Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Wednesday, August 15, 2007

Khi các CTCK săn nhà đầu tư

Ngày 14/08/2007, 15:43
Khi các CTCK săn nhà đầu tư

Để thu hút NĐT như thế này hiện nay các CTCK phải dùng nhiều chiêu
Để thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn hiện nay, các CTCK đã tung ra đủ chiêu thức khuyến mãi. Giờ đây NĐT dần cảm nhận được vị trí “thượng đế” của mình.

Đồng loạt giảm phí

Biểu phí quy định các CTCK nhận được khi tiến hành thành công giao dịch cho nhà đầu tư là 0,5% trên giá trị giao dịch. Nhưng nay mức phí bị xem là “trên trời” ấy đã bị phá khi các CTCK đang đồng loạt hạ phí. Đến thời điểm này những CTCK mới thành lập như CTCK Chợ Lớn, Hoàng Gia, Tân Việt, Gia Anh… thường áp dụng mức phí dưới 0,2% cho khách hàng của mình. Thậm chí CTCK Việt Tín còn làm cuộc bức phá ngoạn mục là tặng 5 triệu đồng cho khách hàng mở tài khoản giao dịch tại công ty, số tiền này sẽ trừ dần vào biểu phí giao dịch theo quy định là 0,35%. Đó là một chính sách mà chỉ hơn 4 tháng trước khó ai nghĩ tới. Thời điểm ấy, muốn mở tài khoản giao dịch tại SSI khách hàng phải nộp vào tối thiểu 100 triệu đồng mới có “mức phí mềm” này và chỉ áp dụng trong vài tháng đầu. Đơn cử như CTCK Sacombank áp dụng đầu tiên, khi thu chỉ có 0,1% cho khách giao dịch CP STB trong thời điểm đầu năm nay.

Hiện tại giá trị giao dịch trung bình của thị trường thường xuyên xuống dưới mức 500 tỷ đồng/ phiên, nhưng số lượng CTCK lại tăng dần lên nên buộc phải hạ phí để lấy khách hàng. Tuy nhiên, khuyến mãi bằng giảm phí đang là con dao hai lưỡi nếu thị trường không phục hồi nhanh. Bởi các CTCK yếu về vốn dễ bị gục trước chiêu hạ phí trên, khi mà chi phí để vận hành đang thuộc loại tốn kém nhất trên thị trường (chi phí quản lý quý II/2007 của CTCK BVSC lên đến 22,5 tỷ đồng). Lâu nay các CTCK này đạt siêu lợi nhuận từ việc tự doanh, nhưng nay càng tự doanh càng dẫn đến việc chôn vốn chứ chưa nói là lỗ, nên nguồn thu từ phí giao dịch là một trong những nguồn thu chính. Nếu kéo dài tình trạng này, việc nâng lại mức phí lên sẽ rất khó khi NĐT quen dần với mức phí trên. Đồng thời, vẫn còn hơn 30 hồ sơ xin thành lập CTCK, ai dám chắc rằng các công ty ra đời sau lại không noi gương đàn anh về chiêu thức khuyến mãi này.

Thu hút nhiều dịch vụ mới

Nhu cầu cầm cố CP rất lớn kể từ khi ngân hàng hạn chế cho vay trong lãnh vực này, cộng với việc giá CP liên tục giảm nên đây không phải thời điểm tốt để tự doanh. Một số CTCK nhanh chóng tiến hành repo CP cho khách hàng của mình để tìm thêm lợi nhuận từ nghiệp vụ này, như CTCK SSI đang thu phí repo khoảng 1,26%/tháng. Tuy nhiên, không phải CTCK nào cũng đủ tiềm năng tài chính để thực hiện nghiệp vụ này. Giờ đây dễ dàng tìm thấy khung cảnh thoải mái ở CTCK, nhà đầu tư có thể nhấp nháp ly cà phê hay tách trà miễn phí ở CTCK Đại Việt, Phương Đông… Và hầu như công ty nào cũng có mạng wifi miễn phí cho khách hàng. Song đây không phải là điều cần thiết nhất đối với giới đầu tư nên các công ty đang cố gắng tìm ra phương thức khác để thu hút khách hàng.

Đón đầu việc áp dụng quy định tiền của khách hàng giao dịch CK phải được thông qua ở ngân hàng, CTCK Đại Việt đã nhanh chóng liên kết với Ngân hàng Quân Đội. Nay tại hai sàn giao dịch của CTCK này đều có quầy giao dịch của ngân hàng trên, rất tiện và an toàn trong việc thanh toán. Riêng CTCK Rồng Việt thu hút nhà đầu tư bằng chiến dịch mang tên “Tháng đồng hành cùng nhà đầu tư” với việc cách tổ chức thuyết trình, đào tạo, đánh giá về thị trường… miễn phí cho nhà đầu tư. Đặc biệt là liên tục tổ chức phổ biến phương thức khớp lệnh liên tục cho NĐT, sự kiện này đã thu hút hơn 700 lượt NĐT tham dự.

Thế nhưng, việc áp dụng tối ưu hóa công nghệ để đem lại sự tiện lợi cho khách hàng mới thật sự là cuộc đua tốn kém và thể hiện năng lực của các CTCK. Đơn cử như CTCK VNDirect hiện cho phép khách hàng thực hiện giao dịch trực tuyến an toàn thông qua thẻ VTOS, đồng thời tra cứu thông tin tài khoản thông qua điện thoại di động. Đây là ưu thế trong giao dịch khớp lệnh liên tục, vì khách hàng biết được kết quả tức thì và nhìn thấy trạng thái nhận lệnh của mình. Riêng CTCK Tân Việt đầu tư gần 1 triệu USD để xây dựng bộ sản phẩm giao dịch trực tuyến, tâm đắc nhất ở công cụ này chính là tính minh bạch cao cho cả NĐT lẫn CTCK.

Đầu tư để phát triển kinh doanh là hướng đi tất yếu, song hiệu quả mới đánh giá được mức đầu tư ấy có đúng hướng không. Trong lĩnh vực CK, con người mới là điều NĐT cần nhất. Cho dù công nghệ cao đến đâu nữa nhưng một nhà tư vấn kém thì cũng khó lòng giữ chân được nhà đầu tư.

Theo SGGP

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics