Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Tuesday, January 1, 2008

TTCK Việt Nam 2007 - Cuộc chơi của những “ông lớn”

TTCK Việt Nam 2007: "Cuộc chơi" bất thường

Lao Động số 305 Ngày 31/12/2007 Cập nhật: 10:10 AM, 31/12/2007

(LĐ) - Năm 2007 đã khép lại với những cung bậc thăng trầm chưa từng có của TTCKVN. Nếu tính dài hạn, tỉ lệ tăng trưởng trên 24% của VN-Index từ mức 741 điểm ngày 2.1.2007 đến 927 điểm ngày 28.12.2007 cũng không phải là một mức sinh lời quá tệ.

Hàng loạt những sự kiện lớn đã đánh dấu năm 2007 như một mốc phát triển chưa từng có của thị trường suốt 7 năm hoạt động.

Đột biến về quy mô

Báo cáo tổng kết năm 2006 của UBCKNN đã từng đưa ra những con số hết sức lạc quan về tốc độ phát triển của thị trường với mức vốn hoá chiếm 22,7% GDP, tăng 20 lần so với năm 2005 và đặt mục tiêu đến năm 2010, mức vốn hoá sẽ chiếm 30-40% GDP.

Tuy nhiên, những con số mục tiêu đó đã nhanh chóng trở nên lạc hậu khi tính đến hết năm 2007, tổng giá trị vốn hoá thị trường đã đạt gần 500.000 tỉ đồng, bằng khoảng 43,7% GDP của năm 2007.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự tăng trưởng vượt bậc này là sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng DN đối với TTCK.

Nếu cuối năm 2006, sự thúc ép về miễn thuế thu nhập đã góp phần lớn vào việc "đẩy" các DN lên sàn theo đúng nghĩa đen thì năm 2007, làn sóng lên sàn đã thay đổi về chất với mục tiêu huy động vốn cho sản xuất kinh doanh.

Tính đến ngày 28.12, đã có 138 Cty niêm yết tại Sở GDCK TPHCM (HoSE) và 113 Cty niêm yết tại TTGDCK Hà Nội (HaSTC). Nếu tính cả 3 chứng chỉ quỹ, số lượng CK niêm yết đã lên tới 254.

Giá trị huy động vốn khổng lồ bằng cách phát hành thêm chứng tỏ TTCK đã trở thành một kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Đã có 179 Cty được cấp phép chào bán 2,46 tỉ CP ra công chúng, tương đương giá trị 48.000 tỉ đồng, gấp 25 lần so với năm 2006.

Nếu tính cả hoạt động chào bán trái phiếu, chứng chỉ quỹ, đấu giá, mức huy động vốn đạt tới 90.000 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2006.

Điều đáng nói là nguồn vốn khổng lồ này được huy động chính từ thị trường - nơi quy tụ nguồn vốn của NĐT - và đưa vào sản xuất dài hạn của nền kinh tế. Điều này chứng tỏ nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng rất lớn và việc huy động cũng bền vững hơn, gánh nặng của hệ thống NH đã được chia sẻ.

Mục tiêu 50-60% GDP quy mô vốn hoá thị trường năm 2008 dường như sẽ đạt được trong tầm tay khi tiến trình CPH đang được gấp rút tiến hành với hàng loạt TCty, tập đoàn lớn.

Một nguyên nhân nữa góp phần gia tăng đột biến quy mô thị trường là nguồn tiền nhàn rỗi được huy động hết sức dồi dào, giá trị của CK được định mức chính xác hơn.

Trải qua một thời gian khá dài, TTCKVN phát triển rất èo uột do không thu hút được nguồn vốn trong dân chúng và giá trị DN không được định giá đúng mức.

Cuối năm 2006 vẫn được coi là thời kỳ hoàng kim của thị trường nhưng số tài khoản cũng chỉ trên dưới 100.000, trong đó NĐTNN khoảng 1.700 tài khoản.

Số liệu của Trung tâm lưu ký năm 2007 đã cho thấy một bức tranh khác: Tổng số tài khoản đã tăng lên gần 308.000, trong đó NĐTNN đạt trên 8.140 tài khoản, với 477 tổ chức đầu tư.

Giá trị danh mục đầu tư của nguồn vốn ngoại trên thị trường chính thức vào khoảng 7,6 tỉ USD và nếu tính cả thị trường không chính thức lên tới 20 tỉ USD...

Giới đầu tư quốc tế quan tâm đến các cơ hội đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam vì một nền kinh tế đang chuyển đổi có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới. Những cam kết quốc tế khi Việt Nam hội nhập một cách đầy đủ giúp niềm tin của họ tăng lên.

Lần đầu tiên TTCKVN xuất hiện trên hàng loạt các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Chỉ số VN-Index, HaSTC-Index được xuất hiện trên hệ thống số liệu thị trường của những kênh thông tin tài chính toàn cầu như Bloomberg.

Các định chế tài chính hàng đầu thế giới như Merry Lynch, HSBC, JP Morgan, Citi Group cũng đều đặn cung cấp các báo cáo nghiên cứu về thị trường Việt Nam, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư quốc tế.

"Cuộc chơi" bất thường

Cùng với những con số khả quan, năm 2007 cũng không phải là năm hoàn toàn suôn sẻ. Từ góc độ thị trường, năm 2007 lại ghi một dấu ấn như một giai đoạn thăng trầm chưa từng có và có lẽ cũng khó lặp lại.

Thị trường đã có những đợt sóng cao với biên độ tăng tối đa tới 56%, gần gấp đôi mức tăng trung bình của năm 2007. Nếu tính một "con sóng" dài hơn từ cuối năm 2006 thì đầu năm 2007 thị trường diễn biến bất thường nhất khi tăng trưởng với tốc độ chưa từng có: 126% chỉ trong vòng 4 tháng.

CK thực sự là mỏ vàng và làn sóng đầu tư dâng cao đến mức số lượng tài khoản mở mới tăng gấp 3 lần số lượng của suốt 6 năm cộng lại. Nguyên nhân chính của sự tăng trưởng quá nóng đó là tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng trong từng thời điểm.

Nguồn cung trên thị trường tại thời điểm đầu năm 2007 chỉ có trên 100 CK niêm yết tại TPHCM và 80 CK niêm yết tại Hà Nội. Trong khi đó sức hút lợi nhuận chóng mặt đã lôi kéo một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư tham gia.

Chính sự "hiếu chiến" của những dòng tiền khổng lồ này đã biến TTCK - một thị trường tài chính cao cấp, trụ cột của nền kinh tế - thành một trò chơi bất thường mà bất kỳ ai "lỳ đòn" đều có thể chiến thắng.

Tuy nhiên, thị trường đã nhanh chóng trở lại quỹ đạo vốn có của nó sau khi "giữ lại" khoảng vài chục ngàn tỉ đồng của NĐT "say máu" trong 18 phiên giao dịch từ mức 1.100 điểm trở lên.

VN-Index chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng sau đó đã rơi thẳng xuống mức 900 điểm, một mức mà có lẽ là phù hợp hơn với tốc độ tăng trưởng có giới hạn của doanh nghiệp. Những đợt sóng tháng 5 và tháng 10 sau đó cũng là bài học đắt giá.

TTCK là một thị trường cao cấp với những yêu cầu khắt khe. Khi thị trường càng mở rộng, càng thu hút nhiều định chế tài chính tham gia thì sự khốc liệt càng cao và sẽ thực hiện quá trình đào thải những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.

Một bằng chứng rõ ràng nhất là tại các điểm đỉnh cao nhất, giá trị giao dịch lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Quanh điểm đỉnh đó, những ai đủ thông minh, bản lĩnh để rời khỏi thị trường và những ai hăng say nhưng thiếu kiến thức lại hăm hở lao vào.

Trong một thị trường ngày càng chuyên nghiệp, những người đầu tư CK theo phong trào sẽ sớm gánh chịu thua lỗ, thậm chí phá sản. "Cuộc chơi" bất thường khi bà bán rau, anh xe ôm đổi đời nhờ CK sẽ qua mau nhưng đó là sự đào thải cần thiết để thị trường trở nên lành mạnh và bền vững hơn.

Nam Nguyễn


Cuộc chơi của những “ông lớn”

Minh họa
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua 365 ngày biến động không giống bất cứ năm nào trong sáu năm về trước kể từ khi chào đời. Trong sự biến động đặc trưng của năm 2007 nổi lên vai trò của các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ trong, ngoài nước. Họ đang dần thể hiện là những “tay chơi” chính của thị trường.

Phân cấp “ông lớn”

VinaCapital, công ty đang quản lý bốn quỹ đầu tư với tổng số vốn 2,2 tỉ đô la Mỹ, đã trở thành một nhà đầu tư tổ chức mà mọi động thái đáng để các đồng nghiệp cũng như đối thủ canh chừng. Tập trung vốn cho hàng loạt các dự án bất động sản lớn rải đều ở cả Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, VinaCapital tăng cường mua lại phần hùn của phía Việt Nam và nước ngoài trong các liên doanh khách sạn. Trên thị trường cổ phiếu, các quỹ do công ty này quản lý cũng bỏ vốn, thông qua các cuộc đàm phán riêng lẻ, vào các công ty bất động sản.

Suốt cả năm, VinaCapital hầu như chỉ tham gia một đợt đấu giá công khai lớn và trúng 2,35 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico). Còn lại họ không mua bất kỳ cổ phiếu nào trên sàn. Ngược lại, họ bán theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận khá nhiều cổ phiếu, kể cả loại hàng đã nắm giữ từ lâu như KDC.

Trên thị trường OTC, “phi vụ” thành công đáng ghi nhận của VinaCapital là mua 5% cổ phần Eximbank. Trong danh mục đầu tư của Quỹ VOF, đây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên mà họ có được. Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital, tự tin rằng ba chứng chỉ quỹ mà công ty quản lý (VOF, VinaLand, Hạ tầng Việt Nam) đang là loại chứng khoán có tính thanh khoản cao nhất trong số tất cả các chứng chỉ quỹ của các quỹ đầu tư vào Việt Nam niêm yết ở nước ngoài.

Ở khối nội địa, hàng loạt quỹ được thành lập với số vốn ít nhất cũng 100 tỉ đồng/quỹ. Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy có chừng 50 quỹ đang hoạt động. Đáng kể nhất là các quỹ do hai công ty quản lý quỹ của Vietcombank và BIDV quản lý.

Mặc dù ít được chú ý hơn các quỹ nước ngoài, nhưng các quỹ của Vietcombank và BIDV đã “thầm lặng” giải ngân những khoản tiền lớn vào các doanh nghiệp, dự án mà giới đầu tư thèm muốn. Các quỹ này chính là sân sau cho các ngân hàng mẹ phát triển chức năng của những ngân hàng đầu tư sau khi quá trình cổ phần hóa hoàn tất.

Ở khối doanh nghiệp chứng khoán, vị trí đứng đầu của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) là không thể phủ nhận định cả về mảng đầu tư, môi giới, tư vấn doanh nghiệp cũng như quản lý quỹ. Lợi nhuận sau thuế (năm 2007 là 900 tỉ đồng, và ước 1.200 tỉ đồng cho năm 2008) của SSI đang bỏ xa các công ty đứng phía sau và để lại một khoảng cách mà các đối thủ khó lòng rút ngắn. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị SSI, nói mức lợi nhuận trên của SSI có thể đảm bảo đạt được trong bất kỳ hoàn cảnh nào của thị trường, kể cả khi VN-Index có thể về 800 điểm.

Trạng thái phởn phơ

Năm 2007 cũng là năm mà lòng tin của giới đầu tư bị thử thách nhiều nhất. Sự biến động giá cổ phiếu niêm yết ngày càng thất thường với những chu kỳ ngắn khó lường. Các chính sách, văn bản quản lý thị trường liên tục thay đổi, thiếu sự phối hợp đồng nhất giữa Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phải chạy đua với thị trường để kịp thanh tra, kiểm tra, cấp phép thành lập, niêm yết, phát hành. Thị trường đang đi nhanh hơn với những bước sải của thời hậu gia nhập WTO mà cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý chưa theo kịp.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển, được khắc họa bằng ba đặc điểm: sự không ổn định (volatility), thiếu thông tin (information deficit), trạng thái phởn phơ (euphoria) được tạo nên bởi sự thiếu liên kết giữa giá và giá trị cổ phiếu” - Judd Clark Kinne, Phó giám đốc điều hành kinh doanh khu vực của tập đoàn Kim Eng Singapore, trả lời phỏng vấn TBKTSG. “Trạng thái phởn phơ” có lẽ là từ chính xác nhất để lột tả thị trường hiện nay.

Trên nền phởn phơ đó, thị trường luôn dậy sóng những phiên điều chỉnh. “Điều đó không thể nào tránh khỏi” - Judd Clark Kinne tiếp tục - “Quan trọng là những lần điều chỉnh không phá nát lòng tin của nhà đầu tư trong dài hạn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước của Việt Nam cần có một cách tiếp cận mang tính khai sáng (enlightened approach) để điều hành thị trường. Một thị trường được điều hành tốt có thể giữ lòng tin lâu dài cho giới đầu tư”.

Tiếc thay do phải đuổi theo thị trường, giới đầu tư không ít thời điểm tỏ ra mệt mỏi và lòng tin không phải mọi lúc đều bền gan. Một lớp nhà đầu tư cá nhân ra đi, lớp khác lại đến. Vì dù có không ổn định đến thế nào, sức hấp dẫn của chứng khoán Việt Nam vẫn chưa hề mất đi.

Yếu tố Trung Hoa

Khó có thể phác họa những nét bằng phẳng cho thị trường chứng khoán năm 2008 bởi yếu tố quyết định sự phát triển của bất kỳ thị trường chứng khoán nào cũng là chính sách tiền tệ, mà chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hiện chưa rõ ràng. Nhưng nhìn từ bên ngoài, có một yếu tố có khả năng tác động đến chứng khoán trong nước. Chúng tôi tạm gọi đó là yếu tố Trung Hoa.

Garry Evans, nhà phân tích cổ phiếu chiến lược của HSBC, viết từ Hồng Kông rằng năm tới sẽ có 219 tỉ đô la Mỹ của Trung Quốc được đầu tư vào châu Á. Nếu trừ đi 78 tỉ đô la Mỹ được rót vào Hồng Kông, thì phần còn lại của châu Á sẽ nhận được 141 tỉ đô la Mỹ. Mười hai quỹ đầu tư tương hỗ và tám công ty môi giới sẽ được Chính phủ Trung Quốc cấp phép để phục vụ cho mục đích này. Ngoài ra, Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc (Chinese Investment Corp) cũng sẽ đầu tư 67 tỉ đô la Mỹ vào chứng khoán khu vực.

Một so sánh để thấy sự tác động của yếu tố Trung Hoa lớn đến mức nào. Giá trị mua vào ròng của nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường chứng khoán châu Á năm 2007 (trừ Nhật Bản) là 44 tỉ đô la Mỹ (65 tỉ đô la Mỹ năm 2006). Giả sử dòng tiền Trung Quốc đổ vào chứng khoán châu Á năm tới chỉ là 50 tỉ đô la Mỹ, thì nó đã lớn hơn giá trị mua vào ròng của tất cả giới đầu tư nước ngoài năm nay!

Một thị trường mới nổi như Việt Nam sẽ nhận được bao nhiêu vốn đầu tư từ Trung Quốc? Chưa ai có thể trả lời chính xác, nhưng đã có những chi tiết dự báo. Tháng 11 vừa qua, MSCI (Morgan Stanley Capital International) đã lập một chỉ số cho các thị trường mới nổi (Frontier Markets Indices) và Việt Nam lần đầu tiên được đưa vào chỉ số này cùng với Kazakhtan, Mauritius, Sri Lanka. “Chúng tôi hy vọng Việt Nam sẽ hội đủ điều kiện để gia nhập chỉ số chính của MSCI vào cuối năm 2008 nếu việc cổ phần hóa và đưa lên sàn khoảng 5-6 doanh nghiệp có mức vốn hóa thị trường từ 500 triệu đô la Mỹ/công ty trở lên thành công trong năm tới” - Garry Evans nhấn mạnh. Việc gia nhập MSCI là vô cùng quan trọng bởi ở các nước khu vực, trước mặt các tay môi giới bao giờ cũng có hai màn hình: chứng khoán nội địa và MSCI.

Mối quan tâm đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam là khá hiện thực bởi tính thanh khoản của chứng khoán Việt Nam năm 2007 nhìn chung đã được cải thiện. Tổng giá trị giao dịch bình quân của sàn TPHCM đã gần đuổi kịp mức giao dịch hàng ngày của thị trường Manila (Philippines). Ngoài ra chứng khoán Việt Nam tỏ ra nhiệt tình với dòng vốn nước ngoài. Tuy tỷ lệ nắm giữ một loại cổ phiếu của nước ngoài giới hạn ở mức 49%, song không đi kèm những điều kiện ngăn cản vốn nào.

Đây là điểm khá thoáng so với các nước châu Á. Mặt khác, sức tăng trưởng của thị trường Việt Nam từ năm 2003 trở lại đây được đánh giá là ấn tượng. Nếu nhìn dài hạn, Trung Quốc có thêm lý do để chọn Việt Nam. Nếu so với năm 2000, mức tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay là 823%, so với năm 2003 là 523%, chỉ đứng sau Kazakhtan và Mông Cổ và cao hơn nhiều so với chỉ số MSCI, tương đương là 78,6% và 259,8% (nguồn HSBC Hồng Kông).

Theo HẢI LÝ - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics