Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, November 12, 2007

Sức ép nào đối với nguồn vốn cho thị trường?

Ngày 13-11-2007, 11:11
Sức ép nào đối với nguồn vốn cho thị trường?

Sự suy giảm về giá trị giao dịch trong thời gian vừa qua chủ yếu do tâm lý ngại mua vào chứng khoán của nhà đầu tư.
(ĐTCK-online) Tình trạng “rút củi đáy nồi” đối với giá trị giao dịch đã thành hiện thực khi giá trị giao dịch trên thị trường suy giảm đáng kể trong thời gian vừa qua. Kết quả này được giới phân tích cho là có cơ sở để cảnh báo nguy cơ thiếu vốn và khả năng điều chỉnh giảm mạnh đối với thị trường niêm yết.

Theo báo cáo phân tích của một số CTCK, giá trị giao dịch trung bình tại thị trường niêm yết trong 2 tuần qua đã giảm khoảng 20% so với tháng trước đó. Đáng nói là xu hướng này diễn ra ngày càng mạnh. Ở phiên giao dịch ngày 8/11, tổng giá trị giao dịch của cả 2 sàn TP. HCM và Hà Nội chỉ còn hơn 1.200 tỷ đồng - một con số thấp kỷ lục trong vòng 1 tháng qua. Trong đó, sự suy giảm về giá trị giao dịch ở sàn TP. HCM đã gây sự chú ý đặc biệt vì chịu tác động lớn từ 2 cổ phiếu đại gia là SSI và DPM, với tổng giá trị giao dịch khoảng 300 tỷ đồng.

Theo giám đốc một CTCK tại TP. HCM, sự suy giảm về giá trị giao dịch trong thời gian vừa qua chủ yếu do tâm lý ngại mua vào chứng khoán của nhà đầu tư, trong đó hạn chế về nguồn vốn là yếu tố tác động chính. Cũng theo vị giám đốc này, nguồn vốn trên thị trường niêm yết đang bị rút bớt cho các đợt IPO của DN lớn. Đơn cử, càng đến gần ngày 8/11 - thời điểm cuối cùng nộp tiền mua cổ phần của PVFC, thị trường càng có sự điều chỉnh giảm.

Thực tế, để có số tiền này, không ít nhà đầu tư đã phải bán ra chứng khoán. Vì thế, họ đành chấp nhận chịu lỗ trên sàn niêm yết để chuyển sang thị trường OTC. Có thể nói, nguồn tiền đầu tư cho các cuộc đấu giá đã ở thế bị động. Theo ghi nhận của ĐTCK, sau khi bị hút vốn từ việc đấu giá PVFC, nhiều nhà đầu tư đã rút ra kinh nghiệm và chuẩn bị kế hoạch cơ cấu lại nguồn vốn phục vụ cho các đợt IPO tiếp theo, trong đó đáng chú ý là của Vietcombank.

Sức hút từ các kênh kinh doanh khác như bất động sản và vàng đang trở thành “rào cản” trong việc giữ được lượng vốn ổn định cho TTCK. Hiện giá vàng tăng đột biến và giá nhiều loại cổ phiếu giảm mạnh đã khiến nhà đầu tư rút tiền từ TTCK để mua vàng. Hơn nữa, việc vàng tăng giá vào đợt cuối năm và Tết Nguyên đán cũng là yếu tố khiến thị trường này hấp dẫn. Nhiều nhà đầu tư chứng khoán đã tìm đến thị trường vàng để “lướt sóng”. Họ cho rằng, thị trường này mang tính đảm bảo về vốn hơn TTCK. Tương tự, sự an toàn về vốn và cơ hội thu lời lớn ở thị trường bất động sản trong thời gian qua cũng hấp dẫn nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Nhằm giảm thiểu rủi ro từ các đợt “sốt” bất động sản ở TP. HCM, nhiều người đã chuyển hướng đầu tư ra các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Một yếu tố khá quan trọng nữa khiến nguồn vốn cho TTCK gặp “rào cản” là việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nghiêm khắc và sát sao hơn đối với hoạt động của các ngân hàng cổ phần trong việc cho vay kinh doanh chứng khoán. Mức độ ảnh hưởng từ động thái này đối với TTCK tuy không còn nghiêm trọng nhưng thái độ cương quyết của NHNN cũng dập tắt niềm hy vọng của nhiều nhà đầu tư khi mong muốn Chỉ thị 03 được bãi bỏ hoặc sửa đổi.

Ngoài ra, theo giới phân tích, hiện nguồn tiền cung cho thị trường nói chung và tâm lý đầu tư nói riêng đang chịu ảnh hưởng lớn từ xu hướng đầu tư của khối nhà đầu tư nước ngoài - đối tượng đầu tư có tiềm lực về tài chính. Điển hình, ở phiên giao dịch giữa tuần trước, khối nhà đầu tư nước ngoài tại sàn TP. HCM đã giảm tới 30% lượng mua vào, nhưng lại bán ra khá nhiều chứng khoán.

Giải thích điều này, giới phân tích cho rằng, do chính khối nhà đầu tư ngoại cũng có tâm lý bất ổn trong việc đầu tư ra nước ngoài. Trong hai tuần gần đây, TTCK nhiều nước trên thế giới có xu hướng giảm, tạo phản ứng dây chuyền tới TTCK Việt Nam.

Tuấn Dũng

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics