Kênh thông tin đầu tư ở Vietnam

Monday, July 30, 2007

30.07 VN-Index giảm 14,92 điểm, xuống mức thấp nhất 3 tháng qua

Ngày 30/07/2007, 14:20
30/7: VN-Index giảm 14,92 điểm, xuống mức thấp nhất 3 tháng qua

Sau vài lần trì hoãn do trục trặc về công nghệ của các công ty chứng khoán thành viên, hôm nay (30/7), TTGDCK TP.HCM đã chính thức áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục, tuy nhiên, sự cố vẫn xảy ra ở nhiều nơi.

Kết thúc phiên giao dịch sáng nay, đa số cổ phiếu tiếp tục giảm giá theo xu hướng đi xuống chung từ hồi giữa tháng 3 sau một thời gian dài tăng nóng. Bên cạnh đó, phương thức giao dịch mới cũng khiến khối lượng giao dịch giảm mạnh.

Theo số liệu từ TTGDCK TP.HCM, kết thúc đợt giao dịch thứ 1, VN-Index giảm 11,88 điểm; sang đợt giao dịch thứ 2 (khớp lệnh liên tục), VN-Index giảm 13,66 điểm; và kết thúc đợt giao dịch thứ 3 (cũng là đợt giao dịch lệnh định kỳ để xác định giá đóng cửa cho ngày giao dịch hôm sau) VN-Index chung cuộc giảm 14,92 điểm (tương đương giảm 1,58%) xuống 925,44 điểm - mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua.

Khối lượng giao dịch trong đợt 1 chỉ đạt hơn 1 triệu đơn vị (bao gồm cả cổ phiếu và chứng chỉ quỹ), trị giá 86,3 tỷ đồng; kết thúc đợt 2 cũng chỉ đạt tổng cộng 2 triệu đơn vị và 168,6 tỷ đồng; kết thúc đợt 3 khối lượng giao dịch đạt 2,95 triệu đơn vị và tổng cộng 260,8 tỷ đồng.

Thị trường ghi nhận chỉ 12 mã cổ phiếu tăng giá, 86 mã giảm giá và 11 mã khác đứng giá.

Cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất thị trường hôm nay là FPT (Công ty cổ phần Phát triển đầu tư công nghệ FPT) với hơn 280.000 CP; tiếp đến là STB (Sacombank) với hơn 240.000 CP.

Các cổ phiếu còn lại có khối lượng khớp lệnh chưa đến 100.000 CP, trong đó có 2 cổ phiếu không có giao dịch là RHC (Thuỷ điện Ry Ninh II) và SCD (Nước giải khát Chương Dương).

Đại gia VNM (Vinamilk), cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất thị trường, hôm nay tăng 5.000 đồng lên 177.000 đồng/CP. Cùng xu hướng này, đại gia FPT đã quay đầu tăng trở lại sau chuỗi ngày giảm giá thảm hại, với mức tăng 3.000 đồng lên 253.000 đồng/CP.

Tuy nhiên, sự tăng giá của 2 đại gia này cùng với một số cổ phiếu nhỏ khác không làm đứng vững thị trường khi hàng loạt cổ phiếu khác giảm giá.

Đại gia PPC (Nhiệt điện Phả Lại) giảm 2.500 đồng xuống mức thấp kỷ lục mới từ khi gia nhập sàn TP.HCM là 53.000 đồng/CP; còn đại gia STB giảm 1.500 đồng xuống mức 57.000 đồng/CP.

Nhiều blue-chips khác rớt giá như REE giảm 3.000 đồng; PVD (Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí) giảm 1.000 đồng; VSH (Thuỷ điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh) giảm 2.500 đồng/CP; KDC (Bánh kẹo Kinh Đô) giảm 11.000 đồng/CP; THD (Nhà Thủ Đức) giảm 8.000 đồng/CP; GMD (Gemadept) giảm 6.000 đồng/CP; SAM (Sacom) giảm 7.000 đồng/CP...

Các cổ phiếu mất giá nhiều nhất là BMC (Khoáng sản Bình Định) giảm 16.000 đồng/CP và TCT (Cáp treo Núi Bà Tây Ninh) giảm 12.000 đồng/CP.

Trong số 2 chứng chỉ quỹ, BF1 đứng giá ở mức 11.200 đồng/CCQ với gần 78.000 chứng chỉ khớp lệnh, còn VF1 giảm 900 đồng/CCQ xuống mức 26.500 đồng với gần 670.000 chứng chỉ được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh.

Mặc dù đã thử nghiệm rất nhiều lần vào các buổi chiều trước đó và các công ty chứng khoán tuyên bố đã sẵn sàng, trong phiên giao dịch khớp lệnh liên tục đầu tiên ngày 30/7, sự rối loạn về thông tin kết quả giao dịch đã xảy ra ở rất nhiều nơi.

Ngoài sự cố không hiển thị được bảng giao dịch trực tuyến tại Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), Thăng Long, Quân đội, các bảng giao dịch trực tuyến được nhiều nhà đầu tư thường xuyên theo dõi là SBSC (có chỉ số VN-Index báo tăng ở các đợt, trong khi thực chất là giảm); APEC không báo đúng chỉ số VN-Index khi kết thúc giao dịch; SSI không truy cập được…

Theo một đơn vị cung cấp thông tin chứng khoán, phương thức khớp lệnh liên tục chỉ là một cách thức giao dịch mới so với phương thức khớp lệnh định kỳ, do đó không ảnh hưởng đến việc tăng giảm giá cổ phiếu. Việc giá cổ phiếu tiếp tục giảm giá dường như vẫn là do ảnh hưởng của Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước (về việc giới hạn cho vay kinh doanh chứng khoán dưới 3%), và những cảnh báo của các tổ chức nước ngoài như Merrill Lynch hay HSBC, cộng với sự phát hành ồ ạt cổ phiếu của các công ty cả trên sàn và ngoài sàn khiến lượng cung hàng hoá tăng trong khi cầu chưa tăng kịp.

Tuy nhiên, thực tế giao dịch hôm nay cho thấy, việc áp dụng phương thức khớp lệnh liên tục có vẻ đã gây khó dễ cho nhiều nhà đầu tư vì cách thức đặt lệnh phức tạp. Nhiều nhà đầu tư đã dừng lại quan sát hơn là thực hiện việc đặt lệnh, do đó khối lượng giao dịch đạt mức rất thấp.



Theo VNN

No comments:

Kinh tế

Blog Archive

Topics