Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Sunday, December 9, 2007

TTCK tuần 10/12- 14/12: Thời điểm mua vào?

Ngày 10-12-2007, 09:22
TTCK tuần 10/12- 14/12: Thời điểm mua vào?

Có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về tác động của IPO tới thị trường tập trung
IPO của ngân hàng Vietcombank là tin quan trọng nhất ảnh hưởng tới diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua. Những nhận định trái ngược về đấu giá IPO Vietcombank đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư.

Trong tuần giao dịch đầu tháng 12 từ ngày 3/12 đến 7/12 vừa qua, thị trường ghi nhận 3 phiên lên điểm và hai phiên xuống giá của VN-Index. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index dừng ở mức 974,63 điểm, tăng 2,28 điểm (tương ứng với 0,23%) so với phiên đóng cửa tuần trước.

Rất đáng chú ý, mức tăng rất khiêm tốn trên đánh dấu tuần tăng điểm đầu tiên của VN-Index sau liên tiếp 7 tuần sụt giảm. Liệu đây có phải là dấu hiệu phục hồi và đảo chiều của thị trường cho chu kỳ tăng giá cuối năm?

Sàn Hà Nội cũng chứng kiến một tuần giao dịch nhiều biến động. Hai phiên giao dịch đầu tuần sàn HASTC tăng khá mạnh, nhưng 3 phiên cuối tuần thị trường lại đột ngột đảo chiều và để mất hơn 5 điểm. Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần, HASTC-Index dừng ở mức 344,08 điểm, tăng 2,98 điểm so với phiên đóng cửa cuối tuần trước.

IPO của Ngân hàng Vietcombank là tin quan trọng nhất ảnh hưởng tới diễn biến giao dịch trên thị trường chứng khoán tuần qua. Những nhận định trái ngược về đấu giá IPO Vietcombank đã tác động tới tâm lý nhà đầu tư. Do vậy, ngoài phiên giao dịch đầu tháng với khối lượng tăng vọt, 4 phiên giao dịch trong tuần, các nhà đầu tư chỉ dừng lại nghe ngóng chứ không dám đặt lệnh mua, bán.

Tính chung cả tuần, trung bình mỗi phiên chỉ có 7,97 triệu chứng khoán được chuyển nhượng, giá trị cũng lùi xa con số 1.000 tỷ đồng, chỉ đạt 798,3 tỷ đồng sụt giảm so với tuần trước (8,3 triệu đơn vị và 859,2 tỷ đồng).

IPO Vietcombank: Chưa có tiền lệ

Nếu như tháng trước, nhà đầu tư phấp phỏng về giá tối thiểu và thời điểm của IPO Vietcombank thì tuần này, mọi người đều được rõ giá tối thiểu IPO là “10 chấm”, ngày đấu giá là 26/12/2007. Tâm lý chuyển từ bồn chồn sang háo hức rồi phân vân nghi ngại, đó là diễn biến tâm lý các nhà đầu tư tuần qua.

Có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về tác động của IPO tới thị trường tập trung. Một số ý kiến cho rằng, việc đấu giá của Vietcombank sẽ thành công với giá cao, do đó thúc đẩy giá của các cổ phiếu khác trên thị trường niêm yết tăng theo tương ứng, xác lập một mặt bằng giá mới cao hơn.

Tuy nhiên, các ý kiến khác lại cho rằng, việc dồn tiền cho Vietcombank sẽ hút một lượng tiền lớn từ thị trường chính thức, do đó có khả năng thị trường niêm yết sẽ giảm chứ không phải tăng.

Đấu giá một “đại ngân hàng” như VCB là điều chưa bao giờ có ở Việt Nam. Thị trường Việt Nam cũng rất khác với các thị trường khác nên khó có thể lấy các hình mẫu của thị trường khác để dự báo cho thị trường Việt Nam. Dù thế nào, câu trả lời cho câu hỏi: “IPO sẽ có tác động như thế nào tới thị trường” chỉ có thể được trả lời vào cuối tháng 12 này.

Để trả lời câu hỏi này, phải trả lời mấy câu hỏi nhỏ sau: Thứ nhất, nhà đầu tư trong nước có đủ vốn để bỏ tiền đấu giá VCB hay không. Theo quy định, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua 30% lượng cổ phiếu lần này, còn 70% sẽ được mua bởi nhà đầu tư trong nước, có nghĩa là các nhà đầu tư trong nước phải chuẩn bị tối thiểu 7.000 tỷ đồng . Nhà đầu tư sẽ phải cân nhắc việc bỏ bao nhiêu và làm thế nào để có tiền để thanh toán số cổ phiếu trúng, trong khi Chỉ thị 03 hạn chế các ngân hàng cho vay tiếp tục trong 6 tháng tới.

Câu hỏi thứ hai là “giá trúng bình quân sẽ là bao nhiêu?” Nếu giá trúng cao, chắc chắn đó sẽ là căn cứ so sánh để các cổ phiếu khác, trước hết là các cổ phiếu ngân hàng, tăng giá theo. Giá trúng nếu không cao hơn nhiều giá tối thiểu, hiệu ứng giá của VCB chắc chắn sẽ không lớn. Ở đây có nghịch lý là nếu giá trúng cao thì tiền nhà đầu tư bỏ ra sẽ càng nhiều, thị trường càng bị hút bớt nhiều vốn. Dự đoán giá trúng sẽ vào khoảng 15-16 chấm.

ODA cam kết ở mức kỷ lục: 5,4 tỉ USD - niềm tin của thế giới với Việt Nam

Hội nghị Các nhà tài trợ CG 2007 vừa kết thúc cuối tuần qua với mức cam kết viện trợ kỷ lục dành cho Việt Nam 5,4 tỉ USD: viện trợ song phương đạt hơn 2,6 tỉ USD, đa phương đạt hơn 2,55 tỉ USD, cam kết của các tổ chức phi chính phủ quốc tế là 250 triệu USD.

Con số kỷ lục này thể hiện sự ủng hộ và sự lạc quan to lớn của các chính phủ và tổ chức quốc tế đối với tương lai phát triển của Việt Nam. Các nhà tài trợ luôn rất thực dụng.

Bên cạnh thiện chí với Việt Nam, gia tăng ODA và viện trợ cũng chính vì lợi ích của các nhà tài trợ, thể hiện mong muốn thắt chặt quan hệ giữa các nhà tài trợ với Việt Nam, dọn đường và bảo đảm cho các thương vụ làm ăn càng ngày càng lớn giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư của các nước tài trợ với đối tác Việt Nam. Có thể nhận thấy điều này qua có số giá trị đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết năm 2007 lên tới trên 15 tỷ USD.

Quả thực, rất đáng lạc quan về tương lai kinh tế của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, không có lý do gì để thị trường chứng khoán Việt Nam không tăng trưởng trong năm 2008.

Thị trường thế giới đang trên đường hồi phục

Chỉ số chứng khoán DowJone của Mỹ đã tăng tới 900 điểm qua đợt phục hồi vừa qua nhờ vào niềm tin rằng, thời điểm tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng tín dụng bất động sản của Mỹ đã qua. Ngày thứ Ba tới (11/12/07), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ họp và bàn thảo về tiếp tục cắt giảm lãi suất. Gần như chắc chắn 100%, FED sẽ tiếp tục giảm lãi suất cơ bản ít nhất 0,25 điểm phần trăm và sẽ tạo ra một đợt tăng trưởng mới của thị trường Mỹ (tuy nhiên, đợt tăng trưởng này sẽ không quá mạnh).

Bên cạnh đó, tình hình chính trị tại các quốc gia cung cấp dầu lửa cũng đã lắng dịu rất nhiều, dẫn tới cơn sốt tăng giá dầu thô đã hạ nhiệt, kéo theo giá vàng sụt giảm. Đây cũng là những tin tốt đối với thị trường.

Bên cạnh thông tin về VCB, một số thông tin khác tiếp tục ảnh hưởng tới thị trường. Trước hết là sự chào sàn của cổ phiếu Vận tải Dầu khí (PV TRANS) mã PVT trên sàn HOSE vào thứ Hai. Đây cũng là một cổ phiếu được kỳ vọng từ lâu của nhiều nhà đầu tư.

Giống như mọi năm, sắp tới thị trường sẽ đón nhận các thông tin có thể giúp thị trường đi lên. Đó là, các bản công bố báo cáo tài chính năm của các doanh nghiệp vào cuối năm, thông tin về các kế hoạch kinh doanh được đại hội cổ đông thông qua vào đầu năm, phân phối lợi nhuận, chia thưởng… Tuy vậy, vẫn còn quá sớm để nói tuần sau sẽ có tin gì đặc biệt về các doanh nghiệp được công bố.

Phân tích kỹ thuật

Trên đồ thị, đường kháng cự là đường màu đỏ, và đường hỗ trợ là đường màu xanh. Trong suốt 3 tuần qua, VN-Index đã biến động trong một dải rất hẹp giữa hai đường kháng cự và hỗ trợ, với mức kháng cự là 1.000 điểm và mức hỗ trợ là 970 điểm.

Nhìn trên đồ thị, có thể thấy thời điểm thay đổi xu hướng của thị trường đang đến rất gần khi đường kháng cự đã giao cắt với đường hỗ trợ. Dải Bollinger Band cũng đang thu hẹp dần, báo trước một sự thay đổi đột biến của thị trường trong thời gian tới.

Vậy trong các tuần tới, thị trường sẽ đột biến đi lên, hay đột biến đi xuống? Theo chúng tôi, khả năng thị trường đi lên là lớn hơn nhiều so với khả năng thị trường đi xuống.

Đã có một số tín hiệu thể hiện tín hiệu tích cực của VN-Index:

- Chỉ số tâm lý của các nhà đầu tư (khung trên cùng của đồ thị) đã cải thiện khá mạnh và gần vượt qua ngưỡng 50.

- MACD đã bắt đầu cho tín hiệu mua

- Chỉ số RSI (sức mạnh tương đối), chỉ số MFI (luồng tiền) và nhiều chỉ số khác đã cho thấy dấu hiệu phân kỳ với đường giá, báo trước một đợt tăng giá của thị trường.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những dấu hiệu tích cực ban đầu, thị trường cần một sự đột phá (break out) để khẳng định xu thế đảo chiều đi lên. Tín hiệu break out đó là VN-Index tăng vượt qua giá trị 1.000 điểm, RSI và MFI vượt qua giá trị 50 và/hoặc MACD đạt được giá trị dương.

Dù gì đi nữa, tuần tới sẽ là tuần quyết định của thị trường khi VN-Index sẽ bắt buộc phải phá vỡ hoặc là đường kháng cự, hoặc là đường hỗ trợ, làm tiền đề tạo ra xu hướng mới. Nguyên tắc của phân tích kỹ thuật là không được dự đoán trước xu hướng thị trường và không được mua bán dựa trên sự dự đoán đó.

Nhà đầu tư theo trường phái phân tích kỹ thuật luôn cố gắng đi trước thị trường bằng cách nhận ra sớm nhất sự đảo chiều xu hướng của thị trường, chứ không đi trước thị trường bằng cách cố gắng dự đoán về thời điểm đảo chiều của thị trường. Đáng tiếc, hiện nay rõ ràng thị trường vẫn chưa vượt qua thời điểm đảo chiều.

Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải đưa ra một dự đoán, chúng tôi dự đoán thị trường sẽ đảo chiều đi lên từ cuối tuần sau, tức từ giữa tháng 12. Đợt sóng đi lên lần này có thể sẽ không kéo quá dài và quá mạnh.

Thời điểm giải ngân khá an toàn

Thị trường đã xuống giá khá thấp, và khó có khả năng mất giá sâu hơn nữa trong bối cảnh các tin tức tích cực xuất hiện ngày càng nhiều. Dù vậy, IPO VCB là một yếu tố quan trọng kiềm chế đà phục hồi của thị trường.

Thời điểm hiện nay đã là thời điểm giải ngân khá an toàn đối với các nhà đầu tư đang nắm giữ quá nhiều tiền mặt. Tuy nhiên, quyết định “tổng tấn công” vẫn chưa đến do những tín hiệu mua vào chưa được khẳng định. Cán cân cổ phiếu - tiền mặt tiếp tục nên được duy trì ở mức 50-50.

Theo Nhóm Phân tích Hà Nội – Boston (Công ty VietNam Report) – VNN

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics