Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Saturday, September 29, 2007

Bùng nổ nhu cầu mua cổ phiếu

Ngày 29-09-2007, 10:47
Bùng nổ nhu cầu mua cổ phiếu

Thị trường cổ phiếu nhiều biến động, đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng trong việc đầu tư
Nhìn lại diễn biến giao dịch tuần qua, hầu hết các nhà đầu tư đều bất ngờ khi giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh. Nhanh không, khi 101 trong 117 mã chứng khoán niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã tăng giá trong tuần qua. Nhanh không, khi VN-Index tăng 88,19 điểm lên 1.046,86 điểm chỉ sau 5 phiên. Nhanh không, khi khối lượng giao dịch tại HOSE bình quân tuần qua đạt đến gần 13 triệu chứng khoán. Điều gì đã và đang xảy ra trên thị trường chứng khoán (TTCK)?

Bùng nổ sức mua

Trong tuần qua, có hơn 64,55 triệu cổ phiếu và chứng chỉ quỹ trị giá hơn 5.889 tỷ đồng được mua bán tại sàn HOSE. Một tháng trước nhiều nhà đầu tư chỉ biết ngán ngẩm và lo ngại do lượng tiền có khả năng không theo kịp lượng hàng sẽ bán ra. Tuy nhiên, giá trị giao dịch tuần qua cao gấp 2,3 lần so với tuần cuối tháng trước.

Mọi thứ đã thay đổi và như một số nhận định trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài không thiếu tiền và họ chỉ âm thầm chờ giá cổ phiếu xuống những mức rẻ hơn để mua vào. Lấy 2 phiên giao dịch gần nhất để phân tích, sàn giao dịch HOSE hấp thụ của nhà đầu tư hơn 2.450 tỷ đồng, còn tại sàn giao dịch của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HASTC) có hơn 858 tỷ đồng giá trị cổ phiếu chuyển nhượng qua hình thức báo giá.

Đó là chưa kể các nhà đầu tư cũng bỏ thêm hơn 50 tỷ đồng để mua thỏa thuận hơn 400 ngàn cổ phiếu tại cả 2 sàn. Khối lượng và giá trị giao dịch tại 2 sàn tăng vọt qua từng ngày và không khó để nhận thấy lý do chính là nhu cầu mua cổ phiếu của các nhà đầu tư đang tăng mạnh. Và không chỉ canh mua cổ phiếu nhỏ như thời gian trước, các nhà đầu tư đang dồn tiền tăng mua những cổ phiếu mạnh, có quy mô vốn lớn và đẩy những cổ phiếu này tăng giá nhanh.

Như cổ phiếu PET có thị giá tăng 25,4% trong tuần qua, VNE tăng 22,3%, FPT tăng 19,7%, SSI tăng 17,1%, BMI tăng 17%, SJS tăng 16%, VIC tăng 14%, ACB tăng 12,8%, PVD tăng 10,4%, STB tăng 10,2%... Mặt bằng giá các cổ phiếu đang được nâng lên một mức mới, cao hơn 11,4% so với cuối tuần trước và hơn 15,9% so với cuối tháng 8.

Tiền đến từ đâu?

Đại diện Công ty Chứng khoán Ngân hàng Á Châu (ACBS) Huỳnh Anh Tuấn nhận định: “Các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót vốn để chờ cơ hội mua IPO (đấu giá cổ phần lần đầu) của các tổng công ty, ngân hàng lớn không thể để ứ đọng vốn quá lâu khi lộ trình IPO của Vietcombank, BIDV, Incombank. MHB đều kéo dài hơn dự kiến”. Ông Tuấn đưa một dẫn chứng khi cho biết Vietcombank đã nộp trình danh sách cổ đông chiến lược được chọn và đánh giá, các quỹ nước ngoài khác không còn cơ hội mua sẽ phải quay sang tìm hướng đầu tư mới.

Những nguồn vốn này ước tính ở mức hàng tỷ USD. Thêm vào đó, các quỹ trong nước sau giai đoạn dài thị trường ảm đạm, một số quỹ đã không thể giải ngân, một số còn thua lỗ lớn và họ rất trông chờ giai đoạn phục hồi này để mua vào cổ phiếu. “Quỹ phải mua để đầu tư, và mua để tạo bình quân giá thấp trước khi mặt bằng giá các cổ phiếu được đẩy lên cao hơn”, ông Tuấn đánh giá thêm. Chính các yếu tố trên đã kéo dòng tiền chảy mạnh vào TTCK những ngày qua và từ đó kích thích tâm lý, nhu cầu mua cổ phiếu của cả các nhà đầu tư cá nhân, những người dễ bị dẫn dắt theo trào lưu.

Từ những nhận định trên có thể thấy, những người làm nghề quản lý tiền cho nhà đầu tư đã chịu áp lực không nhỏ thời gian qua. Khi thị trường đi xuống, hoặc danh mục đầu tư của họ chịu thua lỗ, hoặc họ phải giữ tiền khá lâu trong sự hối thúc, áp lực từ các chủ đầu tư muốn danh mục có lãi. Sự chờ đợi này đã trở thành mục tiêu khi các phương tiện truyền đông đánh động về khả năng tăng giá trở lại của TTCK cuối năm, thời điểm nhiều hàng hóa mới, chất lượng được đưa ra.

TTCK đang phá vỡ hàng loạt các kỷ lục trong 6 tháng qua và nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kỷ lục của những kỷ lục sẽ được lập mới vào cuối năm. Lòng tin này đến từ việc sức mua của nhà đầu tư bị dồn ép và đang bật tăng mạnh. Như ông Tuấn nhận định: “Sức mua của thị trường rất mạnh và khó có thể cản lại xu thế tăng hiện nay, có điều giá cổ phiếu sẽ tăng với tốc độ như thế nào, những phiên điều chỉnh ra sao là điều chưa thể nói trước”. Một nhận định cho thấy TTCK đang thực sự làm bùng nổ trở lại nhu cầu mua cổ phiếu.

Theo SGGP

An toàn và bền vững là ưu tiên hàng đầu

Ngày 28-09-2007, 11:18
An toàn và bền vững là ưu tiên hàng đầu

(ĐTCK-online) Thị trường tài chính nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng ngày càng có sự thay đổi tích cực và nhiều chính sách quản lý vĩ mô được ban hành nhằm hợp lý hóa hoạt động của thị trường. Tuy nhiên, do TTCK còn trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thuộc một thị trường mới nổi, nên việc hoạch định chính sách cho thị trường phát triển an toàn và bền vững là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Tỷ giá ổn định - điểm tựa của vốn FII

Việt Nam đã có nhiều thay đổi thông thoáng hơn đối với giao dịch trên tài khoản vãng lai. Quy định buộc các công ty xuất nhập khẩu phải bán lại lượng USD thu được cho ngân hàng thương mại đã được bãi bỏ. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngoài việc cho phép cá nhân được mua ngoại tệ với mục đích chính đáng như mang ra nước ngoài trang trải chi phí chữa bệnh, du học, mua sắm khi du lịch, thậm chí trợ cấp cho người thân ở nước ngoài thì cũng đã cho phép cá nhân được quyền kinh doanh ngoại tệ. Mặc dù chưa cho phép tự do hóa tài khoản vốn, nhưng với tình hình TTCK còn non trẻ, chính sách kiểm soát tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ còn ở biên độ hẹp thì đây là biện pháp tối ưu vì hơn ai hết, các nhà đầu tư nước ngoài hiểu rằng, có 3 điều không thể đồng thời thực hiện được là “ tỷ giá cố định - dịch chuyển tự do vốn - chính sách tiền tệ độc lập”. Thực tế cho thấy, ngay cả khi ngân hàng trung ương một quốc gia thực thi quản lý tỷ giá với biên độ hẹp trong một thời gian dài thì điều này cũng đồng nghĩa với việc chính sách tỷ giá này là không khả thi nếu như hai yếu tố còn lại được thực hiện song hành. Một trong những nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng tài chính ở Thái Lan năm 1997 và lan rộng ra các nước châu Á là vì Thái Lan đã kết hợp song song việc kiềm chế tỷ giá trong một biên độ hẹp trong thời gian dài và dịch chuyển tự do vốn. Trong giai đoạn đó, nợ nước ngoài của Chính phủ Thái Lan khá cao, Ngân hàng Trung ương mở rộng tín dụng quá nhanh và quá nhiều mà không có một chính sách bảo đảm an toàn tín dụng đi kèm... Những điều này đã đẩy Thái Lan rơi vào tình trạng bất ổn về tài chính, nợ nước ngoài cao, thâm hụt ngân sách lớn, nguy cơ bất ổn trong hoạt động cho vay… đã gây áp lực lên sự thay đổi tỷ giá đồng bath/USD. Kết quả cuối cùng là Chính phủ Thái Lan đã không thể kiểm soát được tỷ giá và khủng hoảng tài chính bùng nổ.

Rút kinh nghiệm từ khủng hoảng tài chính của Thái Lan, Việt Nam hiện đang theo đuổi chính sách tỷ giá linh hoạt, có sự quản lý của nhà nước, tuy nhiên tỷ giá VND/USD vẫn biến động với biên độ hẹp trong một thời gian dài. NHNN vẫn còn thận trọng chưa cho thực thi chính sách tiền tệ độc lập đúng nghĩa. Mặt khác, dường như chính sách tiền tệ của NHNN ở một góc độ nào đó vẫn còn phụ thuộc vào mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ và quản lý luân chuyển vốn hiện nay cũng không phải hoàn toàn tự do hóa. Nhưng nhờ “không tự do dịch chuyển vốn - tỷ giá ở biên độ hẹp” mà TTCK Việt Nam không rơi vào nguy cơ sụp đổ như Thái Lan trước đây. Các nhà đầu tư nước ngoài song song với việc tối đa hoá lợi nhuận thì việc bảo toàn nguồn vốn trước diễn biến bất lợi của tỷ giá cũng là điều quan trọng không kém. Chính vì thế, tỷ giá ổn định là một trong những lý do khiến “TTCK Việt Nam là điểm đến an toàn của nhà đầu tư nước ngoài”.

Không hấp tấp trong kích cầu TTCK

Gần đây, một số ý kiến cho rằng, Chính phủ cần mở “room” để thu hút vốn đầu tư nước ngoài cũng như kích cầu cho TTCK phát triển. Tuy nhiên, mở “room” ào ạt, nguồn vốn USD đầu tư gián tiếp gia tăng mạnh sẽ gây sức ép tăng giá VND, ảnh hưởng đến xuất khẩu và là nguyên nhân gây lạm phát. Vì vậy, cần có lộ trình hợp lý cho việc mở “room” và mở “room” ở mức bao nhiêu, mở cho tất cả các ngành hay chỉ chọn lọc một số ngành cho từng giai đoạn… là những vấn đề cần lưu ý.

Nhằm tăng tính thanh khoản cũng như kích thích TTCK phát triển, nghiệp vụ “bán khống” cũng được đề xuất thực hiện. Tuy nhiên, nghiệp vụ này có lẽ chưa phù hợp với tình hình TTCK Việt Nam. Thay vào đó, việc thực hiện quyền chọn mua, quyền chọn bán có lẽ nên sớm được triển khai. Trong bối cảnh thị trường có sự điều chỉnh giảm sau đợt tăng giá mạnh hồi tháng 3/2007 vừa qua, thì việc thực hiện quyền chọn bán chứng khoán là hợp lý và có khả năng góp phần ổn định thị trường hơn. Hiện nhà đầu tư chỉ có thể mua chứng khoán và chờ giá lên để bán ra kiếm lời (không tính yếu tố đầu tư nhằm vào mục tiêu tăng trưởng của đơn vị niêm yết). Liệu có nhà đầu tư nào dám mạnh tay bỏ tiền vào một loại chứng khoán mà họ và thị trường cho rằng, nhiều khả năng chứng khoán đó sẽ giảm giá mạnh? Chính vì thế, trong giai đoạn thị trường giảm giá, khi có yếu tố bất lợi là nhà đầu tư sẽ ào ạt bán chứng khoán ra trong khi lượng cầu rất yếu, đẩy thị trường giảm giá mạnh hơn mức cần thiết, gây hoảng loạn và bất ổn tâm lý đầu tư trên thị trường. Tình trạng này đã từng xảy ra tại Việt Nam trong thời gian qua. Nếu có quyền chọn bán, nhà đầu tư sẽ không hoảng loạn mà bán ồ ạt tức thời vì gần như họ đã mua “bảo hiểm” về giá. Nếu giá chứng khoán tăng trở lại, họ có thể không bán mà chỉ chịu mất phí (thường thấp hơn rất nhiều so với việc thực hiện quyền). Trường hợp giá giảm hơn so với giá trong quyền chọn bán, họ sẽ bán với giá đã ghi trong hợp đồng. Thực tế các nước cho thấy, quyền chọn rất được nhà đầu tư ưa chuộng, bởi nhà đầu tư ít vốn cũng có thể mua quyền chọn, thay vì phải bỏ ra khoản tiền lớn để mua chứng khoán giao ngay, sau đó đợi giá chứng khoán tăng lên và bán ra hưởng chênh lệch, nếu không, họ chỉ mất một khoản phí nhỏ.

Lại Thu Trúc

Wednesday, September 26, 2007

Đất “sốt” giá: Thật hay ảo?

Cập nhật ngày 26/9/2007 (GMT+7)
Đất “sốt” giá: Thật hay ảo?
Xem anh phong to
Các trung tâm môi giới địa ốc mọc lên dọc 2 tuyến đường Lương Định Của và Trần Não - Quận 2
Kể từ đợt ’sốt’ đất vào tháng 3 đến nay, giá đất, mà chủ yếu là đất nền liên tục tăng, rất ít dự án giữ nguyên giá và không có dự án nào giảm giá. Thời gian gần đây, giá rao bán đất nền ở các quận 2, 7, 9 tại các trung tâm môi giới lại lên cao ngất ngưỡng.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là dấu hiệu rục rịch của đợt “sốt” tiếp theo. Nhưng cũng có nhiều ý kiến băn khoăn cho đây là chiêu của các “cò” nhà đất nhằm thổi giá?

Tăng từng ngày


Các trung tâm môi giới trên đường Trần Não quận 2 vài tuần qua khá nhộn nhịp. Nhân viên tại nhiều trung tâm cho biết, đa số khách hàng tìm mua đất tại quận 2 và quận 9. Tiếp chúng tôi tại Công ty Dịch vụ nhà đất Vinareal, anh nhân viên tên Minh giới thiệu hàng loạt dự án tại quận 2 như Thủ Đức House, An Phú – An Khánh, 174 ha Thạnh Mỹ Lợi…

Theo lời anh, giá đất của các dự án trên mỗi ngày tăng một, hai giá. Chúng tôi hỏi đùa: “Chắc do các anh “thổi” lên chứ có thấy ai mua đâu?”. “Đa số Việt kiều gửi tiền về mua đó chị ơi. Thú thật, nếu chị mua để ở thì… thôi chứ mua kinh doanh thì chị cứ yên tâm, bán lại là lời ngay!”. “Vậy, mua xong gửi lại bán được không?” - “Chị có thể ký gửi bán nhanh trong ngày hoặc chỉ vài ba ngày thôi nếu thấy lời vài chục triệu đồng thì có thể “đẩy”. Các trung tâm môi giới cho biết họ phải cập nhật giá đất nền từng ngày vì có nhiều người vừa mua xong đã ký gửi nhờ trung tâm bán lại và dĩ nhiên là với giá cao hơn.

Dắt chúng tôi đi coi đất tại một số dự án, Minh cho biết trước đây 2 tháng, giá đất mặt tiền của Thủ Đức House chỉ từ 22 – 25 triệu đồng/m2 nhưng bây giờ đã lên đến 34 - 40 triệu đồng/m2 tùy vị trí; đất mặt tiền đường 26m tại khu An Phú - An Khánh khoảng 39 triệu đồng/m2; nền có diện tích 5x20m ở khu F1 khu dân cư Công ty Thế kỷ 21 là 27 triệu đồng/m2 (do còn vài hộ chưa giải tỏa), còn những khu xung quanh giá lên đến 32 triệu đồng/m2.

Các dự án khác chưa hình thành, chỉ biết được đất trong phạm vi từ… gốc cây này sang gốc cây kia hoặc chỉ trên bản đồ thì giá từ 13 - 27 triệu đồng/m2. “Ăn theo” giá đất quận 2, hàng loạt các dự án sát nách ở quận 9 như Kiến Á, Gia Hòa, Nam Long… giá cũng tăng từ 8 đến 12 triệu đồng/m2. Rời khu Đông, chúng tôi đi ngược về phía khu Nam tại khu vực quận 7, Him Lam - Kênh Tẻ là dự án được hầu hết các trung tâm môi giới giới thiệu vì có vị trí đẹp, mặc dù dự án đang trong giai đoạn làm hạ tầng. Được biết, giá gốc của dự án này khoảng 13 - 14 triệu đồng/m2, nhưng hiện nay các nhà môi giới rao bán với giá từ 29 - 37 triệu đồng/m2.

Không “ảo” nhưng...




Hầu hết các dự án tại quận 7
đều tăng giá. Ảnh: Huy Anh

Giá đất tăng là thật. Việc nhiều người đổ xô đi mua đất cũng là chuyện bình thường. Vì sao? Thời gian qua, một số người chuyển qua mua đất dự án ở những khu vực mới như quận 2, quận 9, quận 7… để chờ thời cơ vì dù sao thì cũng chắc ăn hơn là đầu tư vào chứng khoán, nhất là thị trường chứng khoán đang hồi xanh xao như hiện nay. Đầu tư vàng cũng nhiều rủi ro khi giá vàng liên tục “nhảy múa” - một doanh nghiệp trong Hiệp hội Bất động sản TP nhận định.

Thực tế cho thấy, giá đất có tăng so với trước đây nhưng không đến nỗi tạo ra “cơn sốt” nóng bỏng. Các “cò đất” có rất nhiều chiêu thức để dụ khách và tùy vào tâm lý của từng khách hàng để tung chiêu, đôi khi giới thiệu một nơi nhưng nhắm đến bán một chỗ khác. Đi xem đất tại dự án Thủ Đức House (quận 2), “cò đất” Hùng giới thiệu một khu đất với giá 39,4 triệu đồng/m2, sau đó chỉ một khu đất chỉ cách đó 5 bước chân có cùng diện tích, chỉ khác hướng nhưng giá rẻ hơn khoảng 3,5 - 4,5 triệu đồng/m2.

Như vậy, với một lô đất khoảng 100m2, ở vị trí gần nhau, có khi cùng một dự án nhưng rẻ hơn đến 350 - 450 triệu đồng. Khi tôi thắc mắc chuyện này với một “cò” đất khác thì “cò” này thừa nhận: “Đó là chiêu của tụi em…”. Câu cửa miệng của các “cò đất” là “phải quyết định thật nhanh kẻo sẽ không còn đâu, chỉ còn 1 - 2 nền thôi…”. Thế nhưng tham khảo giá tại 5 - 7 trung tâm môi giới trên đường Lương Định Của, cùng một dự án nhưng mỗi trung tâm đều có vài nền đất và chỗ nào cũng: “Tụi em chỉ còn 1 - 2 nền thôi, tất cả đều đã được mua hết…”.

Giải thích cho việc giá đất quận 7 tăng, một nhân viên của Trung tâm Giao dịch địa ốc Phố Gia cho biết, đất quận 2 đã quá cao và không còn dự án mới để đầu tư. Dự án quận 9 giá mềm hơn nhưng hạ tầng chưa thể kết nối bên ngoài.

Trong khi đó, quận 7 thuộc khu Nam Sài Gòn, TP đang thúc đẩy để hoàn tất hạ tầng và đặc biệt là có Phú Mỹ Hưng nên ảnh hưởng “vết dầu loang” cũng là đương nhiên. Bên cạnh đó, cầu Phú Mỹ nối liền quận 7 với quận 2 đã khởi động (mặc dù vài năm nữa mới xong) nhưng cũng thu hút các nhà đầu tư chuyển hướng dần sang quận 7.

Các dự án tại quận 7 như: Tân An Huy, Him Lam - Kênh Tẻ, Thái Sơn… giá đều tăng nhưng hầu hết là các nhà đầu tư mua đất để kinh doanh. Dự án Thái Sơn 1 có số lượng giao dịch cao (1 tháng khoảng 7 - 10 giao dịch) mặc dù giá tăng 15% - 25% so với 3 tháng trước đây nhưng chưa có căn nhà nào mọc lên, chỉ thấy có một vòng tường được xây lên đã khá lâu chứng tỏ sẽ làm nhà, còn lại vẫn nằm chờ khách đến mua. Khi gọi các số điện thoại ghi bên cạnh lô đất, không có khu đất nào tại đây là đời F2 (sang tay 2 lần), chứ đừng nói F1.



Khách hàng tham khảo giá nhà
đất tại Trung tâm giao dịch địa
ốc ACB. Ảnh: Huy Anh

Ít ra thì cũng đến F4, F5. Và như thế, cứ mỗi đời là giá lại nhích lên một bậc. Ông Võ Đình Quốc, Phó Tổng Giám đốc ACBR cho rằng, sở dĩ giá đất tại các quận 2, 7, 9… tăng là vì từ đợt “sốt” trước, một số người đã mua vào với giá quá cao, sau đó cho dù thị trường có hạ nhiệt nhưng hầu hết người mua đã “ghim” hàng lại chờ thời cơ. Và khi các công trình lớn ảnh hưởng đến khu vực “trở mình” thì thị trường nhà đất tại đây lập tức nhộn nhịp.

Một chuyên gia địa ốc nhận định, giá đất hiện nay thực chất không phải là giá ảo dù không biết số lượng giao dịch thật là bao nhiêu nhưng vẫn có giao dịch trên thị trường. Tuy nhiên, người mua không nên vì thế mà mua đất bằng bất cứ giá nào vì dù không phải giá ảo nhưng đó không phải là giá thực (so với sức mua thực tế). Một số chuyên gia lại cho rằng không thể kỳ vọng giá đất sẽ trở lại vào thời điểm đầu năm vì một khi giá đất đã nhảy lên thì thường rất khó xuống.

Điều mà các nhà quản lý cần quan tâm là với giá đất hiện nay thì khó có người tiêu dùng nào “chạm” được. Mơ ước về một ngôi nhà để an cư ngày càng xa tầm tay không chỉ của những người thu nhập thấp mà cả những người có thu nhập trung bình.

Theo SGGP

Monday, September 24, 2007

Vụ quỹ đầu tư "chui" DCF1: Tự thổi phồng để gọi vốn

Ngày 24-09-2007, 11:31
Vụ quỹ đầu tư "chui" DCF1: Tự thổi phồng để gọi vốn

Một số hình ảnh giới thiệu DCF1
Bài báo "DCF1 - quỹ đầu tư "chui" hay trò lừa" phản ánh Công ty Doanh Chủ lập quỹ trái phép để huy động vốn trong công chúng - là học viên trong các khoá đào tạo của Công ty. Các NĐT đã tiếp tục liên hệ với báo chí, phản ánh việc Công ty này tự thổi phồng và quảng cáo sai sự thật.

Mượn danh các thương hiệu lớn

Tài liệu của Doanh Chủ giới thiệu ông Phạm Uyên Nguyên là cố vấn cao cấp của VinaCapital và là thành viên HĐQT của 20 công ty lớn như Dược Hậu Giang, Kinh Đô... Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc ông Nguyên tham gia HĐQT Dược Hậu Giang và Kinh Đô chỉ là chuyện cũ.

Thông tin chính thức từ VinaCapital cho biết, khi còn làm việc tại đây, ông Nguyên có đại diện cho phần vốn của VinaCapital và tham gia HĐQT tại một số công ty. Từ khi ông Nguyên thôi việc đến nay, VinaCapital đã dần dần đưa người khác làm đại diện tại phần lớn các công ty mà VinaCapital góp vốn, trong đó có Dược Hậu Giang và Kinh Đô.

Để tăng thêm thanh thế trước các học viên, Công ty Doanh Chủ đã đặt tại văn phòng bảng quảng cáo lớn giới thiệu các đơn vị tài trợ thông tin, gồm những DN có tiếng tăm như: Sàn giao dịch vàng Sài Gòn (thuộc NH Á Châu), Sacomreal, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), VCBS...

Quảng cáo này cũng được đưa lên trang web www.doanhchu.com. Chúng tôi đã liên hệ với một vài đơn vị có tên kể trên để kiểm tra thông tin. Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc NH Á Châu cho biết, Sàn giao dịch vàng Sài Gòn không hề có quan hệ với Công ty Doanh Chủ; NH An Bình cũng khẳng định, không tham gia các hoạt động hỗ trợ thông tin cho Doanh Chủ...

Có hay không việc gọi vốn trong công chúng?

Sau khi báo chí đăng bài, ông Phạm Uyên Nguyên, Chủ tịch HĐQT Công ty Doanh Chủ đã có cuộc tiếp xúc với các phóng viên báo, đài. Theo ông Nguyên, Doanh Chủ không thành lập quỹ đầu tư và gọi vốn trong công chúng. Công ty chỉ làm theo đề nghị của một số học viên khoá 1 muốn thực hành những kiến thức đã học. Mặt khác, ông Nguyên cho rằng, Doanh Chủ chỉ vận dụng Luật Doanh nghiệp để huy động vốn...

Tuy nhiên, trên thực tế, Doanh Chủ đã thực hiện cả một quy trình thành lập quỹ: lập Hội đồng đầu tư (gồm ông Nguyên, ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, bà Trần Thị Thanh Hằng), xây dựng các điều khoản chi tiết về hoạt động quỹ, có thu phí, có tỷ lệ thưởng, dự kiến thành lập ban giám sát... Doanh Chủ đã gửi thư cho nhiều người để giới thiệu Quỹ DCF1 và tổ chức họp mặt để mời gọi góp vốn.

DCF1 còn được giới thiệu trên trang web www.doanhchu.com (ngày 21/9). Tại cuộc họp với NĐT vào ngày 15/9, ông Nguyên giải thích với mọi người: do "quá mệt" với việc xin phép thành lập quỹ nên phải "lách luật". Như vậy, cái lỗi gây phiền phức, đẩy ông Nguyên vào tình thế lập quỹ trái phép là ở UBCKNN? Ông Nguyên còn cho biết sẽ lập thêm Quỹ DCF2.

Trả lời báo chí, ông Bùi Nguyên Hoàn, Vụ trưởng - Trưởng văn phòng đại diện UBCKNN tại TP.HCM cho biết, theo ông thì Doanh Chủ đã lập quỹ trái phép. Ông Hoàn đã làm việc với bà Lưu Bảo Hương, uỷ viên HĐQT kiêm Giám đốc Doanh Chủ, yêu cầu có biện pháp khắc phục. Vụ việc đã được báo cáo lên UBCKNN để xử lý.

Theo LĐ

DCF1 - quỹ đầu tư "chui" hay trò lừa?

Ngày 21-09-2007, 10:31
DCF1 - quỹ đầu tư "chui" hay trò lừa?

Một Cy cổ phần tại TPHCM đã thành lập quỹ đầu tư CK, mời gọi công chúng góp vốn mà không hề xin phép các cơ quan chức năng. Số vốn đã góp tính đến 14.9 là 4,6 tỉ đồng, dự kiến sẽ góp tối đa 100 tỉ đồng!

Sự mời gọi hấp dẫn

Đứng ra thành lập quỹ là Cty cổ phần Doanh Chủ tại số 42 Đặng Dung, Q.1, TPHCM, do ông Phạm Uyên Nguyên làm Chủ tịch HĐQT. Trong mấy tháng qua, Cty này đã mở các khoá đào tạo về đầu tư.

Doanh Chủ đã thành lập một quỹ đầu tư, đặt là DCF1 (Doanh Chu Fund 1) và kêu gọi các học viên góp vốn kinh doanh CK. Phần vốn tối thiểu mà mỗi học viên đóng góp là 100 triệu đồng, thời hạn góp vốn 3 năm.

Doanh Chủ đã đưa ra những điều kiện thật hấp dẫn: Sau 3 năm, nếu bị lỗ thì sẽ bồi hoàn đủ vốn cho các NĐT (!). Nếu tỉ suất lợi nhuận vào cuối năm tài chính nhỏ hơn hoặc bằng 10% trên tổng giá trị đầu tư thì Doanh Chủ không nhận phí.

Phí và thưởng chỉ được tính một khi tỉ suất lợi nhuận từ 10% trở lên. Khi tăng vốn, các thành viên hiện hữu sẽ được tiếp tục góp vốn theo mệnh giá gốc, thành viên mới phải góp theo giá thị trường...

Doanh Chủ cũng lập ra một hợp đồng gọi là "hợp đồng góp vốn và hợp tác đầu tư". Nhưng bản hợp đồng này không có công chứng và chỉ có 3 người "đại diện" cho các NĐT được ký bản hợp đồng. Những người khác chỉ được ký vào bản phụ lục. Quỹ DCF1 được giới thiệu trên trang web www.doanhchu.com.

Cũng theo trang web thì ông Nguyên đang giữ nhiều chức danh: Chủ tịch HĐQT các Cty CP: Dệt Thắng Lợi, Dược Ninh Thuận, Bia Bình Thuận; Phó Chủ tịch HĐQT Cty dệt Nha Trang, thành viên HĐQT của 20 Cty lớn như: Kinh Đô, Dược Hậu Giang, Kỹ nghệ Đô Thành, IDT Corp, Generalexim 1, Sohafood...

Các thành viên khác trong HĐQT Doanh Chủ gồm: Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, ông Lê Trần Trường An, ông Hoàng Quốc Việt đều đang giữ chức vụ quan trọng trong các Cty khác. Bà Lưu Bảo Hương - Uỷ viên HĐQT - làm GĐ Cty.

"Cảm giác bị lừa..."

Để tăng tính thuyết phục, ngày 15.9, Doanh Chủ đã tổ chức một cuộc họp mặt các NĐT - là các học viên khoá 2. Trước hàng chục người, ông Nguyên cho biết: Sẽ huy động tối đa 100 tỉ đồng và giới hạn số NĐT ở con số tối đa 99 người. Do "quá mệt" với việc xin phép thành lập quỹ nên ông Nguyên phải... lách luật.

Đến 15.9, DCF1 đã góp được 4,6 tỉ đồng và đang đầu tư có hiệu quả. Từ 4.9 đến 14.9, chỉ trong 10 ngày, DCF1 đầu tư một phần vào CP niêm yết đạt lợi nhuận 2,69%, một phần vào CP OTC đạt lợi nhuận 3,79%!

Buổi "thuyết trình" có vẻ như một kịch bản hoàn hảo: Cuối buổi, một nữ học viên lên phát biểu đã ca ngợi cái tâm và cái tài của ông Nguyên đến tận mây xanh. Nữ học viên này cho biết bản thân mình đã góp vốn vào DCF1 và giới thiệu cả người thân cùng tham gia.

Thế nhưng, một NĐT khác đã nói thẳng với ông Nguyên: "Tôi có cảm giác như đang bị lừa". Khi ông Nguyên giới thiệu mình đã từng quản lý trên cả tỉ USD cho một đơn vị nước ngoài, NĐT này nhận xét một cách mỉa mai rằng: Đối với một người quen gánh nặng như ông Nguyên thì DCF1 chỉ như trứng mỏng và rất dễ vỡ!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBCKNN chưa hề cấp phép thành lập quỹ cho một Cty nào có tên là Doanh Chủ, trong khi việc này bắt buộc phải xin phép cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, một số học viên quá bức xúc đã đề nghị báo chí phải lên tiếng để các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời. Nếu không, nhiều NĐT thiếu bình tĩnh sẽ bị "vướng". Hậu quả không thể lường được.

Chúng tôi đã chuyển hồ sơ liên quan đến quỹ DCF1 đến văn phòng đại diện tại TPHCM của UBCKNN. Ông Bùi Nguyên Hoàn - Vụ trưởng, Trưởng đại diện - cho biết sẽ kiểm tra và báo cáo Chủ tịch UBCKNN để xử lý.

Theo LĐ

Thị trường OTC bất ngờ "sốt"

Ngày 21-09-2007, 13:18
Thị trường OTC bất ngờ "sốt"

Thị trường OTC đang có dấu hiệu ấm lên
Đã gần 2 tháng nay mỗi khi VN-Index nhích lên, các nhà đầu tư lại hồi hộp mong OTC "ấm" lại, nhưng OTC gần như vô cảm với thăng trầm của sàn niêm yết. Lúc mọi người nản nhất thì bất ngờ hai ngày gần đây, thị trường có dấu hiệu "sốt giật". Từ sáng đến chiều, có loại CP lên 3-4 giá.

Lại tâm lý đám đông

Hầu hết mọi người chưa kịp hiểu vì sao OTC lại đảo chiều nhanh đến thế. Chẳng kịp nghĩ ngợi gì nhiều, cứ thấy mọi người xôn xao là sốt ruột toan tính tranh thủ mua trước khi giá có thể lên tiếp.

Điện thoại lại í ới. Người cần mua gọi môi giới. Môi giới gọi nhau. Bạn bè, anh chị em vừa báo tin mừng giá CP nhích lên vừa rủ mua một loại CP nào đó vì ai cũng ít tiền... Nhưng cũng khá nhiều người sẵn tiền hỏi mua các lô lớn từ 10 đến 20 nghìn CP.

Một số CP lên đến 3-4 giá trong khoảng vài giờ đồng hồ. Ví dụ, VPBank từ chỗ 35.000 đồng/CP cách đây gần hai tuần, sáng 19.9 lên giá 43.000 đồng và đến cuối chiều thì khó mua được với giá 46.500 đồng và đến 20.9 thì đã thấy rao bán đến 47.000 đồng - 48.000 đồng.

Các trang web mua bán CP OTC hai ngày nay nhộn nhịp hẳn lên. Từng giờ có rao mua, rao bán cập nhật liên tục (ký hiệu New). Anh Thuỷ (một môi giới) cho biết: "Tự dưng dân tình nháo nhác hết cả lên, có người hỏi mua cả những CP đã lâu chẳng ai nhìn ngó đến".

Các NĐT trên diễn đàn mạng sôi nổi hẳn, có người thốt lên: "Lâu lắm mới thấy đông vui thế này, qua sóng gió trời lại hừng sáng. Chúc mừng các bác!". Khác mọi lần hoài nghi, tâm trạng chung lần này là phấn chấn và hy vọng...

CP ngân hàng vẫn là đầu tàu

CP các ngành dầu khí, đầu tư hạ tầng & xây dựng, thuỷ hải sản, bảo hiểm, cao su được quan tâm, nhưng nhu cầu mua nhiều nhất là CP NH. Cùng với ACB và STB trên sàn, những ngày qua người ta thấy hiện tượng CP NH "đồng khởi".

Tại thị trường Hà Nội, các loại CP được quan tâm là Habubank, VPBank, Quân đội, An Bình, Phương Nam, Phương Đông, Sài Gòn-Hà Nội. Với Habubank, VPBank, Quân đội thì phần lớn là do NĐT đánh giá khá cao chất lượng hoạt động và khả năng thanh khoản CP của các NH này. CP các NH còn lại được mua vì đã quá rẻ.

CP NH được quan tâm vì những con số công bố lợi nhuận 8 tháng đầu năm rất ấn tượng, mọi người vẫn biết là hoạt động NH là một lĩnh vực ổn định và tăng trưởng tốt (niềm tin của NĐT và lượng giao dịch của ACB và STB là một ví dụ).

Bên cạnh đó, những thủ tục quản lý, chuyển nhượng CP khá chặt chẽ, ít rủi ro. Một nguyên nhân nữa là sự an tâm hơn của NĐT khi những ngày gần đây lại liên tục có những nhận định khuyên đã đến lúc nên mua vào (time to buy).

Sẽ tăng hay hạ nhiệt?

Đã có một vài lý giải về hiện tượng "sốt" của thị trường OTC. Mọi người bắt đầu tin là thị trường đã đến kỳ hồi phục vì chỉ còn hơn 3 tháng nữa là đến cuối năm (thời điểm TTCK luôn ở mức hưng thịnh).

VN-Index đang có dấu hiệu tiến vững. Mức lợi nhuận 8 tháng đầu năm do các DN VN công bố khá ấn tượng. FED cắt giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 0,5%...

Bên cạnh đó cũng có tin đồn về khả năng có thể có một số điều chỉnh của Chính phủ và NHNN sẽ tác động mạnh đến TTCK như: Mở thêm room cho các NĐTNN, điều chỉnh hoặc gia hạn thời điểm thi hành quy định mức cho vay đầu tư và kinh doanh CK dưới 3%...

Vì những lý do trên nên đa phần NĐT cho là OTC sẽ tiếp tục tăng. Đến trưa ngày hôm qua (20.9), tuy giá các CP OTC tiếp tục nhích lên (khoảng 2-3 giá nữa) nhưng phổ biến là tình trạng người mua đã khá hăm hở, lùng sục thì đa phần người bán lại găm hàng chưa muốn bán.

Những người đã "ôm" CP từ lúc giá cao nhất thì chưa bán vì còn xa mới đến điểm hòa vốn. Những người đã kịp bán cắt lỗ thì nay muốn mua ngay vào để chờ giá lên. Một số người tuy vẫn còn "ôm" nhiều CP chưa giải quyết được nhưng "máu cờ bạc" nổi lên lại muốn mua thử vận may...

Giai đoạn điều chỉnh thị trường đã đi vào thời kỳ kết thúc, những tín hiệu nhen nhóm cho một thị trường bùng nổ vào cuối năm đã bắt đầu. Tuy nhiên, dù hy vọng, tuyệt đại đa số các NĐT đều cho rằng khởi sắc đến đâu thị trường OTC cũng không trở lại được thời "hoàng kim" như cuối năm 2006, đầu 2007. Nhiều người cho biết chỉ mong giá CP về gần điểm hoà vốn.

Theo thông tin từ một số CTCK, tình hình giao dịch và yêu cầu báo giá CP OTC mấy ngày gần đây khá nhiều chứng tỏ mối quan tâm của NĐT bắt đầu tăng lên. Cùng với sự ấm lại của sàn niêm yết, lệnh chào mua và chào bán CP OTC cũng như những giao dịch thành công đã nhiều hơn.

Các CP NH, Đạm Phú Mỹ, Bảo Việt... được đặt lệnh mua nhiều nhất với giá có xu hướng tăng lên nhưng chưa có đột biến giá. Theo thông tin từ CTCK Seabank, báo giá CP một số NH ngày 20.9 đã lên giá so với ngày 14.9.

Cụ thể, VPBank (mệnh giá 10.000đ) tuần trước dao động trong khoảng 37.500đ-39.500đ đã lên mức 44.500đ-46.500đ. CP NH An Bình (mệnh giá 100.000đ) cũng tăng lên 370.000đ-380.000đ, CP Hòa Phát (mệnh giá 10.000đ) từ 72.000đ-74.000đ tăng lên 80.000đ-82.000đ.

Ngày 20.9, các giao dịch thành công với CP NH Quân đội ở mức 55.500đ-57.000đ/CP (sau chia tách), Phân đạm hoá chất dầu khí (PVFCCo) mức 59.500đ-61.500đ.

Theo LĐ

Rầm rập trở lại sàn

Rầm rập trở lại sàn
17:28' 24/09/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam tuần qua và mở đầu tuần này đã chứng kiến sự hào hứng ít thấy trong giai đoạn gần đây. Không khí hào hứng tăng mua hiện rõ khắp các sàn giao dịch.

Tâm lý hồ hởi đã trở lại

Chính nhờ tâm lý đó mà trọn cả tuần qua cho tới đầu tuần này, cầu cổ phiếu đã vượt xa cung trong hầu hết các phiên giao dịch.

Tâm lý hồ hởi trở lại với các nhà đầu tư và kết quả của nó là các phiên giao dịch gần đây đã nằm trong số những phiên giao dịch sôi động nhất trong năm.



Một bên các nhà đầu tư bán ra với số lượng lớn, còn bên kia các nhà đầu tư lại tăng cường mua vào. Bán cũng nhiều mà mua cũng mạnh, điều đó đang tạo ra sự sôi động trở lại trên các sàn, sự sôi động đã gần nửa năm nay không thấy hiện về.

Theo thống kê của atpvietnam.com, thì trong tuần thứ 3 của tháng 9 này, tổng khối lượng giao dịch chứng khoán toàn thị trường đạt 41,7 triệu đơn vị, tức bình quân 8,3 triệu chứng khoán/phiên. Tổng giá trị giao dịch đạt 3.467 tỷ đồng, tức bình quân gần 693 tỷ đồng/phiên.

Mức giao dịch này cao hơn rất nhiều so với tuần ngay trước đó, khi tổng khối lượng giao dịch đạt 29,87 triệu đơn vị và tổng giá trị giao dịch đạt 2.261 tỷ đồng.

Đơn cử, trong phiên giao dịch hôm 21/9, khối lượng khớp lệnh thành công của riêng cổ phiếu đã lên tới 10,35 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ hồi giữa tháng 3 đến nay. Đây cũng là mức giao dịch lớn thứ 5 kể từ đầu năm nay và là 1 trong 5 phiên có khối lượng trên 10 triệu cổ phiếu.

Hơi thở nóng hổi như của những ngày tháng 3

Đó là về số liệu chính thức. Về thực tế, có thể thấy rất rõ sự hồ hởi của nhà đầu tư khi dạo qua một số sàn giao dịch.

Nếu như sàn giao dịch chứng khoán An Bình, Thiên Việt, Thiên Long... chỉ đón khoảng trên dưới 100 khách tới mỗi buổi sáng, cách đây hơn 1 tháng, thì mấy hôm nay, các sàn này lại tái diễn cảnh chen lấn của vài trăm người.

Góc này góc kia, các nhà đầu tư hí hoáy viết lệnh, nhộn nhịp hỏi han, vang vang tên gọi của hàng loạt cổ phiếu, quen có, lạ có...

Hơi thở nóng hổi của những ngày tháng 3/2007 dường như đã quay về tại các sàn.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà đầu tư lại rậm rịch lên sàn trở lại đông đến thế.

Một số nguyên nhân của niềm hứng khởi

Nhiều nhà đầu tư cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ không giảm nữa vì đã giảm tới đáy. Nhiều người lại cho rằng mình đã "bắt vị" được nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, khi thấy họ đang tăng cường mua vào.

Một số khác nhìn ngay động thái của những nhân tố quan trọng của thị trường. Theo họ, các công ty chứng khoán hầu hết cũng dự đoán thị trường sẽ hồi phục thì mới tích cực mở rộng chi nhánh ra các tỉnh và thành phố trong thời gian gần đây. Do vậy, họ đã thấy tin tưởng vào thị trường hơn.

Với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ lạc quan với việc rất nhiều các công ty có kết quả kinh doanh tốt trong Quý III/2007. Theo một số nhà đầu tư dạng này, việc cổ phiếu ngân hàng cùng các cổ phiếu mới đặc biệt gây ấn tượng có ý nghĩa lâu bền, có thể tạo đà cho thị trường tiếp tục hồi phục.

Thị trường đã điều chỉnh sau chuỗi ngày giảm giá kéo dài, nhưng việc cổ phiếu tăng giá ồ ạt một lần nữa cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn tâm lý mua bán theo đám đông. Khi thì đua nhau mua vào, e rằng lại có lúc đua nhau tháo chạy.

  • Nhật Vy

VN-Index vọt qua 1.000 điểm - time to join!!!

VN-Index vọt qua 1.000 điểm
09:38' 25/09/2007 (GMT+7)

(VietNamNet) - Không chỉ tăng điểm ngoạn mục, TTCK tập trung của Việt Nam sáng 25/9 chứng kiến khối lượng giao dịch đạt kỷ lục cao mới, với hơn 13 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá gần 1.300 tỷ đồng.

1

Các sàn giao dịch của các công ty chứng khoán đang đông trở lại. (Ảnh: LAD)

Khởi động tuần mới ngày 24/9 với 1 phiên tăng rất mạnh, với 17,15 điểm nhưng đó chưa phải là số điểm tăng ấn tượng nếu so với phiên giao dịch sáng 25/9 với việc chỉ số VN-Index tăng 34,06 điểm (tương đương tăng 3,49%) lên 1.009,88 điểm.

Trong số 115 cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, có tới 96 mã cổ phiếu tăng giá, trong khi chỉ có 10 mã giảm giá và 9 đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 500 đồng (tương đương tăng 4,42%) lên 11.800 đồng/ccq, còn VF1 tăng 1.300 đồng (tương đương tăng 4%) lên 33.800 đồng/ccq.

Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) trong toàn phiên đạt 13,39 triệu đơn vị, trị giá 1.257 tỷ đồng (riêng cổ phiếu đạt 12,02 triệu đơn vị). Từ đầu năm 2007 tới nay chỉ có tổng cộng 4 phiên có giá trị giao dịch hơn 1.200 tỷ đồng và chưa có 1 phiên giao dịch nào có khối lượng giao dịch trên 12 triệu cổ phiếu.

Đúng như nhận định của các chuyên gia, phiên giao dịch cuối tuần trước chỉ là một bước lùi nhẹ sau 7 phiên liên tiếp tăng điểm để lấy đà cho những bước nhảy mạnh mẽ, vượt qua ngưỡng 1.000 điểm trong tuần này.

Nhìn chung, TTCK đang có xu hướng phát triển rất tốt. Biểu hiện rõ nét nhất là sự xuất hiện nhiều hàng hoá mới có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư như Vincom (VIC), Petropetco (PET)… Điều này sẽ giúp TTCK phát triển mạnh mẽ về mặt quy mô cũng như chất lượng.

Một lý do căn bản khác là hầu hết các doanh nghiệp có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM đều đang hoạt động rất tốt, trong khi đó giá cổ phiếu đã liên tục giảm trong khoảng 6 tháng qua (từ tháng 3 tới tháng 9). Trong số đó, có rất nhiều doanh nghiệp thường có kết quả kinh doanh tốt hơn trong quý 3 và 4. Đây là cơ sở để các cổ phiếu này có thể tiếp tục tăng.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài - một thế lực dẫn dắt TTCK Việt Nam trong vài năm qua, vẫn đang đẩy mạnh mua vào các cổ phiếu blue-chips Việt Nam.

TTCK thế giới mặc dù vẫn còn biến động lên xuống thất thường trong vài phiên gần đây nhưng nhìn chung đã hồi phục, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định cắt giảm lãi suất từ mức 5,25% xuống mức 4,75%/năm.

Trở lại diễn biến trong phiên giao dịch ngày 25/9, tiếp tục giống như đợt giao dịch thứ 1 và đợt 2, cổ phiếu mới lên sàn hôm 19/9 - Vincom (mã giao dịch VIC), tiếp tục có phiên tăng điểm lên mức giá trần thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 7.000 đồng lên 150.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức giá dự kiến 119.000 đồng trước khi lên sàn.

Khối lượng giao dịch của VIC trong đợt 2 và đợt 3 tăng đột biến so với đợt 1, giúp chung cuộc đã có tới 962.110 cổ phần được chuyển nhượng.

Cổ phiếu FPT sáng nay có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp và là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này tăng cực mạnh, với 11.000 đồng lên mức giá kịch trần là 250.000 đồng/cp, với 514.880 cổ phần được chuyển nhượng. Gần đây Intel cho biết sẽ tăng cường hợp tác với FPT do đây là DN lớn nhất trong lĩnh vực CNTT. Cuối tuần trước cũng có thông tin FPT sẽ đầu tư mạnh, khoảng 30 triệu vào KCN Đà Nẵng.

Rất nhiều cổ phiếu blue-chips khác tăng kịch trần khi kết thúc phiên giao dịch như: SJS tăng 12.000 đồng (+4,92%); RHC tăng 2.100 đồng (+4,87%); PET tăng 3.500 đồng (+4,86%); CII tăng 3.000 đồng (+4,8%); HRC tăng 1.700 đồng (+4,74%); VSH tăng 2.500 đồng (+4,59%)…

Bên cạnh đó, rất nhiều cổ phiếu vừa và nhỏ tăng giá mạnh, trong đó có các gương mặt thuỷ sản như ABT tăng 3.000 đồng; TS4 tăng 2.500 đồng (5%); AGF tăng 3.000 đồng (3%)…

Kết thúc phiên giao dịch, lượng dư mua cao hơn rất nhiều so với dư bán.

Cụ thể, tổng khối lượng dư mua ở 3 mức giá cao nhất của tất cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ khi kết thúc phiên giao dịch là 3,23 triệu đơn vị. Trong khi đó, dư bán ở 3 mức giá thấp nhất đạt 1,84 triệu đơn vị.

Mặc dầu TTCK Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ trở lại nhờ vào rất nhiều cơ sở và biểu hiện vững chắc như: kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp tốt, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển ổn định, các dự báo đưa ra gần đây đều rất tích cực, các nhà đầu tư đang hồ hởi đã quay lại và mua vào cổ phiếu, nhưng vẫn còn một vài nhân tố có thể ảnh hưởng trực tiếp khiến giá cổ phiếu đi xuống. Đó là, giá dầu và vàng thế giới đang tăng rất mạnh. Nếu giá 2 mặt hàng này lên quá cao, giá chứng khoán trên thế giới sẽ giảm xuống và chứng khoán Việt Nam cũng sẽ không nằm trong nhóm ngoại lệ.

Đợt 1 ngày 25/9: VN-Index lần đầu tiên sau hơn 2 tháng vượt 1.000 điểm

Kết thúc đợt giao dịch thứ 1 phiên giao dịch ngày 25/9, chỉ số VN-Index đã bất ngờ tăng cực mạnh, vọt qua ngưỡng 1.000 điểm với gần như toàn bộ cổ phiếu có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM tăng giá.

Nếu như đợt 1 hôm qua (24/9), chỉ số VN-Index còn đang dần tiến tới 970 điểm và nhiều người kỳ vọng chỉ số này sẽ vượt 1.000 điểm vào cuối tuần, nhưng điều đó đã xảy ra sớm hơn.

Khối lượng giao dịch tiếp tục tăng vọt, lên mức cao kỷ lục so với đợt 1 của các phiên giao dịch trong hơn 6 tháng trước đó.

Cụ thể, kết thúc đợt giao dịch thứ nhất phiên giao dịch ngày 25/9, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán tập trung của Việt Nam tăng 29,97 điểm (tương đương tăng 3,07%) lên 1005,79 điểm.

Tổng khối lượng giao dịch (cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ) đạt 3,67 triệu đơn vị, trị giá 322 tỷ đồng, trong đó giao dịch cổ phiếu đạt 3,24 triệu đơn vị. Các con số này cao hơn rất nhiều so với phiên trước đó (tương ứng là 2,19 triệu đơn vị, 193 tỷ đồng, và 2,04 triệu đơn vị) mặc dù phiên hôm qua đã là đỉnh cao so với nhiều tháng trước đó.

Trong đợt giao dịch 1, số lượng cổ phiếu tăng giá áp đảo thị trường. Hầu hết các cổ phiếu blue-chips tăng giá.

Kết thúc đợt 1, trong số 115 cổ phiếu niêm yết trên sàn, có 83 mã tăng giá, 9 mã giảm giá, 23 mã đứng giá và 3 mã không có giao dịch. Trong 2 chứng chỉ quỹ có mặt trên sàn chứng khoán TP.HCM, BF1 tăng 500 đồng, còn VF1 tăng 1.500 đồng.

Cổ phiếu mới lên sàn hôm 19/9 - cổ phiếu Vincom (mã giao dịch VIC), tiếp tục có phiên tăng điểm lên mức giá trần thứ 5 liên tiếp, với mức tăng 7.000 đồng lên 150.000 đồng/cp, cao hơn rất nhiều so với mức giá dự kiến 119.000 đồng trước khi lên sàn.

Giống như ngày 24/9, khối lượng giao dịch của VIC không còn cao đột biến như trong các phiên giao dịch trước đó. Trong đợt 1 sáng 25/9, chỉ có 113.680 cổ phiếu VIC được chuyển nhượng. Trong cả phiên giao dịch ngày 21/9, đã có tổng cộng hơn 1,22 triệu cổ phiếu VIC được giao dịch.

Cổ phiếu FPT sáng nay có phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp và là phiên thứ 2 liên tiếp cổ phiếu này tăng cực mạnh, với 11.000 đồng lên 250.000 đồng/cp. Gần đây Intel cho biết sẽ tăng cường hợp tác với FPT do đây là DN lớn nhất trong lĩnh vực CNTT. Cuối tuần trước cũng có thông tin FPT sẽ đầu tư mạnh, khoảng 30 triệu vào KCN Đà Nẵng.

Các cổ phiếu lớn tăng giá mạnh trong đợt 1 sáng nay bao gồm: SJS tăng 12.000 đồng; KDC tăng 11.000 đồng; HRC tăng 8.000 đồng; GMD tăng 5.000 đồng; NKD tăng 5.000 đồng; PVD, SAM, VNM tăng 4.000 đồng; STB, REE, BMP, CII, TDH tăng 3.000 đồng….

Như vậy, có thể thấy tiếp tục xu hướng tăng điểm đột biến, cổ phiếu STB của đại gia Ngân hàng Sacombank, tiếp tục tăng cực kỳ ấn tượng, lên mức 69.500 đồng/cp. Cùng với VIC của Vincom, đây chính là các cổ phiếu đã châm ngòi cho đợt quay đầu tăng mạnh đột biến trở lại của TTCK tập trung của Việt Nam.

Tính đến 9h22 phút, với giá dự kiến khớp đợt 2, số lượng cổ phiếu tăng giá có xu hướng tăng. Chỉ số VN-Index đang có xu hướng tăng điểm. Cụ thể, đã có 58 mã tăng giá, 27 mã giảm giá và 30 mã đứng giá. Trong 2 chứng chỉ quỹ, BF1 tăng 100 đồng, còn VF1 tăng 700 đồng.

  • Nhất Linh

Kinh tế

Blog Archive

Topics