Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Thursday, April 17, 2008

Nhà đất sụt giảm, quyền mua căn hộ cũng mất giá

Thứ sáu, 18/4/2008, 00:21 GMT+7Bản để inGửi cho bạn bè

Nhà đất sụt giảm, quyền mua căn hộ cũng mất giá

Quyền mua căn hộ The Vista (TP HCM) hiện chỉ còn 2.100-2.400 USD mỗi m2, chênh lệch 800 USD mỗi m2 so với giá gốc. So với cuối năm ngoái, khoản phí này đã giảm vài chục nghìn USD, tính trên tổng giá trị toàn căn hộ.
> Bán tháo nhà nhỏ để mua đất to / Nhà đất tiếp đà giảm giá / Địa ốc đồng loạt tuột giá / Nhà đất TP HCM hạ nhiệt

Khảo sát của VnExpress, trên thị trường tự do, tình hình chuyển quyền mua căn hộ hoặc giá đặt cọc ban đầu khi mua nhà của nhiều dự án đang hạ nhiệt, chi phí này giảm cao nhất là 50 nghìn USD trên tổng giá trị căn hộ. Để nắm trong tay một suất mua nhà, khách hàng đóng khoản tiền có tỷ lệ tương đương 20-30% giá trị căn nhà.

Cụ thể, hồi tháng 11 năm ngoái, để có quyền ưu tiên mua căn hộ The Vista, trên thị trường tự do, chi phí này đã nhảy vọt từ 1.600 lên 2.400 mỗi m2 chỉ trong 1 đêm. Thời điểm "nóng" nhất, thị trường chợ đen kêu giá 2.800-3.500 USD mỗi m2 (đã tính khoản chênh lệch). Theo đó, không thông qua chủ đầu tư, khách hàng thứ cấp được cò nhà đất giới thiệu gặp trực tiếp người mua đầu tiên để thương lượng về tỷ lệ tiền ứng trước. Đã có người sang tay nóng quyền mua căn hộ chênh lệch hàng chục nghìn USD.

Hiện dự án Thạnh Mỹ Lợi quận 2, khu tái định cư, quyền mua căn hộ đang được rao bán với giá chênh lệch 7 triệu đồng mỗi m2 (chưa tính giá gốc). Cuối năm 2007, để có trong tay quyền mua nhà với giá gốc, nhiều người đã phải chi thêm số tiền chênh lệch lên đến 10-15 triệu đồng mỗi m2 trong giai đoạn đầu.

Tương tự, dự án Thái Thịnh trên đường Lê Văn Việt, đang được rao bán quyền mua căn hộ với giá 1.400-1.600 USD mỗi m2, chênh lệch 200-500 USD mỗi m2 so với hồi đầu năm nay.

Cũng trong thị trường ngầm này, dự án Sky Garden 3, quyền mua căn hộ đang được chào bán với giá 28 triệu đồng mỗi m2, các tỷ lệ thanh toán tùy đôi bên thỏa thuận. Trước đó, thời kỳ nóng sốt, trên thị trường dự án được giới săn lùng địa ốc chào giá 35-36 triệu đồng mỗi m2.

Ngoài ra, nhiều công trình chung cư cũng được giới "cò" địa ốc giảm giá quyền mua căn hộ trung bình từ 20-50% so với thời điểm sốt giá. Thậm chí, môi giới nhà đất còn chào mời nhiều vị trí để khách dễ chọn lựa và thương lượng.

Nhiều dự án đang xây dựng từng có giá quyền mua căn hộ tăng vùn vụt đang giảm đều do ảnh hưởng của thị trường chung. Ảnh: Bảo Quân.

Theo giới kinh doanh địa ốc, quyền mua căn hộ chỉ được hiểu nôm na là một hợp đồng ký kết thỏa thuận giữa khách hàng và chủ đầu tư về giá cả, vị trí và diện tích ngôi nhà tương lai, kèm theo một khoản thu chiếm 20-30% giá trị căn hộ tùy tiến độ dự án.

Xét về tính pháp lý, quyền mua căn hộ không phải là hợp đồng chính thức sở hữu căn nhà, mà chỉ là văn bản tạo cơ sở cho những giao dịch nhà đất sau này như: bảo lãnh vay vốn ngân hàng, ký hợp đồng mua căn hộ, thỏa thuận góp vốn thành nhiều đợt...

Trong khi đó, đại diện một chủ đầu tư chung cư gây sốt hồi tháng 11 năm 2007 lý giải rằng, sở dĩ trên thị trường xuất hiện nhiều giao dịch ngầm quyền mua căn hộ vì sản phẩm quá ít, không đáp ứng kịp nhu cầu ở, và đầu tư vào bất động sản lại tăng cao. Chính vì thế, để tránh việc tranh giành và gạn lọc khách hàng có đủ khả năng tài chính sở hữu nhà trong tương lai, chủ đầu tư "buộc lòng" phải đẻ ra quyền mua căn hộ.

Cũng có trường hợp cho đăng ký quyền mua căn hộ không thu phí để thăm dò thị trường như dự án Hoàng Anh River View của Công ty cổ phần phát triển nhà Hoàng Anh (HAGL Land). Chủ tịch HĐQT HAGL Land Đoàn Văn Đức khẳng định rằng, cho người dân đăng ký giữ chỗ không thu phí với giá căn hộ công khai là cách rà soát phản ứng của thị trường trước dòng sản phẩm mới.

Song khi thị trường sốt, giới đầu cơ đã lợi dụng việc này để giành giật suất mua nhà giá gốc. Cách thức phổ biến nhất là cho người thân đứng tên và bán lại với giá chênh lệch cao để trục lợi.

Một nhân viên môi giới nhà đất đã 10 năm lăn lộn trong nghề tiết lộ thêm, trong tình hình thị trường nhà đất sụt giảm liên tục và có nguy cơ giảm sâu như hiện nay, người mang tiền đổ vào quyền mua căn hộ không còn nhiều như trước nữa. Nhân viên này nhận xét, lãi suất ngân hàng đối với khách mua lại căn hộ nhiều lần đột ngột tăng khoảng 0.3-0,6% một tháng đã khiến thị trường ngầm bị chững lại, kéo theo hiện tượng giảm giá.

Trao đổi với VnExpress, ông Võ Đình Quốc, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản An Bình, lý giải hiện tượng hạ nhiệt của thị trường chuyển nhượng quyền mua căn hộ như hình ảnh một ly bia được rót đầy.

Phần bọt bia chính là giá trị chênh lệch sẽ bị tác động của tình hình kinh tế chung đang giảm dần, trong đó bao gồm luôn cả chi phí cho quyền mua căn hộ. Phần bia "thật" bên dưới vẫn không đổi, chính là giá trị thực của căn hộ.

Theo ông Quốc, gốc rễ của việc bán tháo suất mua căn hộ bắt nguồn từ khoản tiền lợi nhuận chênh lệch có khả năng bị giảm dần trong tình hình địa ốc rơi vào thế trầm lắng. Nhưng chuyên gia này tin rằng, các dự án đã thu tiền đến giai đoạn 3, 4 sẽ khó xảy ra việc nhượng quyền mua nhà, vì tài sản đổ vào bất động sản lúc này đã quá lớn.

"Nếu nhìn thấu đáo vấn đề, bất động sản không bị giảm giá mà chỉ là khoản chênh lệch đã hạ nhiệt. Trong khi giá vật liệu xây dựng tăng 2-3 lần, không chủ đầu tư nào dại gì giảm giá nhà ", ông Quốc nhận định.

Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức, ông Lâm Văn Chúc nhìn nhận hiện tượng quyền mua căn hộ đang mất giá dần như một phản ứng nhanh nhạy của giới đầu cơ.

"Địa ốc nóng, nhà sốt thì giá trị của quyền mua căn hộ leo thang. Hiện thị trường đang chịu sức ép từ nhiều phía, dẫn đến biến động trồi sụt, quyền mua căn hộ bị sụt giảm là hợp lý", ông Chúc nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia bất động sản khuyến cáo, khách hàng khi tiến hành chuyển nhượng quyền mua căn hộ phải cùng với đối tác đến văn phòng của ban quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp hướng dẫn thủ tục mới đảm bảo an toàn. Ngoài ra, khách hàng phải đặt việc so sánh giá gốc của dự án với giá trị hiện tại trên thị trường để tránh bị hớ.

Vũ Lê


Wednesday, April 16, 2008

17/4: VNIndex turned around...

Chứng khoán ngày 17/4: Buông xuôi để… nuối tiếc

n Lan Ngọc

Nhiều nhà đầu tư chán nản bỏ dở phiên giao dịch để rồi đứng lặng trước kết quả bất ngờ vào cuối phiên…

Một lần nữa, thị trường chứng khoán lại cho thấy những biến động khó lượng đoán, luôn mang yếu tố bất ngờ hấp dẫn.

Không có tín hiệu mới khi thị trường mở của với loạt lệnh chào giá sàn, “quyết” bán ra trong bối cảnh sụt giảm liên tiếp. Ngoài DHG và DPM trên sàn Tp.HCM, hầu hết các mã lớn đều chọn giá sàn ngay từ đầu phiên.

Tại Hà Nội, HASTC-Index những phút đầu giao dịch đã giảm ngay trên 2%.

Xu hướng của phiên hôm nay tưởng như đã được quyết định và không có khác biệt so với “thông lệ” những phiên liền trước. Nhiều nhà đầu tư bỏ sàn, rời mắt khỏi bảng điện tử như buông xuôi trước thế trận giảm sàn một chiều, chỉ chờ xem kết quả khối lượng vào cuối phiên.

Một phiên nuối tiếc đối với những quyết định bán giá sàn đầu phiên.



Nhưng bất ngờ đã xẩy ra, quá choáng ngợp và tiếc nuối đối với những quyết định buông xuôi giá sàn đầu phiên. Thị trường quay ngoắt 180 độ. Hai sàn cùng tăng điểm mạnh mẽ theo biên độ cho phép.

Nếu ở những phiên thường thấy, nhà đầu tư tập trung vào những nguyên nhân – yếu tố tác động, dữ liệu giao dịch và định hướng đầu tư thì ở phiên này, cảm xúc trở thành vấn đề nổi bật.

Sự đảo chiều đột ngôt từ đợt 2 đã tạo một cú hích mới, thúc đẩy sự dồn nén chờ đợi màu xanh của nhà đầu tư trong thời gian qua (bị dãn rộng qua cả 4 ngày nghỉ).

Đợt 1, chỉ có chưa đầy 10 mã tăng giá trong khi có trên 120 mã giảm giảm sàn; VN-Index bỏ qua bước thăm dò, giảm ngày 7,86 điểm (1,47%). Nhưng ở đợt 2, trống dư mua dần chuyển sang dư bán, lượng bán ra giá sàn đã được hốt gọn, cầu mạnh lên và giá đảo chiều; VN-Index lật ngược xu hướng tăng 5,56 điểm.

Diễn biến trên lập tức tạo hứng khởi cho sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng bất ngờ đảo chiều để có phiên tăng điểm đầu tiên sau một tuần xa cách.

Kết thúc phiên, VN-Index tăng 6,2 điểm, lên 537,58 điểm. Trong giao dịch khớp lệnh, có trên 12,6 triệu đơn vị được giao dịch; chung cuộc có 14 triệu đơn vị với gần 683,7 tỷ đồng.

HASTC-Index lấy lại 3,79 điểm, lên 184,74 điểm; khối lượng giao dịch tại sàn Hà Nội đột biến lên 7,4 triệu cổ phiếu, trị giá 314,7 tỷ đồng.

Nếu chỉ số giá tại sàn Hà Nội thể hiện được xu hướng của thị trường thì giá cổ phiếu tại đây tính theo bình quân nên đẩy nhiều mã đóng cửa với màu đỏ. Theo đó, giảm giá vẫn là kết quả áp đảo phiên này, ngược với màu xanh chủ đảo trên sàn Tp.HCM.

SSI, FPT đã tăng giá trở lại, cùng mức tăng 1.000 đồng/cổ phiếu. Trong khi SJS vẫn giảm sàn mất 2.000 đồng/cổ phiếu. Còn lại, các blue-chip đều thể hiện được giá trị để hỗ trợ thị trường lên điểm.

Sau phiên này, thị trường tạm chặn đứng chuỗi suy giảm mạnh từ sau quyết định nới biên độ giao động giá. Tuy nhiên, nếu có những phiên tăng điểm nối tiếp, thị trường sẽ lại đứng trước thử thách khi “lướt sóng” vẫn là một thực tế không tránh khỏi.


Quý I/2008: Doanh nghiệp niêm yết ăn nên, làm ra

Nhiều DN niêm yết đã có kết quả kinh doanh quý I vượt so với cùng kỳ.
Nhiều DN niêm yết đã có kết quả kinh doanh quý I vượt so với cùng kỳ.

Trong cuộc họp của Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết vừa qua, nhiều thành viên cho biết, kết quả kinh doanh quý I/2008 đều vượt so với cùng kỳ, khả năng hoàn thành và vượt kế hoạch cả năm là rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục triển khai các dự án kinh doanh hiệu quả. Đại diện một số công ty niêm yết đề nghị nhà đầu tư không nên quá lo lắng.

Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Thiên Nam (TNC) cho biết, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch năm 2008 là doanh thu trên 100 tỷ đồng; lợi nhuận 24,5 tỷ đồng, tăng 63% so với năm 2007. Công ty chuẩn bị khởi công cao ốc văn phòng tại 111 Ngô Gia Tự và tháng 6 sẽ khởi công Chung cư cao cấp Thiên Nam theo kế hoạch. Hai dự án này sẽ đem lại lợi nhuận cho các năm tiếp theo.

Phó Tổng giám đốc CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD) Trần Văn Hoạt thông báo, ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch năm 2008 là doanh thu 3.000 tỷ đồng, lợi nhuận 700 tỷ đồng. Trong quý I/2008, PVD đã đạt 762 tỷ đồng doanh thu và 220 tỷ đồng lợi nhuận, vượt 25% kế hoạch. Ông Hoạt nói: “Thời điểm này, Công ty đặc biệt quan tâm đến chỉ tiêu lợi nhuận, vì thế Công ty đang tập trung vào các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành đem lại lợi nhuận cao”.

CTCP Văn hoá Tân Bình (ALT) cũng đạt kết quả kinh doanh tốt do đưa vào hoạt động rạp chiếu phim tại khu du lịch. Hoạt động kinh doanh của Văn hoá Tân Bình không bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế hiện nay khi quý I/2008 đạt 48,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 153% so với cùng kỳ năm 2007 và đạt 3,1 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 168%. Kế hoạch năm 2008, Văn hoá Tân Bình dự kiến sẽ đạt 220 tỷ đồng doanh thu và 12 tỷ đồng lợi nhuận.

Cũng kinh doanh văn hoá phẩm, ông Nguyễn Hữu Hoạt, Phó tổng giám đốc CTCP Văn hoá Phương Nam (PNC) cho biết, hoạt động kinh doanh của Công ty đang tiếp tục phát triển. Với 4 rạp chiếu phim Megastar trên cả nước, Phương Nam chiếm đến 50% thị phần chiếu phim. Trong quý II/2008, Công ty sẽ khai trương nhà sách quy mô lớn nhất tại Nha Trang (rộng 2.100 m2) và TP. HCM (rộng 2.880 m2).

Trong lĩnh vực may mặc xuất khẩu, CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (GMC) - đơn vị tưởng chừng sẽ gặp nhiều khó khăn, đã đề ra kế hoạch kinh doanh năm 2008 khả quan hơn nhiều so với tình hình cách đây 1 tháng. Ban đầu, do chi phí đầu vào cho sản xuất may xuất khẩu tăng 20%, tỷ giá VND/USD là 15.500 đồng/USD, HĐQT Công ty đã trình ĐHCĐ kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 16 tỷ đồng, giảm 1,5 tỷ đồng so với mức thực hiện năm 2007. Nhưng do tỷ giá đã tăng lên, đạt 16.000 VND/USD nên tại ĐHCĐ vừa qua, GMC đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2008 lên 20 tỷ đồng. Trong lúc không ít doanh nghiệp tạm dừng phát hành cổ phiếu thì GMC vẫn có đối tác sẵn sàng mua 20% vốn điều lệ mới với giá 27.000 đồng/CP, cao hơn giá thị trường khoảng 10% và theo yêu cầu của cổ đông, Công ty sẽ phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:2, thay vì tỷ lệ 5:1 như dự kiến.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank (STB) cho biết, lợi nhuận trước thuế trong quý I/2008 của Sacombank đạt 435 tỷ đồng, trong khi kế hoạch cả năm là 2.000 tỷ đồng. Sacombank đã thành lập chi nhánh tại Lào và Campuchia để phục vụ việc thực thi hiệp định thương mại giữa 3 nước Đông Dương.

CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) thì tự tin chứng minh kết quả tăng trưởng tối thiểu 10%/năm, bất chấp những biến động của thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung. Ông Nguyễn Khắc Sơn, Giám đốc tài chính TDH cho biết, chỉ số ROE của TDH hiện vẫn cao hơn lạm phát và cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm, đảm bảo hiệu quả đầu tư của cổ đông. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế của TDH năm 2008 là 182 tỷ đồng. Do đặc thù của ngành bất động sản nên lợi nhuận của TDH sẽ tăng đột biến vào quý III và quý IV. Công ty đang tập trung những dự án không bị ảnh hưởng bởi sự giảm giá của thị trường bất động sản như Khu nhà lồng chợ đầu mối lâm sản (có số lượng đăng ký mua gấp 5 số lượng gian hàng). Ông Sơn cho biết thêm, nhà đầu tư nước ngoài luôn nắm giữ hết 49% cổ phiếu TDH. Chỉ trong 3 ngày sau ngày 18/12 là ngày TDH niêm yết cổ phiếu mới phát hành làm tăng room cho nhà đầu tư nước ngoài, đối tượng này đã mua hết 450.000 cổ phiếu được mua thêm với giá từ 99.000 - 100.000 đồng/CP.

Theo ông Thành, thị trường chứng khoán Việt Nam trẻ trung và năng động, còn nhiều thời điểm để tự khẳng định sự phát triển bền vững. Nhiều định chế tài chính lớn đã vào Việt Nam xây dựng chiến lược phát triển lâu dài.

Câu lạc bộ Các doanh nghiệp niêm yết đánh giá, sự giảm giá quá mạnh của thị trường chứng khoán chủ yếu do nguyên nhân khách quan chứ không phải do nội tại doanh nghiệp. Vì thế, các doanh nghiệp niêm yết cần sớm hoàn thành báo cáo kinh doanh quý I/2008 để công bố với nhà đầu tư, giúp thị trường ổn định.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

Dự báo kinh tế: Nguy cơ từ những con số sai

http://www.vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=01&id=8aa6db33d9b7e9
CẬP NHẬT: 2008-04-17 09:06:22 (GMT+7)
Dự báo kinh tế: Nguy cơ từ những con số sai
Cách đây hai tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân trong năm 2007 ước đạt 4,6 tỉ USD, và con số này đã được đưa vào bảng cân đối cán cân thanh toán của Ngân hàng Nhà nước để cân đối các chính sách vĩ mô.

Tuy nhiên sau đó, bộ này lại công bố tổng vốn FDI giải ngân năm 2007 đã đạt hơn 8 tỉ USD. Sai biệt đến 4 tỉ USD đã gây bất ngờ cho các nhà hoạch định chính sách vĩ mô, đặc biệt là về thâm hụt thương mại và chính sách tỉ giá.

Với con số vốn FDI giải ngân chỉ có 4,6 tỉ USD trong bối cảnh thâm hụt thương mại (chi ngoại tệ cho nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) năm 2007 lên đến 14 tỉ USD là đáng lo ngại. Thế nhưng, nếu giải ngân vốn FDI là hơn 8 tỉ USD thì tình hình không quá căng thẳng. Con số 14 tỉ USD này đã được bù bằng nguồn vốn ngoại tệ khá ổn định gồm 6 tỉ USD kiều hối và 8 tỉ USD vốn FDI. Phần vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn lại có thể xem là thặng dư nhằm tạo cân bằng cho cán cân thanh toán.

Theo một chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, việc đưa con số 4,6 tỉ USD vào để hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đã dấy lên nỗi lo về thâm hụt thương mại có thể là "bom nổ chậm". Ngoại tệ thu được từ xuất khẩu không đủ bù cho nhập khẩu. Số thiếu hụt được bù đắp từ kiều hối và giải ngân vốn đầu tư FDI vẫn chưa đủ, phải trông chờ vào nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Mà nguồn vốn này thuộc dạng ngắn hạn, có vào có ra, nếu nhà đầu tư đồng loạt rút vốn sẽ gây áp lực rất lớn lên tỉ giá và hệ thống tài chính. Vì vậy không nên bù đắp thâm hụt thương mại bằng nguồn vốn đầu tư gián tiếp. Thay vào đó phải kiểm soát nhập khẩu, điều chỉnh tỉ giá... Thực tế hàng loạt chính sách nhằm khắc phục thâm hụt thương mại gần đây của Chính phủ là rất mạnh tay, trong đó có tỉ giá hối đoái...

Cũng theo vị chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước, với số liệu mới công bố, thâm hụt thương mại không còn là vấn đề quá cấp bách và trong năm 2008 có thể giảm thâm hụt thương mại theo lộ trình. Chính sách tỉ giá cũng có thể nới lỏng để có thể khuyến khích xuất khẩu, giảm thiểu khó khăn cho các doanh nghiệp.

Như vậy, từ số liệu không chính xác đã dẫn đến việc bốc thuốc quá tay.

Có thể điều chỉnh các số liệu thống kê nhưng hai con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố về giải ngân vốn FDI có sai biệt quá lớn. Việc này ảnh hưởng lớn đến khả năng phân tích và dự báo kinh tế.

Nhiều chuyên gia phân tích nước ngoài cho rằng hệ thống thông tin kinh tế ở Việt Nam còn rất yếu. Trong các bảng thống kê và phân tích kinh tế của ASEAN, phần về Việt Nam thường bỏ trống vì không có thông tin để cập nhật. Nhưng dường như các bộ, ngành chưa quan tâm đến công tác thống kê, dự báo. Dự báo yếu dẫn đến xây dựng và ban hành chính sách không kịp thời, thiếu sát thực tế, quá liều lượng hoặc thậm chí là sai...
(Theo Tuổi Trẻ)

[HD] It's really important for Vietnam to have a central body of quality statistics!
Shall we ever approach the ABS for assistance?

Monday, April 14, 2008

Nhà bán giá gốc nhưng người mua vẫn “vắng bóng”

CẬP NHẬT: 2008-04-12 07:41:59 (GMT+7) BẢN ĐỂ IN
Nhà bán giá gốc nhưng người mua vẫn “vắng bóng”
Những khu vực nóng trong cơn sốt nhà đất hồi đầu năm nay ở Tp.HCM như quận 2, 7, 9, huyện Nhà Bè hiện đang xuống giá từng ngày.

Nơi giảm thấp nhất là 10% và nơi cao nhất lên đến 40%. Tuy giảm nhiều nhưng người mua vẫn "bóng chim tăm cá”!

Nhiều nhà đầu tư bất động sản đang tìm cách đẩy hàng để thoát khỏi thị trường đóng băng càng làm giá giảm thêm. Vẫn chưa thấy sức mua trở lại trên thị trường bất động sản. Giá giảm mạnh ở những dự án đất nền và căn hộ còn đang trong giai đoạn triển khai.

Vẫn chưa thấy người mua

Theo các công ty môi giới địa ốc, những ngày qua giá nhà đất tiếp tục giảm đều. Các dự án tại khu Nam Sài Gòn có mức giảm bình quân 20%, một số dự án giá giảm đến 30% trong vòng hơn một tháng qua.

Tại dự án khu dân cư Phú Mỹ (phường Phú Mỹ, qận 7), thời điểm giá cao nhất lên đến 46 triệu đồng/m2 (nhà phố, đường 16m) nhưng hiện nay còn 35 triệu đồng/m2 vẫn không có người mua.

Dự án Him Lam - kênh Tẻ (nhà phố, đường 12m) chào 48 triệu đồng/m2 so với trước đó rao 60 triệu đồng/m2... Ở các dự án thuộc quận 2, quận 9 giá đất có giảm chậm hơn, từ 2-5 triệu đồng/m2 nhưng khách mua cũng rất ít.

Một nhân viên công ty môi giới địa ốc tại quận 7 cho biết gần đây khách hàng rao bán tăng rất nhanh. "Mặc dù giá giảm, nhà đất rao bán nhiều nhưng chẳng thấy khách hàng đến mua. Kể cả những người có nhu cầu thật sự cũng đang nghe ngóng, chờ đợi giá giảm tiếp", nhân viên trên cho biết.

Còn theo giám đốc một công ty môi giới địa ốc tại quận 7, lượng nhà đất bán ra chủ yếu từ các khách hàng vay vốn ngân hàng để đầu tư nay đến kỳ hạn phải trả tiền. Bên cạnh là những khách hàng mua nhiều dự án cùng lúc, nay muốn xả hàng trước thời điểm chủ đầu tư yêu cầu đóng tiền cho đợt tiếp theo.

Theo giám đốc này, với tình hình hiện nay một số chủ đầu tư cũng du di cho khách hàng kéo dài thời gian đóng tiền. Tuy nhiên họ chỉ xem xét trong thời gian nhất định vì nếu càng kéo dài giá vật tư càng tăng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình.

Suất mua căn hộ: giá gốc cũng khó bán

Giảm mạnh nhất là suất mua căn hộ khiến những người có trong tay quyền mua căn hộ như ngồi trên lửa vì giá cứ rớt từng ngày.

Một nhà đầu tư chung cư BMC Hưng Long, đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7 cho biết cuối năm 2007 dù "canh me" nhưng anh không thể mua được căn hộ tại dự án này. Đầu năm 2008, suất mua căn hộ tại dự án này bỗng dưng vọt lên đến 450-550 triệu đồng/căn. Cách nay một tháng giá rớt xuống 240 triệu đồng và hai ngày trước giá còn 20-100 triệu đồng, tùy vị trí.

Thế nhưng ngày 10/4 khi khách hàng gọi đến chợ địa ốc Đất Xanh để nhờ rao bán thì nhân viên tại đây cho biết: mới có hai khách hàng rao bán ba căn hộ giá gốc nhưng chưa có người hỏi mua!

Tương tự suất mua dự án chung cư cao cấp Phú Long (đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) hiện rao giá qua các chợ địa ốc chênh lệch từ 2.000-4.000 USD/căn, giảm gần một nửa so với trước đó.

Theo nhân viên một chợ địa ốc trên đường Khánh Hội, quận 4, "nếu mua nhiều sẽ được tính giá ưu đãi". Trong khi theo một nhà đầu tư, hiện có người rao bán suất mua tại dự án trên chỉ 5-10 triệu đồng/căn.

Giá giảm, nhưng...

Thạc sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia về đầu tư tài chính, nói rằng quan sát các đợt sốt giá nhà đất trước đây cho thấy giá bất động sản chỉ tăng rồi chựng lại sau đó tiếp tục tăng, rất ít trường hợp giảm giá. Chính vì vậy nhiều người nghĩ rằng thị trường vẫn theo chu kỳ này và lao vào đầu tư bất động sản.

Nhưng thực tế lần này khác với những đợt trước đó, do nhiều người đầu tư bất động sản từ nguồn vốn vay ngân hàng. Khi có chủ trương siết chặt tín dụng với bất động sản, nhà đầu tư không còn cách nào khác phải bung hàng để có tiền trả nợ, khiến giá giảm mạnh.

Mặc dù dự báo giá bất động sản sẽ còn giảm thêm nhưng ông Hiển cho rằng khó có thể giảm về mức giá của đầu năm 2007 - là thời điểm chưa sốt giá. Ông nêu hai lý do: giá vật liệu xây dựng tăng mạnh, cộng với lạm phát những tháng đầu năm khá cao.
(Theo Tuổi Trẻ)

Nhiều công ty chứng khoán có lãi tăng vọt

Nhiều công ty chứng khoán có lãi tăng vọt
n Hải Bằng
Tính đến 12/4, đã có 28 công ty chứng khoán công bố báo cáo tài chính năm 2007, trong đó 25 công ty có lãi.

3 công ty bị lỗ là Công ty Chứng khoán Nam Việt (lỗ 1,573 tỷ đồng), Công ty Chứng khoán Việt Nam (lỗ hơn 4 tỷ đồng) và Công ty Chứng khoán Nhấp & Gọi (lỗ 1,32 tỷ đồng).

Một số công ty có lãi tăng vọt so với năm 2006: Công ty Chứng khoán Bảo Việt lãi tăng từ 51 tỷ lên 215 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Phát triển nhà Hà Nội lãi 105 tỷ đồng, tăng 87 tỷ đồng so năm 2006, Công ty Chứng khoán Thăng Long lãi 84,39 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Sacombank lãi 164 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Seabank lãi 43 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán An Bình lãi 60 tỷ đồng (năm 2006 lỗ 251 triệu đồng), Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu lãi 332 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng so năm 2006, Công ty Chứng khoán Đại Việt lãi 80 tỷ năm 2007 (năm trước lãi chỉ có 855 triệu đồng).

Công ty Chứng khoán Đệ Nhất lãi 39 tỷ đồng, tăng 21 tỷ đồng so năm 2006, Công ty Chứng khoán Rồng Việt lãi 43 tỷ đồng.

Công ty Chứng khoán FPT ngay năm đầu tiên kinh doanh cũng lãi 9 tỷ đồng.

Bán nhà cho người nước ngoài: Điều gì sẽ xảy ra?

Bán nhà cho người nước ngoài: Điều gì sẽ xảy ra?
n Công Lý
Người nước ngoài được mua nhà ở Việt Nam sẽ có quyền thế chấp, bảo trì, cải tạo, thừa kế hoặc bán, tặng, cho căn hộ.

Đề án chính sách nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam đã được bàn thảo từ lâu và lần này đề án đưa thêm một số điểm mới như quy định đến 7 loại đối tượng (trước đây là 6 loại) người nước ngoài được mua, sở hữu nhà tại Việt Nam và tăng thời gian sở hữu tối đa lên 70 năm...

Sẽ có biến động giá trên thị trường bất động sản?

Các đối tượng này chỉ được sở hữu một căn hộ trong nhà chung cư và chỉ được phép bán sau 1 năm kể từ khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách để mua đi bán lại kiếm lời, do đó có thể khẳng định đề án này sẽ không tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà - Bộ Xây dựng, cho rằng, nếu chính sách mới này được thông qua thì trong thời gian đầu sẽ ít nhiều tác động đến giá nhà đất Việt Nam.

Lý do được ông Hà đưa ra là do lượng cung về nhà hiện nay chưa đủ, đặc biệt sẽ có biến động về giá cả đối với nhà chung cư cao cấp, đối tượng hướng tới của người nước ngoài khi mua nhà tại Việt Nam còn những nhà chung cư chất lượng khá và trung bình sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều.

Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng chính sự tác động đến thị trường căn hộ chung cư cao cấp sẽ kéo theo những biến động của thị trường bất động sản. Không phải tất cả người nước ngoài đáp ứng đủ yêu cầu và có nhu cầu mua nhà tại Việt Nam đều có thể mua chung cư cao cấp.

Theo Bộ Xây dựng dự báo, hiện có khoảng 10.000 người nước ngoài có nhu cầu và đủ điều kiện để mua nhà tại Việt Nam. Đây không phải là con số lớn, với khoảng 1,5 triệu m2 để đáp ứng cho số lượng này và việc mua cũng phải diễn ra trong nhiều năm nên không lo thiếu quỹ nhà.

Thêm nữa, hiện nay tại các đô thị trong cả nước có thể cung cấp khoảng 8 triệu m2 căn hộ chung cư mỗi năm. Nếu tính những dự án xây dựng nhà chung cư đang và sắp thực hiện thì trong những năm tới diện tích nhà ở sẽ tăng nhanh.

Cũng theo ông Hà, trong giai đoạn đầu, do hệ thống pháp luật về chính sách cho người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam chưa hoàn thiện nên khả năng xuất hiện trường hợp lợi dụng chính sách để đầu cơ là điều khó tránh khỏi...

Bàn về vấn đề này ông Nguyễn Văn Phúc, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần làm rõ khái niệm "dự án phát triển nhà thương mại" nếu không sẽ tác động lớn đến thị trường bất động sản.

Theo ông Phúc, phải quy định rõ tư nhân xây nhà có được bán cho người nước ngoài không hay chỉ hướng người nước ngoài tới mua nhà tại các dự án được cho là cao cấp.

Cũng liên quan đến khái niệm "Dự án phát triển nhà thương mại", nhiều ý kiến cho rằng nếu tư nhân xây nhà và được bán cho người nước ngoài thì sự tác động đến thị trường bất động sản là sẽ rất lớn. Ngược lại, nếu không được bán thì chỉ tác động lớn đến những khu chung cư cao cấp vì số lượng căn hộ cao cấp ở Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường.

Liệu sẽ có "lách" luật?

Nhiều ý kiến đóng góp cho đề án là cần tăng thời hạn được phép bán nhà sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà lên 3 năm. Thời hạn 1 năm trong đề án quá ngắn nên không thể hạn chế được nạn đầu cơ nhà.

Tuy nhiên, theo phía Bộ Xây dựng việc hạn chế những đối tượng người nước ngoài được mua nhà sẽ giảm bớt phần nào giảm thiểu được việc lợi dụng chính sách để mua đi bán lại.

Ngoài ra cần phải quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn đối tượng được cho mượn, cho ở nhờ hoặc được uỷ quyền quản lý. Nếu không quy định chặt rất dễ xảy ra trường hợp người không đủ tiêu chuẩn mua nhà tìm cách "lách" chính sách để mua. Thời hạn được phép bán nhà đã quy định nhưng việc cho mượn, cho ở nhờ, tặng... không thể quy định được thời hạn và điểm "lách" luật sẽ xảy ra tại đây.

Trường hợp được đặt ra là khi một cơ quan nước ngoài mua hàng chục căn hộ cho cán bộ là người nước ngoài ở. Điều này là được phép nhưng sẽ xảy ra trường hợp cơ quan nước ngoài này rút hết người nước ngoài về và thuê người Việt Nam làm việc.

Vấn đề đặt ra là những căn hộ này có được bán không nếu chưa đủ thời hạn 1 năm sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Đây là tình huống chưa được đề cập đến, nếu không sẽ có sự lợi dụng điểm này để đầu cơ.

Người nước ngoài chỉ được mua chung cư tại Việt Nam
n Nguyên Linh

Ngày 10/4, tại cuộc họp của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chính phủ đã có tờ trình lấy ý kiến các thành viên về dự thảo Nghị quyết về việc người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Chính sách được đánh giá là cởi mở này nhận được sự tán thành cao trong cuộc họp. Đa số ý kiến cho rằng, việc xem xét một chính sách cho phép người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là rất cần thiết, phù hợp với đường lối đổi mới, góp phần khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tạo điều kiện hỗ trợ thêm cho các ngành sản xuất, dịch vụ liên quan phát triển cũng như phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Tính trong 4 năm trở lại đây, đã có khoảng hơn 80.000 người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn, sinh sống. Trong đó khoảng 25.000 người làm việc theo các dự án FDI, 55.000 người làm việc trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa thể thao, khoa học, sinh viên, học sinh học tập tại Việt Nam.

Thống kê sơ bộ, riêng tại Hà Nội có khoảng 220.000 m2, tương ứng 1.300 nhà và căn hộ cho người nước ngoài thuê, trong khi tại Tp.HCM, con số này gấp khoảng 3 lần. Nhà cho thuê phổ biến là biệt thự, nhà liền kề và căn hộ chung cư với giá thuê khá đa dạng, tại Hà Nội mức bình quân phổ biến từ 700-1.000 USD, Tp.HCM 1.000 - 1.500 USD/căn/tháng, thời gian thuê thường từ 3-5 năm.

Cho đến nay, theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản thì tổ chức, cá nhân người nước ngoài được vào Việt Nam thuê đất, trong đó có hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở để bán và cho thuê, thậm chí được tham gia, cải tạo, sửa chữa nhà ở có sẵn,...

Như vậy, người nước ngoài đã được quyền tham gia hầu hết các hoạt động đầu tư, kinh doanh nhà ở tại Việt Nam, trừ hoạt động mua nhà ở, mua nhà để bán, cho thuê hoặc thuê nhà ở để cho thuê lại.

Cũng trong Luật Nhà ở 2005, quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng đã được đề cập, nhà đầu tư nước ngoài được quyền sở hữu có thời hạn nhà ở do mình đầu tư, xây dựng để cho thuê.

Tuy nhiên, pháp luật nhà ở chưa cho phép quyền sở hữu tương tự hoặc mở rộng hơn đối với cá nhân người nước ngoài tham gia dự án đầu tư, nhà khoa học, người có công với đất nước, các chuyên gia được mời vào Việt Nam làm việc... Trong khi đó, hầu hết các nước trên thế giới đều đã cho chính sách bán nhà ở với những điều kiện, mức độ khác nhau đối với người nước ngoài đến cư trú.

Đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở

Vì vậy, theo đề xuất của Chính phủ, sẽ có 7 loại đối tượng người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm: người đứng đầu cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế đang thường trú tại Việt Nam; người vào Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư; người có công đóng góp với đất nước được Nhà nước tăng huân, huy chương; nhà hoạt động văn hóa, khoa học, chuyên gia đang làm việc tại Việt Nam; người kết hôn với công dân Việt Nam và hiện đang sống tại Việt Nam; người được công nhận là công dân danh dự của Nhà nước Việt Nam; các doanh nghiệp FDI không có chức năng kinh doanh bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam theo pháp luật đầu tư được mua và sở hữu nhà ở để cho những người đang làm việc tại doanh nghiệp đó ở.

Những đối tượng này sẽ có những quy định điều kiện tối thiểu để được mua và sở hữu nhà ở như đối với doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận đầu tư, cá nhân phải sống tại Việt Nam và được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú 1 năm trở lên.

Thời hạn sở hữu nhà ở tại Việt Nam tối đa là 70 năm, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, chỉ được mua căn hộ trong nhà chung cư trong các dự án phát triển nhà ở thương mại và không thuộc khu vực hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại.

Ngoài ra, việc mua và sở hữu nhà ở của người nước ngoài cũng phải chịu một số quy định đặc thù về thủ tục mua bán, công nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền và nghĩa vụ chủ sở hữu, xử lý vi phạm và giải quyết tranh chấp, khiếu nại...


Hình dáng sắp tới của Tp.HCM?
CẬP NHẬT: 11/04/2008 09:44:59 (GMT+7)

n Thạch Phùng

Tp.HCM đang hướng tới một đô thị hiện đại.

Ngoài khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích 737 ha), các hướng phát triển của khu vực ngoại vi Tp.HCM sẽ bổ sung thêm hướng Tây, Tây - Nam.

Tuy nhiên việc phát triển sẽ có mức độ khác nhau tùy vào điều kiện tự nhiên, khả năng phát triển, điều kiện đất đai, thế mạnh đặc thù của từng hướng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững.

Đó là một trong những nội dung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Tp.HCM đến năm 2005, nêu trong Tờ trình số 1666/TTr - UBND ngày 15/3/2008 của UBND Tp.HCM gửi Bộ Xây dựng.

Tờ trình xác định rằng: các nghiên cứu điều chỉnh này nhằm giải quyết các yêu cầu do Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Quyết định 1570/QĐ - TTg ngày 27/11/2006.

Mục tiêu là xây dựng Tp.HCM phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng, để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại đóng góp ngày càng lớn vào phát triển của khu vực phía Nam và cả nước; từng bước trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.

Quan điểm chung là phát huy vai trò đặc biệt của Tp.HCM trong mối quan hệ đối với Vùng Tp.HCM, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với cả nước và quốc tế; phát triển hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường...

Định hướng và hướng phát triển của thành phố

Tp.HCM sẽ gắn kết với các đô thị trong Vùng đô thị Tp.HCM, như: Biên Hoà, Nhơn Trạch, Long Thành (thuộc tỉnh Đồng Nai), Thủ Dầu Một, Dĩ An (thuộc tỉnh Bình Dương), Trảng Bàng (Tây Ninh), Đức Hoà, Bến Lức, Tân An (Long An).

Không phát triển đô thị trong khu 33.000 ha của khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh, Củ Chi.Ngoài khu vực nội thành hiện hữu và mở rộng sang Khu đô thị mới Thủ Thiêm, và ngoài các hướng phát triển của khu vực ngoại vi đã được xác định là Đông và Nam (hướng ra biển), Bắc và Tây - Bắc, nay bổ sung thêm hướng Tây, Tây - Nam.

Để tạo động lực phát triển cho cả bốn hướng phát triển, đề xuất có 4 hành lang ưu tiên phát triển. Đó là: hành lang cửa ngõ phía Đông (dọc theo tuyến cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hoà (Đồng Nai); hành lang phía Nam dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ để kết nối các khu đô thị dọc tuyến và khu đô thị cảng Hiệp Phước; hành lang hướng Tây - Bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương); và hành lang hướng Tây, Tây - Nam dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các đô thị phía Nam thành phố, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh...

Đồng thời cùng phối hợp phát triển với các khu vực bên ngoài ranh giới hành chính của thành phố trên cơ sở thống nhất về không gian phát triển đô thị để phát huy lợi thế, hạn chế mặt yếu làm ảnh hưởng tới phát triển và tác động môi trường.

Những phân vùng phát triển

Tại khu vực nội thành cũ, xác định 3 khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc, lịch sử, cảnh quan tại các khu trung tâm hiện hữu quận 1, 3; khu vực Chợ Lớn, quận 5; khu vực Bà Chiểu, quận Bình Thạnh.

Các khu vực còn lại được quy hoạch, cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây dựng mới một số ô phố theo hướng giữ nguyên dân số, tăng tầng cao, hệ số sử dụng đất, và giảm mật độ xây dựng, để dành quỹ đất cho phát triển công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh.

Đặc biệt phát triển khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa (diện tích 427 ha). Ưu tiên phát triển các khu dân cư, khu đô thị mới quy mô lớn đồng bộ cả về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Hướng Đông - Bắc với hạt nhân là khu công nghệ cao (913 ha), khu đại học quốc gia (800 ha, trong đó thuộc Tp.HCM 200 ha), Công viên Văn hoá lịch sử các dân tộc (382 ha) và một số khu chức năng khác, để nghiên cứu hình thành Khu đô thị Khoa học - Công nghệ quy mô khoảng 5.000 ha (bao gồm một phần Thủ Đức, quận 9).

Hướng Bắc sẽ phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng (bao gồm một phần huyện Hóc Môn, một phần quận 12). Hướng Tây phát triển một số khu dân cư mới (thuộc quận Bình Tân, huyện Bình Chánh) gắn với các khu công nghiệp tập trung. Hướng Nam tập trung phát triển Khu đô thị mới Nam thành phố và một số khu dân cư mới ở quận 7.

Tại khu vực ngoại thành, tập trung phát triển 2 khu đô thị mới quy mô lớn là Khu đô thị Tây Bắc (Củ Chi, Hóc Môn) khoảng 6.000 ha; và khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) khoảng 1.600 ha. ở hướng Bắc thuộc địa bàn Hóc Môn và Củ Chi phát triển thêm một số khu dân cư mới gắn với các khu vực thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp tập trung.

Hướng Tây thuộc Bình Chánh và hướng Nam thuộc Nhà Bè phát triển thêm một số khu dân cư mới theo dạng cụm để phù hợp với điều kiện địa chất, thuỷ văn không thuận lợi và bảo vệ hệ thống sông rạch.

Đến năm 2025 bố trí diện tích đủ cho 52 khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và cụm công nghiệp với tổng diện tích 8.942 ha (gồm 22 khu công nghiệp tập trung và 30 cụm công nghiệp địa phương).Tại các khu công nghiệp mở rộng và hình thành mới sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, công nghiệp công nghệ cao.

Phát triển theo hướng đa tâm

Đến năm 2025, ngoài trung tâm chính của thành phố bao gồm trung tâm hiện hữu (gồm quận 1, 3, 4, 5 và một phần quận Bình Thạnh), sẽ có trung tâm mới mở rộng sang Thủ Thiêm (737 ha).

Sẽ có thêm các trung tâm khu vực theo 4 hướng, gồm: Phía Đông tại phường Long Trường (quận 9), giáp với trục cao tốc Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây (quy mô khoảng 280 ha); Phía Bắc thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc (300 ha); Phía Tây, khu vực giáp với Quốc lộ 1 tại xã Tân Kiên (Bình Chánh, 200 ha); Phía Nam thuộc khu A đô thị mới Nam thành phố (98 ha).

Thành phố đề xuất thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía Bắc huyện Hóc Môn (50 ha) và một trung tâm tại phía Nam huyện Nhà Bè (khoảng 50 ha), nhằm đảm bảo bán kính phục vụ và tạo động lực giúp cho khu vực phát triển.

Thành phố cũng có những trung tâm chuyên ngành, như Trung tâm đào tạo đại học, nghiên cứu khoa học: ngoài khu Đại học Quốc gia đã bố trí tại Thủ Đức 200 ha (toàn khu rộng 800 ha bao gồm cả phần trên đất tỉnh Bình Dương), bố trí thêm ở các khu vực phía Nam thuộc Khu đô thị Nam thành phố (210 ha), Nhà Bè (115 ha), ở phía Tây thuộc Bình Chánh (584ha), ở phía Đông thuộc quận 9 (200 ha), ở phía Bắc thuộc Củ Chi, Hóc Môn (580 ha).

Các bệnh viện theo mô hình viện - trường và các trung tâm nghiên cứu kết hợp thực nghiệm y - dược: được bố trí tại 4 cửa ngõ, phía Đông (quận 2, 9, Thủ Đức - 65ha), phía Tây (Bình Tân, Bình Chánh - 92 ha), phía Nam (quận 7, Nhà Bè, Cần Giờ - 100 ha) và phía Bắc (quận 12, Hóc Môn, Củ Chi - 300 ha).


Vàng lại “đánh đu” với USD & Ngân hàng

Lãi suất: Quanh chuyện “lách luật” của SCB
CẬP NHẬT: 14/04/2008 02:57:20 (GMT+7)

n Nguyễn Hoài

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%!”.

Trong lúc các ngân hàng thương mại đồng thuận thực hiện lãi suất huy động 11%/năm thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu, lãi suất huy động 12%/năm chưa tính giá trị khuyến mãi.

Những gì đang ẩn giấu sau cú phát hành này?

“Chỉ cần 10 triệu đồng, khách hàng có cơ hội trúng 2 kg vàng SJC”! Đó là lời mời khá hấp dẫn của SCB khi tung ra sản phẩm: Kỳ phiếu ghi danh bằng đồng Việt Nam có dự thưởng “Lãi suất cao - Trúng thưởng lớn”, kéo dài từ 07/04 - 04/06/2008.

Kỳ phiếu hay “giật gấu vá vai”?

Theo đó, đợt bán kỳ phiếu này của SCB có tổng trị giá 3.000 tỷ đồng, mệnh giá kỳ phiếu tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng. Khách hàng được trả lãi trước ngay khi mua kỳ phiếu. Thêm nữa: trong thời gian chờ nộp tiền khách hàng cũng được tính lãi suất và được tham gia quay số dự thưởng với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%! SCB đã vi phạm công điện 02/CĐ-NHNN ngày 26/2/2008 của Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 12%/năm và đồng thuận 11% giữa các thành viên VNBA”.

Ông này cho biết thêm, khi phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao, buộc phải cho vay với lãi suất cao, trong lúc xu hướng hạ lãi suất cho vay đang hình thành, SCB rất dễ bị mất khách hàng. Mặt khác, nếu các ngân hàng thương mại khác cùng làm như vậy, thị trường tiền tệ sẽ lún sâu hơn vào một đợt sốt lãi suất huy động tiếp theo và đẩy các ngân hàng cũng như doanh nghiệp vay vốn vào bế tắc.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Quang Nhường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB. Trả lời câu hỏi: “Có phải SCB bị sụt vốn vì cho vay “lỡ trớn” vào một khu vực khách hàng nào đó và phải huy động bằng hình thức này để bù đắp”, ông Nhường nói: “SCB không hề bị mất thanh khoản trong thời gian qua mà nguồn vốn này để chuẩn bị cho hoạt động trong tháng 4/2008 trở đi”. Ông cho biết thêm, hiện tại SCB đã huy động được hơn 40 tỷ đồng.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Linh, Phó tổng giám đốc SCB phân bua: “Đầu tháng 3/2008, SCB chuẩn bị phát hành kỳ phiếu. Theo Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 04/01/2005 của Ngân hàng Nhà nước, nếu phát hành giấy tờ có giá, chỉ cần thông báo cho Ngân hàng Nhà nước trước 20 ngày. Qua thời hạn này, không thấy NHNN có ý kiến gì, chúng tôi mới triển khai. Hơn nữa, Bộ và các Sở Công Thương đã cấp phép cho SCB thực hiện chương trình khuyến mãi với số tiền chi cố định rất lớn. Nếu dừng, vấn đề này chưa biết giải quyết ra sao”.

E ngại về việc bùng phát cuộc đua “lãi suất kỳ phiếu”, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã gửi công văn trực tiếp cho SCB và kiến nghị Chính phủ can thiệp để SCB dừng chương trình kỳ phiếu. Phản ứng trước động thái này, ông Lê Quang Nhường cho biết: “Theo tôi, chương trình này sẽ dừng lại vì không muốn ai đó hiểu nhầm SCB mất khả năng thanh khoản hay lách luật”.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!”

Chưa biết hồi kết câu chuyện “kỳ phiếu SCB” ra sao nhưng từ đây lại liên quan đến một vấn đề khác: sự “xộc xệch” trong phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý.

Thứ nhất, trong Công điện 02, chỉ dùng cụm từ “điều chỉnh lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam ở mức... không vượt quá 12%/năm” mà không phân biệt hình thức huy động như trái phiếu, kỳ phiếu hay tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, SCB đã “qua mặt” Công điện 02 một cách dễ dàng bằng cách phát hành kỳ phiếu mà không gặp một trở ngại nào và cũng thật khó giải thích sự im lặng đến kỳ lạ từ Vụ Chính sách tiền tệ trong suốt 20 ngày liền!

Thứ hai, tại một cuộc họp gần đây, VNBA kiến nghị với Vụ Chính sách tiền tệ có ý kiến để Bộ Công Thương dừng cấp phép các chương trình khuyến mãi mà thực chất là trá hình để đẩy lãi suất lên cao, dẫn đến dòng vốn chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ thì vụ này cũng không có động thái nào.

Thứ ba, trong lúc nền kinh tế đang bị áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng hàng loạt công cụ để điều tiết lượng tiền trong lưu thông như mua tín phiếu bắt buộc, tăng dự trữ bắt buộc, khống chế trần lãi suất, hút 52 nghìn tỷ đồng tiền gửi Chính phủ về kho... thì Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vẫn đứng ngoài và thoải mái cấp phép các chương trình khuyến mãi trá hình cho ngân hàng thương mại.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nướ công bố rằng, khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện bởi cơ quan này đã thực thi nhiều biện pháp: cung ứng vốn kịp thời qua nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu lô tiền trên thị trường liên ngân hàng... nhưng công bố này thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nếu không bị áp lực thiếu vốn dồn nén, chẳng ai huy động lãi suất với mức trên 13% như SCB!

Và nỗi nghi ngờ có phải SCB là ngân hàng duy nhất muốn phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong lúc này hay không, chỉ được khẳng định khi có kết luận từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Bởi theo luật, chỉ có cơ quan này mới có thể “sờ” vào sổ sách để kiểm tra yếu tố cân đối thanh khoản của các ngân hàng.

Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào báo cáo của các ngân hàng thương mại, sẽ không ai nói rằng, tình hình tài chính ngân hàng mình chưa tốt!

Thứ năm, trong khi chưa ngã ngũ SCB có được tiếp tục phát hành trái phiếu hay không thì ngày 07/4/2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 91/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: “Trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần”.

Theo tinh thần này, Ngân hàng Nhà nước phải bãi bỏ quy định lãi suất huy động trần và nếu thế, cơ quan này cần nhanh chóng “phủ định” công điện 02/CĐ-NHNN để các ngân hàng thương mại không phải xoay xở tránh né. Có thể, khi bỏ trần lãi suất, sẽ không xảy ra cuộc đua lãi suất huy động nào như một số e ngại và giả định có, chỉ cần ban hành một vài văn bản... “cấm” và “phạt” như Ngân hàng Nhà nước vẫn làm lâu nay là đủ?!


Vàng lại “đánh đu” với USD
n Kiều Oanh
Quy luật diễn biến giá ngược chiều giữa vàng và USD lại đúng trở lại trên thị trường châu Á sáng nay (14/4). Những nhận định của nhóm G7 cuối tuần trước khiến USD mất giá, thì tới lúc này lại dẫn tới sự phục hồi của “bạc xanh”.

Kết quả, giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt mở đầu tuần mới ở xu thế giảm "kha khá".

Tính đến cuối buổi sáng nay tại các thị trường châu Á, giá vàng giao ngay dao động quanh ngưỡng 917 USD/oz, giảm khoảng 8 USD/oz (0,9%) so với mức giá chốt phiên cuối tuần tại thị trường Mỹ. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2008 giao dịch điện tử tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX) hiện ở mức 921,4 USD/oz, giảm 5,6 USD/oz so với phiên trước.

Giá vàng SJC niêm yết trên website công ty này là 1.794.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.804.000 đồng/chỉ (bán ra), giảm 10.000 đồng/chỉ so với dịp cuối tuần. Giá vàng Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 8.000 đồng/chỉ so với thời điểm sáng thứ 7, còn 1.790.000 đồng/chỉ và 1.805.000 đồng/chỉ.

Có hai lý do khiến giá vàng thế giới sáng nay đi xuống ngày thứ 3 liên tiếp.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán sụt giảm tại Mỹ hôm thứ 6 tuần trước và tại châu Á sáng nay đang thúc đẩy giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán vàng ra để bù lỗ cho danh mục đầu tư chứng khoán. Thông tin gây sốc về lợi nhuận không như kỳ vọng của tập đoàn GE tại Mỹ đang tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thị trường châu Á sáng nay, khiến giới quan sát lo ngại về lợi nhuận của các công ty khác.

Đây là phản ứng ban đầu thường thấy của các nhà đầu tư vàng khi thị trường chứng khoán đi xuống. Nhưng nếu chứng khoán còn xuống nữa, vàng cũng có thể một kênh đầu tư “hút” vốn hơn.

Tại Sàn Giao dịch Vàng Tp.HCM, lượng giao dịch trong phiên sáng nay không có đột biến nào đáng kể. Tính đến cuối buổi sáng tại sàn này đã có 154.250 lượng vàng được giao dịch, với mức giá khớp lệnh cuối khoảng 17,96 triệu đồng/lượng. Sự thận trọng của giới đầu tư vàng trong nước thời điểm đầu tuần là điều hay gặp vì giới đầu tư thường có xu hướng chờ đợi những diễn biến mới trên thị trường châu Âu và Mỹ.

Lý do thứ hai cho sự phục hồi của USD là các quan chức G7 đang nhóm họp tại Washington (Mỹ) tỏ thái độ đặc biệt lo ngại về sự mất giá của đồng tiền này. Các quan chức đến từ các nước công nghiệp phát triển này cho rằng, sự “đánh đu” của USD có thể khiến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu “tê liệt”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nhận định này của G7 chưa hẳn đồng nghĩa với nhóm này sắp sửa có các biện pháp can thiệp nhằm cứu vãn sự sụt giá của USD, nhưng trong trường hợp cần thiết, rất có thể những biện pháp như vậy sẽ được đưa ra. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường ngoại hối và sẽ hợp tác hành động một cách phù hợp”, tuyên bố của G7 cho biết.

Cuối buổi sáng nay tại Tokyo, giá USD đã trở lại ngưỡng 1 Euro tương đương với 1,57 USD, so với mức 1 Euro đổi được trên 1,58 USD cuối tuần trước tại Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, tuyên bố của G7 sẽ tiếp tục có tác dụng cản sự rơi của USD trong những ngày tới. Tuy nhiên, những áp lực mất giá mới đối với đồng tiền này vẫn đang tiếp tục lơ lửng, gần nhất là trong ngày hôm nay, một báo cáo về tình hình tiêu dùng tại Mỹ sẽ được công bố.

Giá dầu thô thế giới hiện cũng đang trên đà giảm. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên thị trường châu Á cuối buổi sáng nay ở mức trên 109 USD/thùng, giảm gần 1 USD/thùng so với giá chốt phiên liền trước tại New York.

Tại thị trường trong nước hôm nay, tỷ giá VND/USD không có biến động nhiều so với hai ngày cuối tuần. Tỷ giá do Vietcombank niêm yết là 16.070 VND/USD (mua vào) và 16.115 VND/USD (bán ra). Tỷ giá do Eximbank niêm yết là 16.073 VND/USD và 16.115 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá áp dụng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu có cao hơn một chút, ở mức 16.090 VND/USD (mua vào) và 16.130 VND/USD (bán ra).

Kinh tế

Blog Archive

Topics