Tất nhiên, TTCK Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn, vững chắc hơn - nhưng đó là những nhận định trong dài hạn. Còn trong ngắn hạn - thật khó có thể nói gì trong bối cảnh hiện nay. Đây cũng là điều mà nhiều chuyên gia về chứng khoán (CK) cũng ngập ngừng khi được hỏi về diễn biến thị trường những ngày sắp tới. Từ đầu tháng 7 đến nay - chỉ trong 2 tuần nhưng TTCK đã chứng kiến 2 cú sốc lớn. Đầu tháng 7, nhiều NĐT tá hỏa khi Ngân hàng Hồng Kông - Thượng Hải (HSBC) đưa ra nhận định VN-Index chỉ đạt 900 điểm vào cuối năm 2007. Mức P/E có thể chấp nhận (theo quan điểm của nhóm lập báo cáo HSBC) là 18 lần, trong khi theo tính toán của họ, ở thời điểm lập báo cáo, VN-Index đạt 1.040 điểm, tương đương P/E là 34 lần. HSBC khẳng định: “Chúng tôi nhìn thấy khả năng thị trường sẽ đi ngang trong một vài tháng tới với biên độ rộng”. Ngay sau khi báo cáo này được công bố, cộng hưởng với việc Chỉ thị 03 quy định hạn mức cho vay cầm cố CK của các NHTM là 3% có hiệu lực từ 1/7/2007, TTCK lập tức phản ứng mạnh. Liên tiếp 2 phiên sau đó, màu đỏ nhuốm đầy cả hai sàn, đẩy VN-Index xuống dưới 1.000 điểm, HASTC - Index giảm mạnh. Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó, khi các phương tiện thông tin đại chúng còn đang bận mổ xẻ báo cáo của HSBC, thì TTCK lại xanh rì trở lại. Nhiều NĐT cứ ngẩn ngơ như người mất của, cay cú và tức bực vì đã bị cuốn theo sự sợ hãi của đám đông nên mất tiền oan uổng.
Chỉ sau đó ít ngày, một tổ chức tài chính danh giá khác là Merrill Lynch cũng tỏ ý bi quan về TTCK Việt Nam. Trên cơ sở phân tích 4 yếu tố: giá trị giao dịch trên thị trường chính thức, diễn biến VN-Index, EPS (chỉ số thu nhập/cổ phần), P/E (hệ số giá/lợi nhuận), tổ chức này đưa ra khuyến nghị rút toàn bộ vốn của mình khỏi thị trường Việt Nam. Theo họ, TTCK Việt Nam sẽ vận động như những gì đã diễn ra ở Pakistan năm ngoái. Hàn thử biểu của TTCK Pakistan - chỉ số Karachi Stock Exchange 100 - đã tăng 650% trong giai đoạn 2001-2005 và chỉ tăng 5% trong năm 2006. Còn tại Việt Nam năm ngoái, VN-Index tăng 145%, sau khi tăng 85% trong hai năm trước đó. Từ đầu năm tới nay, chỉ số này tăng 35%, riêng 3 tháng đầu năm tăng 55%. Nhóm nghiên cứu của Merrill Lynch dự báo 1.000 điểm hoặc thấp hơn một chút là ngưỡng hỗ trợ tâm lý của VN-Index, bởi đang có rất ít nhân tố thúc đẩy VN-Index đi lên vào lúc này. Mặc dù bản phân tích của Merrill Lynch được nhấn mạnh chỉ mang tính tham khảo đối với các khách hàng của họ, nhưng khi thông tin này được đưa ra công chúng, nó cũng tạo ra một cú “sốc” cho các NĐT trong nước. Phiên giao dịch ngày 16/7 đã mở hàng với hàng loạt cổ phiếu giảm giá. VN-Index sau hồi cố sức cầm cự, cuối cùng đã phải đầu hàng trước tâm lý bi quan của một số NĐT nhỏ lẻ và lao thẳng một mạch xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm, chỉ còn 995,83 điểm (giảm 19,9 điểm). Tuy nhiên, với một số NĐT khác thì đây lại là lúc “kẻ khóc người cười” như những lần trước khi VN-Index xuống dưới 1.000 điểm. Bởi đây chính là thời điểm mà họ ra tay mua vào với khối lượng lớn...
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có ý định đánh giá, tranh luận về báo cáo của HSBC cũng như Merrill Lynch. Bởi cần phải thấy rằng, trong quá trình hội nhập và phát triển hiện nay, chúng ta phải làm quen dần với việc nhiều tổ chức đưa ra những báo cáo với đủ mọi nhận định khác nhau. Đó là điều bình thường cho TTCK. Chất lượng của các báo cáo không một cơ quan quản lý nào có thể can thiệp mà các tổ chức khi đưa ra nhận định phải tự đảm bảo nhằm giữ gìn uy tín thương hiệu của mình. Khi tiếp cận các báo cáo, phân tích mỗi NĐT có một cách khác nhau. Việc có hành động dựa vào các nhận định hay không hoàn toàn do NĐT quyết định và tự chịu trách nhiệm. Vì vậy mà không nên đổ lỗi cho các bản báo cáo này khi mình ra các quyết định sai vì quá tin tưởng vào nó. Vậy điều gì cần phải nói? Theo chúng tôi đó chính là cách tiếp nhận và xử lý thông tin của NĐT. Trong thời buổi TTCK đang có những diễn biến khó lường như hiện nay, các NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ cần phải biết cách để tồn tại và đứng vững trên TTCK, bởi nếu so sánh với NĐT nước ngoài, họ bao giờ cũng thiệt thòi hơn về mọi mặt, đặc biệt là kỹ năng thu thập và xử lý thông tin.
Cần phải khẳng định rằng, thông tin là vô cùng quan trọng đối với những người tham gia TTCK, bởi trước khi ra quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu nào đó, NĐT cần phải có thông tin để đưa ra quyết định chính xác nhất và hữu ích nhất cho mình.
Đối với TTCK Việt Nam - một thị trường còn rất mới, thì thông tin càng quan trọng hơn, tuy nhiên do NĐT phần đông thiếu hiểu biết nên có xu hướng nghe ngóng. Thông tin nhiều vô cùng nhưng hầu như chẳng mấy ai có khả năng kiểm định. Chính vì thiếu đi một bộ lọc chuẩn xác nên nhiều NĐT không thể biết cái vừa nhận được là vàng hay là rác và luôn luôn muộn vì khi mình nghe được thì cũng rất nhiều người khác đã biết hết cả rồi. Và mỗi khi thị trường đứng trước những thông tin giật gân lại làm cho nhiều NĐT nội khóc - cười. Lúc thì “hào phóng” dốc vốn vào TTCK mà không cần nghĩ điều gì sẽ xảy ra. Lúc thì bán tống, bán tháo để chạy cho nhanh. Các NĐT ngoại, những người có cả nghiệp vụ và kinh nghiệm đã nhận ra sự biến động tất yếu này của thị trường và họ đã thi đua đầu tư với các NĐT nội khi thị trường lên. Rồi cũng chính họ nhận ra thời điểm của sự nguy hiểm, sự nóng của thị trường, nên lặng lẽ bán dần để không gây ra tín hiệu tháo chạy trên thị trường. Chỉ đến khi càng mua càng thấy thị trường giảm giá, NĐT nội mới giật mình hoảng hốt thấy mình đã “leo” quá cao. Cần phải làm gì để bảo vệ thị trường và cả những NĐT nhỏ lẻ, cá nhân trong nước? Nhiều chuyên gia CK cho rằng, các NĐT trong nước cần phải học cách bình tĩnh hơn vì nếu so sánh với nhà đầu tư nước ngoài, họ bao giờ cũng thiệt thòi hơn khi không có đủ điều kiện để cơ cấu, phân bổ danh mục. Nếu bị ảnh hưởng bởi trào lưu mỗi khi thị trường xuống họ sẽ rất thiệt thòi. Cùng đó, theo đại diện một số CTCK, đã đến lúc, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần cho ra đời một trung tâm khoa học nghiên cứu CK (có thể đào tạo chuyên môn về phân tích) để mỗi khi thị trường đứng trước những thông tin giật gân, NĐT có được một nơi tư vấn, đưa ra những quan điểm nhận xét phù hợp, đáng tin cậy).
Nói về việc học cách bình tĩnh của NĐT nội, cần nói ngay rằng, trong những ngày “lửa đạn” vừa qua đã có không ít NĐT cá nhân giành được thắng lợi về mình với cách đầu tư “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ”. Ngoài việc mua trúng những cổ phiếu sau một thời gian tăng giá vùn vụt thì phần lớn trong số họ có chiến lược đầu tư bài bản, thận trọng và phù hợp với mình. Ngoài bài học xương máu “không bỏ hết trứng vào một rổ” đã có không ít NĐT đã biết cách bán mua bình quân theo từng chặng ngắn để giảm thiểu rủi ro. Ví dụ: Bạn nắm 1.000 cổ phiếu A, muốn bán giá 80.000 đồng thì khi thấy giá lên 78.000 đồng là có thể bắt đầu bán dần, giá tăng thêm chút lại bán tiếp. Dù giá sau đó có hạ đột ngột, bạn cũng đã bán được giá tốt theo mức bình quân. Việc mua vào cũng làm theo công thức này, mua dần, mỗi lần một ít. “Bán mua như thế lỡ có... ngủ quên cũng không sợ”, một chuyên gia về CK đã đúc kết.
Tất nhiên, còn có rất nhiều kế sách và binh pháp khác phải ghi nhớ để có thể tồn tại và thành công trên TTCK. Tuy nhiên, NĐT không thể không lưu ý đến một bài học nhập môn của đầu tư CK đó là: phải luôn nhớ mình đang tìm kiếm gì trên thị trường; nếu không, từ vị trí kẻ săn mồi những NĐT mới sẽ biến thành con mồi chỉ trong tích tắc. Một câu nói hình ảnh về nguyên tắc này: “Không ai ăn một con cá cả thịt, xương, đuôi, vẩy...”. Đầu tư CK cũng giống như vậy.
No comments:
Post a Comment