500, có phải đáy đó không?
Phiên giao dịch 20/3/2008 có lượng giao dịch khớp lệnh giảm đi so với phiên giao dịch ngày 19/3. Kết thúc phiên giao dịch khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11 triệu cổ phiếu. Với các chỉ số kỹ thuật, nhiều chuyên viên phân tích cho rằng thị trường sẽ tiếp tục thiết lập đáy mới. Có thể là 500 chăng?
Kháng thuốc
Những liều thuốc mà Chính phủ kê toa để cứu chứng khoán dường như không còn hiệu nghiệm.
Bắt đầu là “thuốc” SCIC với hàng ngàn tỷ đồng tung vào thị trường để gom cổ phiếu. Mục đích là cứu thị trường chứ không phải là mục tiêu lợi nhuận. Con bệnh ngấm thuốc và có dấu hiệu (chỉ là dấu hiệu) phục hồi khi liên tiếp tăng điểm (từ ngày 6/3 đến ngày 10/3 và từ ngày 12/3 đến ngày 13/3).
Thế nhưng ngay sau đó là các phiên “chổng ngược” của thị trường. SCIC “hết bài”.
Liều thuốc tiêm vào thị trường tiếp theo là tuyên bố của phó thủ tướng thường trực chính phủ rằng không thể để thị trường chứng khoán “sập”. Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực đến nền kinh tế và “thương hiệu” Việt mới nổi.
Thế nhưng thị trường vẫn cứ “chổng ngược”.
Nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân chính là do thị trường tài chính tiền tệ, chứng khoán thế giới biến động quá lớn (nhất là nền kinh tế Mỹ đang bất ổn). Việt Nam hội nhập toàn diện nên thị trường thế giới “nhứt đầu” thì thị trường Việt Nam “sổ mủi”.
Lâu nay, những nhà đầu tư nhỏ bị mang tiếng oan rằng đầu tư theo bầy đàn, đầu tư bằng cái nhìn người khác, không có kiến thức nên thấy thị trường “sổ mủi” là bán tháo gây bất lợi cho thị trường.
Thế nhưng, xét cho cùng, nhà đầu tư nhỏ không thể dẫn dắt thị trường mà người dẫn dắt thị trường là các đại gia, các công ty chứng khoán tự doanh. Những tổ chức, đại gia này với áp lực lợi nhuận đã thi nhau “cut loss”. Họ mới là “nghi can số một” chứ không phải nhà đầu tư nhỏ.
Thứ nữa, niềm tin đã cạn. Chính sách gây mất lòng tin dẫn đến mất niềm tin và nhà đầu tư không còn hứng thú vào cách kiếm tiền từ chứng khoán. Thị trường chứng khoán bị “vạ lây” với các biện pháp cứu lạm phát. Thị trường kháng thuốc!
Tiếp tục chổng ngược!
Phiên ngày 20/3, toàn thị trường có 104 mã cổ phiếu giảm giá, 17 mã cổ phiếu đứng giá và 32 mã cổ phiếu tăng giá.
Các dấu hiệu kỹ thuật cũng không có sự thay đổi nhiều khi đường Vn-Index vẫn tiếp tục đi xuống và nằm dướic các đường MA 10 ngày và MA 15 ngày. Dải Bollinger vẫn tiếp tục mở rộng, điều này cho thấy có thể trong khoảng thời gian tới chỉ số Vn-Index sẽ thiết lập những mức hỗ trợ mới.
Chuyên viên Lê Việt Dũng – Phòng phân tích công ty chứng khoán Thăng Long cho biết: phiên 20/3, đường MACD đã cắt đường tín hiệu từ trên xuống và nằm dưới đường tín hiệu. Đường MACD cũng tiếp tục đi xuống.
Điều này hàm ý thị trường sẽ biến động xuống trong thời gian tới. Chỉ số RSI đạt 27.03 điểm, đường RSI nằm dưới đường 30, đường Stochastic tiếp tục đi xuống và nằm dưới đường tín hiệu, đường Stochastic nằm dưới đường 20.
Điều này cho thấy thị trường vẫn đang ở mức bán quá nhiều. Với những dấu hiệu trên chúng tôi nhận định thị trường ngày cuối tuần cũng chưa có những đột biến và có thể tiếp tục đi xuống.

Còn chuyên viên Nguyễn Huy Phương - Phòng phân tích Công ty chứng khoán Phương Đông nhận định: Theo phân tích kỹ thuật dựa vào hai chỉ số RSI và Money Flow Index đã thể hiện dấu hiệu “mua” trong ngắn và trung hạn (thể hiện ở đường dọc màu vàng, khi 2 chỉ số đã cắt đường kháng cự trong ngắn hạn), nhưng dấu hiệu mua đó có thể đã thất bại khi đường RSI giảm xuống dưới mức 30.
Đồ thị VN-Index càng rời xa mức hỗ trợ 580 điểm – Fibonacci 76,4% của đáy 400 và đỉnh 1.170. Trong thời gian sắp tới, VNINDEX có khả năng sẽ giảm tới 500 điểm (sử dụng Gann Fan đối với đồ thị theo tháng để xác định). Dự báo trong phiên giao dịch ngày 21/3, VN-Index dao động nhẹ.
(Theo vinabull.com.vn)
Lại “ngợp” cổ phiếu
![]() |
Một lượng cổ phiếu phát hành thêm rất lớn sắp đổ vào thị trường. |
Mùa đại hội cổ đông cũng là mùa phát hành cổ phiếu mới. Một lượng cung tiếp tục đổ vào thị trường chứng khoán đang ảm đạm
Giá cổ phiếu (CP) trên thị trường vẫn tiếp tục rơi tự do. Tại các sàn giao dịch chứng khoán, ngoài vấn đề chỉ số VN-Index sẽ rớt đến đâu, nhà đầu tư (NĐT) bắt đầu quan tâm đến kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) sắp tới của các công ty niêm yết. Kết quả kinh doanh của nhiều công ty niêm yết không khả quan, giá cả xăng dầu, lãi suất ngân hàng tăng cao, NĐT đang thua lỗ... đang là những yếu tố bất lợi cho nhiều công ty trong thời điểm hiện nay, nhất là những công ty có mảng hoạt động đầu tư tài chính.
Đại hội cổ đông nặng tính hình thức
Liên tiếp trong những số gần đây, bản tin thị trường chứng khoán của Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đăng tải thời gian chốt danh sách cổ đông của các công ty niêm yết để tổ chức ĐHCĐ. Một điều dễ nhận thấy là trong hai ngày 29 và 30-3 có tới vài chục công ty niêm yết cùng tổ chức. Không biết là do quy định hay các công ty nhắm ngày lành, tháng tốt mà lại tổ chức trùng vào một thời điểm. Nhóm NĐT tại Công ty Chứng khoán Agriseco cho biết trên thực tế, không phải NĐT nào cũng chỉ mua, bán một loại CP trên thị trường. Nhiều NĐT riêng lẻ sở hữu hơn một chục CP các loại. Nếu lịch ĐHCĐ dày đặc và sít sao như vậy thì họ khó có thể tham dự đầy đủ, chứ đừng nói là nghiên cứu kỹ để tham gia góp ý kiến, bỏ phiếu trong ĐHCĐ, thực hiện quyền làm chủ của mình.
Ông Nguyễn Quý Quýnh, NĐT Công ty Chứng khoán ACBS, cho rằng hầu hết các kỳ họp ĐHCĐ của các công ty niêm yết tổ chức trước đây đều mang tính hình thức, không chất lượng và quyền làm chủ của các cổ đông nhỏ chưa được bảo đảm, do tài liệu về kết quả kinh doanh, phương hướng trong năm tới của công ty đến tay các cổ đông quá trễ. Thông thường, cổ đông chỉ được phát tài liệu trước khi tham dự đại hội. Với thời gian ngắn như vậy, làm sao cổ đông có thể nghiên cứu sâu và đưa ra những ý kiến đóng góp thiết thực. Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Quýnh, cần phải thực hiện 2 bước. Thứ nhất, gửi trước cho các cổ đông tài liệu công ty. HĐQT sẽ thâu nhận các ý kiến và trả lời những vấn đề chính. Thứ hai, trong khi đại hội, ban tổ chức không cần đọc hết tài liệu đã phân phát, chỉ nhấn mạnh một số vấn đề chính là được. Thời gian còn lại sẽ là hội thảo, trả lời những vấn đề của các cổ đông. Có như vậy mới phát huy được hết quyền làm chủ của các cổ đông, nhất là các cổ đông nhỏ.
Tiếp tục phát hành cổ phiếu
Tại ĐHCĐ thường niên mới tổ chức ngày 17-3 của Sacombank, ông Đặng Văn Thành, chủ tịch HĐQT ngân hàng này, cho biết dù thị trường đang trên đà suy giảm nhưng mùa ĐHCĐ năm 2008 vẫn là mùa tăng vốn điều lệ, thông qua việc phát hành CP mới của các công ty CP đại chúng và các ngân hàng TMCP. Có thể sau mùa ĐHCĐ lần này sẽ có một lượng cung mới đổ vào thị trường... Tại ĐHCĐ lần này, Sacombank cũng thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 4.448 tỉ đồng lên 6.048 tỉ đồng trong năm 2008 với nhiều phương thức phát hành CP mới.
Để thực hiện chiến lược đầu tư tăng trưởng dài hạn, nhiều doanh nghiệp hiện vẫn tiếp tục thông qua kế hoạch huy động vốn trên thị trường chứng khoán. Một NĐT cho rằng hướng tới chiến lược đầu tư dài hạn là công việc cần thiết của các doanh nghiệp, nhưng điều đó không có nghĩa là không quan tâm đến từng giai đoạn ngắn hạn. Khi tiến hành tăng vốn điều lệ, cần phải xem xét các diễn biến về tình hình kinh tế thế giới, Việt Nam, nếu không, việc phát hành CP mới sẽ không thành công.
Blue-chips kéo thị trường đi xuống Tại phiên giao dịch ngày 20-3, sàn TP. HCM đã nỗ lực “đảo ngược tình thế” nhưng không thành công. Khối lượng và giá trị giao dịch giảm mạnh so với phiên trước: VN-Index giảm 8,63 điểm (tương đương 1,5%). Trong khoảng 10 cổ phiếu blue-chips niêm yết trên sàn, chỉ có 2 mã tăng giá là VNM tăng 4.000 đồng/cổ phiếu và VIC tăng vỏn vẹn 500 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, FPT giảm sàn với mức giảm 5.000 đồng/cổ phiếu, SSI giảm 3.500 đồng/cổ phiếu. Hàng loạt các cổ phiếu như: REE, STB, PPC... tiếp tục xuống dốc, dù đây là những cổ phiếu dẫn dắt thị trường, đứng đầu về khối lượng giao dịch. Sự sụt giảm của các cổ phiếu này đã lấy đi khá nhiều điểm của VN-Index, đẩy thị trường tiếp tục đi xuống, bất chấp 32 mã chứng khoán khác tăng giá, 17 mã đứng giá. Tương tự, tại sàn Hà Nội, nhiều cổ phiếu chủ chốt trên sàn mất điểm đã kéo lùi HaSTC-Index về mức 196,17 điểm, giảm 1,61 điểm. |
(Theo nld.com.vn)