩy mới cho các cổ phiếu này.

Anh Bảo, một nhà đầu tư tại sàn SSI lập luận rằng, nếu như anh chỉ có 30 triệu đồng trong tài khoản thì khó để mua những cổ phiếu có giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu.

Anh nói: "Khi đó, tôi có thể mua được gần 1.500 cổ phiếu BBT; trong khi nếu mua cổ phiếu NKD thì chỉ được 100 cái (giá 225.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 11/10). Nếu xét về lợi nhuận, khi BBT tăng giá 1.000 đồng/cổ phiếu thì NKD phải có mức tăng tương ứng 11.000 đồng/cổ phiếu. Xét tình hình thị trường hiện nay thì khả năng trên đối với BBT dễ xảy ra hơn với trường hợp của NKD".

Mua 5.000 cổ phiếu BBT lúc giá còn 20.000 đồng/cổ phiếu, chị An - nhà đầu tư mở tài khoản tại BVSC đã bán ra trong tuần qua với giá 23.500 đồng/cổ phiếu. Tính ra, chị đã lời hơn 20% chỉ trong vòng 2 tuần lễ.

Theo chị, hiện nay thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng "nước lên thuyền cũng lên" nên chị vẫn đang tiếp tục "săn lùng" cổ phiếu giá thấp nhưng còn nhiều khả năng tăng lên.

Giá thấp chưa hẳn... rẻ

Penny - stocks là thuật ngữ để chỉ cổ phiếu có thị giá thấp, ngược với Blue-chips.

Ở thị trường chứng khoán Mỹ, Penny - stocks chỉ những cổ phiếu có giá giao dịch dưới 5 USD/cổ phiếu. Ở thị trường chứng khoán Anh, Penny - stocks là cổ phiếu có thị giá giao dịch thấp hơn 1 bảng/cổ phiếu do công ty có vốn thị trường nhỏ hơn 100 triệu bảng phát hành.

Thị trường chứng khoán Việt Nam chưa có khái niệm nào chỉ về Penny-stocks mà chỉ là cách gọi phổ thông dành cho các cổ phiếu có thị giá thấp.

Khi thị trường đồng loạt tăng "nóng", các cổ phiếu đều lên giá ào ạt nên nhiều nhà đầu tư cá nhân không còn thời gian để suy nghĩ và xem xét về tình hình hoạt động hay các chỉ tiêu tài chính của công ty đó. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường có biến động.

Ví dụ, cổ phiếu BBT ngày 10/10 có mức giá 24.200 đồng/cổ phiếu thì chỉ số P/E (thị giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) là 50,67 lần; EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) điều chỉnh là 0,48.

Trong khi đó, nếu lấy giá cổ phiếu DHG cùng ngày là 415.000 đồng/cổ phiếu (đây là cổ phiếu có giá cao thứ 2 tại sàn TP.HCM) thì chỉ số P/E là 39,75 lần; EPS điều chỉnh là 10,44. Rõ ràng, xét về cả hai chỉ số này thì DHG vẫn tiềm năng và an toàn hơn BBT.

Ông Nguyễn Thanh Trí, Giám đốc đầu tư Công ty chứng khoán Gia Quyền, cho rằng, ngoài 2 chỉ số trên, các chỉ số khác như ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản), ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của DHG cũng khá tốt.

"Nếu so sánh hàng loạt cổ phiếu có thị giá thấp với các cổ phiếu thuộc hàng Blue-chips đang có giá cao ngất thì không phải cổ phiếu có giá thấp là giá rẻ. Nhà đầu tư đang quên đi việc tìm hiểu về giá trị thật của công ty khi mình muốn bỏ tiền ra đầu tư. Điều này khá mạo hiểm cho chính nhà đầu tư" - ông Trí nói.

Trong dài hạn, khi đầu tư vào cổ phiếu, nhà đầu tư phải luôn quan tâm đến mức cổ tức được chia hằng năm là bao nhiêu. Hay nói cách khác, EPS sẽ thu về được khi bỏ tiền ra mua cổ phiếu là bao nhiêu. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, EPS là chỉ số khá quan trọng.

Ông Dominic Scriven, Giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital nhấn mạnh, mình luôn tuân thủ theo các nguyên tắc đầu tư đã đặt ra, trong đó quan tâm hàng đầu đến chỉ số EPS, đặc biệt công ty nào trả cổ tức bằng tiền mặt là tốt nhất.

Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng, trong những thời điểm thị trường điều chỉnh, thông thường các loại CP Penny-stocks sẽ là những CP bị ảnh hưởng đầu tiên và mức giảm giá cũng nhiều nhất.

Tuy nhiên, CP Blue-chips hay Penny-stocks đều không đồng nghĩa với tốt hay xấu mà nó phụ thuộc vào yếu tố nội tại của mỗi cổ phiếu. Nhà đầu tư cần xem xét đến các chỉ số cơ bản khi phân tích cổ phiếu trước khi ra quyết định đầu tư.

Theo Mai Phương
Thanh Niên

Kinh tế

Blog Archive

Topics