Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Wednesday, August 8, 2007

SSI,BVSC - Cổ phiếu CTCK có phải cổ phiếu “vàng”?

Ngày 09/08/2007, 11:39
Cổ phiếu CTCK có phải cổ phiếu “vàng”?

Mức tăng trưởng lợi nhuận khủng khiếp của một vài công ty trong thời gian qua có phần nhờ vào TTCK đã trải qua một giai đoạn thuận lợi khó lặp lại
Sở GDCK TP. HCM sắp đón thêm một cổ phiếu thuộc hạng blue-chip từ sàn Hà Nội chuyển vào trong tháng 8. Đó là cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Sài Gòn với mã SSI.

Từ năm ngoái, cùng với tốc độ phát triển nhảy vọt của TTCK, SSI cũng như một số CTCK tên tuổi khác đã làm ra lợi nhuận bất ngờ. Và cổ phiếu của các công ty này bỗng chốc trở nên sáng giá.

Điều còn lại mà nhà đầu tư băn khoăn là liệu sự tăng trưởng “chóng mặt” đó của các CTCK là nhất thời hay sẽ bền lâu?

7 năm, giá trị gần 1 tỷ USD

Thật không uổng công nằm phục và chịu đựng lận đận gần 7 năm trời để giờ đây SSI ung dung hái quả ngọt.

Kể từ năm ngoái, khi TTCK bắt đầu bùng nổ, SSI (cũng như một vài CTCK thành lập từ khi TTCK mới thành lập) đã có được kết quả kinh doanh và lợi nhuận ấn tượng. Năm 2006, SSI tạo ra tổng doanh thu 378,4 tỷ đồng, trong đó chi phí để kinh doanh chỉ mất khoảng 75,8 tỷ đồng. Sau khi đóng thuế thì lợi nhuận còn lại là 242,03 tỷ đồng, tính ra tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt đến 71,19%. Đáng nói hơn là mức lợi nhuận đã tăng gấp 10 lần so với năm 2005.

Cũng thật khó hình dung một doanh nghiệp có quy mô quá nhỏ vào lúc ban đầu thành lập mà chỉ sau 7 năm đã tăng trưởng gấp 133 lần.

SSI được thành lập và hoạt động từ năm 2000 với vốn điều lệ ban đầu là 6 tỷ đồng. Vào tháng 4/2000, với vốn điều lệ như thế, SSI chỉ được kinh doanh hai nghiệp vụ là môi giới và tư vấn đầu tư chứng khoán.

Tháng 7/2001, vốn điều lệ của SSI tăng lên 20 tỷ đồng và có thêm hai nghiệp vụ nữa là tự doanh và lưu ký chứng khoán. Mãi đến tháng 6/2005, vốn điều lệ của SSI cũng chỉ đạt 52 tỷ đồng, đủ để thực hiện toàn bộ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán, trong đó thêm hai nghiệp vụ mới là quản lý danh mục đầu tư và bảo lãnh phát hành.

Trong các đợt tăng vốn này, tuy lần lượt có thêm cổ đông mới nhưng chủ yếu vẫn là những cổ đông cũ chấp nhận bỏ thêm vốn vào để “cùng ăn, cùng chịu” với Công ty trong giai đoạn thăng trầm của TTCK.

Quy mô của SSI bất ngờ tăng vọt vào năm 2006 với ba lần tăng vốn chỉ trong năm này, nâng vốn từ 52 tỷ đồng lên đến 500 tỷ đồng. Chưa hết, trong quý II/2007 SSI phát hành thêm 300 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng. Trong đó có hai đối tác lớn nước ngoài là Ngân hàng ANZ và CTCK Daiwa (Nhật Bản) đã mua 9 triệu cổ phiếu (tương đương 11,25% vốn điều lệ 800 tỷ đồng) với giá 170.000 và 175.000 đồng/cổ phiếu.

Ở mức giá 175.000 đồng/cổ phiếu (gần 11 USD/cổ phiếu) mà Daiwa bỏ ra mua, CTCK của Nhật Bản này xem ra đã định giá trị thị trường của SSI tới mức gần 1 tỷ USD - một con số đầy kinh ngạc đối với một doanh nghiệp mà 7 năm trước chỉ có vốn điều lệ 6 tỷ đồng.

Nhà đầu tư vẫn thận trọng

Thực ra, giá cổ phiếu SSI khi mới lên sàn chứng khoán Hà Nội vào cuối năm 2006 đã là 179.600 đồng/cổ phiếu (mức giá bình quân phiên ngày 18/12). Trong tháng 5/2007, cổ phiếu này thường xuyên giao dịch ở mức 240.000 - 250.000 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, hiện tại giá cổ phiếu SSI đã giảm hơn một phần ba so với thời điểm giá cao nhất; giá giao dịch bình quân vào phiên ngày 6/8 còn ở mức 154.700 đồng/cổ phiếu. Rõ ràng, cách đánh giá cổ phiếu của nhà đầu tư không đơn giản. Những kết quả kinh doanh ấn tượng của SSI trước đó, và ngay cả ở thời điểm hiện tại, cũng không đủ sức duy trì cổ phiếu này ở mức giá giá cao nhất đã từng đạt được.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2007, doanh thu thuần của SSI đạt 302,20 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 203,87 tỷ đồng, tính ra tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu đạt 67,4%, thu nhập trên cổ phiếu (EPS) đạt 4.078 đồng.

Sự thận trọng của một số nhà đầu tư về cổ phiếu này theo họ là do còn phải xem xét, đánh giá thêm về sức mạnh thật sự của SSI và các CTCK nói chung, bởi mức tăng trưởng lợi nhuận khủng khiếp của một vài công ty trong thời gian qua có phần nhờ vào TTCK đã trải qua một giai đoạn thuận lợi khó lặp lại.

Các công ty này đã mua được một lượng lớn cổ phiếu lúc giá còn thấp, khi thị trường “bật dậy” vào năm 2006 và đầu năm 2007 đẩy giá cổ phiếu lên “ngút trời”, tạo nên cơ hội cho các CTCK đạt được lợi nhuận cao.

Theo kết quả kinh doanh năm 2006 của SSI, trong tổng doanh thu 378,48 tỷ đồng thì doanh thu từ tự doanh là 194,4 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng cao nhất và bằng 51,3% tổng doanh thu.

Lợi nhuận từ tự doanh hiện sẽ không còn béo bở như trước. Hơn nữa, với sự tham gia thị trường của gần 100 CTCK trong thời gian tới, đây sẽ là một lĩnh vực cạnh tranh gay gắt.

Phải đa đạng hóa hoạt động

CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng lên sàn chứng khoán Hà Nội vào cuối năm 2006 (mã cổ phiếu là BVS) và đạt mức giá giao dịch bình quân trong phiên đầu tiên ngày 18/12 là 299.500 đồng/cổ phiếu. Thời điểm thị trường sôi động, cổ phiếu này đạt mức giá cao nhất là 450.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, BVS có giá bình quân 416.800 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 6/8), vẫn duy trì được mức giá khá cao trong thời điểm thị trường đi xuống.

BVSC lúc thành lập vào cuối năm 1999 có vốn điều lệ 43 tỷ đồng và đã tăng vốn lên 150 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 60,10%. BVSC là CTCK được thành lập đầu tiên, đã tạo được thương hiệu lớn trong lĩnh vực này, hơn nữa lại có lợi thế là thành viên của một tập đoàn lớn, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm Bảo Việt.

Với việc tham gia thị trường ngay từ đầu, cùng với SSI, BVSC là công ty có thị phần cao nhất trong hoạt động môi giới chứng khoán với khoảng 20%. Tuy nhiên, thế mạnh của BVSC lại là mảng tư vấn doanh nghiệp và bảo lãnh phát hành và đây là một trong những chiến lược phát triển của Công ty. Tính đến năm 2006, BVSC chiếm hơn 70% thị trường về tổng số lượng và giá trị các đợt phát hành cổ phiếu khi nhận làm đại lý, bảo lãnh phát hành cho các đơn vị phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Cũng như SSI và các CTCK hàng đầu khác, BVSC có kết quả kinh doanh rất khả quan. Năm 2006, tổng doanh thu của BVSC là 92,23 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế là 50,89 tỷ đồng. Quí II/2007, doanh thu của BVSC đạt 79,76 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 37,27 tỷ đồng.

Thực tế, không phải CTCK nào cũng có cổ phiếu vào loại sáng giá. Trên sàn Hà Nội còn có CTCP Chứng khoán Hải Phòng cũng niêm yết vào cuối năm 2006 với mã HPC. Tuy kết quả kinh doanh của HPC vẫn khả quan nhưng nhà đầu tư hiện chỉ giao dịch cổ phiếu này ở mức giá từ 58.100-62.500 đồng/cổ phiếu (phiên ngày 6/8). Ngoài sàn chứng khoán chính thức, cổ phiếu của một vài CTCK cũng chỉ giao dịch ở mức 5-6 “chấm”.

Từ đầu năm đến nay, có thêm hàng loạt CTCK được thành lập, các công ty này đang chật vật tìm kiếm lợi nhuận, thậm chí có công ty chưa có lời. Trong cơ cấu thu nhập của các công ty này, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là mảng tự doanh và môi giới.

Theo giám đốc các CTCK mới thành lập, doanh thu phí môi giới ở công ty của họ khá lắm chỉ vài chục triệu đồng/ngày. Đối với tự doanh, giá cổ phiếu đã tăng cao và từ cuối tháng 3 cho đến nay thị trường đảo chiều đi xuống, các công ty này gần như không có cơ hội kiếm được lợi nhuận cao, thậm chí có thể là đang lỗ.

Các CTCK hàng đầu trong lĩnh vực hiện có xu hướng phát triển hoạt động theo mô hình ngân hàng đầu tư (investment bank). Điển hình như SSI đang tái cơ cấu mô hình tổ chức bao gồm các công ty trực thuộc thực hiện các dịch vụ chuyên biệt như dịch vụ chứng khoán, quản lý quỹ, ngân hàng đầu tư...

Có lẽ thời gian tới, thị trường sẽ sàng lọc để cổ phiếu của những CTCK hoạt động thực sự hiệu quả mới trở thành cổ phiếu “vàng”.

Theo TBKTSG

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics