Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, April 14, 2008

Vàng lại “đánh đu” với USD & Ngân hàng

Lãi suất: Quanh chuyện “lách luật” của SCB
CẬP NHẬT: 14/04/2008 02:57:20 (GMT+7)

n Nguyễn Hoài

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%!”.

Trong lúc các ngân hàng thương mại đồng thuận thực hiện lãi suất huy động 11%/năm thì Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) phát hành 3.000 tỷ đồng kỳ phiếu, lãi suất huy động 12%/năm chưa tính giá trị khuyến mãi.

Những gì đang ẩn giấu sau cú phát hành này?

“Chỉ cần 10 triệu đồng, khách hàng có cơ hội trúng 2 kg vàng SJC”! Đó là lời mời khá hấp dẫn của SCB khi tung ra sản phẩm: Kỳ phiếu ghi danh bằng đồng Việt Nam có dự thưởng “Lãi suất cao - Trúng thưởng lớn”, kéo dài từ 07/04 - 04/06/2008.

Kỳ phiếu hay “giật gấu vá vai”?

Theo đó, đợt bán kỳ phiếu này của SCB có tổng trị giá 3.000 tỷ đồng, mệnh giá kỳ phiếu tối thiểu 1 triệu đồng, kỳ hạn 270 ngày và 360 ngày, lãi suất 1%/tháng. Khách hàng được trả lãi trước ngay khi mua kỳ phiếu. Thêm nữa: trong thời gian chờ nộp tiền khách hàng cũng được tính lãi suất và được tham gia quay số dự thưởng với tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Một chuyên gia lâu năm trong ngành ngân hàng phân tích: “Lãi suất 1%/tháng, cộng với khuyến mãi thì lãi suất huy động kỳ phiếu vượt 13%! SCB đã vi phạm công điện 02/CĐ-NHNN ngày 26/2/2008 của Ngân hàng Nhà nước khống chế ở mức 12%/năm và đồng thuận 11% giữa các thành viên VNBA”.

Ông này cho biết thêm, khi phát hành kỳ phiếu với lãi suất cao, buộc phải cho vay với lãi suất cao, trong lúc xu hướng hạ lãi suất cho vay đang hình thành, SCB rất dễ bị mất khách hàng. Mặt khác, nếu các ngân hàng thương mại khác cùng làm như vậy, thị trường tiền tệ sẽ lún sâu hơn vào một đợt sốt lãi suất huy động tiếp theo và đẩy các ngân hàng cũng như doanh nghiệp vay vốn vào bế tắc.

Chúng tôi đã liên lạc với ông Lê Quang Nhường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SCB. Trả lời câu hỏi: “Có phải SCB bị sụt vốn vì cho vay “lỡ trớn” vào một khu vực khách hàng nào đó và phải huy động bằng hình thức này để bù đắp”, ông Nhường nói: “SCB không hề bị mất thanh khoản trong thời gian qua mà nguồn vốn này để chuẩn bị cho hoạt động trong tháng 4/2008 trở đi”. Ông cho biết thêm, hiện tại SCB đã huy động được hơn 40 tỷ đồng.

Đồng tình ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Linh, Phó tổng giám đốc SCB phân bua: “Đầu tháng 3/2008, SCB chuẩn bị phát hành kỳ phiếu. Theo Quyết định số 02/2005/QĐ-NHNN ngày 04/01/2005 của Ngân hàng Nhà nước, nếu phát hành giấy tờ có giá, chỉ cần thông báo cho Ngân hàng Nhà nước trước 20 ngày. Qua thời hạn này, không thấy NHNN có ý kiến gì, chúng tôi mới triển khai. Hơn nữa, Bộ và các Sở Công Thương đã cấp phép cho SCB thực hiện chương trình khuyến mãi với số tiền chi cố định rất lớn. Nếu dừng, vấn đề này chưa biết giải quyết ra sao”.

E ngại về việc bùng phát cuộc đua “lãi suất kỳ phiếu”, Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã gửi công văn trực tiếp cho SCB và kiến nghị Chính phủ can thiệp để SCB dừng chương trình kỳ phiếu. Phản ứng trước động thái này, ông Lê Quang Nhường cho biết: “Theo tôi, chương trình này sẽ dừng lại vì không muốn ai đó hiểu nhầm SCB mất khả năng thanh khoản hay lách luật”.

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược!”

Chưa biết hồi kết câu chuyện “kỳ phiếu SCB” ra sao nhưng từ đây lại liên quan đến một vấn đề khác: sự “xộc xệch” trong phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý.

Thứ nhất, trong Công điện 02, chỉ dùng cụm từ “điều chỉnh lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam ở mức... không vượt quá 12%/năm” mà không phân biệt hình thức huy động như trái phiếu, kỳ phiếu hay tiền gửi tiết kiệm. Vì thế, SCB đã “qua mặt” Công điện 02 một cách dễ dàng bằng cách phát hành kỳ phiếu mà không gặp một trở ngại nào và cũng thật khó giải thích sự im lặng đến kỳ lạ từ Vụ Chính sách tiền tệ trong suốt 20 ngày liền!

Thứ hai, tại một cuộc họp gần đây, VNBA kiến nghị với Vụ Chính sách tiền tệ có ý kiến để Bộ Công Thương dừng cấp phép các chương trình khuyến mãi mà thực chất là trá hình để đẩy lãi suất lên cao, dẫn đến dòng vốn chạy lòng vòng từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, gây bất ổn cho thị trường tiền tệ thì vụ này cũng không có động thái nào.

Thứ ba, trong lúc nền kinh tế đang bị áp lực lạm phát, Ngân hàng Nhà nước phải sử dụng hàng loạt công cụ để điều tiết lượng tiền trong lưu thông như mua tín phiếu bắt buộc, tăng dự trữ bắt buộc, khống chế trần lãi suất, hút 52 nghìn tỷ đồng tiền gửi Chính phủ về kho... thì Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) vẫn đứng ngoài và thoải mái cấp phép các chương trình khuyến mãi trá hình cho ngân hàng thương mại.

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nướ công bố rằng, khả năng thanh khoản của các ngân hàng thương mại đã được cải thiện bởi cơ quan này đã thực thi nhiều biện pháp: cung ứng vốn kịp thời qua nghiệp vụ thị trường mở, đấu thầu lô tiền trên thị trường liên ngân hàng... nhưng công bố này thiếu cơ sở. Bởi lẽ, nếu không bị áp lực thiếu vốn dồn nén, chẳng ai huy động lãi suất với mức trên 13% như SCB!

Và nỗi nghi ngờ có phải SCB là ngân hàng duy nhất muốn phát hành trái phiếu với lãi suất cao trong lúc này hay không, chỉ được khẳng định khi có kết luận từ Thanh tra Ngân hàng Nhà nước. Bởi theo luật, chỉ có cơ quan này mới có thể “sờ” vào sổ sách để kiểm tra yếu tố cân đối thanh khoản của các ngân hàng.

Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào báo cáo của các ngân hàng thương mại, sẽ không ai nói rằng, tình hình tài chính ngân hàng mình chưa tốt!

Thứ năm, trong khi chưa ngã ngũ SCB có được tiếp tục phát hành trái phiếu hay không thì ngày 07/4/2008, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 91/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng về việc triển khai thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước: “Trước mắt, không duy trì việc quy định lãi suất huy động trần”.

Theo tinh thần này, Ngân hàng Nhà nước phải bãi bỏ quy định lãi suất huy động trần và nếu thế, cơ quan này cần nhanh chóng “phủ định” công điện 02/CĐ-NHNN để các ngân hàng thương mại không phải xoay xở tránh né. Có thể, khi bỏ trần lãi suất, sẽ không xảy ra cuộc đua lãi suất huy động nào như một số e ngại và giả định có, chỉ cần ban hành một vài văn bản... “cấm” và “phạt” như Ngân hàng Nhà nước vẫn làm lâu nay là đủ?!


Vàng lại “đánh đu” với USD
n Kiều Oanh
Quy luật diễn biến giá ngược chiều giữa vàng và USD lại đúng trở lại trên thị trường châu Á sáng nay (14/4). Những nhận định của nhóm G7 cuối tuần trước khiến USD mất giá, thì tới lúc này lại dẫn tới sự phục hồi của “bạc xanh”.

Kết quả, giá vàng thế giới và trong nước đồng loạt mở đầu tuần mới ở xu thế giảm "kha khá".

Tính đến cuối buổi sáng nay tại các thị trường châu Á, giá vàng giao ngay dao động quanh ngưỡng 917 USD/oz, giảm khoảng 8 USD/oz (0,9%) so với mức giá chốt phiên cuối tuần tại thị trường Mỹ. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 6/2008 giao dịch điện tử tại Sở Giao dịch Hàng hóa New York (NYMEX) hiện ở mức 921,4 USD/oz, giảm 5,6 USD/oz so với phiên trước.

Giá vàng SJC niêm yết trên website công ty này là 1.794.000 đồng/chỉ (mua vào) và 1.804.000 đồng/chỉ (bán ra), giảm 10.000 đồng/chỉ so với dịp cuối tuần. Giá vàng Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 8.000 đồng/chỉ so với thời điểm sáng thứ 7, còn 1.790.000 đồng/chỉ và 1.805.000 đồng/chỉ.

Có hai lý do khiến giá vàng thế giới sáng nay đi xuống ngày thứ 3 liên tiếp.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán sụt giảm tại Mỹ hôm thứ 6 tuần trước và tại châu Á sáng nay đang thúc đẩy giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động bán vàng ra để bù lỗ cho danh mục đầu tư chứng khoán. Thông tin gây sốc về lợi nhuận không như kỳ vọng của tập đoàn GE tại Mỹ đang tiếp tục gây ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thị trường châu Á sáng nay, khiến giới quan sát lo ngại về lợi nhuận của các công ty khác.

Đây là phản ứng ban đầu thường thấy của các nhà đầu tư vàng khi thị trường chứng khoán đi xuống. Nhưng nếu chứng khoán còn xuống nữa, vàng cũng có thể một kênh đầu tư “hút” vốn hơn.

Tại Sàn Giao dịch Vàng Tp.HCM, lượng giao dịch trong phiên sáng nay không có đột biến nào đáng kể. Tính đến cuối buổi sáng tại sàn này đã có 154.250 lượng vàng được giao dịch, với mức giá khớp lệnh cuối khoảng 17,96 triệu đồng/lượng. Sự thận trọng của giới đầu tư vàng trong nước thời điểm đầu tuần là điều hay gặp vì giới đầu tư thường có xu hướng chờ đợi những diễn biến mới trên thị trường châu Âu và Mỹ.

Lý do thứ hai cho sự phục hồi của USD là các quan chức G7 đang nhóm họp tại Washington (Mỹ) tỏ thái độ đặc biệt lo ngại về sự mất giá của đồng tiền này. Các quan chức đến từ các nước công nghiệp phát triển này cho rằng, sự “đánh đu” của USD có thể khiến kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu “tê liệt”.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, nhận định này của G7 chưa hẳn đồng nghĩa với nhóm này sắp sửa có các biện pháp can thiệp nhằm cứu vãn sự sụt giá của USD, nhưng trong trường hợp cần thiết, rất có thể những biện pháp như vậy sẽ được đưa ra. “Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ thị trường ngoại hối và sẽ hợp tác hành động một cách phù hợp”, tuyên bố của G7 cho biết.

Cuối buổi sáng nay tại Tokyo, giá USD đã trở lại ngưỡng 1 Euro tương đương với 1,57 USD, so với mức 1 Euro đổi được trên 1,58 USD cuối tuần trước tại Mỹ.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, tuyên bố của G7 sẽ tiếp tục có tác dụng cản sự rơi của USD trong những ngày tới. Tuy nhiên, những áp lực mất giá mới đối với đồng tiền này vẫn đang tiếp tục lơ lửng, gần nhất là trong ngày hôm nay, một báo cáo về tình hình tiêu dùng tại Mỹ sẽ được công bố.

Giá dầu thô thế giới hiện cũng đang trên đà giảm. Giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6 trên thị trường châu Á cuối buổi sáng nay ở mức trên 109 USD/thùng, giảm gần 1 USD/thùng so với giá chốt phiên liền trước tại New York.

Tại thị trường trong nước hôm nay, tỷ giá VND/USD không có biến động nhiều so với hai ngày cuối tuần. Tỷ giá do Vietcombank niêm yết là 16.070 VND/USD (mua vào) và 16.115 VND/USD (bán ra). Tỷ giá do Eximbank niêm yết là 16.073 VND/USD và 16.115 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá áp dụng tại Công ty Bảo Tín Minh Châu có cao hơn một chút, ở mức 16.090 VND/USD (mua vào) và 16.130 VND/USD (bán ra).

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics