Báo cáo ngày 7/3 của HSBC: Chọn các cổ phiếu ít có khả năng mất giá nhất
![]() |
HSBC cho rằng không nên chọn cổ phiếu có lợi nhuận cao nhất mà chọn cổ phiếu ít có khả năng mất giá nhất. |
Ngày 7/3/2008, HSBC đưa ra bản báo cáo Asian Strategy thường kỳ trong đó tổng kết tình hình thị trường chứng khoán châu Á hiện tại và đưa ra một số lời khuyên cho khách hàng của mình.
Điểm mới đáng chú ý nhất trong Báo cáo ngày 7/3 của HSBC là luận điểm rằng, điều quan trọng nhất trong một thời điểm mà thị trường biến động thất thường như hiện nay là phải chọn được cho mình một danh mục trong đó không phải là bao gồm nhiều cổ phiếu có thể mang lại lợi nhuận cao nhất mà phải là một danh mục gồm nhiều các cổ phiếu ít có khả năng mất giá nhất.
Để nhấn mạnh điều này, HSBC dẫn lời một chuyên gia Anh rằng: "Điều phân biệt một nhà quản lý quỹ giỏi với những nhà quản lý quỹ khác là ở chỗ, danh mục của anh ta có ít cổ phiếu có khả năng mất giá hơn".
Còn lại, hầu hết các luận điểm trong báo cáo lần này đều lặp lại các luận điểm trong báo cáo ngày 29/2/2008.
Vẫn kiên định như lần trước, HSBC khuyến cáo nhà đầu tư nên chuyển hướng đầu tư sang châu Á khi mà nền kinh tế Mỹ không mấy khả quan. Lần trước HSBC cũng khuyên các nhà đầu tư quốc tế nên chú trọng hơn nữa đầu tư vào cổ phiếu tại châu Á, đặc biệt là các nước có tăng trưởng cao, để "gỡ gạc" lợi nhuận cho danh mục toàn cầu của mình, nhất là khi cơ hội với cổ phiếu ở Mỹ giảm đi do tình trạng bất ổn trên thị trường tài chính Mỹ.
Cũng như trong báo cáo ngày 29/2/2008, Việt Nam vẫn được xếp trong hàng 6 nước mà HSBC khuyến nghị ưu tiên đầu tư ở mức cao nhất, mức OW hay OverWeight - Buy. (OW hay OverWeight nghĩa là đầu tư vào quốc gia đấy với tỉ lệ của tổng danh mục (tỉ lệ danh mục) cao hơn tỉ lệ đại diện của quốc gia đó trong chỉ số Chứng khoán của Châu Á - Thái Bình Dương, trừ Nhật).
HSBC khuyến cáo các nhà đầu tư trong tổ chức của riêng họ nên đầu tư vào Việt Nam với tỷ trọng 0,5%. Tỷ trọng này ở Nhật được khuyên là 44,5%, ở Australia là 14%, Hàn Quốc là 9,5%, Trung Quốc là 9,8%, vùng lãnh thổ Đài Loan là 5,5%, Hồng Kông là 4,5%, Singapore là 3,5%, Malaysia là 1%, Thái Lan là 2% trong khi Phillipines, Indonesia và Pakistan là 0%.
Cũng như lần trước, HSBC vẫn kiên định với dự báo mà họ đã đưa ra từ đầu tháng 1/2008, rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng trưởng và VN-Index sẽ về đích 1.100 điểm vào cuối năm nay.
(Theo ATP)
Bộ Tài chính xác định 6 giải pháp hỗ trợ chứng khoán
![]() |
Bộ Tài chính đã có kế hoạch cụ thể nhằm giúp thị trường chứng khoán phát triển ổn định. |
Ngày 7/3, Bộ Tài chính chính thức công bố 6 giải pháp chính hỗ trợ thị trường chứng khoán phục hồi.
6 giải pháp này gồm:
1. Điều hoà IPO đảm bảo mục tiêu thực hiện chủ trương kế hoạch cổ phần hoá doanh nghệp doanh nghiệp nhà nước, đồng thời cân đối cung cầu theo tình hình thị trường tại từng thời điểm.
2. Chưa đánh thuế thu nhập từ đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong năm 2008.
3. Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) mua vào một số cổ phiếu.
4. Giãn lịch phát hành ra công chúng giảm tốc độ tăng cung hàng hoá.
5. Cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của công ty đại chúng chưa niêm yết với hạn mức 40%.
6. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trong quản lý, giám sát hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán.
(Theo vneconomy.vn)
Hỗ trợ chứng khoán: SCIC đang mua vào như thế nào?
![]() |
Phiên hôm nay, SCIC đã xác định mua vào với số lượng lớn nhưng không được do nhà đầu tư hạn chế bán ra. |
Sau phiên giao dịch hôm nay, VnEconomy đã trao đổi nhanh với lãnh đạo “siêu” tổng công ty về định hướng hỗ trợ thị trường.
Sáng nay (7/3), Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã chính thức mua vào chứng khoán niêm yết, theo định hướng chỉ đạo của Chính phủ để góp phần hỗ trợ thị trường phục hồi.
Trong thông báo ngay sau phiên giao dịch, SCIC cho biết đã chính thức mua vào cổ phiếu của một số doanh nghiệp được niêm yết trên cả 2 sàn giao dịch Hà Nội và TP.HCM.
Các cổ phiếu được SCIC lựa chọn mua vào đáp ứng yêu cầu là cổ phiếu loại tốt, có hiệu quả và tính thanh khoản cao. Ngoài ra, nhằm mục tiêu hỗ trợ thị trường, SCIC cũng chú trọng đến tiêu chí cổ phiếu được lựa chọn có khả năng tác động tích cực đến sự điều chỉnh của thị trường, đồng thời đảm bảo hiệu quả hoạt động của SCIC.
Việc xác định danh mục đầu tư, khối lượng giao dịch, mức giá và thời điểm mua vào sẽ được SCIC quyết định linh hoạt, tùy theo các diễn biến của thị trường, đồng thời bám sát chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.
Toàn bộ việc phân tích, đánh giá, lựa chọn và ra quyết định đầu tư của SCIC luôn đảm bảo yêu cầu minh bạch về quy trình và bảo mật về thông tin. Thông tin chi tiết về các giao dịch do SCIC tiến hành sẽ được công bố vào thời điểm phù hợp nhằm hạn chế các hành vi đầu cơ trục lợi, gây tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư và tác động tiêu cực đến thị trường.
“Trong bối cảnh thị trường hiện nay, việc SCIC tham gia hỗ trợ thị trường chỉ là một trong nhiều giải pháp đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ, với sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Việc Chính phủ giao cho một tổ chức tài chính lớn của nhà nước như SCIC tham gia hỗ trợ thị trường là một trong nhiều tín hiệu cho thấy rõ quyết tâm của Chính phủ trong việc bình ổn thị trường”, SCIC nhận định.
Hiện tại, căn cứ vào diễn biến thị trường, SCIC đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định và chuẩn bị các nguồn lực tài chính cần thiết, làm cơ sở cho việc hỗ trợ thị trường có hiệu quả.
“Không có danh mục, không có số vốn cụ thể”
Trao đổi nhanh với VnEconomy trưa nay, ông Lê Song Lai, Phó tổng giám đốc SCIC, cho biết ngay trong phiên vào cuộc đầu tiên, khối lượng mà “siêu” tổng công ty này xác định mua là khá lớn; tuy nhiên, do lượng bán ra hạn chế nên không mua đủ khối lượng xác định ban đầu.
Dự kiến trong chiều nay, kết quả giao dịch của SCIC sẽ được tổng hợp và có thể công bố cụ thể.
Về định hướng triển khai giao dịch, nguyên tắc giao dịch, ông Lai khẳng định: “Hiện có một số thông tin cho rằng SCIC lên danh mục mua cổ phiếu của 20 doanh nghiệp ở mỗi sàn Hà Nội và Tp.HCM với lượng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng là không chính xác. Chúng tôi xin nhấn mạnh là không có bất kỳ một danh mục nào và cũng không có con số cụ thể 5.000 tỷ đồng đó”.
Giải thích cho những thông tin trên, ông Lai cho biết việc lựa chọn cổ phiếu mua vào của doanh nghiệp nào sẽ được xác định trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ là cổ phiếu có tính thanh khoản cao, của doanh nghiệp tốt. Ngoài ra, tùy theo diễn biến của thị trường, SCIC sẽ lựa chọn phù hợp. Số lượng mua vào, số vốn đầu tư cũng sẽ theo diễn biến của thị trường.
Ở một hướng thông tin khác, ông Lai khẳng định các giao dịch của SCIC được xác định và báo cáo Ủy ban Chứng khoán, được bảo mật và sẽ không để xẩy ra hiện tượng rò rỉ thông tin, loại trừ các giao dịch nội gián. Các chi tiết giao dịch chỉ có thể được công bố vào thời điểm thích hợp.
Trong những phiên giao dịch sắp tới, SCIC sẽ tiếp tục theo dõi thị trường để có kế hoạch mua vào hợp lý. Các thông tin liên quan trong trường hợp được phép công bố sẽ nhanh chóng được thông báo đến nhà đầu tư.
(Theo vneconomy.vn)
No comments:
Post a Comment