Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Friday, July 13, 2007

Cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại ?

Ngày 13/07/2007, 09:35
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá trở lại ?
Sau khi rớt khá sâu và nhanh so với các cổ phiếu khác trên thị trường OTC thời gian vừa qua, mấy ngày gần đây giá cổ phiếu các ngân hàng tăng mạnh trở lại.

Trên bảng giao dịch mua bán cổ phiếu (CP) thị trường OTC tại trang web của các công ty chứng khoán đã xuất hiện lệnh mua vào với khối lượng lớn (theo giá thỏa thuận) CP các ngân hàng, đặc biệt ở những ngân hàng rớt giá khá sâu (đến 50%) như: Ngân hàng An Bình, Ngân hàng Kiên Long, Ngân hàng Việt Á, Ngân hàng Nam Á...

Vì sao CP các ngân hàng lại rớt nhanh rồi tăng mạnh trở lại trong mấy ngày gần đây đang là vấn đề nhiều nhà đầu tư (NĐT) quan tâm.

CP ngân hàng rơi nhanh vì tính thanh khoản tốt

Ở thời điểm thị trường chính thức trong xu thế giảm giá, việc rớt giá CP trên thị trường OTC và thị trường phát hành CP lần đầu (IPO) là chuyện bình thường. Nhưng trong thời gian qua, CP ngân hàng lại nằm trong danh sách những CP rớt nhanh nhất trên thị trường OTC (từ 40%– 50%) so với giá đỉnh của nó. Lý giải về việc rớt giá này, các chuyên gia đầu tư cho rằng, Chỉ thị 03 về hạn mức cho vay trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán là 3% trên tổng dư nợ đã làm cho nhiều NĐT không thể huy động vốn từ các ngân hàng để mua vào các CP mới - CP ưu đãi dành cho các cổ đông hiện hữu (trong lộ trình tăng vốn của các ngân hàng, đến năm 2010 vốn điều lệ tối thiểu của một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) là 3.000 tỉ đồng). Để có thể có được nguồn vốn mới, họ phải bán đi một lượng CP trên thị trường chính thức hoặc thị trường OTC. Khi thị trường trong xu thế giảm, giá CP thị trường OTC gần như bị đóng băng, CP duy nhất có thể còn mua bán được chính là CP của các ngân hàng. Chính tính thanh khoản tốt của nó mà làm cho CP ngân hàng rớt nhanh và sâu hơn các CP khác.

Theo ông Hồ Công Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, do triết lý đầu tư chung của các NĐT hiện nay vẫn là mua bán ngắn hạn, chuyển động theo phản ứng dây chuyền. Khi thấy CP rớt giá thì đua nhau bán ra, khi thấy các tổ chức mua vào lại đua nhau mua vào. Tình trạng đó dẫn đến việc giá CP trên cả thị trường chính thức và thị trường OTC luôn không ổn định, giá thường lên quá cao hoặc rớt quá nhanh và sâu.

Hai tác động để CP ngân hàng tăng giá trở lại

Trong mấy ngày gần đây, trên thị trường chính thức cũng chưa có biểu hiện về một sự phục hồi và tăng giá trở lại, nhưng giá CP ngân hàng đã tăng trở lại rất nhanh, khoảng từ 10% – 15% so với mức giá rớt trước đây. Cũng theo các chuyên gia đầu tư, việc tăng giá trở lại lần này do hai tác động động chính. Thứ nhất, do rớt quá nhanh, nên giá CP ngân hàng trở nên rẻ hơn so với giá CP của các công ty trong lĩnh vực khác. Nhiều tổ chức, cá nhân thấy rẻ bắt đầu mua vào, có thể để trung bình giá hoặc thấy giá ở mức có thể đầu tư được. Thứ hai, do một số tổ chức đầu tư trong và ngoài nước, nhất là các tổ chức nước ngoài đã mua CP ở mức giá cao hơn so với mức giá đang giao dịch trên thị trường hiện nay. Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép nâng tỉ lệ sở hữu của một tổ chức đầu tư nước ngoài trong ngân hàng TMCP từ 10% lên 15% và có thể lên 20% nếu được sự cho phép. Điều đó đã làm tăng lượng đầu tư của các NĐT nước ngoài đối với các ngân hàng TMCP hiện nay. Sự kiện mới nhất gần đây là Ngân hàng HSBC đã mua tiếp 5% lượng cổ phần tại Techcombank, nâng lượng sở hữu lên 15% tại ngân hàng này.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2007, các ngân hàng TMCP có tốc độ tăng trưởng tín dụng trên 50%, cao hơn nhiều so với mức bình quân của cả thị trường gần 33%. Hai ngân hàng nhất, nhì trong hệ thống ngân hàng TMCP là ACB, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 880 tỉ đồng (cả năm 2006 là 700 tỉ đồng) và Sacombank lợi nhuận trước thuế là 610 tỉ đồng (năm 2006 là 543,2 tỉ đồng). Điều quan trọng hiện nay là nếu trên thị trường chính thức, chỉ số VN-Index vẫn trong xu thế giảm thì sự phục hồi trở lại của giá CP ngân hàng vẫn còn là khó khăn.

Theo NLĐ

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics