Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Thursday, April 19, 2007

19/04/07 - VNI = 998

Thị trường lên xuống khó lường
Cập nhật cách đây 4 giờ 50 phút
Mai Phương
Diễn biến khó lường của thị trường làm dự đoán của các chuyên gia CK “phá sản”
Phiên giao dịch ngày 19.4 kết thúc đầy bất ngờ. Chỉ số VN-Index cuối phiên giảm 3,03 điểm còn 998,09 điểm trong khi trước đó ở đợt khớp lệnh đầu tiên, VN-Index đã tăng lên khá mạnh với mức 13,98 điểm khi thừa hưởng được khí thế của phiên giao dịch trước.

Ở phiên 2, VN-Index tăng thêm 8,34 điểm. Thế nhưng, bất ngờ xảy đến ở phiên 3 khi khối lượng bán đột ngột tăng với lượng giao dịch thành công lên đến hơn 7,8 triệu chứng khoán (CK), VN-Index rớt xuống 998,09 điểm. Thị trường đang diễn biến phức tạp đến mức một số chuyên gia chứng khoán cho rằng gần như không thể dự đoán.

Tổng khối lượng đặt mua trong ngày 19.4 giảm 20,3% so với phiên trước (khối lượng còn lại chưa khớp là hơn 2,8 triệu CK). Trong khi đó tổng số lượng đặt bán tăng lên 176,3% (khối lượng còn lại chưa khớp hơn 4,5 triệu CK). Trong phiên này có 72 CK tăng giá, 19 CK giảm giá và 18 CK còn lại đứng giá. Các cổ phiếu (CP) tăng giá mạnh có KDC (tăng 8.000 đ/CP), STB (tăng 7.000 đ/CP), SSC (tăng 5.000 đ/CP), ALT (tăng 4.000 đ/CP) và DHA (tăng 3.500 đ/CP). Rõ ràng những tin tức tốt lành như việc tăng vốn điều lệ của STB, KDC... đã có tác động đến nhà đầu tư (NĐT). Những CP giảm giá nhiều gồm HAP (giảm 3.500 đ/CP), SJS (giảm 16.000 đ/CP), FPT (giảm 15.000 đ/CP), PVD (giảm 11.000 đ/CP), BMP và SFI (cùng giảm 8.000 đ/CP).

Thạc sĩ Lâm Minh Chánh, nghiên cứu sinh tiến sĩ về chứng khoán của Viện Công nghệ châu Á (AIT), đã đưa ra 4 kịch bản có thể xảy ra cho thị trường trong vòng 3 tháng tới: 1. VN-Index tăng trở lại và lên đến mức 1.200 điểm (xác suất xảy ra là 5%); 2. VN-Index xoay quanh mức 1.000 điểm (xác suất 25%); 3. VN-Index giảm đều đến mức 900 điểm và dao động trong khoảng từ 900-1.000 điểm (xác suất 50%); 4. VN-Index giảm mạnh đến mức 750 điểm (xác suất 20%).

Ở thị trường Hà Nội, chỉ số Hastc-Index cũng giảm 11,18 điểm, còn 374,39 điểm dù có đến 61 loại CP tăng giá, chỉ có 18 loại CP giảm giá và 7 loại CP đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 1,6 triệu CP (tăng 18,11%) với tổng giá trị hơn 168,3 tỉ đồng (tăng 8,5%). Một số CP blue-chips như ACB, BVS, SSI... giảm giá cùng với khối lượng giao dịch cao là nguyên nhân kéo Hastc-Index xuống.

Diễn biến của thị trường khiến dự đoán của các NĐT và các chuyên gia chứng khoán bị "phá sản". Chủ tịch Hội đồng quản trị một công ty chứng khoán lắc đầu: "Tôi không thể nào hiểu nổi diễn biến thị trường của ngày hôm nay". Theo ông, nếu theo đà tăng mạnh của phiên hôm trước thì ít nhất phiên giao dịch này giá phải tăng hoặc đứng mới là điều hợp lý. Trong khi đó, tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (trường ĐH Ngân hàng) cho rằng, thị trường đang tự điều chỉnh rất hay, hoàn toàn phù hợp với quy luật thị trường vì có lên, có xuống. Theo tiến sĩ Lê Thẩm Dương, diễn biến hiện nay do 2 tác nhân chính gây nên. Đó là tác nhân khách quan với quy luật cung cầu. Thứ hai là có yếu tố chủ quan khi những NĐT lớn có hàng tỉ đồng trong tay muốn giữ thị trường theo nhu cầu của mình. Thậm chí họ chấp nhận lỗ để mua vào nhằm giữ giá không để rớt xuống. Khi đó họ lại lôi kéo thêm được nhiều NĐT khác. "90% NĐT cá nhân hiện nay hầu như đang hành động bằng con tim và cảm xúc hơn là dựa trên tính toán. Mặc dù tâm lý NĐT hiện nay đã vững vàng hơn so với trước, họ đã biết thừa nhận chuyện thị trường lên xuống, không đặt kỳ vọng quá cao và dần dần hiểu được những chỉ số kỹ thuật cơ bản như chỉ số PE... Thế nhưng về mặt cường độ thì tâm lý vẫn chi phối quá nhiều, thậm chí lấn át luôn các yếu tố kỹ thuật. Điều đó khiến thị trường càng không thể dự báo được" - tiến sĩ Lê Thẩm Dương nói.

Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục tăng mua

Ngày 19.4, Tại trung tâm Giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP.HCM, NĐTNN mua vào 48 mã CK với tổng khối lượng gần 1,6 triệu CK, tương đương 186 tỉ đồng (chiếm 22,47% giao dịch khớp lệnh toàn thị trường). Các CK được mua nhiều nhất là VFMVF1 (468.680 chứng chỉ), VNM (181.650 CP), PVD (140.890 CP), GMD (109.170 CP), CII (80.700 CP). NĐTNN đã bán ra 33 mã CK với tổng khối lượng 500.740 CK, tương đương tổng giá trị 68,5 tỉ đồng (chiếm 8,28% giao dịch toàn thị trường). Những CP bán ra nhiều nhất là BHS (114.690 CP), VNM (84.090 CP), TS4 (50.000 CP), FPT (47.700 CP), CII (45.850 CP).

Tại TTGDCK Hà Nội, NĐTNN mua vào 20 mã CP với tổng khối lượng 117.800 CP gồm SDT (35.100 CP), SSI (26.200 CP), HPC (20.000 CP), POT (18.200 CP) và chỉ bán ra duy nhất một CP là PTC với 4.200 CP.

Thị trường lại hụt hơi
Lao Động số 90 Ngày 20/04/2007 Cập nhật: 8:18 AM, 20/04/2007
(LĐ) - Sau phiên đảo chiều đầy bất ngờ ngày 18.4, VN-Index ngày 19.4 lại mất 3,03 điểm, quay về ngưỡng 998,09 điểm. Dấu hiệu đuối sức của lực cầu đã rõ ràng hơn, khi xuất hiện các lệnh bán khối lượng lớn ở một số CP chủ chốt, trong khi lệnh mua khá nhỏ.



Đảo chiều giờ chót

Diễn biến giao dịch rất kịch tính đã diễn ra qua 3 đợt khớp lệnh của phiên ngày 19.4. Với sự hưng phấn cao độ của phiên ngày 18.4 - thể hiện qua lượng dư mua trần hàng triệu CP - hàng loạt lệnh mua trần tiếp tục được nạp vào hệ thống trong phiên mở cửa.

Quan sát bảng giao dịch điện tử, trong nửa đầu phiên 1, hầu hết các mã đều đạt giá khớp dự kiến ở mức trần với khối lượng bán rất thấp. Đặc biệt, nhóm CP giá thấp (penny stocks) được đồng loạt khớp trần.

Diễn biến giằng co giá trái lại, chủ yếu diễn ra ở nhóm blue-chips. Sau phiên tăng khá mạnh, thậm chí kịch trần trong ngày 18.4, nhiều CP lại xuất hiện lượng bán ra rất mạnh, kéo giá xuống mức tham chiếu ngay trong đợt mở cửa.

Đáng chú ý nhất là FPT, GMD, REE, PPC đều chỉ giữ được mức giá khớp lệnh dự kiến "xanh" trong một thời gian ngắn, sau đó quay trở lại tham chiếu. Nhóm đầu tàu tăng giá đợt 1 bao gồm BMP (+9.000đ, kịch trần), KDC (+9.000đ, kịch trần), STB (+7.000đ, kịch trần), VNM (+1.000đ). VN-Index đợt này đạt 1.015,1 điểm, tăng 13,98 điểm.

Blue-chips bắt đầu quay đầu hàng loạt ngay trong đợt khớp lệnh thứ hai, với khối lượng giao dịch khá lớn như FPT (-1.000đ/CP), GMD (-2.000đ/CP), PPC (-500đ/CP), PVD (-2.000đ/CP), REE (-3.000đ/CP).

VN-Index giảm gần 6 điểm so với mức đợt một và chỉ tăng 8,34 điểm so với mức đóng cửa phiên trước. Càng về cuối phiên, lượng lệnh bán dưới tham chiếu với nhóm blue-chips càng lớn, chứng tỏ nhu cầu bán dần áp đảo.

Kết thúc đợt khớp lệnh đóng cửa, thị trường phân hoá rất rõ với nhóm penny stock tăng trần khá nhiều, trong khi nhóm blue-chips lại giảm mạnh: FPT (-15.000đ/CP), PPC (-1.000đ/CP), REE (-8.000đ/CP), VSH (-1.000đ/CP). Chỉ số giá lại tụt xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, đạt 998,09 điểm (-3,03 điểm).

HaSTC: Khối lượng giao dịch tăng, giá trị giảm

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19.4, chỉ số HaSTC-Index giảm 11,18 điểm (-2,9%), đạt 374,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch CP đạt 1,64 triệu CK, tăng 18,11% so với phiên trước. Tuy nhiên, giá trị giao dịch chỉ đạt 168,4 tỉ đồng, giảm 8,6%.

Những CP có lượng giao dịch thông qua phương thức báo giá lớn nhất bao gồm SSI (199.300 CP), ACB (118.400 CP), MPC (118.300 CP), BCC (91.500 CP)... NĐTNN trong phiên mua vào 117.800 CP, trong đó chiếm tỉ trọng lớn là SDT (35.100 CP), SSI (26.200 CP), HPC (20.000 CP). Khối này bán ra duy nhất 1 mã là PTC với khối lượng 4.200 CP.
Nhu Hoà
Tranh thủ giảm lỗ?

Tín hiệu đáng chú ý đầu tiên trong phiên là lượng cung đã bất ngờ tăng đột biến. Thống kê từ TTGDCK TPHCM cho thấy, tổng chào bán trong phiên vọt lên tới 12,41 triệu CK, tăng 176,36% so với phiên trước.

Trong khi đó, lượng mua vào chỉ có 10,74 triệu CK, giảm 20,3%. Xét về quy mô lệnh, trung bình mỗi lệnh bán ra phiên này có khối lượng 1.532 CP, trong khi mức trung bình mua vào đạt 1.013 CP/lệnh.

So với phiên ngày 18.4, quy mô lệnh bán đã tăng mạnh. Điều này chứng tỏ nhu cầu bán ra xuất phát từ những NĐT nắm giữ khối lượng tương đối lớn, trong khi sức mua lại chủ yếu đến từ những NĐT nhỏ.

Thống kê quy mô lệnh ở một số blue-chips thậm chí còn cho thấy sự chênh lệch rõ ràng hơn.

Xu hướng bán ra mạnh ở những thời điểm thị trường quay đầu, trong chu kỳ đi xuống đã từng xảy ra vài lần. Hầu hết lệnh mua có quy mô nhỏ, chứng tỏ NĐT "nhảy vào" mua trong những phiên như vậy thường có tiềm lực không lớn.

Một giao dịch khá đột biến phiên ngày 19.4 xuất hiện với STB. CP của Sacombank tăng kịch trần qua cả ba đợt khớp lệnh. Khối lượng chuyển nhượng cũng thuộc hàng kỷ lục, với xấp xỉ 1,53 triệu CP, tương đương giá trị 224,74 tỉ đồng.

Như vậy, riêng STB đã chiếm khoảng 27% giá trị và 19,5% khối lượng khớp lệnh toàn thị trường. STB đã góp phần đáng kể giúp VN-Index giảm khá nhẹ và kích thích xu hướng tăng theo ở nhiều CP khác.

Nguyên nhân chính giúp STB tăng giá là thông tin Sacombank được phép tăng vốn điều lệ từ 2.089 tỉ đồng hiện nay lên gần 4.450 tỉ đồng. Riêng mức cầu của STB đã chiếm 16% tổng cầu toàn thị trường và cung chiếm 15%. Phân tích quy mô cung cầu của STB cho thấy sự chênh lệch lớn: Trung bình một lệnh bán ra đạt 2.233 CP, trong khi trung bình lệnh mua chỉ đạt 1.148 CP.

Tín hiệu thứ hai là lượng giao dịch tăng mạnh của NĐTNN. Trong tổng giá trị khớp lệnh 828,2 tỉ đồng phiên này, NĐTNN mua vào 186,1 tỉ đồng (1,6 triệu CK), bán ra 68,6 tỉ đồng (500.740 CK). Đây cũng là biểu hiện rất tích cực, chứng tỏ sức mua của khối này vẫn khá mạnh.

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics