Chỉ số DJIA, chỉ số chứng khoán trung bình 30 công ty công nghiệp hàng đầu của Mỹ, hôm 8/11 vừa qua đóng cửa ở mức 13.226,29 điểm, giảm 33,73 điểm sau khi chứng kiến mức giảm kỷ lục hơn 360 điểm của ngày hôm trước. Đây được coi là mức thấp kỷ lục so với mức 14.164,53 điểm mà DJIA đạt được hôm 9/10 vừa qua và mức 13.930,01 điểm hôm 31/10, ngày mà Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản lần thứ hai.
Các chỉ số chứng khoán Mỹ khác như NASDAQ, S&P500 cũng giảm mạnh và đứng ở mức thấp 2.696 điểm và 1.474,77 điểm. Cùng lúc các chỉ số chứng khoán ở châu Á và châu Âu đều đi xuống sau khi có nhiều thông tin không mấy lạc quan về nền kinh tế Mỹ. Còn tại Việt Nam, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/11, VN-Index giảm phiên thứ 6 liên tiếp xuống còn 1.018,29 điểm.
Theo bình luận của các chuyên gia phân tích quốc tế, sự sụt giảm kéo dài này của TTCK Mỹ bắt nguồn từ những thông tin không có gì sáng sủa của cuộc khủng hoảng cho vay thế chấp trong lĩnh vực nhà đất ở Mỹ, nhất là sau khi hàng loạt tổ chức đầu tư tài chính lừng danh công bố những khoản lỗ khổng lồ từ đầu tư chứng khoán liên quan tới lĩnh vực này.
Tiếp bước hai tổ chức tài chính hàng đầu là Merrill Lynch và Citigroup, tuần qua Morgan Stanley cũng công bố tình trạng thua lỗ của mình, với khoản thiệt hại lên tới 3,7 tỷ USD trong quý III và dự tính lỗ thêm 2,5 tỷ USD trong quý IV năm nay. Tính chung, khoản thiệt hại của các quỹ đầu tư lên tới hàng chục tỷ USD, một con số đã khiến giám đốc điều hành của Citigroup và Merrill Lynch phải ra đi.
Trước việc thua lỗ nặng nề như vậy, các nhà phân tích cho rằng, nhiều tổ chức đầu tư sẽ buộc phải cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình bằng việc bán ra mạnh hơn để tìm cách cứu vớt các khoản thua lỗ. Như vậy, sẽ tiếp tục kéo theo sự suy giảm của các TTCK trên thế giới.
Trong khi đó, thông tin về việc FED có thể sẽ không tiếp tục cắt giảm lãi suất từ nay đến cuối năm như mong đợi của các nhà đầu tư chứng khoán trên thế giới do lo ngại lạm phát, theo các nhà phân tích, cũng khiến các nhà đầu tư mất niềm tin vào sự tăng trưởng của TTCK Mỹ trong bối cảnh đồng USD đang bị mất giá kỷ lục trong hàng thập kỷ qua.
Các nhà phân tích chứng khoán cho rằng, nếu chỉ số DJIA rớt xuống dưới ngưỡng 13.000 điểm thì TTCK Mỹ sẽ thực sự đi vào suy thoái mạnh. Và khi đó, chỉ số DJIA sẽ lao xuống ngưỡng 10.018 điểm và chỉ số S&P500 xuống còn 912 điểm, dựa trên những dự đoán về lợi nhuận và cổ tức trong hiện tại và tương lai của các công ty trên TTCK Mỹ.
Hiện tại, hệ số P/E của các cổ phiếu trong chỉ số DJIA khoảng 16 lần, trong khi của S&P500 là 18 lần và dự kiến mức tăng trưởng lợi nhuận tương ứng là 2,2% và 1,8% trong năm 2007. “13.000 điểm là ngưỡng mà các ngân hàng trung ương trên buộc phải hành động, nếu không các TTCK sẽ phải trả giá”, Brian Bloom, chuyên gia tại Công ty Tư vấn đầu tư Venture Capital Industry cảnh báo.
Ngoài ra, giá dầu đang tăng chóng mặt và hiện đứng ở mức rất cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ vốn không mấy lạc quan cũng như nền kinh tế thế giới nói chung. Hơn nữa, 48% dân số Mỹ đang tỏ ra rất lo lắng cho khoản đầu tư tài chính của mình vào TTCK do lo ngại lạm phát đang tăng cao cũng ít nhiều tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư trên TTCK Mỹ.
Nhà phân tích tài chính nổi tiếng Marc Faber, người dự báo chính xác sự sụp đổ của TTCK Mỹ năm 1987, vài tháng trước đã cảnh báo rằng, TTCK Mỹ mới đang ở giai đoạn đầu của sự suy thoái (bear market). Ông dự báo, chỉ số DJIA sẽ giảm xuống dưới mức 12.000 điểm, so với mức hơn 14.000 điểm trong tháng 7 vừa qua. Ngoài ra, ông cũng khuyên các nhà đầu tư nên mua vàng, dầu mỏ và bán USD ngay lập tức.
Faber cho rằng, làn sóng nhà đầu tư ào ạt mua vào cổ phiếu tại thời điểm TTCK Mỹ sụt giảm mạnh trong tháng 2 và tháng 6 vừa qua đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh và việc giảm giá là điều không thể tránh khỏi. “Các TTCK mới nổi thực sự là những “nạn nhân” dễ bị tổn thương nhất từ những cú sốc từ TTCK Mỹ”, ông Faber nói.
No comments:
Post a Comment