Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Wednesday, January 9, 2008

Siết bất động sản, mở trói chứng khoán - another quick move eh! :-P

Giải pháp chính thúc đẩy thị trường: Sửa 03, dãn lịch IPO
Lao Động số 7 Ngày 09/01/2008 Cập nhật: 8:12 AM, 09/01/2008
Để thúc đẩy thị trường, cần phải sửa Chỉ thị 03.
(LĐ) - UBCKNN mới đây đã có văn bản gửi Thủ tướng CP kiến nghị các giải pháp thúc đẩy thị trường. Những biện pháp đáng lưu ý là sửa đổi Chỉ thị 03 theo hướng "thả lỏng" tỉ lệ cho vay đối với mỗi NH mà chỉ yêu cầu trích lập dự phòng rủi ro hợp lý; dãn lịch IPO và trước mắt chỉ tiến hành với TCty Rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Phóng viên Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường, UBCKNN.

- Thưa ông, được biết UBCKNN và NHNN đã có những trao đổi liên quan đến việc thúc đẩy thị trường. Vậy vấn đề hạn chế cho vay đầu tư CK đối với các NHTM sắp tới sẽ như thế nào?

- Trong buổi họp với Phó Thủ tướng và làm việc với NHNN cho thấy hiện dư nợ cho vay đầu tư CK không phải là cao so với các dư nợ khác, số vượt trên 3% chỉ còn ở một số NH và cũng không còn cao, chỉ từ 6-9%. NHNN cho biết sẽ xem xét để có một cơ chế về cho vay CK thông qua hệ thống kiểm soát rủi ro của chính các NHTM.

Đối với các NHTM khác nhau sẽ có kiểm soát ở tỉ lệ khác nhau và đưa ra yêu cầu về mức trích lập dự phòng rủi ro. Có thể NH cho vay đầu tư CK cao nhưng phải có trích lập dự phòng rủi ro bắt buộc cao. Như vậy cơ chế kiểm soát cho vay đầu tư CK sẽ linh hoạt hơn và không áp dụng chung một tỉ lệ cho tất cả các NH mà vận dụng cho từng NH có các chỉ tiêu tốt, xấu khác nhau. Có NH có thể cho vay 5%, 7% hoặc rất nhiều nhưng phải có một mức ký quỹ nào đó cho các rủi ro.

- Hiện có một thực trạng là nguồn vốn gián tiếp nước ngoài vào khá nhiều nhưng NHTM lại không đủ tiền để thực hiện chuyển đổi sang VND. Vậy các bên có giải pháp gì?

- Bộ Tài chính sẽ đề nghị với Chính phủ và NHNN để có giải pháp mua thêm ngoại tệ hiện đang nằm tại các NHTM nhằm tăng lượng VND lên. UBCKNN cũng có đề nghị NHNN một mặt đẩy nhanh việc mua ngoại tệ, đồng thời sử dụng nghiệp vụ thị trường mở như các kênh phát hành tín phiếu hoặc mua TP chính phủ.

Ngoài ra cũng có kế hoạch sử dụng ngoại tệ thu hút được để có thể đầu tư ra nước ngoài nhằm đảm bảo mức sinh lợi của ngoại tệ thu hút được trên thị trường. Việc mua ngoại tệ này đang có kiến nghị và sẽ thực hiện trong đầu quý I/2008.

- Một trong những nguyên nhân khiến thị trường suy giảm vừa qua là lượng cung quá lớn. Sau Vietcombank lại có Sabeco và Vietinbank (NH Công thương VN, tên cũ là Incombank) đều là những đơn vị rất lớn. Vậy UBCK có giải pháp gì để giảm cung thời điểm này?

- Thị trường những ngày đầu năm sụt giảm mạnh xuống dưới 900 điểm và doanh số giao dịch giảm mạnh. Bộ Tài chính và UBCK đánh giá nguyên nhân là sức cầu bị suy yếu do lượng gia tăng cung hàng lớn; các đợt IPO đã hút vốn nhiều; tác động một chút của Chỉ thị 03; các dòng vốn nước ngoài vào bị trở ngại trong việc chuyển sang VND; sự nóng lên của thị trường BĐS và vàng cũng tạo sự dịch chuyển vốn và suy giảm của thị trường toàn cầu tạo hiệu ứng tâm lý.

Về IPO các DN, tập đoàn năm 2008, do lượng hàng vừa qua gia tăng khá lớn liên quan đến các đợt phát hành thêm, IPO lớn, Chính phủ đang giao Bộ Tài chính xem xét lộ trình IPO hợp lý vào các thời điểm phù hợp.

Đối với trường hợp của Sabeco, đây là DN đã công bố chính thức thì sẽ vẫn tiến hành IPO trong tháng 1.2008. Riêng với trường hợp của Habeco và Vietinbank, Bộ Tài chính sẽ có kiến nghị chính thức lên CP để lùi lịch IPO, tránh tác động ảnh hưởng của một lượng hàng quá lớn trên thị trường vì chúng tôi dự tính các đợt IPO này sẽ hút một lượng tiền rất lớn, riêng Sabeco sẽ hút khoảng 10.000 tỉ đồng, tương đương Vietcombank.

Việc dãn IPO là theo một lộ trình hợp lý và sẽ có điều chỉnh nếu thị trường tăng trưởng tốt vì trên góc độ vốn hóa thì thị trường vẫn là thiếu hàng. Một biện pháp nữa trong IPO là bên cạnh việc đấu giá ra công chúng còn đề nghị các DN lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài để chào bán với một giá nhất định thông qua định giá tài sản và không áp dụng giá đấu bình quân trên thị trường cho NĐT chiến lược vì với NĐT chiến lược giá có thể thấp hơn do họ đầu tư lâu dài.

- Ngoài những biện pháp chính này, UBCKNN có kiến nghị thêm những giải pháp gì, thưa ông?

- Bộ Tài chính vừa qua đã có đề nghị chính thức lên Thủ tướng tạm ngừng ban hành Nghị định về đánh thuế đối với NĐT cá nhân liên quan thu nhập đầu tư CK và sẽ áp dụng sang năm 2009 theo tinh thần của Luật Thuế thu nhập cá nhân vừa được QH thông qua. Mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã có công văn trả lời chính thức thông qua.

UBCK cũng kiến nghị tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân thành lập các quỹ đầu tư dài hạn vào TTCK. Đồng thời, trước mắt vẫn duy trì tỉ lệ tham gia của bên nước ngoài vào Cty niêm yết là 49% nhưng kiến nghị xem xét nâng tỉ lệ này đối với Cty đại chúng chưa niêm yết mà được tổ chức giao dịch thông qua đề án thị trường OTC lên 49%.

Bộ Tài chính cũng sẽ trình Chính phủ cho phép sớm thành lập Cty quản lý quỹ 100% nước ngoài tại VN cũng như chi nhánh các Cty quản lý quỹ sớm hơn lộ trình cam kết WTO. Chúng tôi cũng có những giải pháp khác, chẳng hạn đưa ra các bản đánh giá kết quả hoạt động của DN niêm yết trong năm 2007, các chỉ tiêu tài chính để NĐT có nhận định hợp lý hơn.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hoàng thực hiện


Ngày 10-01-2008, 10:07
Siết bất động sản, mở trói chứng khoán

Nhà đầu tư chứng khoán hồi hộp chờ giá lên (ảnh chụp sáng 9-1-2008)
Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa công bố sẽ xem xét đưa ra một cơ chế cho vay chứng khoán (CK) mới và sẽ mua vào ngoại tệ để nhà đầu tư ngoại mua CK. Thị trường có phản ứng tích cực với thông tin mới này?

Ngày 9-1, VN-Index giảm mạnh 15,33 điểm xuống còn 878,41 điểm trong sự ngỡ ngàng của nhiều nhà đầu tư. Họ cho rằng thông tin của NH Nhà nước vừa đưa ra khá tích cực, lẽ ra đã có thể nâng đỡ cho thị trường.

Tháo nút cho vay chứng khoán

Lãnh đạo các NH cho biết họ ủng hộ chủ trương mới của NH Nhà nước bằng việc đưa ra một cơ chế về cho vay CK mới thông qua kiểm soát các chỉ số về an toàn tín dụng. Tức là thay vì kiểm soát cho vay kinh doanh CK bằng mệnh lệnh hành chính là đưa ra hạn mức trần cho vay, NH nhà nước đã chủ trương để các NH tự quyết định số dư cho vay CK dựa trên năng lực tài chính của mình.

Ông Lâm Minh Chánh, tổng giám đốc Công ty CK Đại Việt, cho rằng đây là những động thái cần thiết để hỗ trợ thị trường trong lúc này. Chúng sẽ có tác dụng cân bằng cung cầu và tạo tác động tâm lý lạc quan cho thị trường, giúp thị trường vượt qua vùng đáy và trở về với điểm hợp lý của nó.

Né tránh vấn đề giải quyết "vốn ngoại"

Một số chuyên gia tài chính - NH cho biết họ thất vọng với báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ NH năm 2007 và định hướng nhiệm vụ năm 2008 của NH Nhà nước (đăng tải tại www.sbv.gov.vn).

Theo họ, báo cáo này đã né tránh khi không đề cập đến những lúng túng của NH Nhà nước trong việc "ứng xử" với sự đột biến của dòng vốn ngoại trong năm qua. Đặc biệt, phần định hướng nhiệm vụ của NH Nhà nước trong năm 2008 không hề đưa ra những dự báo nào về luồng vốn này trong năm tới và phương hướng xử lý.

Tuy nhiên, các NH cho rằng việc "tháo nút" này có giúp NH đổ thêm vốn cho vay vào thị trường CK hay không còn phải... chờ.

"Theo tinh thần thông báo của NH Nhà nước thì NH nào có vốn tự có cao sẽ có thể có nhiều cơ hội cho vay cầm cố CK hơn. Từ trước đến nay, các NH đưa ra mức lãi suất cho vay kinh doanh CK rất cao, lên đến 1,2-1,3%/tháng, nhưng nếu tỉ lệ trích lập dự phòng rủi ro cho vay CK quá cao thì các NH sẽ không còn mặn mà lắm với sản phẩm này" - đại diện một NH phân tích. Đó là chưa nói các NH quốc doanh, những đơn vị được xem là có nguồn vốn tự có khổng lồ, hiện rất ít quan tâm với việc cho vay đầu tư CK.

"Ghì cương" bất động sản

Hiện ba gói giải pháp chính đang nằm trong tính toán của các cơ quan quản lý nhà nước nhằm "kích cầu, giảm cung" trên thị trường CK là mua vào USD, hoãn thuế thu nhập cá nhân đối với đầu tư CK và giãn các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp lớn.

Một chuyên gia cho rằng bản chất của thị trường chính là cung - cầu. Nếu các cơ quan quản lý thị trường giải quyết được việc giảm cung, đồng thời tăng cầu sẽ có thể giúp thị trường khôi phục. Tuy nhiên, giải quyết bài toán này không phải là vấn đề đơn giản trong giai đoạn hiện nay khi nhiều nhà đầu tư đã chuyển vốn sang đầu tư bất động sản (BĐS) kể từ thời điểm CK bắt đầu đi xuống.

Nhà phân tích CK Lê Đạt Chí cho rằng CK chỉ có thể phục hồi nếu thị trường BĐS nằm trong sự quản lý hợp lý chứ không lồng lên như con ngựa bất kham như hiện nay.

Ông Trần Du Lịch, viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, cũng thừa nhận không thể không cảnh báo về một thị trường BĐS quá "bất thường" như hiện nay. "Không thể kéo dài tình trạng nhà đất bị đầu cơ, căn hộ bị đẩy giá trên trời, còn đất đai bị đầu cơ khắp nơi..." - ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, thị trường BĐS hiện đang trong giai đoạn "bong bóng", cần phải được làm lành mạnh lại. Tất nhiên, không nên can thiệp bằng biện pháp hành chính mà cần sử dụng các công cụ tài chính để điều tiết thị trường. Trong đó, các NH không thể huy động vốn rồi đổ vào BĐS một cách vô tội vạ mà phải có sự kiểm soát chặt chẽ hơn. Bởi lẽ, với việc tập trung cho vay quá nhiều đối với hoạt động đầu cơ BĐS, các ngành kinh tế khác khó có khả năng phát triển, kể cả thị trường CK.

Triển khai đi thôi

"Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến sự phát triển của thị trường CK đó là niềm tin. Nếu như nhà đầu tư mất niềm tin, và thực tế thời gian qua điều này xảy ra, thị trường rất khó phát triển ổn định" - chuyên gia CK Huỳnh Anh Tuấn nhận định. Theo ông Tuấn, không chỉ các tổ chức nước ngoài mà ngay cả nhà đầu tư trong nước cũng đã nhận thấy giá nhiều loại cổ phiếu tốt hiện nay đang ở mức hấp dẫn để mua vào. Thế nhưng họ vẫn không mua, do chưa nhìn thấy khả năng giá các loại cổ phiếu này sẽ tăng trong thời gian tới. Một câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư đặt ra là "nếu thấy giá tốt, sao nhà đầu tư nước ngoài không mua vào?".

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh - phó tổng giám đốc Công ty CP CK Đông Dương - cho rằng mặc dù đang có rất nhiều thông tin về những giải pháp "giải cứu" CK, nhưng điều mà nhà đầu tư cần là những hành động cụ thể. "Nếu đã quyết định giảm cung bằng cách giãn IPO các doanh nghiệp lớn, trước hết các cơ quan quản lý thị trường cũng phải công bố doanh nghiệp nào sẽ không IPO như kế hoạch hoặc dời đến thời hạn nào…, chứ không thể nói chung chung như hiện nay" - ông Chinh nói.

Tương tự, nếu có thay đổi về chính sách hạn chế cho vay kinh doanh CK, chẳng hạn thay vì khống chế tỉ lệ 3% dư nợ bằng một biện pháp khác, thì cũng phải công bố cụ thể và càng sớm càng tốt. Rồi việc tăng cung VND để mua vào USD cũng phải sớm được công khai.

Theo TT

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics