Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Tuesday, December 4, 2007

Sốt nhà đất: Giao dịch online bùng nổ

Cập nhật ngày 29/11/2007 (GMT+7)
Sốt nhà đất: Giao dịch online bùng nổ
Xem anh phong to
Thị trường bất động sản ngày càng nóng. Ảnh : Vnn
Thị trường bất động sản đang ’nóng’ lên từng ngày, từng giờ, nhu cầu tìm hiểu thông tin thị trường càng trở nên cấp thiết. Hàng loạt các website chuyên đề ra đời với nhiều tiện ích kèm theo, đã cung cấp thông tin một cách kịp thời và nhanh chóng.

Đây không phải lần đầu tiên giao dịch trực tuyến thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Trong thời đại công nghệ thông tin này, đã có nhiều công ty kinh doanh với hình thức như thế. Tuy nhiên, chưa bao giờ, thị trường lại sôi động với các website chuyên đề như hiện nay.

Thị trường bất động sản đang ngày càng “nóng” lên, bùng nổ và hứa hẹn trong tương lai, sẽ còn nhiều biến chuyển. Khắp nơi trong thành phố, giá nhà đất cứ tăng cao liên tục không ngừng, tuy vậy cầu vẫn vượt xa cung. Một điều mâu thuẫn là Việt Nam, tuy là quốc gia nghèo nhưng lại có tỉ lệ tăng giá bất động sản cao nhất trên thế giới. Điều này do nhiều nguyên nhân gây ra, một trong số đó chính là tình trạng đầu cơ tích trữ.

Mặc dù Chính phủ đã và đang tìm cách ngăn chặn tình trạng đầu cơ - nguyên nhân chính gây ra những “cơn sốt bất động sản” - đẩy giá nhà đất lên cao liên tục, bằng cách biên soạn các nghị định, chính sách thuế mới, các nhà đầu cơ vẫn hoạt động sôi nổi và ngày càng mãnh liệt hơn, do chính sự thiếu hụt thông tin của khách hàng.

Nắm bắt được tình hình đó, các Website bất động sản ra đời, kịp thời cung cấp đầy đủ các thông tin cùng nhiều tiện ích miễn phí khác. Điều này sẽ mang lại nhiều thuận lợi hơn so với các bài báo, tạp chí, nhưng không phải tất cả các website nào cũng đều hoạt động hiệu quả như nhau.


Một trong số những website chuyên đề bất động sản hoạt động hiệu quả hiện nay có thể kể đến trang http://www.raovatnhadat.net thuộc Công ty SOFFT, tuy chỉ mới ra đời trong một thời gian ngắn nhưng đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khách hàng.

Các website ra đời sẽ làm thay đổi cách mọi người tìm kiếm, mua bán hay cho thuê bất động sản. Chỉ cần ngồi tại nhà hay một quán café wireless nào đó, với một cái nhấp chuột nhanh chóng, mọi thông tin nhà đất sẽ hiện ra ngay trước mắt bạn. Khách hàng sẽ cập nhật được những biến chuyển trong thị trường từng giờ, từng phút và mọi lúc mọi nơi. Đăng nhập trở thành thành viên của http://www.raovatnhadat.net là miễn phí. Tại đây, khách hàng sẽ được hỗ trợ rao vặt trực tuyến, mua bán, trao đổi bất động sản, đăng thông tin các dự án. Hay đơn giản chỉ là tìm kiếm nhà đất, ….Thông tin tại đây được cập nhật một cách nhanh chóng và theo sự khẳng định từ phía công ty này đưa ra là :"Chính xác" .

Người đọc có thể...thử một lần để có sự khẳng định riêng của mình về sự nhanh nhạy, chính xác của các Website chuyên giao dịch online về bất động sản.


tintucnhadat.net

Cuộc săn lùng những "tấc đất vàng" nội đô cuối cùng

Ngày 04-12-2007, 09:09
Cuộc săn lùng những "tấc đất vàng" nội đô cuối cùng

Khu Nhà máy cồn rượu tại 94 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng, HN) trải dài mặt tiền nhiều phố lớn như Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ - niềm mơ ước của nhiều nhà đầu tư.
"Quỹ đất Thủ đô Hà Nội sắp hết!" - thông điệp này vừa được Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường đồng nhấn mạnh trong cuộc làm việc với TP Hà Nội cuối tuần qua.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết, 15 năm qua, diện tích nội thị tăng 4,5 lần (từ 40km2 lên 178km2). Đất ở, đất cơ quan, đất y tế... tăng 165%-235% nhưng đất giao thông, đất nghĩa trang, đất cho rác thải vẫn "khiêm tốn" ở mức 48%, trong khi diện tích Thủ đô vẫn chỉ có vậy! Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên thì khẳng định: "Với tốc độ phát triển như hiện nay, đến năm 2010 Thủ đô Hà Nội sẽ hết quỹ đất (nếu còn thì cũng là đất không sử dụng được, khả năng sinh lời rất thấp)".

Đất "vàng" hé lộ ở nơi... khó ngờ!?

Chắc rằng, chẳng phải đến khi các Bộ trưởng công bố những dữ liệu này, giới đầu tư bất động sản mới "sực" hiểu ra điều đó! Hơn bất cứ một ngành nghề nào khác, các "đại gia nhà đất" tỏ ra nhạy cảm nhất với sự ngày càng eo hẹp, căng thẳng của thị trường bất động sản. Họ thấm nhuần chân lý "đất là cái không thể sản xuất được ra, sinh sôi thêm ra trên thế giới này" và nhất là đất đai nội thị lại càng đúng như "gà đẻ trứng vàng" (mà các đại biểu Quốc hội từng ví)...

Không thể kinh doanh bất động sản kiểu "mạo hiểm" lấn sông, lấn biển để làm dự án; không cảm thấy khả thi khi khai thác "cõi âm" bởi qui hoạch ngầm chưa có, đồng thời chưa hướng được thói quen cộng đồng "chui" vào nghỉ ngơi, mua sắm trong lòng đất... nên xem ra việc xây các công trình ngầm chỉ thích hợp cho bãi đỗ xe và tàu điện; cũng ngại cải tạo chung cư cũ dù đắc địa bởi phải "va chạm" với dân, tính toán từng phần trăm (%) đồng thuận, rồi lo nhà cho dân ở tạm, đón dân đi, đưa dân về,... nhiều nhà đầu tư vừa khám phá ra đất vàng "dạng tiền chế" ở những nơi thoạt trông có vẻ "búi xùi"!

Đó là nền những nhà máy cũ, cơ sở sản xuất trong nội thị sắp phải di dời ra ngoại thành theo chủ trương chung. "Đóng đô" từ vài chục năm nay tại Hà Nội, các nhà máy "vang bóng một thời" này thường chiếm những diện tích lớn, vuông vức, đôi khi là cả một ô phố với nhiều mặt tiền (không mỏng như những ô đất dành xây tập thể lắp ghép cũ) và đường sá xung quanh khá rộng rãi, ổn định (được hình thành phù hợp với "lịch sử" vận chuyển hàng hóa ra, vào nhà máy).

Thống kê chưa đầy đủ, Hà Nội hiện có khoảng 1.000 nhà máy, cơ sở sản xuất trong diện phải di dời. Từ năm 2003, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định nêu rõ diện tích đất của các đơn vị sau di chuyển được ưu tiên xây dựng các công trình công cộng (trường học, vườn hoa…) và một phần sử dụng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ. Đối với phần diện tích đất sau khi di chuyển dùng để xây dựng công trình công cộng, đơn vị đang sử dụng đất được nhận tiền bồi thường theo qui định về giải phóng mặt bằng của Chính phủ.

Ngoài ra, đơn vị đang sử dụng đất được chuyển nhượng quyền sử dụng đất thông qua bán đấu giá đối với phần diện tích dành để xây dựng công trình kinh doanh, dịch vụ và được hưởng 50% giá trị thu được, phần còn lại nộp vào ngân sách thành phố.


Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi trường Phạm Khôi Nguyên (trái) và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân tại cuộc làm việc với Hà Nội ngày 1/12/2007.

Đầu năm 2007, Chính phủ có thêm Quyết định 09/2007/QĐ-TTg về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, qui định: "Số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà, đất của tổ chức kinh tế phải di dời (sau khi trừ đi phần chi phí tổ chức đã đầu tư vào đất nhưng chưa thu hồi được, các chi phí khác liên quan đến việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất) được hỗ trợ cho tổ chức kinh tế phải di dời. Mức hỗ trợ cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cùng cấp cho ý kiến về chủ trương xử lý chung hoặc có nghị quyết giao cho UBND cấp tỉnh quyết định nhưng không quá 30% số tiền thu được và mức tối đa không quá 5 tỉ đồng".

Phát biểu trước cuộc họp với Chính phủ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng 5 tỉ đồng hỗ trợ (trên) không đủ cho các đơn vị thực hiện di dời, tuy nhiên lãnh đạo Bộ liên quan đã khẳng định 5 tỉ này chỉ nhằm hỗ trợ việc di chuyển mà thôi.

Đổi nhà máy ô nhiễm lấy cao ốc quá tải dân số?

Đón nhận chủ trương này, giới đầu tư "không ai bảo ai" âm thầm săn lùng các cơ sở sản xuất, nhà máy trong nội đô đang đứng trước nguy cơ "bật bãi". Nhà máy càng hoành tráng, càng "phát lộ" nhiều đất "vàng", vị trí càng đắc địa thì dãy nhà đầu tư xếp hàng càng dài... Loạt công ty cổ phần mới tinh ra đời không "che giấu" mục đích chính là nhắm vào các nhà máy trong nội đô sắp chuyển.

Một nhà đầu tư "hé mở": Ông đang phải mặc cả với nhà đầu tư khác còn nhanh chân hơn ông để "tiếp cận đất đai" một dự án dự kiến triển khai trên nền cũ một nhà máy ngay gần hồ Hoàn Kiếm, với mức hàng chục tỉ đồng!? Ông cũng thấy rằng nhà đầu tư "đi tắt đón đầu" kia đòi giá như vậy hơi cao nhưng vẫn gắng theo đuổi vì rất "máu" mảnh này.

Khu Nhà máy Cơ khí 120 tại 609 Trương Định (quận Hoàng Mai) rộng hơn 26 nghìn m2 với mặt tiền trải dài dọc phố chính.

Tại Hà Nội giờ đây, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất chưa biết bao giờ mới dời đi nhưng đã lũ lượt doanh nghiệp "đăng ký xí phần". Điển hình là khu Nhà máy cồn rượu tại 94 Lò Đúc (Hai Bà Trưng) với những mặt tiền đắc địa trải dài nhiều phố trung tâm, như: Nguyễn Công Trứ, Lò Đúc... từng được lên kế hoạch thay thế bằng Khu liên cơ quan hành chính TP và nhiều nhà vườn, thu hút sự chú ý của khá đông nhà đầu tư lớn nhỏ. Khi Khu tập thể Nguyễn Công Trứ gần đó được cải tạo, quỹ đất nhà máy này hứa hẹn tạo nên những khu liên hoàn, hài hòa cảnh quan với "đô thị mới" Nguyễn Công Trứ.

Tuy nhiên, gần đây nhất, TP đã ra Thông báo 399/TB-UBND giao Sở QH-KT điều chỉnh lại qui hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 (đã được phê duyệt tháng 8/2006) toàn bộ khu này theo hướng khác (không có Khu liên cơ quan và các nhà vườn nữa), đồng thời Sở KH&ĐT kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ dự án này (trong đó đặc biệt chú ý đến sự phù hợp của các thỏa thuận, hợp đồng giữa Công ty CP Rượu HN và Công ty CP Kinh doanh dịch vụ nhà so với các qui định của Nhà nước và TP).

UBND TP cũng vừa thống nhất về chủ trương để Công ty TNHHNH 1 TV Cơ khí HN di dời cơ sở sản xuất tại 74 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) ra khỏi khu dân cư và hợp tác với các doanh nghiệp khác (Công ty CP Vincom, Công ty CP Vinpearl, Công ty TNHH Dịch vụ tổng hợp và đầu tư HN) lập dự án đầu tư xây dựng khách sạn, văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, căn hộ cao cấp...

Ngày 27/11/2007 qua, diện tích 26.378,3m2 đất của Nhà máy Cơ khí 120 tại 609 Trương Định (quận Hoàng Mai) cũng vừa được UBND TP thống nhất về chủ trương di dời và hợp tác với Công ty TNHHNN 1 TV Sông Đà 1 lập dự án đầu tư xây dựng Khu tổ hợp văn phòng, chung cư cao cấp kết hợp trung tâm thương mại...

Hà Nội sắp cạn sạch quỹ đất, nhất là tại nội đô.

Cho đến thời điểm này, hầu như chưa một nhà máy, cơ sở sản xuất nào tại nội thành Hà Nội khi có ý định dời đi được chuyển thành vườn hoa, trường học, khu vui chơi công cộng, câu lạc bộ, tượng đài (những cái khu vực nội đô thực sự đang thiếu) hay thậm chí, để mở một con đường thông thoáng... Nhà máy dời đi, khu vực đó thoát được ô nhiễm tiếng ồn, khí, thải... thì lại đối mặt với sự quá tải về dân cư khi các cao ốc mới hình thành...

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh: "Hà Nội ngày nay có quyền chọn các nhà đầu tư theo ý mình. Đầu tư vào Hà Nội hiện nay phải bằng những công nghệ cao, không gây ô nhiễm và sinh lợi lớn. Giá trị sinh lời hiện nay của đất đai Hà Nội rất cao, nhưng không phải vì thế mà xây quá nhiều nhà cao tầng, chung cư tại trung tâm, kéo dân về, không còn chỗ nào cho giao thông! Theo tôi, sau này qui hoạch lại, khu nội đô nên tập trung cho dịch vụ, không nên phát triển quá nhiều các khu dân cư".

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân thì nhận định: "Sắp hết đất rồi, các nhà đầu tư rất muốn thay đổi hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao ở những đô thị tập trung - nhưng trước hết phải theo qui hoạch, mà qui hoạch chi tiết do chính quyền địa phương phê duyệt. Không thể có chuyện xin - cho từng dự án, từng cơ sở sản xuất!... Xây dựng đô thị có đặc thù riêng, khác với xây dựng công trình. Để thực hiện một dự án phát triển đô thị, chính quyền phải duyệt qui hoạch. Qui hoạch là quyền của Nhà nước. Qui hoạch 1/500 trong dự án có thể do chủ đầu tư lập, nhưng phải do chính quyền duyệt. Trong một dự án phát triển đô thị có 2 việc chính quyền phải làm: duyệt qui hoạch và thỏa thuận cơ chế, còn tiền do nhà đầu tư bỏ ra".

Đó là chưa kể đến việc để "hé lộ" được đất vàng trong nội đô, các khu công nghiệp bị dãn ra ngoài thì lại "động chạm" đến các khu đô thị của tỉnh bên cạnh, vì nói như Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - "mép tỉnh mình có khi lại gần trung tâm tỉnh bạn". Cách đây vài năm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân từng có câu nói nổi tiếng: Di dời nhà máy khỏi đô thị hiện nay tức là "đổ ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác"!

Vậy là, để "vét" được chút "đất vàng" cuối cùng đang ẩn mình dưới "bề nổi" nhà máy, cơ sở sản xuất cũ - là một bài toán không đơn giản với đơn vị di dời, nhà đầu tư, các sở, ngành, TP và có khi cả các tỉnh lân cận! Có được "đất vàng" khó khăn như vậy, sử dụng chút "đất vàng" còn lại ấy thế nào càng cần thận trọng gấp bội - để Thủ đô bé nhỏ không rơi vào tình trạng "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", thoát ô nhiễm này thì lại "gánh" thêm ô nhiễm mức cao hơn, không chỉ ảnh hưởng một khu vực chuyên biệt nào mà đe dọa sự phát triển bền vững của cả cộng đồng đô thị.

Theo VNN

IPO Vietcombank: Giá khởi điểm 100.000 đ/CP, mỗi NĐT được mua tối đa 500.000 CP

Ngày 04-12-2007, 13:52
IPO Vietcombank: Giá khởi điểm 100.000 đ/CP, mỗi NĐT được mua tối đa 500.000 CP

(ĐTCK-online) Cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã được ấn định vào ngày 26/12/2007 với mức giá khởi điểm 100.000 đồng/CP. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư cá nhân sẽ chỉ được mua tối đa 500.000 cổ phiếu của ngân hàng hàng đầu Việt Nam này.

Sở GDCK TP.HCM (HOSE) đã có thông báo về ngày đấu giá cổ phần của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và mức giá khởi điểm.
Theo đó, phiên đấu giá sẽ diễn ra lúc 9h00 giờ ngày 26/12 tại HOSE, với mức giá khởi điểm là 100.000 đồng/cổ phần. Các CTCK có nhu cầu làm đại lý cho cuộc đấu giá cổ phần Vietcombank phải đăng ký với HOSE trước 11h ngày 5/11. Theo đó, số lượng cổ phần Vietcombank bán đấu giá là 97.500.000 cổ phần (tương đương 975 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu), với giá khởi điểm 100.000 đồng/cổ phần. Tất cả nhà đầu tư trong và ngoài nước đều được phép tham gia đấu giá.

Theo thông tin từ Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngày 6/12 tới đây các thông tin về đợt IPO của ngân hàng sẽ được chính thức công bố rộng rãi. Các thông tin được công bố bao gồm Bản công bố thông tin, kế hoạch cụ thể cho đợt IPO, chiến lược hoạt động sau cổ phần hóa…

Sau khi chính thức công bố thông tin, Vietcombank sẽ tiến hành các buổi giới thiệu cơ hội đầu tư vào Vietcombank, dự kiến sẽ được thực hiện vào ngày 11/12 tại Hà Nội và ngày 18/12 tại TP.HCM. Sau đó ngày 26/12, cuộc IPO của Vietcombank sẽ chính thức được tiến hành.

Theo như Quyết định 2900/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về việc công bố giá trị doanh nghiệp và bán đấu giá cổ phần của Vietcombank thì số cổ phần đấu giá công khai là 97,5 triệu cổ phần, trong đó dành cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 29,25 triệu cổ phần (30% khối lượng đem đấu giá). Khối lượng cổ phần tối đa đăng ký mua khi đấu giá cổ phần trong nước đối với pháp nhân là 4.000.000 cổ phần, đối với thể nhân là 500.000 cổ phần.

Vân Linh - Tuấn Khánh

Sẽ có thêm 3 Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại VN

Ngày 05-12-2007, 10:00
Sẽ có thêm 3 Chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại VN

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phùng Khắc Kế ngày 4/12 cho biết, 3 trong số 19 bộ hồ sơ xin mở chi nhánh tại Việt Nam của các ngân hàng nước ngoài đệ trình lên Ngân hàng Nhà nước đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc.

Các ngân hàng được chấp thuận mở chi nhanh là Commonwealth Bank của Ôxtrâylia, IBK của Hàn Quốc và Fubon của Đài Loan.

Theo ông Kế, để được cấp phép, các ngân hàng đệ đơn cần thỏa mãn mọi điều kiện đã quy định trong Nghị định 22 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.

Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải đáp ứng được những luật và quy định hiện hành, trong đó giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan giám sát của tổ chức tín dụng nước ngoài phải có biên bản hợp tác hoặc biên bản ghi nhớ.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng nhận được 5 bộ hồ sơ xin thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước cũng vừa chấp thuận về mặt nguyên tắc việc thành lập thêm 4 ngân hàng thương mại trong nước, bao gồm ngân hàng Dầu khí, Bảo Việt, FPT và Liên Việt.

Theo TTXVN

Vốn điều lệ của MB sẽ đạt 3.400 tỷ đồng vào cuối năm 2008

Ngày 04-12-2007, 13:59
Vốn điều lệ của MB sẽ đạt 3.400 tỷ đồng vào cuối năm 2008

(ĐTCK-online) Được sự chấp thuận của NHNN và UBCKNN, trong tháng 12 tới Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) sẽ phát hành cổ phiếu đợt 2/2007 cho các cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ từ 1.547,2 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng theo đúng kế hoạch tăng vốn đã được ĐHĐCĐ thông qua vào tháng 4/2007.

Theo dự kiến trước đây, số cổ phiếu này được ưu tiên chào bán cho các đối tác chiến lược trong và ngoài nước theo phương án cụ thể giữa hai bên. Tuy nhiên, đến nay quá trình đàm phán giữa MB và các đối tác chiến lược vẫn chưa hoàn tất nên số cổ phiếu còn lại được ưu tiên chào bán các cổ đông hiện hữu. Trong đợt chào bán này, các cổ đông hiện hữu của MB sẽ được quyền mua 28% tổng số cổ phiếu đang sở hữu tính đến ngày 3/12/2007 với giá 15.000 đồng/cổ phiếu.

Trong vòng 10 ngày đăng ký và nộp tiền mua cổ phiếu đầu tiên (từ 04/12/2007 đến 14/12/2007), các cổ đông có thể chuyển nhượng quyền mua của mình cho người khác theo quy định cụ thể của MB về thủ tục chuyển nhượng cổ phiếu. Tính đến 30/10/2007, MB đã hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2007. Cụ thể huy động vốn đạt 17.434 tỷ đồng; dư nợ đạt 10.422 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 21.500 tỷ đồng; lợi nhuận xấp xỉ 500 tỷ đồng và dự kiến sẽ đạt 550 tỷ đồng khi kết thúc năm tài chính 2007, vượt hơn 30% so với kế hoạch và gấp 2,2 lần năm 2006.

Cũng trong thời gian này, MB đang lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ năm 2008. Dự kiến mức tăng tối thiểu là 1.400 tỷ đồng đạt 3.400 tỷ đồng vào cuối năm 2008, bổ sung từ hai nguồn chia cổ tức năm 2007 bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu mới cho đối tác chiến lược và các đối tượng khác. Tùy thuộc vào kết quả hoạt động kinh doanh tại thời điểm 31/12/2007, HĐQT MB sẽ quyết định mức chia cổ tức cụ thể của năm 2007, dự kiến sẽ không thấp hơn 27%/năm (2.25%/tháng). Mức tăng vốn điều lệ này được tính toán dựa trên nhu cầu sử dụng vốn trong năm tới cũng như đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng như ROE trên 20%, ROA trên 1,7%, tỷ lệ an toàn vốn trên 8%, lợi nhuận tối thiểu 700 tỷ đồng.

Ngày 3/12, chi nhánh MB An Phú (quận 2, TP.HCM) vừa chính thức mở cửa đón khách hàng giao dịch cung cấp đầy đủ các sản phẩm dịch vụ, cho cả hai nhóm là khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, MB chi nhánh An Phú còn tiếp nhận, nghiên cứu tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn dưới các hình thức liên doanh, góp vốn mua cổ phần, mua trái phiếu đô thị, tài trợ dự án… Tiếp theo chi nhánh An Phú, MB sẽ tiếp tục khai trương các chi nhánh tại Đồng Nai, Quảng Ngãi và nhiều địa phương khác nhằm thực thi chiến lược mở rộng quy mô hoạt động, tăng số điểm giao dịch lên tối thiểu 65 điểm ngay trong năm 2007.

Vân Linh

FPT giới thiệu phần mềm ứng dụng cho ngành chứng khoán và Quỹ đầu tư

Ngày 04-12-2007, 14:00
FPT giới thiệu phần mềm ứng dụng cho ngành chứng khoán và Quỹ đầu tư

(ĐTCK-online) Ngày 4/12, lần đầu tiên Công ty hệ thống thông tin FPT (FPT-IS) phối hợp với Oracle và I-Flex Solutions chính thức giới thiệu giải pháp phần mềm ứng dụng của Oracle cho ngành chứng khoán và quỹ đầu tư tại Việt Nam.

Giải pháp phần mềm ứng dụng của Oracle là giải pháp đã được đóng gói, tập trung vào các ứng dụng quản lý nội bộ cho các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư. Giải pháp này đã được công ty hệ thống thông tin FPT và Oracle tiến hành bản địa hoá để phù hợp với các công ty chứng khoán Việt Nam. Giải pháp này đáp ứng các yêu cầu về quản lý nội bộ như quản lý tài chính kế toán, mua hàng, kho, nhân sự… và đặc biệt có khả năng kết nối với các hệ quản lý nghiệp vụ chứng khoán. Với kinh nghiệm nhiều năm trên thị trường quốc tế và tại Việt Nam, Oracle và công ty Hệ thống thông tin FPT cam kết sẽ đáp ứng tối đa các nhu cầu của khách hàng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi nhuận của doanh nghiệp chứng khoán.


Oracle là công ty phần mềm lớn thứ hai thế giới với doanh số hơn 14 tỷ USD/ năm. Hoạt động trên 140 nước với gần 58.000 nhân viên. Thành lập năm 1977, Oracle có trụ sở chính tại Redwood Shores, có chi nhánh hoạt động tại 145 nước. Với trụ sở chính tại Hà Nội được thành lập vào năm 1994, các hệ thống ERP Oracle cung cấp bao gồm: hệ thống Quản trị CSDL; Quản trị doanh nghiệp (Oracle EBS, JD Edward E1, PeopleSoft Enterprise); Quản trị Quan hệ khách hàng (Siebel CRM); Và các giải pháp chuyên dụng khác. Công ty Hệ thống thông tin FPT là thành viên của tập đoàn FPT, cung cấp giải pháp phần mềm, dịch vụ ERP; Công nghệ mạng, Hệ thống máy chủ lớn; Hệ thống lưu trữ và giải pháp bảo mật hệ thống thông tin;Hệ thống trung tâm dữ liệu… Trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính, Công ty Hệ thống Thông tin FPT là đơn vị dẫn đầu về cung cấp giải pháp hạ tầng công nghệ thông tin và bảo mật cũng như triển khai phần mềm, tư vấn giải pháp.

Thùy Vinh

Lơ là bảo mật thông tin chứng khoán

Ngày 04-12-2007, 12:14
Lơ là bảo mật thông tin chứng khoán

Ông Nguyễn Tử Quảng
(ĐTCK-online) Chỉ cần chưa đầy 3 phút, một chuyên gia công nghệ thông tin đã truy nhập được vào hệ thống quản trị trang web của một CTCK và thay đổi nội dung thông tin về một công ty niêm yết. Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm an ninh mạng (BKIS) cho biết, kết quả đợt kiểm tra mới nhất của Trung tâm với các trang web về chứng khoán cho thấy, có tới 40% trang web được kiểm tra tồn tại lỗi và hacker có thể lợi dụng chiếm quyền kiểm soát hoặc đánh sập mạng một cách dễ dàng.

Kể từ tháng 6, khi ông gửi khuyến cáo tới Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về tình trạng nhiều CTCK lơ là với tình trạng bảo mật thông tin mạng, trong khi đây là kênh cung cấp thông tin chính tới nhà đầu tư (NĐT), đến thời điểm này, ông có nhận xét gì về tình hình bảo mật của các trang web, hệ thống giao dịch của các công ty và cơ quan quản lý chứng khoán?

Trước đó, tháng 4/2007, chúng tôi có đưa ra một báo cáo về việc lỗ hổng tồn tại ở 12/22 trang web chứng khoán, dễ bị hacker lợi dụng chiếm quyền kiểm soát bất kỳ lúc nào. Nếu không được vá lỗi kịp thời, kẻ xấu có thể thay đổi kết quả giao dịch, sửa chỉ số chứng khoán, đưa thông tin thất thiệt. Sau cảnh báo đó, có khoảng 50% trang web được vá lỗi.

Tháng 6, chúng tôi có kiểm tra lại và thấy ở một số công ty, vấn đề bảo mật vẫn lơ là đến nỗi một chuyên gia về công nghệ thông tin bên ngoài có thể đăng nhập vào hệ thống quản trị và theo dõi được toàn bộ diễn biến đặt lệnh, giao dịch của NĐT tại CTCK đó. Trước tình hình như vậy, chúng tôi tiếp tục gửi công văn cho UBCKNN để cảnh báo về vấn đề này, trong đó nêu đích danh các công ty chưa sửa lỗi. Sau đó, tôi được biết, UBCKNN đã có công văn yêu cầu các CTCK quan tâm đến an ninh mạng. Theo kết quả đợt khảo sát mới nhất của BKIS cuối tuần qua, trong số gần 150 trang web về chứng khoán đang hoạt động, có tới 40% có lỗi và hacker có thể đăng nhập hệ thống quản trị dễ dàng.

Như ông nói thì hệ thống công nghệ thông tin của các CTCK có đảm bảo vấn đề quản lý tài khoản của NĐT một cách an toàn?

Chúng tôi gọi lỗi trên các trang web là lỗi hệ thống, có nghĩa là doanh nghiệp không quan tâm tới vấn đề an ninh mạng đúng mức, vì vậy lỗi có thể xảy ra ở nhiều điểm của hệ thống. Hiện nay, điểm yếu nhất của các CTCK nằm ở trang web. Hacker có thể xâm nhập qua trang web rồi sau đó tiến vào các hệ thống khác, lợi dụng các lỗ hổng mà âm thầm thay đổi, tung tin sai hay lấy, sửa thông tin tài khoản của nhà đầu tư được quản lý trên đó. Nguy hiểm ở chỗ, không thể xác định chính xác và nhanh chóng công ty nào bị hacker trộm dữ liệu. Vì nếu muốn trục lợi, hacker không dại gì đánh sập trang web để mọi người biết, hơn nữa do nhiều trang web bị lỗi nên hacker có thể tạo ra hàng loạt tin sai giống nhau trên nhiều trang web để NĐT không nghi ngờ.

Một số CTCK triển khai dịch vụ giao dịch qua mạng có áp dụng những giải pháp nhằm tăng tính bảo mật như cung cấp giải pháp xác thực mật khẩu giao dịch tĩnh thông qua thẻ giấy/nhựa hoặc mật khẩu động chỉ dùng một lần. Giải pháp như vậy có đảm bảo an toàn cho NĐT?

Giải pháp mà bạn đề cập nhằm hỗ trợ NĐT bảo vệ tài khoản và giao dịch của họ, song ở đây tôi muốn nhấn mạnh đến hệ thống bảo mật của hệ thống công nghệ của các CTCK. Khi người bên ngoài có thể làm chủ hệ thống quản trị và thay đổi mọi dữ liệu trên đó, thì dù NĐT không bị lộ mật khẩu truy cập và giao dịch, họ vẫn lấy được các thông tin liên quan đến tài khoản và thao tác giao dịch như NĐT. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng, chỉ những công ty lơ là đến bảo mật an ninh mạng mới có thể rơi vào tình trạng như vậy, còn phần lớn những công ty lớn, đầu tư bài bản thì hệ thống tốt và kẻ xấu khó có thể chiếm quyền kiểm soát.

Khi thực hiện giao dịch qua mạng, NĐT phải cam kết chấp nhận mọi rủi ro. Theo ông, trong trường hợp hacker xâm nhập hệ thống và gây ra thiệt hại cho NĐT, liệu có thể coi đây là nguyên nhân khách quan và NĐT phải chịu mọi tổn thất?

Nếu như xảy ra tình huống như vậy thì cần phân định rõ, trường hợp CTCK đã cố gắng tối đa để đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống song vẫn bị kẻ xấu tấn công, gây thiệt hại cho NĐT thì cũng có một phần trách nhiệm, song trường hợp CTCK lơ là bảo mật an toàn mạng thì không thể phủ nhận trách nhiệm với NĐT. Cũng giống như trường hợp anh là ban quản lý chợ, anh tổ chức bảo vệ trông coi không tốt, kẻ xấu đột nhập ăn trộm của chủ hàng thì anh không thể đổ lỗi là do chủ hàng không khóa cẩn thận.

NĐT khó thể nhận biết hệ thống của công ty nào đảm bảo, công ty nào không. Theo ông, cơ quan quản lý nên làm gì để giúp NĐT tự bảo vệ quyền lợi của mình?

UBCKNN nên đưa ra khuyến cáo cho các công ty về tình trạng đảm bảo an toàn thông tin, bởi nếu như thông tin đưa trên các trang web uy tín bị sai lệch có thể ảnh hưởng rất lớn tới quyết định mua bán của NĐT. Hơn nữa, khi rủi ro xảy ra, rất khó phân định và chứng minh liệu có phải NĐT mua theo thông tin sai lệch đó. Với tình hình bùng nổ các CTCK như hiện nay và thị trường phát triển sang giai đoạn mới, đặc biệt tới đây giao dịch trực tuyến phổ biến thì UBCKNN nên yêu cầu các CTCK phải có chứng chỉ đảm bảo an ninh mạng. NĐT thấy công ty nào có chứng chỉ thì có thể an tâm.

Chi phí đầu tư cho bảo mật và vá lỗi trên các trang web liệu có quá tốn kém và mất nhiều thời gian?

Thực ra, đầu tư cho bảo mật không hề tốn kém, vấn đề là CTCK cần quan tâm tới nó. Họ cần có các nhà tư vấn chuyên nghiệp để sử dụng đúng cách các thiết bị đã có, đưa ra quy trình vận hành. Sửa lỗi trên trang web cũng không quá mất thời gian, có thể chỉ mất một vài ngày và chi phí tùy từng hệ thống có thể vài chục tới vài trăm triệu đồng.

Phong Lan thực hiện.

Kinh tế

Blog Archive

Topics