Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Tuesday, April 17, 2007

Chứng khoán tiếp tục đỏ sàn

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=197058&ChannelID=86
Thứ Tư, 18/04/2007, 05:47 (GMT+7)
Chứng khoán tiếp tục đỏ sàn
Các nhà đầu tư lo lắng khi đa số các cổ phiếu giảm giá trong phiên giao dịch sáng qua 17-4 . Ảnh chụp tại sàn giao dịch SSI (TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.TT - Ngày 17-4, thị trường chứng khoán vẫn tiếp tục một ngày “u ám” khi chỉ số VN-Index mất 17,28 điểm, xuống ở mức 965,72 điểm. Những khuyến cáo từ các chuyên gia và cả những cảnh báo của báo chí khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo sợ, cũng bắt đầu đổ xô bán theo kiểu “bầy đàn”.
TP.HCM: “nguội” chỉ còn 965,72 điểm
Ngày 17-4, nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu lo lắng khi thấy thị trường vẫn diễn biến theo chiều hướng xấu. Kết thúc đợt khớp lệnh đầu tiên, khi thấy bảng giá điện tử vẫn một màu đỏ rực với chỉ ba mã chứng khoán tăng giá, anh M. - một nhà đầu tư tại sàn ACBS - đã quyết định bán toàn bộ số cổ phiếu (CP) trong tài khoản của mình, chấp nhận mất gần 40 triệu đồng đối với CP mới đầu tư cách nay hơn nửa tháng. “Nhiều nhà đầu tư bắt đầu mua vào nhiều hơn, nhưng không có gì đảm bảo giá CP sẽ tăng lại trong một thời gian ngắn tới” - anh M. giải thích việc quyết định bán tháo số CP sau nhiều ngày kiên nhẫn chờ đợi.
Kết thúc phiên giao dịch, như lo ngại của nhiều nhà đầu tư, mặc dù khối lượng chứng khoán đặt mua đã tăng mạnh so với phiên giao dịch trước, lên tới hơn 8,3 triệu chứng khoán (tăng 34,87%), xấp xỉ khối lượng bán ra, nhưng chỉ số VN-Index vẫn mất đến 17,28 điểm, xuống ở mức 965,72 điểm.
“Có lẽ thời gian gần đây không có một thông tin tích cực nào đối với thị trường đủ sức thuyết phục nhà đầu tư mua vào. Trong khi đó, khi thấy một số nhà đầu tư bán ra, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có tâm lý lo sợ nên cũng bán theo, gây nên hiệu ứng chung trên thị trường” - ông Bùi Việt, tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đông Á, nhận định. Theo ông Việt, vào thời điểm giá các CP đang cao, nhiều nhà đầu tư bắt đầu bán ra khi thấy mức lợi nhuận đáp ứng được kỳ vọng. Cùng lúc đó, những khuyến cáo từ các chuyên gia và cả những cảnh báo của báo chí khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy lo sợ, cũng bắt đầu đổ xô bán theo kiểu “bầy đàn”.
Ông Nguyễn Ngọc Chung - phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán ACBS - cũng cùng nhận định khi cho rằng nhiều nhà đầu tư đã không có đủ sự “lạnh lùng, tỉnh táo và sáng suốt” để đưa ra quyết định phù hợp nhất trong thời điểm thị trường biến động, cả lúc thị trường đang “nóng” trước đây và “nguội” hiện nay. Chính điều này, theo ông Chung, khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô mua CP khi giá CP trên thị trường liên tục tăng, và ngược lại cùng nhau bán khi thấy thị trường giảm.
Tuy nhiên, theo ông Việt, sau một thời gian tăng cao, giá CP lại giảm và đến một thời điểm nào đó, giá CP lại khôi phục là chuyện bình thường. “Chỉ có những nhà đầu tư nhỏ lẻ, không đủ kiên nhẫn cũng như vốn ít là chịu thiệt hại khi bán ra vào thời điểm thị trường mất điểm. Còn những nhà đầu tư tổ chức lại là người hưởng lợi, họ đang bắt đầu mua vào để chờ thời điểm thị trường phục hồi” - ông Việt nói.
Hà Nội: thị trường ảm đạm, nhà đầu tư uể oải
Bao giờ thị trường sôi động trở lại? Theo một chuyên gia tư vấn tại Công ty chứng khoán Kim Long, chỉ số VN-Index sau khi tụt xuống dưới mức 1.000 điểm sẽ sớm hồi phục. Theo ông này, khó có thể xảy ra chuyện VN-Index hạ xuống dưới mức 900 điểm. Với những diễn biến thị trường hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã bắt đầu mua vào và khi lượng mua vào tăng mạnh hơn, thị trường sẽ bắt đầu hồi phục. Việc thị trường chứng khoán có một tuần “xả hơi” vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, theo ông này, cũng có thể giúp thị trường tìm được sức sống mới. “Thường thì cùng với quãng nghỉ tương đối dài như vậy, các nhà đầu tư sẽ có nhiều thời gian để bình tâm suy nghĩ, đánh giá tình hình và rất có thể thị trường sẽ đảo chiều” - ông này cho biết.
Không còn cảnh chen chúc từ 7g30 sáng tại các bãi xe, không còn cảnh chen lấn, cảnh tượng các công ty chứng khoán tại Hà Nội sáng qua 17-4 trái ngược hoàn toàn so với cách đây một tháng. Đến 8g30 sáng, các nhà đầu tư tại sàn chứng khoán Kim Long vẫn có thể “xông xênh” gửi xe vào bãi, một cảnh chỉ có... mơ nếu ở thời điểm vài chục ngày trước đó. Anh Dũng, một nhà đầu tư tại sàn Kim Long, cho hay kể từ khi chứng khoán tụt dốc, anh vẫn đều đặn đến sàn nhưng không phải để đặt lệnh mà chủ yếu là để nghe ngóng tình hình, bàn tán với các nhà đầu tư đã quen trên sàn.
Trong khi đó, anh Quang - một nhà đầu tư trung thành của sàn chứng khoán Habubank - nửa tháng trở lại đây bỗng dưng trở nên đỏ da thắm thịt hẳn mặc dù thị trường cũng đang “đỏ rực”. “Chứng khoán xuống, không phải lo đến sàn từ sáng sớm đặt lệnh, được ngủ nướng đến tận 9 giờ sáng thì làm sao mà không lên cân” - anh Quang giải thích.
Nắm trong tay 4-5 loại CP niêm yết cả tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM lẫn Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, trong những ngày thị trường còn sôi động sau Tết Nguyên đán, cô Mai thường xuyên có mặt tại sàn Công ty chứng khoán VNDirect. Nhưng một tuần trở lại đây thì khác hẳn. “Giá xuống, nhìn mà phát chán nên phải đến ba ngày nay tôi chưa đến sàn. Đến rồi cứ nhìn thấy giá xuống lại càng sốt ruột” - cô Mai cho biết.
“Cảm lạnh” sau cơn “sốt nóng”, khối lượng và giá trị giao dịch cũng giảm hẳn. Một nhân viên Công ty chứng khoán Kim Long cho biết cùng với việc thị trường chứng khoán hạ nhiệt và các nhà đầu tư không hào hứng, số lượng lệnh và giá trị giao dịch cũng giảm hẳn. “Tất nhiên không giảm đến mức như giai đoạn trước đợt sốt, nhưng cũng chỉ còn bằng khoảng một nửa so với thời điểm đầu năm âm lịch” - ông này nói. Một cán bộ của Công ty chứng khoán An Bình nói rằng tình hình tại Công ty chứng khoán An Bình cũng tương tự và đây là tình hình chung của tất cả các công ty chứng khoán.
Kết thúc phiên giao dịch 17-4, số lượng cổ phiếu giao dịch tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội đạt 1,83 triệu CP, giá trị giao dịch đạt hơn 222 tỉ đồng, chỉ bằng “già nửa” giá trị giao dịch những phiên cuối tháng hai, đầu tháng ba vừa qua.
H.ĐĂNG - N.HẰNG - N.LINH
Ủy ban Chứng khoán nhà nước có tác động?
Sau khi chỉ số VN-Index xuống dưới mức 1.000 điểm, rất nhiều nhà đầu tư hoang mang bán ra vì xuất hiện tin đồn Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã tác động bằng các biện pháp kỹ thuật để giảm giá chứng khoán. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Bằng - chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước - nói:
- Xin khẳng định ngay là Ủy ban Chứng khoán nhà nước chưa có động thái phi thị trường nào tác động để giảm giá chứng khoán trong những ngày vừa qua. Việc thực thi chủ trương giảm nhiệt thị trường chứng khoán (TTCK) là phải làm vì TTCK quá nóng, vượt quá giá trị thực có thể ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế và Thủ tướng cũng có chỉ đạo điều này.
Việc chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng nhạy cảm 1.000 điểm là kết quả của nhiều chính sách không chỉ của Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Ví dụ như qui định không tăng “room” của Thủ tướng Chính phủ, hạn chế các ngân hàng hùn vốn kinh doanh chứng khoán qua các công ty chứng khoán của Ngân hàng Nhà nước... Quan điểm của Ủy ban Chứng khoán nhà nước là luôn khuyến khích TTCK phát triển lành mạnh. TTCK VN đang tự cân đối giá trị theo qui luật cung cầu.
* Nhiều nhà đầu tư cho rằng khi chỉ số VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, có thể có một số gắng gượng nhưng chắc chắn sẽ có điều chỉnh sâu hơn nữa. Theo ông, VN-Index có thể xuống mức 800 điểm không?
- Bây giờ tôi chưa thể khẳng định điều này. Bởi nếu vậy sẽ lại tạo ra tâm lý ở các nhà đầu tư là Ủy ban Chứng khoán tác động hoặc định hướng như thế. Các nhà đầu tư đang rất dễ suy đoán và bị nhiễu thông tin. Và điều này có thể tác động trực tiếp đến túi tiền của họ.
* Nhưng việc cảnh báo TTCK VN đang vượt quá giá trị thực là đúng? Và phần ảo phải chiếm ít nhất 20%?
- Đã có nhiều ý kiến cho rằng TTCK VN thời gian qua phát triển quá nóng, vượt quá giá trị thực. Nhưng giá trị ảo là bao nhiêu rất khó nói. Với tư cách cá nhân, tôi cũng không biết VN-Index sắp tới sẽ lên hay xuống, xuống đến bao nhiêu. Tôi nghĩ các nhà đầu tư đang ở thời điểm rất cần bản lĩnh và sự tỉnh táo. Họ nên tham khảo nhiều, cân nhắc kỹ, trong đó nên để ý đến những cảnh báo, những ý kiến của các chuyên gia bởi họ là những người có kinh nghiệm và đã được đào tạo một cách chính thống. Thị trường có phát triển bao nhiêu thì cổ phiếu vẫn có đi thì cũng phải có về quanh giá trị thực của nó.
C.V.KÌNH thực hiện

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics