Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Tuesday, March 18, 2008

Địa ốc đồng loạt tuột giá

Ngày 18-03-2008, 17:42
Địa ốc đồng loạt tuột giá

Nhiều dự án cao ốc đang triển khai trước đây tăng giá liên tục, nay đã đứng hoặc giảm giá.
Bất chấp việc Bộ Xây dựng trình Chính phủ dự thảo quy định cho phép Việt kiều và người nước ngoài mua nhà, thị trường bất động sản TP HCM đang có xu hướng giảm đồng loạt. Dự báo sắp tới, nhà đất sẽ tiếp tục còn những đợt giảm giá liên hoàn.

Từ lâu nay thị trường nhà đất thành phố vốn được xem là chịu ảnh hưởng lớn từ các chính sách vĩ mô; thì nay vẫn im lìm trước tin sắp trở thành hiện thực quy định kiều bào và người nước ngoài được mua nhà trong nước.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành, dự thảo ít tác động đến thị trường do tính thực tiễn chưa cao. "Thậm chí Việt kiều nay cũng chờ giá nhà đất giảm và ổn định cùng với chính sách vĩ mô đi vào cuộc sống rồi quyết định mua", một chuyên gia nhận xét.

Anh Hoàng Thành, một Việt kiều Đức thì dè dặt: "Nhà đất đang giảm nhưng chính sách chưa rõ ràng. Tôi sẽ chờ dự luật được thông qua rồi tính tiếp".

Trong khi đó, giá nhà đất tại thành phố đang giảm dần, vắng khách. Ví dụ, chỉ trong 2 tuần, khu Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, đã giảm 5-7 triệu đồng một m2, còn 23-25 triệu đồng. Khảo sát của chúng tôi, các khu vực từng tăng giá vùn vụt trước đây như quận 2, 7, 9, huyện Cần Giờ, hoặc tỉnh giáp ranh TP HCM như Bình Dương, đang giảm giá 10-15% so với cuối tháng 2.

Cụ thể, căn hộ The Vista đã rớt giá từ 2.700-2.800 USD xuống còn 2.400-2.600 USD một m2 sau nửa tháng đứng giá. Tháng 11 năm ngoái, The Vista là một trong những dự án căn hộ cao cấp có tốc độ tăng giá chóng mặt, từ 1.500 USD mỗi m2 vọt lên thành 2.400 USD chỉ trong một ngày.

Khu liên hợp Sai Gon Pearl, Bình Thạnh, có giá gốc 2.860 USD/m2, trước Tết đã kịp nhảy vọt lên 4.500 USD mỗi m2. Còn hiện nay giá căn hộ trong dự án này còn 3.500-4.000 USD mỗi m2.

Khu dân cư Trường Thạnh, Phước Long ở quận 9 nằm trên tuyến đường cao tốc Sài Gòn - Long Thành - Dầu Giây được rao giá 6,5-8 triệu đồng/m2, giảm 1-2 triệu đồng, gần bằng với giá gốc.

Đáng chú ý nhất là dự án Him Lam - Kênh Tẻ, trước Tết cứ tăng giá liên tục vượt ngưỡng 40 triệu đồng/m2. Sau khi giẫm chân tại chỗ với mức giá này đến cuối tháng 2, nay đã tụt xuống còn 36-38 triệu đồng tùy vị trí.

Thậm chí, căn hộ cao cấp bán hoặc cho thuê hướng đến đối tượng khách nước ngoài và Việt kiều như Cantavil, The Manor cũng không có dấu hiệu "tăng nhiệt" dù dự thảo cho Việt kiều mua nhà đã trình Chính phủ.

Hay tin dự thảo cho kiều bào mua nhà đang trình Chính phủ, anh Hoàng Thành, một Việt kiều Đức vừa rà giá nhà đất nói với phóng viên: " Tôi sẽ chờ dự luật được thông qua rồi mới quyết định. Hơn nữa giá đất dù đang giảm nhưng vẫn còn quá cao".

Các vùng ven TP HCM như huyện Cần Giờ và tỉnh Bình Dương đất đai cũng lâm vào thế tuột giá so với trước đây.

Tuyến đường Duyên Hải hướng ra biển, thuộc thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, trước Tết giá thấp nhất từ 3,5 triệu đồng/m2, có nơi đã lên đến 3,8 triệu đồng, thì nay đã quay về mức 2-3 triệu đồng.

Cùng tuyến đường này nhưng cách xa biển, giá đất đã hạ từ 3,2 triệu đồng/m2, xuống còn dưới 3 triệu đồng.

Từ cận Tết Nguyên đán cho đến giữa tháng 2, thị trường địa ốc Bình Dương, khu vực Bến Cát tăng giá liên tục mỗi tuần. Theo đó, mỗi m2 đất tại đây có tốc độ điều chỉnh lên thấp nhất 1 triệu đồng trong vòng một tuần. Tuy nhiên bước sang đầu tháng 3, đất dự án tại khu Mỹ Phước, Bình Dương, bắt đầu đứng giá rồi giảm 1-2 triệu đồng/m2. Thậm chí có nơi giảm 10% trong 2 tuần qua.

Phân tích nguyên nhân của giá nhà đất đi xuống, các chuyên gia bất động sản cho rằng, vẫn là do tác động của hàng loạt chính sách tiền tệ gần đây.

Giám đốc Công ty địa ốc Phúc Đức Lâm Văn Chúc cho rằng, nhà đất giảm giá và vắng người mua bắt nguồn từ chính sách của ngân hàng nâng cao lãi suất cho vay và thắt chặt tín dụng.

"Đã có doanh nghiệp phải chịu mức lãi suất vay mới vượt ngưỡng 20% mỗi năm, khách hàng bị "đánh lãi" 15% một năm, rất khó làm ăn", ông Phúc nhấn mạnh.

Theo ông Phúc, thị trường căn hộ dự án đã bị "kẹt cứng" trong thế thiếu vốn, cả người mua, chủ đầu tư thậm chí giới đầu cơ đang lâm vào thế bí. Dự báo sắp tới, nhà đất sẽ tiếp tục còn những đợt giảm giá liên hoàn. Bởi lẽ, cơ quan quản lý nhà nước phải mất rất nhiều thời gian điều chỉnh chính sách vĩ mô cho phù hợp với thị trường.

Giám đốc tiếp thị Công ty TNHH Vietnam Land SSG, bà Lê Hoài Phương nhận định, khi các chính sách về thuế, luật, đi vào ổn định, thị trường sẽ có xu hướng bình ổn và lấy lại nhịp độ ban đầu.

Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc Sài Gòn Thương tín (Sacomreal) Bùi Tiến Thắng khuyến cáo, đứng ở góc độ là nhà đầu tư, chỉ đến khi giá nhà đất hạ hết mức và chuẩn bị tăng lại mới nên mua vào. Song thời điểm nào là mốc hạ cuối cùng thì không ai dám dự báo.

Theo Vnexpress

Ngày 19-03-2008, 10:30
Việt Nam sắp có "Sàn giao dịch BĐS chuẩn" đầu tiên?

Việt Nam sắp có "Sàn giao dịch bất động sản chuẩn"?!
Bộ Xây dựng vừa giao Cục Quản lý nhà hỗ trợ về chuyên môn cho 2 doanh nghiệp tại TP.HCM xây dựng và vận hành "Sàn giao dịch bất động sản chuẩn" đầu tiên và rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình này trong phạm vi cả nước.

Hai doanh nghiệp tiên phong này là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Sài Gòn Chợ Lớn và Công ty TNHH Bất động sản Phát Hưng. Ngày 1/3/2008, hai doanh nghiệp đã gửi công văn đến Bộ Xây dựng, đề nghị cho phép thành lập thí điểm mô hình “Sàn giao dịch bất động sản chuẩn”.

Theo Bộ Xây dựng, hệ thống các sàn giao dịch bất động sản là một trong những giải pháp quan trọng nhằm từng bước hoàn thiện cơ cấu thị trường bất động sản Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 06/2004/NQ- P ngày 19/5/2004 về một số giải pháp phát triển lành mạnh thị trường bất động sản.

Do đó, Bộ Xây dựng bày tỏ thái độ hoan nghênh và đồng tình với chủ trương của 2 doanh nghiệp (trên), đồng thời cho biết theo qui định của Luật Kinh doanh bất động sản, sàn giao bất động sản phải là pháp nhân, có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 8 Luật này. Vì vậy, bước đầu tiên, 2 công ty cần triển khai đăng ký kinh doanh cho sàn giao dịch bất động sản theo quy định của pháp luật.

Để có sự thống nhất chung về mô hình tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch bất động sản, Bộ Xây dựng giao Cục Quản lý nhà hỗ trợ về chuyên môn để 2 doanh nghiệp có thể xây dựng, vận hành “Sàn giao dịch bất động sản chuẩn”, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng trong phạm vi cả nước.

Khoản 2 Điều 8 Luật Kinh doanh BĐS: "Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã, đăng ký kinh doanh dịch vụ bất động sản theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.

Tổ chức, cá nhân khi kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản phải có ít nhất một người có chứng chỉ môi giới bất động sản; khi kinh doanh dịch vụ định giá bất động sản phải có ít nhất hai người có chứng chỉ định giá bất động sản; khi kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản phải có ít nhất hai người có chứng chỉ môi giới bất động sản, nếu có dịch vụ định giá bất động sản thì phải có ít nhất hai người có chứng chỉ định giá bất động sản".

Theo VNN

Ngày 19-03-2008, 11:38
Bàng hoàng với giá chung cư cũ !

Chung cư 23 Lý Tự Trọng (Q.1) cũ nhưng đắt hơn chung cư cao cấp mới
Cũ nát, thậm chí bị nứt vỡ, tróc vôi vữa bên ngoài. Tóm lại là "ngoại hình bê bối" song những chung cư cũ tọa lạc tại trung tâm TP.HCM đang khiến chính người dân sống ở đó phải té ngửa vì cái giá từ trên trời rơi xuống.

Cách đây chưa đầy 2 năm, căn hộ 50m2 trên lầu 6 tại một chung cư cũ trên đường Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM) của chị Mai được rao bán với giá 500 triệu đồng. Khách nào đến xem nhà cũng chê, không mua nên chị đành cho thuê với giá 6 triệu đồng/tháng. Đùng một cái, căn hộ của chị Mai được một chủ đầu tư trả 3 tỉ đồng (60 triệu đồng/m2) với lý do chủ đầu tư muốn mua lại toàn bộ chung cư cũ để xây cao ốc văn phòng. Tất nhiên chị Mai đồng ý ngay bởi đây là mức giá không tưởng cho căn hộ cũ nát của mình. Nhưng sự việc không đơn giản như chị Mai nghĩ. Tổ dân phố tại chung cư của chị đã triệu tập gấp cuộc họp phê bình chị "một mình một ý" và không đồng ý với mức giá 60 triệu đồng/m2 mà nhà đầu tư đưa ra. "Theo mức giá mà tổ dân phố yêu cầu, căn hộ của tôi có giá là 9 tỉ đồng!" - chị Mai nói. Tức mỗi m2 căn hộ của chị Mai lên tới 180 triệu đồng. Có thể nói, chưa có căn hộ cao cấp nào tại TP.HCM có mức giá cao như thếá này.

Cuối năm 2007, các hộ dân tại chung cư số 53 - 55 Bà Huyện Thanh Quan (Q.3) cũng bàng hoàng bởi mức giá mà Công ty PHG đưa ra để mua lại căn hộ của họ. Căn thấp nhất, ọp ẹp nhất cũng được trả tới 4 tỉ đồng, căn cao nhất lên tới 12 tỉ đồng. Mức giá này làm cho chính những người trong cuộc cũng "không hiểu nổi". "Số tiền họ trả cho căn hộ ọp ẹp của tôi đủ để tôi mua vài căn hộ chung cư cao cấp tại thời điểm đó" - chủ một căn hộ tại chung cư số 53 - 55 nói. Tuy vậy, không phải chủ hộ nào cũng hài lòng. Chị Châu, chủ hộ tại một cư xá cũ tại Q.3 cho biết, một nhà đầu tư có ý định "ôm ấp" cư xá này trả gần chục tỉ đồng cho căn hộ của chị, nhưng gia đình chị vẫn chưa quyết. Yêu cầu của chị là được "tái định cư" bằng một căn tại chính dự án cao ốc mà chủ đầu tư đang lên kế hoạch thay thế cư xá này.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao các chủ đầu tư lại chấp nhận mức giá "trên trời" cho các căn hộ tại chung cư cũ? Câu trả lời chính là địa điểm. Trên thực tế, TP.HCM đang rơi vào tình trạng khan hiếm cao ốc văn phòng, căn hộ cho thuê tại vị trí trung tâm thành phố. Theo khảo sát của Cushman & Wakefield (Mỹ), công ty tư nhân lớn nhất thế giới về cung cấp dịch vụ bất động sản, giá thuê mặt bằng trung tâm thương mại tại Việt Nam đã tăng đến 40% trong năm 2007, trung bình khoảng 68 USD/m2. Tại Q.1, giá còn cao hơn nữa nhưng vẫn luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Với tình hình trên, việc đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê hay căn hộ cho thuê tại khu vực trung tâm thực sự thu hút nhà đầu tư. Đó là lý do các căn hộ chung cư cũ tại các quận trung tâm được trả mức giá cao ngất và cũng là lý do mà nhiều chủ hộ vẫn tiếp tục cố gắng "thương lượng".

Cả chủ hộ và chủ đầu tư đều hiểu họ đang có gì, muốn gì. Vì vậy, mức giá chung cư cũ liên tục trong tình trạng "cái sau phá kỷ lục cái trước". Việc đổi ngang một căn hộ cũ mèm sang một căn biệt thự, hay căn hộ cao cấp không còn là chuyện lạ lẫm đối với người dân TP.HCM.

Theo TN

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics