Chứng khoán ngày 24/3: Hết cách “cứu” thị trường?
![]() |
Thị trường chứng khoán Việt Nam từng được đánh giá là phát triển tốt nhất khu vực châu Á. |
VN-Index thẳng tiến về mốc 500 điểm. Liệu đà suy thoái hiện nay của thị trường đã hết phương “cứu chữa”?
Giá trị của từ “suy thoái” đang dần trọn vẹn để nói về thị trường thời điểm này, khi tính thanh khoản đang dần mất đi, đà giảm diễn ra nhanh, mạnh và kéo dài!
Cách đây một năm, nhiều đánh giá trên thế giới tập trung nói về thị trường chứng khoán Việt Nam với ấn tượng là thị trường phát triển tốt nhất châu Á. Còn nay, mọi con mắt quan sát đang hướng về khả năng “ứng cứu” và chờ đợi điểm kết của đà suy thoái.
Nhưng với phiên hôm nay, thị trường tiếp tục cho thấy một thách thức lớn trong khả năng ngăn chặn, trước khi nói đến phục hồi. Bởi trước thêm phiên này, thị trường đã xuất hiện nhiều thông tin tích cực.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định "liệu pháp" SCIC đã chính thức mờ nhạt, nếu không nói là thất bại. Vậy thị trường sẽ tự điều chỉnh hay phải cần tới những hỗ trợ mới? Vế sau là điều nhà đầu tư đang mong đợi, nhưng “cứu” như thế nào vẫn là một khó khăn.
Sẽ mở “room”, bơm tiền hỗ trợ thị trường, cho cơ chế mua - bán khống, cho nhà đầu tư mở nhiều tài khoản, cởi mở cơ chế cho vay đầu tư chứng khoán…? Những giải pháp này đều khó hiện thực. Trường hợp thực hiện, triển khai thế nào cũng là câu hỏi lớn, bởi Chính phủ đã lần lượt “mất” những “quân bài” chiến lược như lùi thời điểm đánh thuế thu nhập, SCIC vào cuộc, dãn IPO…
Một lần nữa, cảnh báo về những phương thuốc không đủ liều, dùng không đúng cách có thể khiến bệnh tình thêm trầm trọng lại được nhắc tới.
Xét lại, mối quan ngại lớn nhất hiện nay là lạm phát. Hiện đã có tín hiệu các chính sách kiềm chế đang bắt đầu phát huy tác dụng. Cuối tuần qua, khả năng tăng giá những mặt hàng chủ chốt như xăng dầu, xi măng… đã được chốt lại. Trong tuần này, các cơ quan chức năng cũng sẽ ngồi lại để tiếp tục bàn về những giải pháp kiềm chế.
Mối quan ngại thứ hai là tâm lý nhà đầu tư. Trong đà bán tháo hiện nay, nguồn chủ yếu được xác định từ các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán, áp đảo dòng chảy của khối cá nhân. Một số chuyên gia phát biểu cuối tuần qua cho rằng nếu chặn được dòng “xả lũ” nói trên sẽ tạo tâm lý rất thuận lợi cho thị trường, nhất là khi giá nhiều chứng khoán đã giảm dưới cả giá trị sổ sách.
Nhưng giá vẫn đang giảm mạnh. Phiên hôm nay trên sàn Tp.HCM vẫn tiếp tục khủng hoảng giá sàn với khoảng 90% mã. VN-Index giảm tới 24,61 điểm, gần hết khả năng cho phép và chỉ còn 521,07 điểm. Đáng chú ý là lượng mua vào đã hạn chế, dư mua thưa thớt trong khi dư bán ngập sàn. Tổng khối lượng chỉ còn 10 triệu đơn vị (kể cả trái phiếu) với 498,2 tỷ đồng giá trị.
Ngoài một số mã xanh như TMS, SGH, SFN, PAC, còn lại hầu hết đều giảm mạnh. Nếu diễn biến này tiếp diễn, nhiều khả năng thị trường sẽ phải chấp nhận một thực tế có một nhóm hàng trở về gần với mệnh giá!
Trên sàn Hà Nội, HASTC-Index cũng giảm mạnh 13,36 điểm, xuống còn 178,56 điểm; khối lượng và giá trị giao dịch ổn định so với phiên trước, có 5,1 triệu cổ phiếu giao dịch với 245 tỷ đồng.
Cùng như trên sàn Tp.HCM, phần lớn cổ phiếu trên HASTC đều đồng loạt giảm sàn. Diễn biến này cho thấy thị trường vẫn đang dốc ngược, không có sự phân biệt giữa các chứng khoán tốt với xấu.
(Theo vneconomy.vn)
Thương trường khốc liệt
![]() |
Chứng khoán Việt Nam ngày càng lùi sâu hơn. |
Mệt mỏi, chán nản, đó là tâm trạng của hầu hết những NĐT chứng khoán thời gian qua. Những điểm đáy của thị trường liên tiếp bị phá vỡ. Điều mà ít ai nghĩ tới vào thời điểm cách đây vài tháng lại đang hiện hữu, VN Index đang lùi nhanh về mốc 500 điểm. Song, dấu hiệu khiến NĐT không thể an lòng là đồ thị liên tục rơi kèm theo đó là lượng giao dịch mỗi ngày một suy giảm.
Cho dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng giao dịch sụt giảm cho thấy nhiều dấu hiệu NĐT nhỏ lẻ đang “cắt lỗ” và thoái lui khỏi thị trường. Thật khó trông đợi khi bên mua trống rỗng, bên bán vẫn lũ lượt xếp hàng dài. Đếm số lượng CP giảm kịch sàn đã trở thành một công việc nhàm chán và vô nghĩa đối với thị trường trên cả hai sàn giao dịch. Qua nhiều ngày giao dịch thất vọng, chứng khoán đã làm cho những người "phải lòng" chứng khoán ít nhiều đều không thể an lòng.
Trái với cái thời háo hức tham gia đặt lệnh mua và hồi hộp chờ xem kết quả lệnh của mình có khớp hay không, bây giờ cũng với tâm trạng hồi hộp nhưng lại ngóng chờ xem lệnh bán có khớp hay không. Với tâm lý không ổn định, họ muốn bán hết số CP mà mình nắm giữ. “Thương trường khốc liệt”. Có người sau vài tháng mà trông sọm hẳn, tóc đổi màu. Nhưng chứng khoán là vậy, nó có thể làm cho người ta giàu nhanh chóng trong một đêm và giờ đây, chứng khoán đangkhiến tiền của đội nón ra đi cũng chỉ...trong một đêm.
Dạo cuối năm 2006, đầu năm 2007 là giai đoạn náo nhiệt nhất của chứng khoán. Giá chứng khoán tăng chóng mặt, nhiều người ví von, TTCK như quả bong bóng thì các NĐT là những cái bơm và lo ngại “Làm thế nào để bong bóng không vỡ”? Quả thật, quả bóng được xì dần. Chứng khoán từ chỗ nóng cần dòng nước mátđã nguội bớt, giờ đây nó đã chuyển sang lạnh, lạnh đến tê tái. Cơ quan chức năng từ chỗ tỏ ra lo ngại trước sự bùng phát của chứng khoán đã chuyển sang đau đầu tìm thuốc chữa trị.
Nhiều người nhắc đến giá trị thực. Khi thị trường về 900, họ bảo thị trường đã trở về giá trị thực, khi về 800, họ cũng nói như thế, và về đến 650 họ cũng nói vậy. Vậy giá trị thực là cái gì?! Thật sự, trong một xã hội biến động từng ngày thì giá trị thực là không thể đoán được. Theo lý thuyết, khi kinh tế tăng trưởng thì chỉ số chứng khoán cũng phải tăng, và khi nền kinh tế đang gặp khó khăn, thì đương nhiên chứng khoán sẽ mất đà.
Rất nhiều NĐT nhận thức được tình hình này, do đó không ít NĐT đã quyết định tạm rời bỏ thị trường bằng cách chuyển tiền sang gửi tiết kiệm. Với những NĐT chuyên nghiệp và dài hạn, không phải họ thiếu tiền, vì tiền bán CP cắt lỗ trong tài khoản của họ vẫn còn nhiều nhưng họ vẫn chưa muốn nhập cuộc. Chuyện chứng khoán giảm giá đến thấp nhất trong vòng 2 năm qua là điều ai cũng đã biết. Nhưng thời điểm phục hồi, sau không ít lần đoán hớ, giờ ít ai dám gợi ra ngay vào một sớm, một chiều. Và dân chứng khoán từ chỗ “lòng tham đánh bật nỗi sợ hãi” đã trở sang “đa nghi như Tào Tháo”, vì thế mà có chuyện biết bao nhiêu “lá bùa” tung ra cứu thị trường, chỉ ít hôm đã nhanh chóng hết hiệu nghiệm.
“TTCK hiện nay chẳng có bệnh tật gì quá nan y”, khá nhiều NĐT lâu năm và chuyên gia phân tích chứng khoán có kinh nghiệm đều khẳng định như vậy. Ví von một cách hình ảnh thì chứng khoán VN như một cậu bé đang lớn và đến lúc trưởng thành thì không thể không hắt hơi, sổ mũi... Chỉ số giá tiêu dùng đã tăng cao, nhiều gánh nặng đặt lên vai nền kinh tế, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, DN đang gặp khó khăn. Nói như thế không có nghĩa là việc VN Index và HASTC Index trong thời gian qua là phản ánh đúng thực chất tình hình kinh doanh của DN nhưng cũng phản ánh đúng xu hướng, mặc dù mức độ hơi thái quá trước tâm lý lo ngại mất mát của NĐT. Thật ra, TTCK chỉ có thể cứu được mình bằng sự chinh phục lòng tin của NĐT nhờ vào sức khỏe của nền kinh tế.
Trong hội thảo “Lạm phát, nguyên nhân và giải pháp” tổ chức vào trung tuần tháng 3, một quan chức của Ngân hàng NN lạc quan khẳng định, diễn biến kiềm chế lạm phát đang có chiều hướng tích cực. Nếu tất cả cùng “bắt tay” nhau thật chặt, cùng đồng lòng thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao, có thể hy vọng trong vòng 3 tháng nữa, giá cả sẽ hạ nhiệt dần và nền kinh tế sẽ lấy lại cân bằng và tăng trưởng ổn định. Những tín hiệu mới đã xuất hiện le lói, biểu hiện rõ nhất là lãi suất huy động VND của các ngân hàng đứng trước thỏa thuận hạ nhiệt; với sự hỗ trợ của NHNN, các ngân hàng thương mại mở cửa mua vào ngoại tệ đối với các doanh nghiệp và ngành hàng xuất khẩu trọng điểm; Tỷ giá VND/USD cũng bắt đầu tăng trở lại, giảm bớt thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu. Bộ Tài chính công bố sẽ tác động để giảm một số mặt hàng, dịch vụ, chuyện tăng giá xăng dầu cũng chính thức được tuyên bố không áp dụng... với những tín hiệu đó, TTCK sẽ có hy vọng đảo chiều. Trong lúc chờ đợi các biện pháp bình ổn có tác dụng thực sự vào nền kinh tế nói chung và đời sống chứng khoán nói riêng, điều chắc chắn là vẫn có vô số người không muốn mình là kẻ sau cùng thoát ra khỏi cửa. Nhưng đến tình cảnh này, phương án rút lui liệu có phải là thượng sách khi trên đường tìm cách thoát thân khó tránh khỏi cảnh giẫm đạp lên nhau mà chạy.
(Theo hanoimoi.com.vn)
No comments:
Post a Comment