Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Friday, July 13, 2007

Siêu lợi nhuận liệu có lặp lại

Ngày 13/07/2007, 11:35
Siêu lợi nhuận liệu có lặp lại?
(ĐTCK-online)LTS: Siêu lợi nhuận là cụm từ mô tả sự thắng lớn của nhiều nhà đầu tư giai đoạn cuối năm 2006, đầu năm 2007 do giá hầu hết các loại cổ phiếu trên thị trường niêm yết và chưa niêm yết tăng liên tục. Vậy khả năng tạo lợi nhuận đột biến của TTCK có thể lặp lại không? ĐTCK-online xin giới thiệu quan điểm của một nhà phân tích TTCK, ông Phạm Kinh Luân, về vấn đề này.

Các đợt phát hành thêm cổ phiếu (để trả cổ tức, để chuyển hóa các nguồn vốn chủ sở hữu khác thành vốn cổ phần, để thu hút thêm vốn từ bên ngoài) của các công ty niêm yết, cũng như chưa niêm yết diễn ra dồn dập trong 6 tháng đầu năm và sẽ còn tiếp diễn trong giai đoạn còn lại của năm 2007 đã, đang và sẽ làm gia tăng số lượng của các loại cổ phiếu quen thuộc và làm cho những cổ phiếu này trở nên sẵn có hơn đối với công chúng đầu tư.

Tiến trình cổ phần hóa và phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của các DNNN (Theo UBCKNN, khoảng 60 DNNN bao gồm cả các ngân hàng thương mại lớn, các công ty tài chính và bảo hiểm, với tổng vốn xấp xỉ 50.000 tỷ đồng sẽ phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 đến tháng 3/2008) đã, đang và sẽ cung cấp cho công chúng đầu tư nhiều loại cổ phiếu mới với khối lượng lớn. Trước nguồn cung dồi dào (nhiều về số lượng, đa dạng về chủng loại và chất lượng), thị giá của cổ phiếu sẽ được điều chỉnh và quyết định bởi cảm nhận về chất lượng cổ phiếu, cũng như nhu cầu có khả năng thanh toán của công chúng đầu tư. Dưới đây là một số yếu tố có thể sẽ có ảnh hưởng nhiều đến diễn biến giá cổ phiếu niêm yết trong giai đoạn 6 tháng cuối năm:

Chỉ thị 03 của NHNN về việc khống chế dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán của các ngân hàng ở mức 3% tổng dư nợ đang và sẽ có ảnh hưởng mạnh đến nhu cầu có khả năng thanh toán của công chúng đầu tư, đặc biệt là của các "đại gia cổ phiếu". Nguồn tài trợ bị hạn chế khiến cho người đầu tư phải cân nhắc, thận trọng hơn khi đưa ra các quyết định đầu tư.

Theo số liệu thống kê, ước tính trong 6 tháng đầu năm 2007, việc giải ngân vốn ngân sách nhà nước chỉ đạt khoảng 30% kế hoạch, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 12% và vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước đạt khoảng 20%kế hoạch. Những nỗ lực đẩy nhanh tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong giai đoạn 6 tháng cuối năm chắc sẽ có tác động lớn đến nguồn vốn khả dụng của ngân hàng và đến xu hướng tăng lãi suất ngân hàng trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên việc tăng lãi suất cho vay sẽ ít có ảnh hưởng đến khả năng lợi nhuận của các công ty niêm yết, do các đợt phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn trong thời gian qua đã giúp các công ty niêm yết giảm đáng kể việc sử dụng nguồn vốn vay ngân hàng.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2007 đã tăng 5,2% và còn xu hướng tiếp tục tăng (dự kiến sẽ tăng khoảng 7,5% trong năm 2007). Bên cạnh tác động làm tăng doanh thu, yếu tố lạm phát cũng sẽ làm gia tăng chi phí đối với doanh nghiệp. Mức độ ảnh hưởng của lạm phát đến khả năng lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tùy thuộc vào lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể của doanh nghiệp.

Thước đo giá trị đối với công ty nói chung và đối với cổ đông nói riêng có những điểm không đồng nhất với nhau. Sau khi xem xét giá trị công ty thông qua nhiều chỉ tiêu khác nhau như: tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận sau thuế, dòng tiền mặt…, điều cuối cùng được cổ đông quan tâm để trả giá hợp lý cho cổ phiếu của công ty là "miếng bánh đó sẽ được chia làm bao nhiêu phần". Nhìn chung các công ty niêm yết có thể đạt được tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sau thuế khoảng 15% - 20% trong năm 2007, nhưng việc phát hành thêm cổ phiếu đã khiến cho bình quân số lượng cổ phiếu lưu hành trong năm 2007 của các công ty này tăng khoảng 30% (tùy thuộc vào độ trễ giữa thời điểm chốt danh sách cổ đông để phát hành và thời điểm đưa số cổ phiếu phát hành thêm lên niêm yết và giao dịch) so với năm 2006.

Khả năng tạo ra siêu lợi nhuận của TTCK cuối năm 2006 và đầu năm 2007 đã khiến cho TTCK trở thành tiêu điểm thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp xã hội, là nơi nơi hội tụ và lôi cuốn các dòng vốn đầu tư gián tiếp (từ trong dân, từ các doanh nghiệp, từ các ngân hàng thương mại, từ nước ngoài) và là lĩnh vực cần có sự quan tâm và quản lý đặc biệt của các cơ quan quản lý Nhà nước. Để duy trì sự phát triển bền vững của TTCK, Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai áp dụng hàng loạt các công cụ điều tiết (trực tiếp, cũng như gián tiếp) quan hệ cung cầu trên thị trường. Do vậy, khả năng TTCK bùng phát để tạo ra siêu lợi nhuận như giai đoạn cuối năm 2006 và đầu năm 2007 chắc chắn sẽ không xảy ra.

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics