Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Sunday, December 9, 2007

Ba chiến lược trước cơn bão khủng hoảng tài chính

Ngày 07-12-2007, 10:31
Ba chiến lược trước cơn bão khủng hoảng tài chính

TTCK Việt Nam chưa thật sự là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nhiều cổ phiếu có giá trị ảo và sự tăng giảm chủ yếu là do tâm lý đám đông.
(ĐTCK-online) Thời gian vừa qua, cuộc khủng hoảng tín dụng thứ cấp tại Hoa Kỳ tác động dây chuyền đến hầu hết các TTCK trên thế giới.

Phần lớn các nhà phân tích dự đoán rằng, các TTCK sẽ lay động, ít nhất đến giữa năm 2008. Trong xu thế toàn cầu hoá về tài chính, TTCK Việt Nam dù không phải chịu sự tác động trực tiếp nhưng cũng đón những con sóng sau, làm chỉ số VN-Index giảm khoảng 140 điểm (-12%) so với điểm đỉnh ngày 12/10 trong vòng hơn một tháng, xoá bỏ phần giá trị tăng thêm của nhiều nhà đầu tư trong cả năm 2007. TTCK toàn cầu u ám, trong khi đó, thông tin về thuế thu nhập chứng khoán, sự leo thang của giá cả, sự nhảy vọt về giá dầu và giá vàng… đã gây tác động không nhỏ đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tâm lý lo sợ một cơn khủng hoảng đè nặng lên nhiều nhà đầu tư, thúc đẩy họ bán vội những cổ phiếu của mình khi thị trường đi xuống và cả khi thị trường vừa nhen lên đôi chút.

Sở dĩ VN-Index có những cú chạm đáy, phá đáy rồi tăng trở lại trong thời gian qua là do TTCK Việt Nam chưa thật sự là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, nhiều cổ phiếu có giá trị ảo và sự tăng giảm chủ yếu là do tâm lý bầy đàn. Nhiều nhà đầu tư do chưa có đầy đủ kiến thức về đầu tư chứng khoán nên không tự tin vào những cổ phiếu mình đang nắm giữ, hành vi của những người khác gây ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, đến quyết định của họ và họ không dám đứng ra ngoài cái mà họ cho là “xu thế của thị trường”. Nếu là nhà đầu tư, bạn sẽ làm gì trong hoàn cảnh hiện nay, khi thị trường vẫn chưa thoát khỏi xu hướng đi xuống, trái ngược lại với dự báo của nhiều nhà phân tích? Theo tôi, có 3 kịch bản dành cho TTCK Việt Nam hiện nay:

Kịch bản tầm trung

Kịch bản này có 60% cơ hội thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng sẽ đi qua nhưng tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn giảm tốc trong nhiều tháng và TTCK tăng nhẹ cùng với các đợt điều chỉnh không đoán trước được.

Nếu vậy, bạn nên đầu tư vào các cổ phiếu và chứng chỉ quỹ với chiến lược đầu tư lâu dài, dành thời gian lựa chọn thật kỹ cổ phiếu, ưu tiên những cổ phiếu của các công ty cung cấp những nhu cầu thiết yếu của xã hội như dược phẩm, lương thực - thực phẩm hoặc dịch vụ, chú ý không quá mở rộng cơ cấu đầu tư và tránh những công ty nhạy cảm với sự biến đổi của thị trường, giữ lại những cổ phiếu tốt và chọn những thời điểm thích hợp để bán bớt những cổ phiếu yếu kém. Những công ty có khả năng tăng trưởng độc lập, ít chịu tác động của xu thế thị trường, đặc biệt là xu hướng suy giảm kéo dài, là sự lựa chọn hàng đầu. Những quỹ đầu tư an toàn (không đầu tư mạo hiểm) cũng là sự lựa chọn tốt trong trường hợp này.

Những sản phẩm tài chính khác cũng cần được chú ý đầu tư khi thị trường chưa khẳng định được khả năng bứt phá trong dài hạn là trái phiếu của các tập đoàn, ngân hàng, công ty lớn và trái phiếu của chính phủ có lãi suất cao. Ngoài ra, nắm giữ ngoại tệ mạnh và vàng cũng là một giải pháp.

Kịch bản lạc quan

Kịch bản này có 30% cơ hội thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng chấm dứt, TTCK và nền kinh tế khởi sắc trở lại cùng với những bứt phá mới về cuối năm. Cơn bão “tín dụng thứ cấp” chỉ tác động đến nền kinh tế Hoa Kỳ với tỷ lệ tăng trưởng dự báo khoảng 2% trong năm tới. Về phía các nước khác, nhờ áp dụng chính sách tiền tệ hợp lý và hiệu quả nên giữ được nền kinh tế tăng trưởng như dự kiến, không khí lạc quan sẽ trở lại trên các thị trường tài chính, TTCK sẽ cất cánh.

Tại phiên giao dịch ngày 26/11, VN-Index đã tăng 15,46 điểm so với phiên liền trước, gần đạt mức 1.000 điểm. Với mức tăng khá mạnh của thị trường, tâm lý dè dặt của nhà đầu tư đã phần nào được giải tỏa, giúp họ lạc quan khi giải ngân. Nhờ vậy, trong các phiên giao dịch tiếp theo, thị trường sẽ thoát khỏi xu hướng bán tháo để cắt lỗ, giúp biến động của thị trường ổn định hơn. Khối lượng cổ phiếu giao dịch tăng lên là một tín hiệu rất tích cực. Trong khi đó, những tín hiệu khả quan của nền kinh tế như GDP năm 2007 sẽ tăng 8,3% (năm 2008 sẽ tăng 8,2%), thu nhập bình quân đầu người đạt 809 USD, cán cân thương mại được kiểm soát, dự trữ ngoại hối tăng, triển vọng tăng trưởng của các công ty niêm yết… đã đem lại niềm tin cho nhà đầu tư vào sự “quay đầu” của TTCK Việt Nam.

Nhà đầu tư cần tiếp tục đầu tư vào các ngành có tiềm năng phát triển cao, các ngành có khả năng đột phá trong tương lai như công nghệ, ngân hàng, tài chính - bảo hiểm…

Kịch bản bi quan

Kịch bản này có 10% cơ hội thành hiện thực. Cuộc khủng hoảng “tín dụng thứ cấp” tại Hòa Kỳ tác động xấu đến nền tài chính toàn cầu. Các TTCK đứng trước nguy cơ đổ vỡ trầm trọng và chỉ phục hồi lại như cũ sau vài năm. Viễn cảnh này sẽ trở thành hiện thực nếu niềm tin không quay trở lại nơi nhà đầu tư, khi đó tăng trưởng của các nền kinh tế sẽ suy giảm, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ít hiệu quả hơn trước. Một hiệu ứng domino lần nữa có thể sẽ diễn ra như cuộc khủng hoảng tài chính những năm 70 của thế kỷ trước.

Với kịch bản này, hai phương thức đầu tư nên được xem xét. Nếu bạn ngại rủi ro và có một dự án đầu tư dài hạn thì tốt nhất là nên đầu tư vào trái phiếu chính phủ hoặc mua bảo hiểm. Ngoại tệ mạnh cũng là hình thức đầu tư mang lại lợi nhuận với nguy cơ rủi ro không cao. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn mong muốn đầu tư vào TTCK thì hãy thật kiên nhẫn, chờ đợi thị trường giảm đến mức thấp lý tưởng mới bắt đầu mua vào từ từ các cổ phiếu được định giá thấp hơn giá trị thực của chúng, cơ cấu tỷ trọng cổ phiếu theo hướng lựa chọn cổ phiếu của các công ty tăng trưởng mạnh trong thời kỳ nền kinh tế giảm tốc như công nghiệp nặng, ngành tiêu dùng cho nhu cầu sinh hoạt… Đây là thời điểm mọi quyết định đều cần lựa chọn chính xác, đúng thời điểm và phải kiên nhẫn, chấp nhận được cảm giác đứng trước lỗ và tình hình thị trường ảm đạm trong một thời gian dài mà không làm lay động đến chiến lược đầu tư đã đặt ra.

Hãy nhớ, “Cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới bắt đầu từ ngày 29/9/1929 được coi là cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu lớn nhất trong lịch sử. Hậu quả của nó còn để lại trong suốt thập niên 30 của thế kỷ trước. Cuộc suy thoái bắt đầu ở Hoa Kỳ, sau đó nhanh chóng lan sang châu Âu và hầu khắp các nước khác trên thế giới, cả những nước công nghiệp và các quốc gia chuyên xuất khẩu nguyên liệu thô đều bị ảnh hưởng. Tâm điểm của cuộc đại suy thoái là sự kiện sụp đổ của TTCK phố Wall vào ngày 29/10/1929, hay còn gọi là “ngày thứ Ba đen tối”, một trong những cuộc sụp đổ có sức tàn phá nặng nề nhất trong lịch sử TTCK Hoa Kỳ. Sau vụ sụp đổ này, giá cổ phiếu giảm liên tục trong một tháng, phục hồi lại chút ít rồi tiếp tục rớt thảm hại. Ngày 8/7/1932, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở mức 41,22 điểm, xấp xỉ mức khởi điểm năm 1896, giảm mất 89% so với đỉnh cao của nó. Phải đến tháng 11/1954, giá chứng khoán mới lấy lại được mức đỉnh điểm của năm 1929, nghĩa là mất 1/4 thế kỷ để người Mỹ gượng lại được sau cuộc sụp đổ này”(Trích “Bi kịch của một tay chơi chứng khoán trẻ tuổi” trên website http://www.onboom.com).

Nguyễn Mai Lan, Giảng viên Khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Thương mại.

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics