Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC
Nhìn lại thị trường năm 2007, ai cũng tin rằng, thị trường cuối năm 2007 và đầu năm 2008 sẽ sôi động hơn; nhưng do lượng cung quá nhiều, cộng với chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và tâm lý nhà đầu tư nên kỳ vọng đã không xảy ra. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý đã nhìn rõ lý do thị trường nguội lạnh và có những động thái tích cực như tạm hoãn, giãn lịch trình IPO đối với các tổng công ty. Điều này khiến nhà đầu tư cảm thấy không bị “bội thực” chứng khoán.
Tôi tin rằng, TTCK năm 2008 sẽ sôi động hơn năm 2007, do thị trường có thêm nhiều hàng hóa chất lượng hơn và nhà đầu tư có nhiều lựa chọn hơn. Hiện giá các cổ phiếu đều trở về gần giá trị thực, thậm chí thấp hơn nên cơ hội đầu tư tốt hơn trước rất nhiều. Đó cũng là một thuận lợi cho các CTCK mới thành lập có nguồn tài chính dồi dào. Những ngành nghề nhà đầu tư nên xem xét đầu tư là xây dựng, kinh doanh bất động sản, dược phẩm và thuỷ sản. Đây là những ngành nghề có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai.
Ông Nguyễn Miên Tuấn, Tổng giám đốc CTCK Rồng Việt
Năm 2007 là năm khởi đầu thành công của chúng tôi khi có gần 3.000 tài khoản giao dịch chứng khoán và hơn 8.000 khách hàng của dịch vụ quản lý cổ đông. Chúng tôi cũng đã đưa vào hoạt động đại lý nhận lệnh chứng khoán ở Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang và chuẩn bị ra mắt Chi nhánh Hà Nội trên cơ sở hợp tác với cổ đông chiến lược là Eximbank. Điều này phần nào cho thấy nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến TTCK.
Với tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo ở mức hơn 8,5%, tiến trình cổ phần hóa các DNNN lớn tiếp tục được đẩy mạnh… Tôi cho rằng, trong năm 2008, TTCK vẫn là kênh đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư, cả trên thị trường thứ cấp và sơ cấp. Tuy nhiên, trong bối cảnh quy mô của thị trường đã khá lớn, để đầu tư thành công đòi hỏi nhà đầu tư phải hiểu rõ doanh nghiệp, phân tích và lựa chọn cổ phiếu một cách bài bản và chuyên nghiệp hơn. Bên cạnh đó, các CTCK phải nâng cao chất lượng tư vấn đầu tư, đồng thời nhà đầu tư cũng nên quan tâm hơn đến ý kiến tư vấn của các CTCK.
Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc CTCK Sài Gòn (SSI)
Giá cổ phiếu đang xuống khiến nhiều người buồn, nhưng dưới góc nhìn của nhà đầu tư thì giá xuống đồng nghĩa với cơ hội đầu tư ở mức hợp lý hơn, cơ hội thành công cao hơn. Tôi nhìn thấy năm 2008 có nhiều chọn lựa cho nhà đầu tư khi số lượng công ty niêm yết nhiều hơn, chất lượng hoạt động tốt hơn…, đồng thời cơ hội cũng tạo ra từ các đợt IPO của những DN lớn. Tuy nhiên, việc lướt sóng không có nhiều cơ hội như trước.
Thường thì nhà đầu tư đã quen với việc các cổ phiếu niêm yết cùng tăng, cùng giảm nhưng năm 2008 sẽ là năm mà chỉ số tăng không nhiều, nhiều cổ phiếu giảm giá mạnh, trong khi số khác lại giúp hái ra tiền. Những diễn biến thị trường gần đây càng cho thấy, nhà đầu tư cần xem xét, phân tích một cách có trách nhiệm hơn, đầu tư chuyên nghiệp hơn và tránh mua cổ phiếu của DN được khai sinh từ “ông bố” là công ty có thương hiệu nhưng mục đích lại là để bán cổ phần.
Nhiều người lo ngại thị trường thiếu vốn nhưng tôi vẫn lạc quan. Các quỹ nước ngoài cách đây 2 - 3 năm chỉ huy động vài chục triệu USD, còn bây giờ hàng trăm triệu USD cũng là bình thường. Thị trường có một điểm dừng nhưng thời điểm hiện nay vẫn là cơ hội quan trọng nếu họ muốn đầu tư ở Việt Nam. Nhiều DN lớn trong nước thuộc ngành chứng khoán, bảo hiểm, các công ty quản lý tài sản, tổng công ty cũng sẽ thành lập công ty quản lý quỹ và sẽ có sự đóng góp đáng kể cho thị trường.
Bất động sản đang sốt cũng là cơ hội, tuy nhiên các DN đã mua tài sản từ trước sẽ là lựa chọn tốt hơn để đầu tư. Thời gian qua, những nhà hoạch định chính sách cũng hiểu rõ hơn sự liên thông của chứng khoán với ngân hàng, các ngành, nền kinh tế… cho nên, hy vọng sẽ có sự điều chỉnh để thị trường năm 2008 phát triển lành mạnh.
Ông Đoàn Việt Thắng, Phó giám đốc CTCK MHBS
Theo kế hoạch, năm 2008 là năm bản lề cho các hoạt động xúc tiến IPO các doanh nghiệp lớn trong 71 tập đoàn và tổng công ty được cổ phần hóa như Habeco, BIDV, Viettel, MobiFone, Vinaphone, Vietnam Airlines… Các đợt IPO lớn này sẽ là nguồn hàng mới chất lượng cao, giúp mở rộng quy mô thị trường, giúp thị trường sôi động khi lên niêm yết.
Sự hấp dẫn của TTCK Việt Nam còn được thể hiện qua sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư nước ngoài cả về số lượng và vốn đầu tư. Nếu như năm 2006, cả nước chỉ có khoảng hơn 2.000 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài thì đến đầu năm 2008, con số này đã tăng hơn 3 lần, lên gần 7.900 tài khoản; tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chính thức ước đạt 7,6 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2006, còn nếu tính cả thị trường không chính thức thì con số này ước đạt gần 20 tỷ USD.
Sự phát triển của TTCK năm 2008 phụ thuộc vào chiến lược và lộ trình tiến hành các đợt IPO lớn, các chính sách vĩ mô xoay quanh vấn đề đánh đổi giữa tăng trưởng GDP và lạm phát. Dự báo, biên độ biến động của VN-Index sẽ không quá lớn mà đi vào xu hướng tăng trưởng ổn định. Nếu thị trường bất động sản được kiểm soát tốt cùng với chiến lược và lộ trình IPO hợp lý hơn sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của VN-Index.
Năm 2008 là một cơ hội lớn đối với các quỹ đầu tư trong nước, nước ngoài cũng như các CTCK. TTCK Việt Nam trong tương lai (từ đầu năm 2008 đến năm 2015) nhìn chung rất sáng sủa với sự hỗ trợ cơ bản của môi trường kinh tế vĩ mô, GDP tăng khoảng 8%/năm và nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp hoạt động hiệu quả với mức tăng trưởng 20% - 50%/năm.
Ông Tô Hải, Tổng giám đốc CTCK Bản Việt
Năm 2008 sẽ là năm chúng ta thấy rõ sự hội nhập của TTCK Việt Nam với thị trường thế giới và thực tế là cuộc khủng hoảng tín dụng liên quan đến nhà đất tại Mỹ đã và đang ảnh hưởng đến dòng vốn đổ vào TTCK Việt Nam. Vào thời điểm này các năm trước, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đều có kế hoạch huy động vốn rõ ràng nhưng năm nay thì chưa. Tôi cho rằng, ngay cả các quỹ đầu tư cũng không chắc chắn về lượng vốn có thể huy động được. Thế giới đang khó khăn. Do đó, năm 2008 khó có thể là năm bùng nổ về vốn đầu tư nước ngoài. Năm 2006 là một năm tăng trưởng quá thành công của VN-Index nên năm 2007 và năm 2008 khó kỳ vọng đạt mức tăng trưởng cao như thế. Nhưng năm 2008 sẽ tạo tiền đề để các nhà đầu tư quay lại mạnh mẽ vào năm 2009. Điều này có cơ sở vì sự lạc quan của doanh nghiệp vào nền kinh tế và sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, được nhìn thấy qua tỷ lệ tái đầu tư vào nền kinh tế năm 2007 đạt đến 43% GDP. Ngoài ra, trong năm 2008, VN-Index có thể được đưa vào rổ tính chỉ số MSCI của Tập toàn Morgan Stanley, qua đó nhà đầu tư toàn cầu sẽ nhìn thấy diễn biến của TTCK Việt Nam, đồng thời mở rộng cơ hội đầu tư gián tiếp vào chứng khoán Việt Nam thông qua các sản phẩm phái sinh. Việc niêm yết trong nước và tại nước ngoài của những doanh nghiệp lớn như Vietcombank, Sabeco, Bảo Việt… sẽ giúp TTCK Việt Nam xuất hiện trên bản đồ tài chính thế giới.
Mặc dù dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài không còn nhiều, các đợt cổ phần hóa gặp trở ngại do việc định giá khởi điểm cũng như thời điểm tiến hành đấu giá nhưng tôi tin rằng, Nhà nước sẽ có hướng điều chỉnh, có thể linh động trong khoảng giá khởi điểm, để không xảy ra tình trạng giá trị doanh nghiệp quá cao ngay từ khi đem ra đấu giá.
Các nhà đầu tư nên quan tâm cơ cấu lại danh mục đầu tư, can đảm rũ bỏ những DN trước đây đầu tư theo phong trào và tập trung vào DN tiềm năng, quản trị tốt. Trong tình trạng lạm phát cao và thị trường bất động sản bùng nổ, nhà đầu tư nên quan tâm đến DN sản xuất hàng tiêu dùng, xây dựng và vật liệu xây dựng; tránh các DN đầu tư tài chính quá nhiều.