Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, February 18, 2008

Chứng khoán đang “xìu”: Nhà đầu tư trường vốn sẽ thắng lớn


Chứng khoán đang “xìu”: Nhà đầu tư trường vốn sẽ thắng lớn

NĐT nào trường vốn sẽ thắng lớn khi giá cổ phiếu đang sát với giá trị thật.
NĐT nào trường vốn sẽ thắng lớn khi giá cổ phiếu đang sát với giá trị thật.

Giá nhiều loại cổ phiếu đã về sát giá trị thật nên các nhà đầu tư có tiền (không phải là tiền đi vay) vẫn có thể gom được hàng tốt.

Kết thúc một tuần giao dịch sau Tết, chứng khoán có ba phiên giảm trong bốn phiên giao dịch, đưa chỉ số VN-Index về gần ngưỡng 800 điểm. Nguyên nhân chứng khoán “xìu” đã được phân tích trước đó là do nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc hoán đổi ra tiền đồng và nhà đầu tư trong nước không được bơm thêm tiền để mua cổ phiếu do các ngân hàng bị siết tín dụng.

“Bỏ” chứng khoán cứu lạm phát

Mới đây Ngân hàng nhà nước quyết định hút hơn 20.300 tỷ đồng về bằng việc phát hành tín phiếu bắt buộc 41 tổ chức tín dụng phải mua để chống lạm phát càng đẩy chứng khoán rơi vào cảnh ảm đạm.

Trong quyết định mới đưa ra, Ngân hàng nhà nước cho biết phải hút tiền về là do trong những tháng đầu năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức cao (riêng tháng 1 tăng 2,38%) nên phải áp dụng biện pháp trên. Như vậy có thể hiểu để chống lạm phát nên cơ quan quản lý đành bỏ rơi kênh chứng khoán dù kênh này đang “xìu”.

Việc bỏ rơi chứng khoán còn có thể nhận biết khi trước đó các cơ quan quản lý một hai tuyên bố là nới lỏng cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán khi mở dư nợ cho vay của các ngân hàng lên đến 20% vốn điều lệ. Tuy nhiên, việc này cũng được chứng minh là “bình mới rượu cũ” khi mà tỷ lệ cho vay vẫn không khá hơn là bao.

Bình luận về chuyện này, giám đốc một công ty quản lý quỹ tại TP.HCM (đề nghị không nêu tên) nói thẳng là cơ quan quản lý đang đau đầu với lạm phát hiện nay (năm 2007 lạm phát là trên 12,6%) và sẽ còn bùng lên dữ dội trong năm 2008. Do đó phần nào có thể thông cảm với chuyện 300 tài khoản của nhà đầu tư sẽ được xem nhẹ hơn so với tác động của lạm phát đối với hơn 80 triệu dân đặt trên bàn các nhà làm chính sách.

Tuýt còi quá sớm

Tuy nhiên, ông này cho rằng cách điều hành thị trường bị động và làm luật tùy tiện liên quan về thị trường vốn là điều không thể chấp nhận. Ông lấy dẫn chứng như chuyện hăm he đánh thuế thu nhập từ chứng khoán là một việc quá vội vàng. Thu thuế chứng khoán thì quốc gia nào cũng làm nhưng thu ở thời điểm nào và trên tỷ lệ người chơi bao nhiêu chứ không thể hễ thấy chứng khoán mới nóng lên là tìm cách siết lại. Dù việc đánh thuế đến năm 2009 mới áp dụng nhưng hăm he như thế cũng cho thấy cách điều hành quá công thức, gây hoang mang cho nhà đầu tư thị trường.

Tiến sĩ Hồ Công Hưởng, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Hoàng Gia, cũng cho rằng ngay việc chống lạm phát cũng có nhiều cách chứ không chỉ siết nguồn cung tiền như hiện nay. Như việc thị trường nhà đất quá nóng, giá đội lên quá cao, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư thì cơ quan quản lý lại bó tay không kềm cương giá được.

Chuyên gia chứng khoán Lê Đạt Chí cũng góp ý là cơ quan quản lý cần tuýt còi việc doanh nghiệp đua nhau phát hành cổ phiếu trong thời gian vừa qua, vì phần lớn phát hành ồ ạt nhằm lấy vốn để đầu tư tài chính hơn là dành cho sản xuất, kinh doanh.

Vẫn có thể kiếm chác được

Ông Bùi Quốc Huy, Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Phương Đông, cho rằng do nguồn cung tiền sắp tới hạn hẹp sẽ khiến các nhà đầu tư nhỏ bán cổ phiếu ra. Mặt khác, giá nhiều loại cổ phiếu trên thị trường đã về sát giá trị thật nên các nhà đầu tư có tiền (không phải là tiền đi vay) vẫn có thể gom được hàng tốt. Theo ông Huy, dù chứng khoán hiện nay rất khó dự báo khi nào bật trở dậy, tuy nhiên theo quy luật, cổ phiếu có xuống rồi lại có lên. Điều cơ bản hiện nay là nhà đầu tư nào trường vốn thì sẽ thắng lớn khi giá nhiều loại cổ phiếu đang rất đẹp.

Một con số tư liệu cho thấy năm 2000, chứng khoán cũng bật dậy dữ dội nhưng sau khi cơ quan quản lý thò tay vào điều hành chứng khoán đã quay đầu nhưng sau đó lại bật dậy dữ dội để tạo ra kỳ tích đánh là thắng ở thời điểm cuối năm 2006 đầu năm 2007.

Tiến sĩ Hồ Công Hưởng cũng nhận định việc Ngân hàng nhà nước siết tín dụng như trên không là vấn đề quá nóng, vì nếu cơ quan quản lý biết cách điều hành thị trường linh hoạt, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thị trường vốn này thì chứng khoán vẫn bật dậy. Ông Hưởng lý giải hiện nay dân đầu tư chứng khoán vẫn còn nhiều tiền. Chỉ cần thấy hơn sáu tỷ kiều hối chảy về trong năm nay chưa giải ngân bao nhiêu thì đủ biết nguồn tiền trong dân rất lớn. Chỉ cần 30% số vốn này chảy vào kênh chứng khoán thì thị trường sẽ sôi động lại ngay.

(Theo phapluattp.vn)

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics