Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Sunday, July 15, 2007

Nhà đầu tư tiếp tục bị thử thách

Ngày 14/07/2007, 11:29
Nhà đầu tư tiếp tục bị thử thách

Nhâm nhi trái cây, đọc báo và chờ đợi thị trường khởi sắc, đó là lựa chọn hiện nay của một số NĐT tại TP.HCM
Câu cửa miệng của những nhà đầu tư chứng khoán "bán tháng 3 mua tháng 7" dường như không còn đúng nữa khi đã hết nửa tháng 7 nhưng thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Sự kiên nhẫn của các nhà đầu tư (NĐT) đang tiếp tục bị thị trường thử thách.

Khối lượng giao dịch giảm

Kết thúc phiên giao dịch ngày 13.7, chỉ số VN-Index tiếp tục giảm 1,95 điểm, còn 1015,73 điểm. So với phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 (ngày 29.6), VN-Index đã giảm 8,95 điểm. Trong nửa đầu tháng 7 này, VN-Index có lúc rớt sâu xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm khiến nhiều NĐT lo lắng. Không chỉ những cổ phiếu (CP) "nóng" suốt một thời gian dài trước đó như BMC, TCT, SGH... mà cả những CP "blue-chips" như FPT, REE, SJS, STB... cũng giảm giá từ 3-6%.

Trở lại phiên giao dịch ngày 13.7, DHG đứng đầu nhóm CP giảm giá khi giảm 17.000 đồng/CP, FPT giảm 7.000 đồng/CP, kế đến là VNM, HAX và LGC cùng giảm 2.000 đồng/CP. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch trên thị trường ngày càng giảm mới là vấn đề khiến nhiều NĐT đứng ngồi không yên, lo lắng cho tính thanh khoản của các loại chứng khoán trên thị trường ngày càng giảm.

Nếu ở phiên giao dịch cuối tháng 6, khối lượng giao dịch thành công đạt gần 8 triệu chứng khoán với tổng giá trị đạt 824,7 tỉ đồng thì bước sang tháng 7, khối lượng giao dịch chỉ xoay quanh mức từ 4- 5 triệu chứng khoán. Thậm chí vào ngày giao dịch 2.7, khối lượng giao dịch khớp lệnh chỉ còn 3,7 triệu chứng khoán, tổng giá trị đạt 380 tỉ đồng, một con số cực thấp.

Khá nhiều NĐT đã ngưng giao dịch và chỉ quan sát. Anh Trung - một NĐT tại sàn BVSC - cho biết từ tháng 5 đến nay, anh đã không mua bán gì nữa. "Mặc dù vẫn còn một số CP trong tài khoản nhưng cứ để đó xem như đầu tư lâu dài vì giờ bán ra cũng không có lời, mà mua vào nữa thì lại ngại thị trường vẫn còn tiếp tục đi xuống", anh Trung nói. Một NĐT khác tên Hoàng thì có cái nhìn lạc quan hơn: "TTCK Việt Nam vẫn đang bị chi phối bởi các NĐT lớn. Cứ nhìn những cuộc cứu giá CP trên sàn lẫn ngoài thị trường OTC thì có thể dự đoán rằng các NĐT lớn đó sẽ không để cho thị trường xuống quá sâu".

Tương tự, ông Bùi Văn Tuynh - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Đại Việt - cho rằng các NĐT nước ngoài vẫn đang rất quan tâm đến TTCK Việt Nam. "Các quỹ đầu tư cũ thì huy động thêm vốn, quỹ đầu tư mới được thành lập hoặc bắt đầu nhảy vào thị trường. Vì vậy thị trường sẽ không xuống quá sâu trong thời gian tới như thời điểm xấu nhất trước đây", ông Tuynh nói. Tuy vậy với nhiều NĐT cá nhân trong nước, nhất là những người mới tham gia thị trường vào đầu năm nay vốn hầu hết đã "bị thương" trong đợt điều chỉnh mạnh từ tháng 4 thì "chim trúng tên sợ cành cây cong" đang là tâm lý của họ.

Chưa có cú hích mới

Theo nhiều chuyên gia, tác động của Chỉ thị 03 về việc hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán của các ngân hàng thương mại đang ngày một rõ nét hơn đối với TTCK. "Van" vốn từ ngân hàng bị khóa (có ngân hàng tại TP.HCM đang có dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán lên đến 15%, phải cắt xuống còn 3% vào cuối tháng 12 năm nay), lượng tiền đổ vào TTCK sụt giảm mạnh là chuyện dễ hiểu. Đó là chưa kể quy định tăng dự trữ bắt buộc tiền đồng từ 5% lên 10% đối với các ngân hàng cũng ảnh hưởng đến nguồn vốn lưu thông bên ngoài. Theo ông Bùi Văn Tuynh, có lẽ NĐT trong nước vẫn đang dè chừng và trông đợi vào báo cáo kết quả kinh doanh quý 2.2007 của các công ty niêm yết. Bên cạnh đó còn tùy thuộc vào lượng vốn đầu tư, chiến lược của các NĐT... nên khó có thể dự báo xu hướng thị trường sắp tới.

Theo ông Nguyễn Hồng Nam - Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) - thị trường hiện vẫn trong tình trạng bình thường vì đi theo hình răng cưa. Có những NĐT ngừng giao dịch nhưng lại được thay thế bởi các NĐT mới. "Tại SSI trong tháng 6 vẫn có khoảng 1.000 tài khoản mới được mở mặc dù không nhiều bằng những tháng đầu năm. Thị trường không có sự đột biến như kỳ vọng của một số NĐT nào đó thì chuyện rút ra của họ là tất yếu", ông Nam nói.

Theo TN

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics