Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu “quí tộc” này đang có sự “chia rẽ” sâu sắc, không còn cảnh dàn hàng ngang tăng giá như trước do nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu “cảnh giác” khi đổ tiền vào lĩnh vực này.
Nói về cổ phiếu (CP) của các NH thương mại cổ phần, tổng giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài lắc đầu: “Nói thật, bây giờ vô ngồi họp với mấy ổng chán lắm! Toàn bàn chuyện phải chia CP thưởng thế nào, phát hành thêm bao nhiêu để hấp dẫn nhà đầu tư nhằm đẩy giá CP lên. Thời lượng dành cho thảo luận chiến lược cạnh tranh và phát triển rút ngắn lại, trở thành nội dung thứ yếu”.
Một cho tất cả
Phó tổng giám đốc một quỹ đầu tư: Phải sáp nhập nếu không muốn phá sản. Nhiều người hỏi tôi hiện tại có nên “ôm” cổ phiếu NH không. Câu trả lời là nên, nhưng phải chọn những NH có tên tuổi lớn, làm ăn chuyên nghiệp và có đội ngũ quản trị hùng mạnh. Tại vì NH ở Việt Nam còn dư địa phát triển rất nhiều, mức độ phát triển vẫn còn ở thời kỳ sơ khai, đa số người dân chưa mở tài khoản, chúng ta lại chưa có các dịch vụ và sản phẩm cao cấp của NH đầu tư, NH bán lẻ, NH tư nhân... mà các nước trong khu vực đã sử dụng nhiều năm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở tầm vĩ mô là cần sắp xếp hệ thống NH lại như thế nào? Những NH thiếu năng lực cạnh tranh, kém về mặt quản trị sẽ đi về đâu? Tôi cho rằng, các NH này muốn tồn tại phải tái cơ cấu, phải đào tạo và chiêu nhận được người có năng lực, phải sáp nhập với các NH lớn, phải có sự hỗ trợ kỹ thuật hùng hậu từ đối tác chiến lược nước ngoài, nếu không phải chịu sự đào thải và phá sản hàng loạt trong tương lai không xa. |
NH Eximbank gần đây đã trở thành đề tài chính trong các câu chuyện của giới đầu tư khi họ bàn về “thuật giữ giá CP”. Một tháng sau lễ khai trương Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mà Eximbank là cổ đông chính, NH này đã ủy quyền quản lý sổ cổ đông cho VDSC. Ở thời điểm này, giá CP Eximbank đã giảm xuống mức 6,5 triệu đồng/CP từ mức kỷ lục gần 14 triệu đồng/CP.
Sau khi được ủy quyền, VDSC lập tức tuyên bố chấp nhận mua vào Eximbank với giá 7 triệu đồng/CP, một động thái mà giới đầu tư cho rằng, Eximbank đã đặt ra mức giá sàn cho chính CP của mình. Nhiều ngày sau đó, các khách hàng đến VDSC đều thấy một tấm bảng ghi dòng chữ lớn “Chào mua cổ phiếu Eximbank”, với mức giá hấp dẫn cùng với số điện thoại liên hệ.
Sau Eximbank, một NH khác cũng tiết lộ ý định sẽ mua vào CP của chính mình khi giá xuống quá thấp và thông tin này lập tức phát huy tác dụng. Trong vòng một tuần, giá CP của NH này đã tăng lên gần 8%.
Theo lãnh đạo một NH, nếu giữ được giá CP cao và ổn định thì nhiều mục tiêu khác cũng sẽ đạt được. “Không biết từ bao giờ đã hình thành cách suy nghĩ rằng, giá CP tăng thì uy tín của doanh nghiệp (DN) mới cao, hình ảnh của DN mới tốt. Ngoài ra, giá CP cao thì việc huy động thêm vốn bằng cách phát hành mới sẽ khả thi hơn, nhà đầu tư mua đi bán lại CP dễ dàng sẽ kích thích họ tiếp tục bỏ vốn vào NH. Vì thế, hễ giá CP rớt là chúng tôi cứ như ngồi trên đống lửa”, ông tâm sự.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã không rơi vào “bẫy giá” của các NH và thận trọng hơn khi tham gia lĩnh vực này. Bằng chứng là vài tuần nay, giá của các CP NH đã bắt đầu đi theo các chiều hướng khác nhau, chứ không cùng một chiều tăng hay chiều giảm như trước.
Các CP cũng phân nhóm rõ rệt. Nhóm một có giá trên 7 triệu đồng/CP (mệnh giá quy về 1 triệu đồng/CP) có thể thấy những Đông Á, Eximbank, Techcombank... Nhóm hai gồm VPBank, Quân đội, Habubank... được giao dịch ở mức 5-6 triệu đồng/CP. NH Phương Nam, Phương Đông... thuộc nhóm thứ ba với giá chuyển nhượng từ 3,8-4,6 triệu đồng/CP. Nhóm cuối cùng là các NH nông thôn vừa lên đời thành NH đô thị, giao dịch nhỏ giọt vì số cổ đông chưa nhiều và người mua còn vắng bóng.
Vàng thau lẫn lộn
Giới đầu tư cho rằng, các NH Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt lớn với những thách thức và cơ hội phát triển “ngàn năm có một”. Ngày càng nhiều người dân cần tới các dịch vụ tiện ích NH do chỉ có khoảng 8% dân số đang sở hữu một tài khoản tại bất cứ NH thương mại nào. Trong nền kinh tế hiện đại, các DN trong nước cũng đang từng bước hiện đại hóa phương thức quản trị, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài chính, bằng cách tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong thao tác chuyển dịch các khoản tiền lớn.
Những đánh giá này đã đưa đến kết quả từ khoảng cuối năm 2005, CP NH là tâm điểm của TTCK phi tập trung OTC. Những tin tức về mức tăng trưởng lợi nhuận rất cao của các NH đã khiến “cơn sốt” CP NH tăng nhiệt từng ngày. Hầu hết DN “đại gia” đều muốn sở hữu CP NH, hoặc một phần của NH. Phong trào mua NH nông thôn rồi xin hoán chuyển, nâng cấp thành NH thành thị trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Những NH nông thôn đang ngắc ngoải chờ “chết”, qua một đêm bỗng biến thành vàng ròng “mấy chấm”.
Khi NHNN chưa có phương án cấp phép thêm cho NH thương mại, các “đại gia” rủ nhau săn lùng những NH đã phá sản và “phù phép” cho sống lại. Có những NH chưa hề “cựa mình sống lại” mà đã được thị trường chào mời với giá gấp mấy lần mệnh giá. Nói chung, thượng vàng hạ cám, bất cứ cái gì dính dấp tới NH đều biến thành vàng ròng và trở thành món “đặc sản” cho bao nhiêu người mua, kẻ bán.
Tuy nhiên, dường như không nhà đầu tư cá nhân nào quan tâm đến năng lực của đội ngũ điều hành, cũng không mấy ai quan tâm đến chiến lược cạnh tranh của NH trong tương lai. Hầu hết NH đều lấy Vietcombank làm chuẩn mực, tuyên bố chiến lược trở thành NH bán lẻ, NH phục vụ DN vừa và nhỏ, cũng như chạy đua phát hành thẻ... Rất nhiều nhà chiến lược quốc tế phải ngỡ ngàng khi hỏi đến chiến lược phát triển của các NH Việt Nam. “NH nào cũng nói giống nhau, tôi không biết họ có hiểu đúng nghĩa của từ “chiến lược” không? ”, ông Claude Schmidt, nhà tư vấn chiến lược NH hàng đầu của Thụy Sĩ, từng đặt câu hỏi.
Giá CP sẽ theo hướng nào?
Tuy vậy, các NH vẫn chứng tỏ họ là một trong những “cỗ máy” tài chính kiếm tiền hiệu quả nhất. Hầu hết đều đang lãi to vì mức cầu tín dụng tại các DN ngày càng tăng, lãi từ khoản thế chấp CP bởi các nhà đầu tư cá nhân, lãi từ danh mục đầu tư chứng khoán của NH trong thời vàng son của TTCK, lãi từ các dịch vụ hỗ trợ giao dịch quốc tế và cả từ khoản cho vay đầu tư bất động sản...
Tất cả những khoản ấy đã khiến lợi nhuận NH Việt Nam tăng trưởng mạnh nhất trên mặt bằng khu vực. CP NH được săn lùng và giao dịch với mức thanh khoản khá cao cho đến đầu tháng Bảy, hầu hết đều “rơi không phanh” khi thị giá giảm hơn một nửa so với thời kỳ đỉnh cao vào tháng Ba. CP NH Mỹ Xuyên còn 3,2 triệu đồng/CP, Phương Nam chỉ còn 3,6 triệu đồng/CP, VPBank còn 3,7 triệu đồng/CP...
Giới đầu tư liên hệ chuyện giảm giá với việc Chỉ thị 03 của NHNN ra đời đã thắt chặt khả năng cho vay vốn đầu tư vào chứng khoán một cách tự do khiến nhiều NH xính vính bởi mất đi một kênh giải ngân đáng “đồng tiền bát gạo”. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp lại cho rằng, CP NH rớt giá vì thị trường đã nhận ra một số NH không có khả năng sử dụng vốn một cách hiệu quả.
Các chỉ số tài chính như P/E, PEG, ROE... đều không hấp dẫn. Các NH này không hề có khả năng gây dựng nghiệp vụ NH chính thống, lượng vốn huy động được từ cổ đông, NH lại đem dùng vào việc...gửi tiết kiệm ở các NH khác hoặc cho các cổ đông “đại gia” của mình vay.
Theo các quỹ đầu tư, hiện các nhà đầu tư đang có khuynh hướng bán tống CP NH trong danh mục đầu tư của mình để cắt lỗ. Nhưng từ góc nhìn chuyên nghiệp, các nhà đầu tư trường vốn đang gom các nén vàng qua CP của các NH hạng nhất. Tuy nhiên, nhận định của các công ty chứng khoán và các chuyên gia tài chính cho rằng, rất có thể giá CP NH sắp tới sẽ gặp một đợt khủng hoảng mới tương tự như đối với CP ngành bảo hiểm.
Một chuyên gia môi giới nhận định: “Còn nhớ sau khi Bảo Việt đấu giá xong, mức giá đấu thành công trung bình của Bảo Việt trở thành một mức giá tham khảo mới cho CP ngành bảo hiểm. Hàng loạt CP khác trong ngành giảm mạnh mà gần như không tìm ra người mua. Sau khi Vietcombank đấu giá xong vào cuối tháng Tám, chắc chắn mặt bằng giá CP NH sẽ được lặp lại theo kịch bản của ngành bảo hiểm. Vì thế, CP NH trong thời gian này cứ trôi “lềnh bềnh” bởi hầu hết nhà đầu tư đều trong trạng thái chờ đợi”.
No comments:
Post a Comment