Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, December 31, 2007

“Thổi lửa” vào ngân hàng

Tài chính ngân hàng
“Thổi lửa” vào ngân hàng
5-12-2007
Anh Việt
Sau nhiều tranh luận, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận về nguyên tắc việc thành lập 4 ngân hàng thương mại cổ phần gồm FPT, Bảo Việt, Liên Việt, Tài chính dầu khí. Trong tháng 12, sẽ có thêm một đợt xét duyệt nữa, với dự kiến ít nhất 2 ngân hàng mới được chấp thuận nguyên tắc. Sự xuất hiện của một loạt ngân hàng mới được dự báo sẽ “thổi lửa” cho thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Cạnh tranh gay gắt
Với một loạt cổ đông vốn là những doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng vốn lớn đứng sau, hoạt động những ngân hàng mới được đánh giá là không quá khó khăn trong những ngày đầu. Ông Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho hay, từ nay đến năm 2015, nhu cầu tài trợ vốn cho các dự án của ngành dầu khí lên tới hàng tỷ USD. Không chỉ Ngân hàng Tài chính dầu khí, mà cả các định chế tài chính khác trong ngành cũng được huy động tham gia, nên không đáng lo ngại về khách hàng.

Tuyên bố của vị chủ tịch tập đoàn công nghiệp lớn nhất Việt Nam hé lộ khả năng rõ ràng rằng, lượng khách hàng tổ chức có năng lực tài chính, cóù những dự án tốt đang bắt tay với những ngân hàng thương mại sẽ chuyển về hợp tác với ngân hàng mới. Muốn giữ khách, rất có thể, những ngân hàng cũ phải tung “chiêu” mới, thậm chí chấp nhận thiệt một chút để tính kế lâu dài.

Khả năng chia sẻ thị phần có thể thấy rất rõ ở bài học các ngân hàng thương mại quốc doanh. Nếu như cuối năm 2006, khối ngân hàng thương mại cổ phần mới chiếm 21% thị phần dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, thì hết năm nay, con số này dự kiến lên tới gần 30%. Cán bộ tín dụng của một ngân hàng quốc doanh cho biết, ngân hàng mới chưa ra thì các sếp đã lên “dây cót” với anh em về thái độ phục vụ khách hàng lớn, để làm vừa lòng thượng đế.

Không chỉ lo cạnh tranh về khách hàng, nhiều lãnh đạo nhà băng tỏ rõ sự lo lắng về khả năng câu kéo nhân sự của các ngân hàng mới. Ngoài lương, thưởng hậu hĩnh, quyền mua cổ phiếu lên tới hàng tỷ đồng mệnh giá khiến không ít cán bộ nắm vị trí chủ chốt của các ngân hàng “dao động”. Đây chính là lý do mà ông Trần Bắc Hà, Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam nêu ra trong công văn gửi Chính phủ mới đây về việc đề xuất cho cán bộ công nhân viên được mua cổ phiếu với tỷ lệ cao hơn quy định hiện hành, khi ngân hàng này cổ phần hoá để giữ người.

Nỗi lo còn đó
Khi được hỏi quan điểm về việc nhiều ngân hàng mới có thể được cấp phép thành lập trong năm nay, ông Nguyễn Đại Lai, Vụ phó Vụ Chiến lược - Ngân hàng Nhà nước băn khoăn: “Có nên khuyến khích doanh nghiệp mở ngân hàng hay không? Nếu không làm chặt chẽ, thì Việt Nam sẽ phải trả giá”. Theo ông Lai, với hơn 100 ngân hàng đang hoạt động, mật độ người dân Việt Nam được tiếp cận dịch vụ ngân hàng thuộc hàng trung bình so với khu vực. Nếu các ngân hàng mới ra đời hoạt động tốt, lành mạnh cho ngành tài chính thì không có gì đáng nói, còn nếu có thêm ngân hàng để chen lấn, cạnh tranh không lành mạnh, hoạt động khó tuân theo các nguyên tắc quản trị tốt, thì rủi ro khó có thể lường. Trong khi đó, đối trọng để các ngân hàng Việt Nam nâng cao sức cạnh tranh, thay đổi cung cách hoạt động là sự xuất hiện của các ngân hàng 100% vốn ngoại thì lại chưa thấy.

Việc các doanh nghiệp là cổ đông sáng lập ngân hàng mới kéo những khách hàng (có quan hệ làm ăn) hoặc các doanh nghiệp cùng tập đoàn, cùng ngành và lĩnh vực về ngân hàng do họ tham gia thành lập khiến không ít ý kiến bày tỏ sự lo ngại về khả năng giám sát, thẩm định dự án của các ngân hàng, tình trạng dễ dãi, cả nể và kết quả là nợ xấu như một loạt tập đoàn kinh tế của Nhật Bản đã mắc phải trước đây. Bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế nói: “Nếu doanh nghiệp nhà nước tham gia lập ngân hàng thì Nhà nước nên có quy định để rạch ròi chuyện huy động vốn đầu này đổ sang cho vay đầu kia một cách dễ dãi”.

Với nhà đầu tư, việc thị trường có thêm những cái tên mới không đồng nghĩa với việc cổ phiếu ngân hàng tăng giá, mà có nguy cơ ngược lại. Tuy có quy định hạn chế chuyển nhượng cổ phiếu của ngân hàng mới thành lập, song không ít cổ đông là cán bộ công nhân viên các doanh nghiệp góp vốn thành lập ngân hàng vẫn “phá rào” bán cổ phiếu. Thị trường thêm hàng trong bối cảnh cung lớn (các ngân hàng đang hoạt động ồ ạt bán cổ phiếu phát hành thêm) khiến giá cả khó có khả năng bứt phá. Kinh doanh ngân hàng có thể là một lĩnh vực lợi nhuận cao, nhiều tiềm năng, nhưng cổ phiếu ngân hàng khó có cơ hội quay trở lại những ngày hoàng kim và được mệnh danh là cổ phiếu “vua” trên thị trường như hồi cuối năm 2006 đầu năm 2007.


No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics