Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Wednesday, February 20, 2008

VN-Index tiếp tục giảm sâu xuống dưới 750 điểm

VN-Index tiếp tục giảm sâu xuống dưới 750 điểm
14:53' 20/02/2008 (GMT+7)

- Chỉ trụ được trong đợt giao dịch thứ 1, hầu như tất cả các cổ phiếu đã đồng loạt giảm sàn khi kết thúc phiên giao dịch, kéo VN-Index xuống dưới 750 điểm.

Chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam kết thúc phiên giao dịch sáng 20/02 giảm 31,87 điểm (tương đương giảm 4,1%) xuống còn 744,92 điểm.

Trong tổng số 150 mã chứng khoán niêm yết (thêm TTF của CTCP Gỗ Trường Thành đưa vào giao dịch 15 triệu cổ phiếu hôm 18/2), chỉ có 5 mã giữ giá tham chiếu, không có mã nào tăng giá và toàn bộ 145 mã giảm giá, và có đến hơn 100 mã giảm sàn.

1
Ảnh minh họa: LAD
Giống như vài phiên giao dịch gần đây, nhiều nhà đầu tư lớn với chiến lược đầu tư dài hạn tăng cường mua vào cuối phiên giúp tổng giao dịch trên thị trường tăng khá mạnh, đạt 12.808.170 đơn vị, trị giá 1.014,339 tỷ đồng.

5 mã giữ giá tham chiếu là ST8 của CTCP Siêu Thanh ở mức 67.000 đồng/cổ phiếu, HBC của CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hoà Bình 95.000 đồng/cổ phiếu, MAFPF1 ở mức 8.800 đồng/cổ phiếu, VFC của CTCP Vinafco 52.000 đồng/cổ phiếu, BBC của Bibica 82.000 đồng/cổ phiếu.

Các cổ phiếu chủ chốt trên thị trường cùng nhau giảm sàn, với nhiều mã tiêu biểu là DPM của Đạm Phú Mỹ (giảm 3.000 đồng xuống 59.000 đồng/cp); FPT của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ FPT (giảm 9.000 đồng xuống 167.000 đồng/cp); HPG của Hoà Phát (giảm 4.500 đồng xuống 88.000 đồng/cp).

2 mã cùng giảm 5.000 đồng là ITA của Itaco và đại gia SSI của Chứng khoán Sài Gòn. STB của Sacombank cũng giảm sàn 2.500 đồng xuống 56.000 đồng/cổ phiếu.

Tân binh TTF cũng có phiên giảm sàn cùng xu hướng thị trường, kết thúc giao dịch TTF mất 3.000 đồng xuống 77.000 đồng/cổ phiếu, với 189.040 cổ phiếu được chuyển nhượng.

Giảm giá mạnh nhất thị trường là các mã NTL của Nhà Từ Liêm, BMC cùng giảm 13.000 đồng, TCT (-12.000 đồng), SJS (11.000 đồng), sau đó là các mã DHG, FPT, KDC...

Khối lượng khớp lệnh lớn nhất là STB với 1.460.080 cổ phiếu, DPM với 1.099.033 cổ phiếu, SSI với 787.480 cổ phiếu, FPT 312.060 cổ phiếu, tiếp theo là PVT, PPC, PRUBF1, VFMVF1, REE...

Tâm lý lo ngại thị trường khó sớm hồi phục của đại bộ phận các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã kéo giá của tất cả các cổ phiếu đi xuống, kể cả những cổ phiếu có chỉ số P/E dưới 10 lần.

“Chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường có thể sớm hồi phục”, anh Trí Dũng - một nhà đầu tư có mặt tại sàn chứng khoán SeABank sáng nay nói.

“Các cơ quan quản lý đang gặp rất nhiều vấn đề cần giải quyết, trong đó kiềm chế lạm phát vẫn được ưu tiên hàng đầu. Trong khi đó, cán cân cung-cầu vẫn đang rất mất cân bằng. Cung hàng hóa cho thị trường chứng khoán tăng rất mạnh trong năm ngoái và còn tiếp tục tăng. Cầu cổ phiếu thì có thể còn giảm tiếp trong tình hình lượng tiền đồng ngày càng bị thắt chặt. Còn việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần được mua bằng ngoại tệ theo tỷ giá quy định mới chỉ là một đề xuất. Để có thể thực hiện, còn phải bàn bạc và xây dựng các hướng dẫn cụ thể. Với tình hình này, cho dù giá cổ phiếu đã rất hấp dẫn nhưng có thể còn giảm tiếp”, anh Dũng nhận xét.

Mặc dù vậy, khá nhiều nhà đầu tư lớn vẫn thực hiện chiến thuật “cứ giảm là mua, VN-Index lập đáy mới thì lại xoay tiền mua tiếp”.

“Chứng khoán đã rất rẻ và tôi vẫn quyết định mua tiếp”, anh Nguyễn Huy Hoàng một nhà đầu tư chuyên nghiệp, bám sàn Habubank nhiều năm nay cho biết. “Nếu còn giảm tiếp, chứng khoán sẽ ngày càng hấp dẫn và có thể sẽ sớm vượt qua vàng và bất động sản, khi đó muốn mua cũng rất khó. Đặc biệt, thị trường bất động sản sẽ bớt nóng trong thời gian tới khi Chính phủ có các chính sách mới”.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính quốc tế, bước sang quý III, kinh tế thế giới và theo đó là chứng khoán sẽ ổn định trở lại. Đây có thể được coi là một mốc để các nhà đầu tư nói chung và chứng khoán nói riêng hướng tới.

  • Nhất Linh

TTCK sụt giảm: Nguyên nhân nào từ chính sách tiền tệ?
14:32' 20/02/2008 (GMT+7)

- Trong 2 ngày gần đây chỉ số trên TTCK Việt Nam liên tục sụt giảm. Tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) ngày 18/2, chỉ số VN – Index giảm tới 33,46 điểm, xuống còn 782,57 điểm. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay.

Đến ngày 19/2/2008, VN – Index lại giảm tiếp 5,78 điểm, xuống còn 776,79 điểm. Tại Trung tâm GDCK Hà Nội, chỉ số HaSTC – Index trong ngày 18/2/2008 cũng giảm 12,38 điểm và ngày 19/2/2008 giảm tiếp 1,51 điểm, xuống còn 268,19 điểm.

Trên thị trường OTC, giá hàng loạt cổ phiếu chưa niêm yết cũng giảm thấp và giao dịch hết sức trầm lắng. Giá một số loại cổ phiếu Ngân hàng thương mại cổ phần loại khá, thuộc nhóm cổ phiếu được coi là Blue Chips, giảm xuống chỉ còn 31.000 đồng đến 40.000 đồng/CP, giảm tới hơn 2/3; hay giảm tới 70% so với mức giá cách đây vừa tròn 1 năm.

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn

Nguyên nhân lớn nhất của đợt sụt giảm trên TTCK lần này đó là thị trường tiền tệ nóng lên. Ảnh chỉ có tính chất minh họa của LAD


Diễn biến nói trên của TTCK Việt Nam có 3 nguyên nhân chính: đó là sự liên hệ chặt chẽ với thị trường tiền tệ và điều hành chính sách tiền tệ; yếu tố cung cầu chứng khoán và cổ phiếu; yếu tố tâm lý của các nhà đầu tư và thị trường.

Nguyên nhân lớn nhất của đợt sụt giảm trên TTCK lần này đó là thị trường tiền tệ nóng lên; lãi suất của hệ thống ngân hàng tăng cao; Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt.

TIN LIÊN QUAN
Cuối tuần trước, Ngân hàng Nhà nước công bố quyết định phát hành 20.300 tỷ đồng trái phiếu bắt buộc, nhưng không được sử dụng vay tái cấp vốn. Ba NHTM Nhà nước có quy mô lớn nhất mỗi ngân hàng phải mua tới 3.000 tỷ đồng. Hai NHTM cổ phần thuộc tốp đứng đầu phải mua 1.200 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng. Các NHTM cổ phần thuộc nhóm giữa phải mua 400 – 500 tỷ đồng/ngân hàng.

Khối Ngân hàng nước ngoài có 9 chi nhánh phải mua từ 100 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng. Hai Ngân hàng liên doanh phải mua 150 tỷ đồng/ngân hàng. NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Quỹ tín dụng nhân dân và các TCTD có số vốn huy động VND đến 31/1/2008 từ 1.000 tỷ đồng trở xuống không phải mua tín phiếu NHNN đợt này. Thời điểm phát hành là ngày 17/3/2008.

Để chủ động có đủ vốn mua tín phiếu NHNN bắt buộc vào thời điểm đó thì ngay từ bây giờ các NHTM phải đẩy mạnh huy động vốn trên thị trường, bởi vì muốn có đủ 20.300 tỷ đồng mua tín phiếu NHNN thì phải huy động ít nhất là 23.000 tỷ đồng vì phải nộp dự trữ bắt buộc 11%.

Do đó TTCK có phản ứng tức thì về việc gần 23.000 tỷ đồng bị rút khỏi lưu thông. Chưa kể trước đó 3 tuần, gần 10.000 tỷ đồng các nhà đầu tư phải lo để nộp tiền mua cổ phiếu IPO của Vietcombank đấu thầu cuối năm 2007. Từ tháng 2/2008 các NHTM phải nộp thêm gần 10.000 tỷ đồng dự trữ bắt buộc. Vậy thì chỉ trong thời gian ngắn thử hỏi thị trường tiền tệ lấy đâu ra gần 50.000 tỷ đồng chui vào kho ngân hàng?

Mô tả ảnh. Nguồn: www.vsolutions.vn

Thị trường phản ứng tức thì với những thay đổi của chính sách tiền tệ. Ảnh chỉ có tính chất minh họa

Cũng với phản ứng tức thì trên thị trường tiền tệ, hàng loạt ngân hàng thương mại hạn chế cho vay vốn nói chung, vay vốn đầu tư chứng khoán lại càng không thể. Thực tế hiện nay một số ngân hàng đã hạn chế cho vay, tập trung thu nợ. Một số NHTM chỉ cho khách hàng truyền thống, cho dự án tốt vay vốn, còn không cho vay đối với khách hàng mới. Thậm chí có trường hợp chào lãi suất cho vay lên tới 2,0%/tháng.

Như vậy cùng với việc TTCK phản ứng tiêu cực với Quyết định số 03/2008/QĐ-NHNN, ngày 1/2/2008 về sửa đổi Chỉ thị 03 về cho vay chứng khoán. Bởi vì Quyết định 03 còn thắt chặt cho vay chứng khoán hơn so với Chỉ thị 03 trước đây.

Một nguồn vốn khác đầu tư vào TTCK cũng bị chặn lại đó là nghiệp vụ Repo và cho vay cầm cố cổ phiếu, cầm cố chứng khoán,... của các công ty chứng khoán đối với khách hàng. Bởi vì với Chỉ thị 03 và Quyết định 03, nguồn vốn vay ngân hàng đầu tư vào chứng khoán chặn lại thì còn có cửa ngách khác đó là công ty chứng khoán. Song nguồn vốn để cho vay của các công ty chứng khoán lại được tài trợ bởi ngân hàng thương mại. Nhưng nay do tình hình thị trường tiền tệ nóng lên, tiền đồng Việt Nam khan hiếm, thanh khoản căng thẳng, nên các ngân hàng thương mại cũng hạn chế, thậm chí là tạm dừng hỗ trợ vốn cho các công ty chứng khoán theo hợp đồng cam kết trước đây, nên các công ty chứng khoán không còn tìm đâu ra nguồn vốn để cho khách hàng của mình thực hiện nghiệp vụ Repo, cầm cố để đầu tư chứng khoán.

Cũng do chính sách tiền tệ thắt chặt nên nguồn vốn ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài đưa vào Việt Nam rất khó chuyển sang VND vì Ngân hàng Nhà nước không mua vào hay hạn chế mua vào, tỷ giá VND/USD liên tục xuống thấp. Các nhà đầu tư nước ngoài thiếu vốn đầu tư trên TTCK.

Nguyên nhân quan trọng thứ hai đó là cung chứng khoán tiếp tục tăng mạnh.

Từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay nhiều công ty niêm yết cổ phiếu mới trên Sở GDCK TP. HCM và Trung tâm GDCK Hà Nội. Trên thị trường OTC, nhiều doanh nghiệp trả cổ phiếu mới phát hành cho cổ đông. Chỉ riêng VPBank đợt này trả cổ phiếu cho cổ đông theo mệnh giá tới 500 tỷ đồng, còn theo giá thị trường tới trên 1.600 tỷ đồng; VIB cũng trả 500 tỷ đồng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương giá thị trường trên 2.000 tỷ đồng; Eximbank trả trên 400 tỷ đồng... Chỉ riêng khối NHTM cổ phần từ đầu tháng 2/2008 phát hành mới gần 8.000 tỷ đồng trị giá cổ phiếu trên thị trường, chưa kể một loạt doanh nghiệp khác. Cung chứng khoán và cổ phiếu tăng nhưng cầu giảm, gây áp lực giảm giá trên thị trường.

Một yếu tố khác đẩy cung chứng khoán tăng đó là khách hàng vay cầm cố cổ phiếu tại các NHTM đến nay đến hạn phải trả nợ, hoặc chưa đến hạn nhưng do giá cổ phiếu giảm mạnh so với thời điểm cầm cố vay vốn, nên phải bổ sung tài sản hoặc rút giảm dư nợ, nên hầu như chỉ còn cách là bán cổ phiếu, bán chứng khoán ra thị trường.

Một tác động khác tới cung - cầu chứng khoán trên thị trường đó là Ngân hàng Nhà nước siết chặt cho vay bất động sản, các NHTM cũng hạn chế cho khách hàng vay vốn đầu tư vào đất đai, nhà ở,... nên để chủ động một mặt các nhà đầu tư dừng việc đầu tư vào thị trường chứng khoán, hoặc bán chứng khoán ra để lấy tiền cho kế hoạch kinh doanh bất động sản. Diễn biến đó lại càng tác động đến cung cầu chứng khoán và cổ phiếu trên thị trường.

Nguyên nhân thứ ba là yếu tố tâm lý.

Chỉ số chứng khoán liên tục giảm, giá cổ phiếu xuống thấp, hàng loạt nhà đầu tư thua lỗ, hụt vốn gây tâm lý chán nản cho các nhà đầu tư. Nhiều người mua chứng khoán một số đợt thị trường giảm thấp cuối tháng 1/2008 và sau Tết Mậu Tý, vì cho rằng đó là lúc thị trường xuống tới đáy rồi, nhưng nay thì thị trường lại xuống tới đáy mới, và không biết có còn giảm xuống nữa không. Chỉ trong thời gian ngắn đã thua lỗ trông thấy. Rất nhiều nhà đầu tư rời sàn chuyển sang thị trường bất động sản và thị trường vàng. TTCK hiện không thu hút được nhà đầu tư mới.

Bởi vậy để TTCK khởi sắc trở lại, thu hút các nhà đầu tư, thực là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thì các cơ quan chức năng cần có chính sách đồng bộ, dài hơi, mạnh bạo và linh hoạt hơn nữa, tránh để thị trường tiếp tục trên đà ảm đạm khó hồi phục và tác động không mong đợi nhiều chiều.

  • Nguyễn Hà

Buông xuôi?

Sau phiên
Sau phiên "Ngày thứ Hai đen tối" đầu tuần này lại tiếp thêm phiên "Ngày thứ Tư đen tối hơn" của hôm nay 20/2 trên cả hai sàn chứng khoán tập trung.

Sau một phiên lội ngược dòng không thành, phiên giao dịch ngày 20/2 đã chứng kiến sự tuột dốc không phanh của hầu hết tất cả các mã chứng khoán trên cả hai sàn HOSE và HASTC.

Đợt mở cửa ngày 20/2, VN-Index giảm nhẹ cho thấy sự giằng co giữa hai bên mua và bán nhưng sang tới phiên khớp lệnh liên tục, sự cầm cự của bên bán không còn nữa mà thay vào đó là tâm lý buông xuôi khi có có tới 90% các mã trên sàn HOSE giảm kịch sàn. Điều đó cho thấy các chính sách thặt chặt tiền tệ nhằm ngăn chặn lạm phát của Ngân hàng Nhà nước đã thực sự ảnh hưởng tới tâm lý các nhà đầu tư.

Qua ba phiên giao dịch đầu tuần này, VN-Index đã thực sự suy sụp khi để mất tới 71,11 điểm, đặc biệt, phiên giao dịch ngày hôm nay (20/2), VN-Index giảm 31,87 điểm tương đương với 4,28% là mức giảm lớn nhất tính theo tỷ lệ tương đối kể từ đầu năm 2008.

Chuỗi sụt giảm mạnh và liên tục kể từ sau tết Mậu Tý đã đưa VN-Index giảm từ 859,62 còn 744,92 điểm, như đang chính thức khép lại các ý kiến và nhận định lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2008. Các biện pháp nhằm bình ổn thị trường được UBCKNN và các cơ quan liên quan nêu ra trong tháng 1/2008 không còn được nhắc tới nữa, trong khi đó các chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước liên tiếp được đưa ra không những gây “sốc” cho hệ thống Ngân hàng thương mại mà sẽ còn ảnh hưởng trực tiếp tới Thị trường chứng khoán.

Cho đến thời điểm này, khó có thể khẳng định VN-Index có trụ vững không khi tâm lý các nhà đầu tư đang bị lung lay, đồng thời luồng tiền đổ vào thị trường chứng khoán trong ngắn hạn gần như bị đóng cửa. Tuy nhiên, niềm hy vọng còn lại của các nhà đầu tư đó là khối lượng và giá trị giao dịch cũng tương đối bền vững, đồng thời trên 90% Công ty niêm yết hoạt động kinh doanh hiệu quả thông qua kết quả BCTC năm 2007.

(Theo tinnhanhchungkhoan.vn)

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics