Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, August 13, 2007

SCIC bán cổ phần tại Cty giày Đông Anh: Cần trọng tài kinh tế

SCIC bán cổ phần tại Cty giày Đông Anh: Cần trọng tài kinh tế
Lao Động số 186 Ngày 13/08/2007 Cập nhật: 9:02 AM, 13/08/2007


(LĐ) - Hơn 2 tháng kể từ khi TCty Đầu tư & Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán 45% số cổ phần cho Jim Brother's (Đài Loan), những mâu thuẫn giữa SCIC và ban lãnh đạo Cty giày Đông Anh (Dafco) đã lên đến đỉnh điểm. Điều đáng lưu ý, 45% vốn nhà nước rơi vào tình trạng đầy nguy cơ rủi ro nếu như chịu số phận đúng như Đại hội cổ đông Dafco quyết định.

Trên các số ra ngày 30.7 và 1.8, Báo Lao Động đã phản ánh về những mâu thuẫn ngày càng trở nên gay gắt giữa SCIC và Dafco. Thông tin mà ông Nguyễn Hồng Anh - Chủ tịch HĐQT Dafco - cung cấp cho Báo Lao Động cho thấy: Vào ngày tổ chức ĐHCĐ, vai trò sở hữu 45% vốn nhà nước của SCIC đã bị phế truất. Đồng thời, vị trí đối tác mua 45% vốn trên là Jim Brother's cũng không được thừa nhận.

Đặc biệt, ông Đoàn Nhật Dũng - đại diện cho SCIC - cũng bị miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT. Đối với 45% vốn nhà nước, ĐHCĐ quyết định: Trước hết phải bán số cổ phần trên cho các CĐ sáng lập; nếu bán không hết thì số cổ phần trên sẽ được bán tiếp cho người lao động; nếu người lao động mua không hết thì số cổ phần còn lại phải được bán đấu giá. Nếu không thực hiện quyết định trên - đồng thời SCIC vẫn muốn bán cho Jim Brother's - thì Dafco sẽ quản lý phần vốn trên cho đến khi có đủ 3 năm để đảm bảo điều kiện được bán.

Tất cả những vấn đề trên thực tế đã đẩy SCIC và 45% vốn nhà nước tại Dafco rơi vào tình thế cực kỳ rủi ro. Cụ thể, theo ông Đoàn Nhật Dũng: Sau khi mua bán thoả thuận, Jim Brother's đã chuyển tiền cho SCIC. Nếu việc chuyển 45% số cổ phần trên không được thực hiện, SCIC rất có thể phải chịu phạt từ phía đối tác.

Mặt khác, nếu lãnh đạo Dafco cố tình ngăn cản việc mua bán, bãi miễn đại diện của SCIC trong HĐQT - song lại cũng phủ nhận vai trò sở hữu của SCIC - thì 45% vốn đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của SCIC.

Khi đó, rủi ro của phần vốn nhà nước này là rất lớn. Đặc biệt, ông Đoàn Nhật Dũng cho rằng: Thực tế, ban lãnh đạo Dafco hoàn toàn không có quyền quản lý phần vốn này. Bên cạnh đó, nếu để xảy ra sai sót, thua lỗ thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Cho đến nay, SCIC đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Thương mại; ông Nguyễn Hồng Anh cũng đã đứng đơn gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để đề nghị xem xét, xử lý và giải quyết những vấn đề trên.

Theo ông Đoàn Nhật Dũng, đây là lần đầu tiên SCIC tiếp nhận, quản lý phần vốn và thực hiện thoái vốn theo chủ trương và chức năng được giao phó. Tuy nhiên, việc thoái vốn bị ngăn cản sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện chủ trương này. Đặc biệt, nếu không sớm giải quyết thì đây sẽ là tiền lệ xấu khi mà SCIC tiếp tục thực hiện việc thoái vốn, bảo toàn vốn, quản lý vốn cho Nhà nước. Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Anh cũng kiến nghị cần làm rõ đúng - sai trong việc mua bán này; tạo điều kiện để Dafco ổn định sản xuất.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là sự vụ lần đầu tiên xảy ra với những diễn biến phức tạp. Vì thế cần có tiếng nói của trọng tài kinh tế, của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu sự vụ không được giải quyết theo chiều hướng tích cực, sự nhùng nhằng và mâu thuẫn giữa chủ trương của Nhà nước với thực tế tại DN sẽ khó mang lại quyền lợi hài hoà.

>> Đâu là mục đích của ban lãnh đạo Dafco?
>> SCIC bán cổ phần tại Cty giày Đông Anh: Bên thoái vốn - bên ngăn cản
>> Vụ đình công tại Cty cổ phần giày Đông Anh (Dafco) Hà Nội: 94,7% số lao động đã trở lại làm việc
>> Ai bảo vệ người chống tiêu cực (?!)

Phạm Anh

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics